Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 56

Tác giả: Samuel Butler

Một nỗi phiền muộn mơ hồ khó định hình đang dần chiếm lấy Ernest. Tôi đã từng thấy một con ngựa rất nhỏ đang cố ăn một vài thứ cực kỳ rác rưởi, và nó chẳng thể nhận định những thứ đó tốt hay không. Rõ ràng, nó cần được chỉ dạy. Nếu mẹ nó thấy việc nó đang làm thì hẳn sẽ chỉnh đốn ngay lập tức, và rồi chú ngựa con sẽ sớm được chỉ bảo cho biết thứ nó đang ăn là rác rưởi, nó sẽ nhận biết được và chẳng cần được chỉ dạy thêm lần nữa. Nhưng tự mình, nó chẳng thể xác định được vấn đề, và không có sự giúp đỡ thì nó cũng chẳng nhận thức được là nó thích thứ nó đang nhai hay không nữa. Tôi cho rằng nếu để mặc, thì dần dà nó cũng sẽ nhận ra được những điều này, nhưng như thế là lãng phí thời gian và chuốc lấy phiền hà, trong khi chỉ cần một cái nhìn của mẹ nó, mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thỏa. Việc này cũng hệt như hèm rượu đến một lúc nào đó sẽ tự lên men, nhưng nếu được cho thêm một chút men thì tiến trình sẽ nhanh hơn nhiều. Về vấn đề nhận thức những gì sẽ cho chúng ta được vui sống, thì hết thảy chúng ta cũng như hèm rượu vậy, nếu không có chất men thêm vào, chúng ta sẽ chỉ đạt được điều đó một cách chậm chạp và khổ sở.

Ernest bất hạnh của chúng ta lúc này cũng rất giống với chú ngựa con đó, hay đúng hơn là nó đang cảm nhận những gì mà con ngựa sẽ cảm nhận nếu mẹ nó và những con ngựa trưởng thành khác trong đàn cam đoan rằng thứ nó đang ăn là thức ăn bổ dưỡng nhất và tuyệt vời nhất có thể kiếm được. Nó quá bồn chồn khắc khoải mong làm điều đúng đắn, và sẵn sàng tin tưởng rằng tất cả mọi người đều hiểu biết hơn nó, và nó sẽ chẳng bao giờ mạo hiểm thừa nhận với chính mình là nó đang chạy theo một con đường sai lầm vô vọng. Nó chẳng bao giờ nghĩ được rằng có thể có một sai lầm nào đó, đồng thời nó cũng chẳng cố gắng bao nhiêu để tìm xem sai lầm đó nằm ở đâu. Tuy thế, nỗi phiền muộn cứ đè nặng trên nó, và ngày càng chín muồi chực nổ tung nó ra, nhưng vẫn chỉ một mình nó không nhận thức được sự thật này.

Tuy nhiên, trong đống mơ hồ đó, có một điều bắt đầu hiện rõ dần, và theo bản năng, Ernest cố để nắm bắt nó. Điều tôi muốn nói đến chính là sự thật rằng Ernest chỉ cứu được rất ít linh hồn, trong lúc hàng ngàn linh hồn khác đang hư mất đi mỗi giờ, mà nếu nó có được một chút sinh lực của đức ông Hawke thì hẳn đã có thể cứu vớt được họ rồi. Ngày này qua ngày khác, và nó đã làm được những gì? Nó vẫn giữ quá chuẩn các nghi thức, và cầu nguyện cho giá cổ phiếu lên xuống theo ý nó, để nó có đủ tiền phục hưng thế giới này. Nhưng trong lúc đó giáo dân đang chết dần mòn. Trước khi nó có thể áp dụng phương pháp bệnh học phần hồn cho người ta, thì đã có biết bao nhiêu người phải chịu kết tội đọa đày địa ngục vĩnh viễn. Tại sao nó không đứng ra và giảng dạy theo kiểu những người Biệt giáo đôi khi vẫn làm ở trường Lincoln’s Inn và nơi những đường phố lớn? Nó có thể nói tất cả những gì mà ông hawke đã nói. Hiện giờ trong mắt Ernest, ông Hawke chỉ là một kẻ tội nghiệp, bởi ông theo hạ phái, nhưng chúng ta phải biết học hỏi từ bất kỳ ai, và chỉ cần có đủ can đảm để lên tiếng, chắc chắn nó có thể tác động mạnh đến người nghe không thua gì lúc ông Hawke tác động đến nó. Nó cũng thấy những người đứng giảng nơi quảng trường đôi khi thu hút được một đám đông thính giả rất lớn. Dù gì đi nữa, nó có thể giảng tốt hơn họ kia mà.

Ernest gợi ý điều này với Pryer, nhưng anh ta lại xem đó là một ý tưởng quá tồi tệ chẳng đáng giữ trong đầu. Anh ta bảo chẳng gì có thể hạ giá sự cao quý của giáo sĩ và khiến Giáo hội bị khinh rẻ bằng hành động đó. Và anh thốt ra những lời này với vẻ cộc cằn và thậm chí là cực kỳ thô lỗ.

Ernest liều lĩnh thử phản đối Pryer một chút, nó thừa nhận việc nó định làm là bất thường, nhưng dù gì thì cũng phải làm một việc gì đó, và phải làm cho nhanh. Chẳng phải đây cũng là cách mà Wesley và Whitfield đã khởi đầu phong trào lớn vốn đã khơi lên đời sống tôn giáo trong hàng trăm ngàn người đó sao. Hiện giờ chẳng còn thời gian để giữ cái thể diện cao giá của mình nữa. Chẳng phải Wesley và Whitfield đã làm những điều mà Giáo hội không làm, và nhờ đó có biết bao nhiêu người bỏ Giáo hội mà theo họ hay sao?

Pryer nhìn Ernest dò xét, và sau một lúc, anh ta lên tiếng, ‘Tôi chẳng thể biết bạn đang nghĩ gì nữa, Pontifex ạ, bạn vừa rất đúng mà cũng rất sai. Tôi chân thành đồng ý với bạn rằng nên làm điều gì đó, nhưng không thể làm điều đó theo cái cách mà kinh nghiệm đã chỉ ra rằng nó chẳng cho ta điều gì ngoài sự cuồng tín và biệt giáo. Chẳng lẽ bạn tán thành những kẻ theo phái Wesley ư? Chẳng lẽ bạn rẻ rúng những lời thề chức thánh của mình đến nỗi nghĩ rằng những việc phụng vụ Giáo hội được cử hành trong hay ngoài nhà thờ đều như nhau ư? Nếu bạn nghĩ vậy, thì tôi nói thẳng, bạn chẳng đáng được phong chức, Còn nếu suy nghĩ của bạn không như vậy, thì xin nhớ rằng một trong những bổn phận đầu tiên của một phó tế trẻ là tuân theo thẩm quyền Giáo hội. Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội anh giáo đều không cho phép các giáo sỹ của mình ra đứng đường mà giảng dạy, khi đã có đủ nhà thờ cho họ rồi.’

Ernest cảm thấy bị áp đảo, và Pryer cũng đã nhìn ra sự xao động trong nó. Anh ta tiếp tục với một giọng ân cần hơn, ‘Chúng ta đang sống trong một thời chuyển tiếp, và trong một đất nước dù đã thu gặt được nhiều nhờ công cuộc Kháng Cách, vẫn chưa nhận thức được những mất mát lớn lao đi kèm với nó. Bạn không thể và không được đem Chúa Kitô rêu rao giữa phố chợ như thể ở một nước ngoại đạo nơi người ta chưa từng được nghe biết về Ngài. Dân chúng London này đã có quá đủ những lời cảnh tỉnh cho họ. Tất cả mọi nhà thờ họ đi qua, đều là một lời chứng lên án lối sống của họ, và là một lời mời gọi họ sám hối. Tất cả mọi tiếng chuông nhà thờ họ nghe là một lời chứng chống lại họ, và tất cả những người họ gặp trong ngày Chủ nhật đang đi về phía giáo đường là một tiếng gọi cảnh tỉnh vang vọng từ Thiên Chúa. Nếu vô số những tác động này chẳng gây được ảnh hưởng nào trên họ, thì vài lời thoáng qua của bạn sẽ làm được gì đây? Bạn hệt như người Phú hộ, nghĩ rằng người ta sẽ nghe theo lời một người trở về từ cõi chết. Có thể sẽ như vậy, nhưng rồi bạn không thể tự cho mình là một người từ cõi chết trở về.’[32] Mặc dù Pryer nói những lời cuối cùng trên với vẻ tươi cười, nhưng trong đó vẫn có chút khinh thị khiến Ernest rụt lại, dù vậy, nó cũng khá khuất phục rồi, nên cuộc trao đổi kết thúc ở đây. Tuy nhiên, những lời qua tiếng lại này khiến Ernest, không phải là lần đầu, thấy rõ trong lòng sự khó chịu đối với Pryer, và có ý gạt quan điểm của anh ta qua một bên, không công khai, nhưng ngấm ngầm, và cũng chẳng cần phải cho anh ta biết.

Bình luận
× sticky