Khi nghĩ đến tất cả những gì Ernest đã chia sẻ với tôi về những cảm thức của nó trong thời gian ở tù, và những kết luận nó rút ra được từ đó, tôi thấy nó thực sự muốn thực hiện cái chước cách cuối cùng có thể xuất hiện trong đầu nó, chính là việc nó muốn từ bỏ cha và mẹ vì Chúa Kitô. Nó nói rằng nó bỏ cha mẹ bởi họ cản lối nó đến với hạnh phúc đích thực và vững bền nhất của nó. Cho là vậy đi, nhưng hạnh phúc này là gì nếu không phải là Chúa Kitô? Và Chúa Kitô là gì nếu không phải là hạnh phúc bền vững đích thực nhất đó. Một con người mang lấy quan điểm cao vời nhất và tự trọng nhất về hạnh phúc của chính mình trong giới hạn ý thức của mình, và gắn chặt vào đó bất kể lề thói, chính là một Kitô hữu, cho dù nó có nhận ra được như vậy hay không. Một bông hoa hồng chẳng thể mất đi chút giá trị nào của bông hoa hồng, nếu chỉ bởi nó không biết tên của mình.
Điều gì mà ngoại cảnh đã khiến cho gánh nặng của nó nhẹ nhàng hơn so với hầu hết những người khác? Đó chính là vận may của nó, hệt như vận may của những người đã được nhẹ gánh hơn nhiều nhờ tình cờ được sinh ra đúng chỗ. Nếu người ta được sinh ra giàu sang hay xinh đẹp, chắc chắn họ có quyền có một tương lai tươi sáng. Một vài người tôi biết sẽ nói rằng người ta chẳng có quyền gì để vừa mới sinh ra đã được hơn người, số khác lại nói rằng vận may chỉ đến với những người tôn kính. Tôi dám nói rằng cả hai có thể đúng trong nhiều trường hợp, nhưng dù cho cái nào đúng đi nữa, thì chắc chắn Ernest có quyền có được vận may tốt đẹp sẽ làm nhẹ gánh cho nó khi vướng phải nỗi bất hạnh rắc rối đến nỗi bị tống giam này. Chẳng ai có thể cười nhạo một người vì anh ta có được con bài chủ trong tay, mà chỉ có thể cười nhạo khi anh ta không biết dùng nó cho tốt mà thôi.
Thật sự, tôi hoài nghi không biết liệu với những người khác thì việc bỏ cha mẹ vì Chúa Kitô có khó khăn hơn so với Ernest hay không. Có lẽ trước khi đến mức tuyệt giao này thì mối quan hệ giữa hai bên hẳn phải gần như luôn cực kỳ căng thẳng. Tôi không biết liệu có ai đó, vì một lẽ thuần lý trí, bị đòi buộc phải từ bỏ những người mà anh ta vốn đang gắn bó thân mật hay không, nếu thế thì anh ta phải thôi không gắn bó mật thiết với họ trong một thời gian dài trước khi được mời gọi đoạn tuyệt với họ, bởi do sống trong những hoàn cảnh khác nhau, giữa hai bên sẽ nảy sinh những quan điểm khác nhau về động cơ quan trọng sống còn của đời sống, và chúng sẽ dẫn đến nhiều bất đồng khác đến nỗi khi sự ‘đoạn tuyệt’ xảy đến thì nó cũng hệt như nhổ bỏ một cái răng sâu gây đau đớn nhưng đã mục rỗng và lung lay quá rồi. Nỗi đau thực sự của chúng ta chính là sự hư mất của những người mà chúng ta không được đòi hỏi phải từ bỏ họ vì Chúa Kitô. Và rồi trong thái độ sốt sắng từ bỏ của chúng ta vẫn có một cơn đau quặn thắt tâm can. May thay, dù việc này nhẹ nhàng hay nặng nề thế nào, thì một khi chúng ta làm xong coi thì cũng coi như đã đủ, chúng ta nhận lấy phần thưởng của mình hệt như hercules khi làm đủ mười hai nhiệm vụ vậy.
Nhưng trở lại với câu chuyện của chúng ta, Ernest đã đi đến kết luận là sẽ trở thành một thợ may. Nó đã nói chuyện này với ông tuyên úy, và ông ấy bảo rằng nếu nó quyết tâm học nghề trong thời hạn tù còn lại, khoảng ba tháng, thì chẳng có lý gì khi ra khỏi tù, nó không kiếm được sáu hay bảy shilling một ngày. Bác sỹ cho biết nó đã đủ khỏe để học may, và đó là thứ duy nhất nó cần để bắt tay vào việc, nên nó rời thương xá sớm hơn dự kiến, và gia nhập xưởng may, lòng đầy hân hoan khi lại thấy được một con đường để đi, và vững tin vào thành công sẽ đến, chỉ cần nó có được một bàn đạp vững chắc để bắt đầu.
Tất cả mọi người làm việc cùng với nó đều thấy rằng nó chẳng có gì để đáng liệt vào thành phần bất hảo, đồng thời cũng nhận ra nó háo hức học hỏi và biết cách tránh những rắc rối, nên họ luôn đối đãi với nó tử tế và gần như là đầy tôn trọng. Nó chẳng thấy nghề may có gì chán ngấy hay khó chịu, thậm chí còn thoải mái hơn việc làm thơ bằng tiếng Latin và Hy Lạp lúc còn ở Roughborough, và nó thấy là đáng ra nó nên ở đây, trong tù còn hơn là phải về lại Roughborough, hay thậm chí là Cambridge. Vấn đề duy nhất nó dễ vướng phải là việc nó thường trao đổi vài lời và nhìn những tù nhân khác với một ánh mắt thân thiện. Điều này bị cấm, nhưng nó luôn cố tận dụng mọi cơ hội để bỏ qua luật này.
Bất kỳ ai vừa có năng lực vừa nóng lòng như nó tất nhiên sẽ tiến bộ thần tốc, và rồi trước khi mãn hạn tù, quản giám bảo rằng nó đã là một thợ may khéo tay chỉ với ba tháng học việc, trong khi người khác phải mất đến một năm. Chưa bao giờ trước đây, Ernest được giáo viên nào khen như vậy. Từng ngày trôi qua, nó càng khỏe hơn và càng quen hơn với môi trường xung quanh, nó thấy tình thế hiện tại này đem lại cho nó vài mối lợi mà nó vốn không nhắm đến, và thấy ngỡ ngàng trước vận may này của mình, bởi mọi chuyện đã được sắp xếp quá tuyệt vời cho nó hơn cả những gì nó có thể thu xếp cho mình nữa.
Nó đã sống ở Ashpit Place được sáu tháng, và đó là một lợi thế cho phép nó có thể làm được những chuyện vốn là bất khả thi với những người cùng địa vị như nó. Nếu một người như Towneley bị bắt từ nay về sau phải sống trong một ngôi nhà giống như Ashpit Place thì hẳn anh ta không thể chịu đựng nổi. Nếu như do túng thiếu mà bị ép phải đến ngụ ở đó, thì Ernest cũng sẽ không thể chịu nổi. Chỉ bởi vì nó tự thấy rằng mình có thể rời khỏi đó bất kỳ lúc nào nên mới không muốn dọn đi, tuy nhiên, giờ đây khi đã quen với cuộc sống ở Ashpit Place, nó chẳng còn bận tâm đến điều đó nữa, và đã có thể sống thoải mái vui vẻ giữa tầng lớp thấp hơn của London bao lâu nó có thể tự kiếm ăn được. Nó tập sống giữa lớp dân nghèo không phải bởi lo xa tính toán cho tương lai. Nó đã cố để thành thạo công việc bằng một lối học hời hợt hơn, nhưng đã thất bại hoàn toàn. Rồi nó thực hiện một nỗ lực nhỏ, rất nhỏ bằng cách sống thật tâm, và chính đó, lối sống đó, vào đúng lúc nó cần, đã ban cho nó một phần thưởng còn lớn hơn những gì nó đáng được nhận. Nó không thể đối diện với việc trở nên một trong số bần dân trừ phi có được một cầu nối với giữa nó với họ, thứ mà nó đã vô tình khám phá được ở Ashpit Place này. Thật vậy, vẫn có những trở ngại với Ashpit Place, nơi nó đã chọn, nó không muốn phải sống trong một căn nhà có ông Holt dữ dằn và nó cũng sẽ không muốn bị dán chặt vào cái nghiệp mà nó ghét cay ghét đắng nữa. Nếu như không có những tiếng gào thét cùng những bài Kinh Thánh thì hẳn nó sẽ rất hạnh phúc sống trong căn phòng gác mái giá ba shilling một tuần như của cô Maitland vậy.
Khi nghĩ xa hơn nó nhớ lại rằng tất cả mọi sự sẽ tốt đẹp sẽ dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa, và nó tự hỏi mình liệu có thể là nó, dù không hoàn toàn, cũng đã cố để yêu mến Thiên Chúa hay không? Nó chẳng dám trả lời là Có, nhưng nó sẽ cố gắng để làm như vậy. Rồi chợt nó nghĩ đến giai điệu tuyệt vời của Handel: ‘Thiên Chúa cao cả, Người có đó nhưng chúng ta không rõ,’ và nó cảm nhận sâu sắc điều này như chưa từng bao giờ nhận ra trước đây. Nó đã mất niềm tin vào Kitô giáo, nhưng trong nó vẫn còn niềm tin vào sự gì đó mà nó không rõ. Nhưng nhất thiết phải có một sự gì đó khiến cho những sự ngay chính nên đúng đắn và những thứ xấu xa ra tồi tệ, và niềm tin đó của nó ngày càng mạnh hơn.
Một lần nữa, nó lại nghĩ đến cái sức mạnh mà nó thấy là nó có, và cách nào, nơi nào sức mạnh đó sẽ được lộ ra. Cũng chính bản năng tương tự sức mạnh đó đã dẫn đưa nó đến sống giữa những người nghèo, bởi đó cũng chính là thứ gần nhất với con người trong nó mà nó có thể nắm bắt được rõ ràng. Nó nghĩ về những mỏ vàng ở Úc châu và làm sao mà người ta sống ở đó nhưng chẳng bao giờ nhìn ra được dù vàng đầy rẫy quanh họ, ‘Vàng ở mọi nơi,’ nó reo lên trong lòng, ‘cho những ai biết tìm kiếm nó.’ Nếu nó biết tìm kiếm đủ cẩn thận trong phạm vi hoàn cảnh hiện thời của mình, biết đâu cơ hội lại đang ở gần nó thì sao? Vậy thì vị thế hiện nay của nó là gì? Nó đã mất tất cả. Chẳng lẽ nó không thể biến mất mát của nó thành cơ hội được hay sao? Nếu nó cũng biết noi theo thánh Phaolo, tìm kiếm sức mạnh Thiên Chúa, một sức mạnh vốn nằm nơi sự yếu đuối, chẳng lẽ nó không thể thành công hay sao?
Ernest chẳng có gì để mất: tiền bạc, bạn bè, danh tiếng, tất cả đã ra đi nếu không vĩnh viễn thì cũng phải rất lâu nữa mới tái hồi lại được, nhưng cũng có một thứ đã tan biến theo cùng những điều trên. Đó chính là nỗi sợ của nó, nỗi sợ bị người khác làm tổn thương. Cantabil vacuus. Người chẳng có gì thì chẳng có gì để mất. ai có thể khiến nó tổn thương hơn những gì nó đã phải nhận nữa đây? Những tổn thương chỉ khiến nó mạnh mẽ hơn và biết tự lo cho mình, nó biết rằng nó dám làm mọi thứ để biến thế gian này thành một nơi hạnh phúc hơn cho những người trẻ tuổi và dễ thương. Nó quá thích thú điểm này đến nỗi gần như mong ước mất thanh danh hơn nữa, bởi nó thấy rằng gần như trong đời người, những thứ tìm thấy lại mất đi, và những thứ mất đi sẽ lại được tìm thấy. Nó đã không có đủ can đảm để từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô, nhưng giờ đây, Ngài đã thương mà lấy hết đi và hãy xem, chẳng phải dường như nó đã tìm thấy được mọi thứ đó sao.
Ngày qua ngày, dần dần Ernest thấy rằng như mọi cặp thái cực khác, Kitô giáo và chối bỏ Kitô giáo, đến cuối cùng cũng gặp nhau, đó không phải là cuộc chiến về vấn đề, mà chỉ là tranh chấp về danh xưng. Thực sự thì Giáo hội Roma,
Giáo hội anh giáo, và những người theo tư tưởng tự do đều có chung một mẫu mực tư duy và đều gặp nhau trong một con người cao quý, bởi vị thánh hoàn hảo nhất cũng là con người cao quý hoàn hảo nhất. Rồi nó thấy rằng những gì người ta tuyên xưng, dù theo tôn giáo hay vô tôn giáo, đều chẳng có gì là to tát, chỉ cần người ta theo đuổi tuyên ngôn của mình với một sự mâu thuẫn giao tranh đầy khoan nhượng, và không khăng khăng cố chấp đến tận cùng. Vấn đề xung đột không hệ tại ở giáo lý hoặc thiếu giáo lý, mà nằm ở chính sự nhất quyết đòi cho được giáo lý nào buộc mọi người phải tuân theo. Đây là đỉnh điểm suy tư của nó, và một khi đã đến được đó, nó chẳng còn muốn quấy nhiễu Giáo hoàng làm gì nữa. Còn Tổng Giám mục Canterbury có lẽ sẽ nhảy quanh nó ăn mừng và thậm chí có thể nói năng thoải mái mà không sợ bị bắt lẽ. Có thể ngài Giám mục đầy thận trọng này bất đồng về quan điểm với Ernest, nhưng như những con chim có thể yên tâm đậu xuống mà ăn vụn bánh trên tay ông ấy thế nào, thì ông ấy cũng sẽ càng chẳng có chút ngại ngần vô ích nào với Ernest của chúng ta.
Có lẽ nó đi đến được kết luận như thế là nhờ một biến cố đã gần như đẩy nó vào sâu trong sự mâu thuẫn. Vài ngày sau khi rời thương xá, nó được viên tuyên úy đến thăm và báo cho biết rằng người tù chơi đàn trong nhà nguyện vừa mãn hạn và đã rời khỏi đây, bởi thế ông đề nghị Ernest thế chỗ, bởi ông được hay là nó biết chơi đàn. Lúc đầu, Ernest ngần ngại không biết có nên tham gia vào những việc phụng vụ tôn giáo này hay là để bị ép phải làm đây, nhưng niềm vui được chơi đàn, cộng với những ưu ái dành cho vị trí này đã khiến nó thấy hoàn toàn chẳng có lẽ gì để cứ mãi khăng khăng từ chối. Rồi, khi đã từng có và từng biết đến những mâu thuẫn trong mình, nó không quá cố chấp để khăng khăng giữ mâu thuẫn đó, và thực sự là từ lâu trước đó, nó đã chiều theo một chủ nghĩa trung dung hòa nhã, xét bề ngoài thì có vẻ khác biệt nhưng rất nhỏ so với chủ nghĩa trung dung mà ông Hawke đã truyền cho nó.
Bây giờ nó vẫn chưa phải làm những việc lao công trong tù vì bác sỹ nói là nó chưa đủ sức, nhưng rồi thế nào nó cũng phải làm lúc khỏe hơn. May thay khi trở thành người đánh đàn, nó được miễn những việc đó. Thậm chí nếu muốn, nó cũng có thể rời xưởng may để đến phòng của viên tuyên úy làm những việc tương đối nhẹ nhàng, nhưng bởi muốn học làm thợ may và cố hết sức vì điều đó, nên nó không chịu rời xưởng, dù vậy, nó vẫn được cho phép đến nhà nguyện hai tiếng mỗi chiều để tập đàn. Từ lúc đó trở đi, cuộc sống trong tù của nó thôi buồn tẻ, và hai tháng tù còn lại trôi qua thật nhanh như thể nó đã được tự do rồi vậy. Với âm nhạc, sách vở, việc học được nghề may, và những buổi trò chuyện với viên tuyên úy ân cần tử tế vốn giúp cho Ernest được vững vàng hơn đôi chút, những ngày trong tù trôi qua thật êm đềm nên đến lúc mãn hạn, nó đã, hoặc nghĩ là đã, rời nhà tù với đôi chút nuối tiếc.