Ellen và nó sống với nhau rất tốt, có lẽ là bởi đẳng cấp hai người quá khác xa nhau, nên Ellen không có ý muốn làm cao với Ernest, và nó cũng vậy. Nó rất yêu cô, và rất tốt với cô, cả hai đều có những sở thích chung để cùng làm với nhau, đều có phần lớn quá khứ tương tự nhau, và đều có tâm tính rất tốt, vậy là đủ. Ellen dường như không thấy ghen tị khi Ernest cứ sau mỗi ngày làm việc, đều dành phần lớn thời gian trên phòng khách tầng một, nơi tôi thỉnh thoảng đến thăm nó. Cô có thể đến ngồi cùng nó nếu cô muốn, nhưng vì một lẽ nào đó, thường thì cô hài lòng ngồi lại nơi tầng trệt của mình. Cô cũng khéo léo khuyến khích nó ra ngoài đi đâu đó vào buổi tối, bất kỳ lúc nào nó có vẻ muốn mà chẳng một chút đòi hỏi phải cho cô theo cùng, và điều này khiến Ernest rất hài lòng. Tôi có thể nói rằng, trong đời sống gia đình, nó được hạnh phúc hơn phần lớn mọi người. Lúc đầu mỗi khi bất ngờ gặp một người bạn cũ,nó lại thấy rất đau lòng, nhưng chuyện này cũng qua nhanh, rồi hoặc nó phớt lờ họ, hoặc họ làm ngơ với nó, một hai lần đầu khi bị phớt lờ quả thật không dễ chịu chút nào, nhưng rồi nó thấy như vậy lại thoải mái hơn, và khi bắt đầu thấy mình đang phất lên, nó ít quan tâm hơn đến những gì người ta bàn tán về quá khứ của nó. Một chuyện bất hạnh sẽ gây đau đớn, nhưng nếu người ta đủ tinh thần và đủ khôn ngoan thì đó lại chính là thứ đem lại cho họ nhiều sức mạnh nhất trên đời.
Ernest dễ dàng giảm bớt được các khoản chi tiêu, bởi nó không có thói tiêu xài xa hoa. Nó thích đến nhà hát, thích về miền quê vào ngày Chủ nhật, thích thuốc lá, và trừ thêm việc viết lách và âm nhạc, nó chẳng quan tâm nhiều đến những thứ khác. Nó ghét những buổi hòa nhạc thông thường. Nó tôn sùng Handel, thích Offenbach cùng cái không khí đường phố của ông, còn những gì giữa hai thái cực âm nhạc này, nó chẳng màng đến. Bởi vậy, âm nhạc cũng chẳng khiến nó tiêu tốn bao nhiêu. Còn về rạp hát, thì bất kỳ lúc nào Ellen và nó thích, tôi đều đưa chúng đi xem, nên cả hai chẳng tốn gì. Những chuyến đi dạo ngày Chủ nhật cũng chỉ mất một khoản nhỏ, với một hay hai shilling là nó đã có được vé tàu khứ hồi đến một nơi nào đó đủ xa khỏi thành thị để được rảo bộ thong dong và có một ngày thật khác biệt. Trong vài lần đầu, Ellen đi cùng nó, nhưng cô bảo rằng cô thấy như vậy cũng đủ rồi, cô còn vài người bạn cũ thỉnh thoảng cô muốn gặp, và cô cũng nói là họ và Ernest có lẽ sẽ không hợp nhau lắm đâu, nên nó cứ đi một mình thì tốt hơn. Những gì cô nói có vẻ rất hợp lý và rất đúng ý Ernest, nên nó sẵn sàng chiều theo, nó cũng không nghĩ là tôi thấy có gì không ổn với cách xử lý của Ellen. Đúng là tôi chẳng bàn gì về chuyện này và mọi thứ đều tốt đẹp trong một thời gian dài.
Như tôi đã nói, một trong những thú vui chính của Ernest là viết lách. Nếu có ai đó mang trong mình một quyển bản thảo nhỏ và liên tục ghi vào đó các phác thảo của mình, thì người đó có thiên hướng nghệ thuật, dù sẽ có vô vàn thứ cản trở anh ta tiến xa trên con đường này, nhưng chắc chắn thiên hướng này bẩm tại trong anh ta. Có thể nhận ra thiên hướng văn chương nơi người nào giữ một quyển ghi chú nhỏ trong túi áo, và viết vào đó bất kỳ điều gì đánh động anh, bất kỳ điều hay nào nghe được, hoặc bất kỳ trích dẫn nào mà anh ta nghĩ là sẽ có ích về sau. Ernest luôn mang theo bên mình một quyển sổ như vậy. Thậm chí lúc còn ở Cambridge, khi chưa có ai chỉ dẫn, nó đã làm vậy rồi. Qua thời gian, những ghi chú của nó tích tụ gom lại đủ một tập sách, nên nó phải áng chừng mà phân loại chúng ra. Khi hay biết điều này, tôi nhận ra rằng nó có thiên hướng văn chương, và khi được đọc những ghi chú của nó, tôi bắt đầu kỳ vọng nó sẽ làm được những điều lớn lao.
Nhưng tôi đã phải thất vọng về nó trong một thời gian dài. Nó cứ hạn chế mãi trong những chủ đề nó đã chọn, mà phần lớn là về siêu hình học. Tôi cố gắng trong tuyệt vọng để mong khiến nó bỏ những thứ này mà hướng vào những chủ đề gây hứng thú với công chúng hơn. Khi tôi nài nỉ nó hãy thử viết một câu chuyện nhỏ, hay và dễ đọc, với những thứ mà ai ai cũng biết rõ và ưa thích nhất, ngay lập tức, nó bắt tay viết một bài luận trình bày những nền tảng căn bản của mọi đức tin.
‘Con ơi, con đang cắm cổ vào bùn hay đang chọc một con chó ngái ngủ mà thôi. Con đang cố để khiến người ta nhận thức những thứ mà những người biết lý lẽ đã để nó lại phía sau rồi. Những người con cần hướng đến đang đi trước con, chứ không phải, theo tưởng tượng viển vông của con là đi sau con đâu. Chính con mới là người tụt hậu chứ không phải họ.’
Nó chẳng thể nhìn ra điều này. Nó nói là nó đang mải tập trung vào một bài luận bàn về câu ‘mọi nơi, mọi lúc, bởi mọi người’ của thánh Vincent thành Lerins. Tôi càng thấy bực mình hơn bởi năng lực mà nó đã thể hiện ra vốn có thể làm tốt hơn những gì nó đang vùi đầu vào. Một thời gian sau, khi viết vở kịch hài ‘Griselda thiếu kiên nhẫn,’ có đôi lúc tôi cạn hứng hay cạn ý tưởng, và nó đã cho tôi nhiều gợi ý thực sự rất giá trị. Nhưng dù vậy tôi vẫn chẳng thể thuyết phục nó bỏ được triết học, và đành phải để mặc nó mà thôi.
Như tôi đã nói, suốt một thời gian dài, nó cứ đâm đầu vào những chủ đề mà tôi chẳng thể chấp nhận nổi. Nó cứ mãi nghiên cứu các tác giả về khoa học và siêu hình học, với hy vọng tìm ra hay tự tạo được cho mình một hòn đá phép thuật nghĩa là một hệ thống lý luận có thể áp dụng được trong mọi hoàn cảnh, thay vì cứ rối loạn đủ kiểu như mọi hệ thống đã có trước đây.
Nó vẫn cứ theo đuổi cái thứ vớ vẩn vô thực đó quá lâu đến nỗi tôi thấy bó tay với nó, và đành xem nó như một con ruồi bị lừa mắc dính vào một tờ giấy nhớp nháp những thứ thậm chí chẳng có nổi chút vị ngọt. Nhưng thật ngạc nhiên, khi cuối cùng nó tuyên bố với tôi rằng nó đã tìm thấy thứ mình muốn.
Tôi cho rằng nó chỉ bắt gặp được một thứ gì đó mới lạ mà thôi, và thật may thay khi nó nói với tôi ‘Đây, xem đây!’
Rồi bảo với tôi nó đã kết luận được rằng chẳng có một hệ thống lý luận nào có thể tương thích hoàn hảo với mọi vấn đề, cũng như chẳng ai có thể đồng ý với ông Giám mục Berkeley[38] được, và vì thế không thể đặt ra được một tiền đề căn bản hoàn toàn hiển nhiên. Nó thấy thật hài lòng với khám phá này như thể đã tìm được một hệ thống hoàn hảo nào đó vậy. Nó nói rằng tất cả những gì nó muốn là nhận biết được cách thức vận hành của vấn đề, nghĩa là liệu có thể có cái hệ thống như trên hay không, và nếu có thể thì hệ thống đó phải như thế nào. Rồi nó thấy đủ hài lòng một khi đã biết được rằng chẳng thể có một hệ thống hoàn toàn chắc chắn nào như thế cả.
Tôi chẳng rõ lắm về Giám mục Berkeley, nhưng rất biết ơn ông ta vì nhờ ông mà chúng ta tránh được cái thứ gọi là tiên đề căn bản hiển nhiên. Nhưng tôi e là tôi đã lỡ miệng nói gì đó hàm ý rằng sau những rắc rối cuối cùng nó đã đạt đến một kết luận mà những người nhạy bén vốn có thể hiểu được dù chẳng mất nhiều công sức.
Nó nói với tôi, ‘Đúng vậy, nhưng bẩm tính của con không nhạy bén. Một đứa trẻ với năng lực bình thường học đi trong một hoặc hai năm mà thậm chí chẳng nghĩ là nó đang học, còn một đứa thiếu những năng lực bình thường thì phải cắm cúi mà học chuyện đó, nhưng dù vậy vẫn tốt hơn là không học gì. Con rất buồn vì con không giỏi giang, nhưng những gì con đã làm là cơ hội duy nhất của con.’
Nó trông quá tội nghiệp khiến tôi thấy mình thật đáng trách khi nói ra những lời đó, và đáng trách hơn nữa khi tôi nghĩ về những gì nó đã được dạy dỗ, những thứ chắc chắn đã làm hao mòn năng lực suy nghĩ bình thường về vạn vật của nó. Ernest tiếp lời.
‘Bây giờ thì con đã hiểu ra tất cả. Những người như Towneley mới là những người duy nhất biết được những thứ đáng để biết, và tất nhiên con chẳng bao giờ được như vậy. Nhưng để có được những người như Towneley, thì phải có những kẻ thân trâu ngựa, những người mà kiến thức hợp lý đã bỏ qua họ và chỉ đến với những ai tự bản năng có thể áp dụng nó hài hòa như Towneley vậy. Con là một thân trâu ngựa, nhưng con thẳng thắn chấp nhận vị thế của mình, và không cố để trở thành một Towneley, với con chuyện này không thành vấn đề.’
Bởi thế, nó vẫn gắn chặt vào khoa học thay vì hướng theo văn chương như tôi mong muốn, nhưng từ đó trở đi nó chỉ giới hạn trong những chủ đề, mà theo như lời nó, có thể mở mang kiến thức. Sau vô vàn sầu muộn nhưng cuối cùng cũng đã thực sự đạt đến được một kết luận gốc rễ của tri thức, nên bây giờ nó yên tâm để theo đuổi kiến thức, và cứ mải miết hoài như vậy chứ chẳng bao giờ hướng chút gì qua lĩnh vực văn học thực sự.
Dù vậy, điều này vẫn đáng hứa hẹn, và có lẽ cũng đã thay đổi được một căn cố sai lầm trong nó, bởi từ đó, thỉnh thoảng nó cũng chú tâm đến những tác phẩm có thể gọi là mang tính văn học hơn là khoa học hay siêu hình học.