Ernest đã độ ba mươi hai hay ba mươi ba tuổi, và cũng đã dấn bước vào cuộc sống mới được ba bốn năm rồi. Bây giờ nó đã ổn định ở London, và bắt đầu chuyên tâm viết lách. Cho đến lúc này, nó vẫn thể hiện được tiềm năng, nhưng lại chưa viết được tác phẩm nào trọn vẹn, và thực sự phải thêm thêm ba, bốn năm sau người ta mới biết đến tên tuổi nó.
Như tôi đã nói, cuộc sống của nó rất trầm lặng, gần như chẳng gặp ai ngoại trừ tôi và vài người bạn thân lâu năm của tôi. Chúng tôi cùng Ernest tạo thành một nhóm, và ngoài số này ra, nó gần như chẳng biết đến ai nữa.
Chi phí của nó chủ yếu hao tốn vào những chuyến du lịch thường xuyên tùy hứng của nó, nhưng bây giờ nó chỉ đi đâu đó ngắn ngày mà thôi. Sống như thế một năm nó tiêu hết khoảng một ngàn năm trăm bảng, số thu nhập còn lại nó đem cho người khác nếu thấy người đó xứng đáng, hoặc để lại chờ dịp nào đó thích hợp mà dùng đến chúng.
Tôi vẫn biết là nó đang viết gì đó, nhưng chúng tôi quá khác biệt về tư tưởng, nên ngầm hiểu cho nhau và hiếm khi nhắc đến chuyện này, mà như thế tôi chẳng hay biết nó đang chuẩn bị xuất bản sách cho đến một ngày nó đem đến và hiên ngang giới thiệu với tôi quyển sách của nó. Tôi mở ra và thấy đó là một loạt bài vừa mang tính thần học vừa mang tính xã hội, có vẻ như được viết bởi sáu hay bảy người khác nhau, cùng nhìn nhận một vấn đề từ nhiều quan điểm khác biệt.
Người ta vẫn chưa lãng quên quyển sách trứ danh ‘Luận Bình,’ và Ernest đã khôn ngoan biến ít nhất hai bài của nó có giọng văn như thể được viết bởi một giám mục vậy. Các bài trong quyển này đều ủng hộ Giáo hội anh giáo, và đều đưa ra những kiến nghị từ bên trong Giáo hội. Thoạt nhìn qua nội dung có thể thấy đó là tác phẩm của khoảng sáu người có kinh nghiệm và địa vị cao quyết tâm đối diện với những vấn đề hóc búa ngày nay từ chính trong lòng Giáo hội, và làm vậy một cách táo bạo không thua gì những địch thù của Giáo hội đang làm chính việc đó từ bên ngoài.
Có một bài viết về những dấu chỉ bên ngoài của sự Phục sinh, một bài khác viết về luật hôn nhân của những quốc gia xuất chúng nhất từ quá khứ cho đến hiện tại, bài khác nữa dành để cân nhắc nhiều vấn đề cần phải được mở lại và xem xét lại về giá trị của chúng trong trường hợp giáo lý của Giáo hội anh giáo không còn giữ được vai trò thẩm quyền về đạo đức của mình nữa, còn có một bài nói về một vấn đề thuần tính xã hội hơn là sự nghèo khó của tầng lớp trung lưu, một bài nữa lại bàn về tính xác thật hay đúng hơn là tính xác thật của bốn sách Tin mừng, bài khác lại nhắm đến chủ đề ‘Chủ nghĩa Duy lý phi lý,’ và còn hai hay ba bài khác nữa.
Tất cả chúng đều được viết một cách mạnh mẽ không chút e dè như thể tác giả của chúng là những bậc thẩm quyền vậy, và tất cả đều cho rằng Giáo hội đang tuyên bố một niềm tin thật khó chấp nhận đối với những ai đã quen cân nhắc dựa trên chứng cứ rõ ràng, nhưng quyển sách này cũng cho rằng có quá nhiều chân lý giá trị gần như đã bị xáo đồng với những sai lỗi đáng ra không nên để bị trộn lẫn vào đây. Nhấn mạnh như thế thật chẳng khác gì cãi cùn về quyền trị vì của Nữ hoàng khi vin vào cái cớ Vua William Kẻ chinh phục là con hoang.
Có một bài nói rằng dù thật bất tiện khi phải thay đổi từ ngữ dùng trong kinh nguyện và tín điều, nhưng sẽ chẳng có gì bất tiện khi lặng lẽ thay đổi ý nghĩa của các từ trong đó. Và nó cũng chỉ rõ rằng đây là những gì đã thực sự diễn ra trong ngành luật và được mang tên sự phát triển và thích nghi của luật pháp, hơn nữa đó là một phương pháp chính đáng và thuận tiện mang lại hiệu quả thực sự dù trong bất kỳ thời đại nào. Bài này cũng khuyến nghị Giáo hội nên áp dụng phương pháp đó.
Một bài khác lại táo bạo bác bỏ việc Giáo hội dựa vào lý luận. Hiển nhiên rằng nền tảng tối cùng của Giáo hội là, và phải là, đức tin, ngoài nó ra, người ta không thể tin tưởng vào một nền tảng tối cùng nào khác. Người viết tuyên bố rằng nếu như thế thì Giáo hội không thể bị lật đổ bởi lý luận. Giống như tất cả mọi thứ khác, Giáo hội thiết lập trên một giả định tiên khởi, chính là đức tin, và nếu nó có bị lật đổ thì cũng phải bị lật đổ do đức tin, chính là đức tin của những con người sống dễ mến hơn, đáng yêu hơn, có giáo dục hơn, và tất nhiên là có khả năng thắng vượt khó khăn hơn. Bất kỳ phái nào thể hiện được sự ưu việt trong những mặt này có lẽ sẽ thắng vượt tất cả, nhưng lại chẳng một ai có thể giữ sự tiến bộ của mình được lâu dài. Kitô giáo vẫn đúng bao lâu nó còn nâng đỡ vẻ đẹp, và đúng là nó đã làm rất tốt điều này. Nhưng Kitô giáo sai lầm bao lâu nó nuôi dưỡng sự xấu xa, và đúng là nó cũng tiến rất xa trong việc này. Bởi thế nó không đúng một chút hay sai một chút, xét cho cùng, khi đi xa hơn trong việc này người ta có thể khiến mọi chuyện tệ hơn, khôn ngoan nhất là nên sống với nó, làm những gì tốt nhất và tránh những việc tệ nhất. Người viết còn cảnh báo rằng chúng ta sẽ trở thành những kẻ khủng bố ngược đãi người khác như một lẽ tất yếu khi chúng ta bắt đầu cảm nhận mạnh mẽ một vấn đề gì đó, bởi thế không nên làm vậy, chúng ta không nên có cảm nhận quá mạnh về Giáo hội anh giáo. Chúng ta nên là những người theo anh giáo, nhưng nên theo một cách lãnh đạm, bởi trong số những người quan tâm quá nhiều đến tôn giáo hay vô tôn giáo hiếm khi thấy ai được giáo dục tốt và đáng mến. Tự bản thân Giáo hội nên học giống Giáo hội Laodicea để có thể giữ vững chính mình, còn mỗi thành viên trong Giáo hội cũng chỉ nên nhiệt tâm trong việc cố gắng lãnh đạm hết sức có thể.
Tập sách này đầy dũng khí của một kẻ vừa tin chắc vừa hoàn toàn không có chút tin tưởng gì, dường như nó là tác phẩm của những những người có một đường hướng tự đặt với hai tay lái là chủ trương quá khích một bên và tính nhẹ dạ ở bên còn lại, họ như những người nếu thuận lợi cho mình, thì chắc chắn sẽ chặt phăng nút thắt Gordius[41], họ chẳng e dè định kiến nào về mặt lý thuyết và cũng chẳng sợ những thứ thiếu lý lẽ trong thực tiễn, bởi với họ chúng chỉ là những thứ mang chủ tâm ác ý và phi lý mà thôi. Họ nêu ra những kết luận thận trọng, cẩn mật và dễ chịu. Lập luận họ có được đều lấy từ những ngòi bút cấp tiến nhất thời này. Tất cả những gì họ đấu tranh để đoạt lấy đều đã được ban cho họ, nhưng nói chung, hoa trái chiến thắng vốn chỉ trao cho những ai đã có được nó rồi mà thôi.
Có lẽ đoạn văn thu hút nhiều sự chú ý nhất nằm trong một bài nói về những chế độ hôn nhân khác nhau trên toàn thế giới. Nó như thế này:
‘Nếu người ta yêu cầu chúng ta kiến tạo, thì việc dưỡng dục tốt sẽ là tảng đá góc trong công trình lớn của chúng ta. Chúng ta phải biết rằng dưỡng dục luôn tồn tại cách ý thức hoặc vô thức trong tâm trí tất cả mọi con người với tư cách là đức tin tâm điểm nhờ đó mà chúng ta sống, vận động và hiện hữu, và cũng chính nó là tiêu chuẩn cho tất cả mọi sự để biết được liệu sự gì tốt hay xấu dựa trên việc nó tạo thuận lợi hay chống lại sự dưỡng dục.
Như thế nghĩa là người ta nên được dưỡng dục tốt, và nên dưỡng dục tốt người khác, chính dáng vẻ, cái đầu, đôi tay, bàn chân, giọng nói, cách hành xử và trang phục sẽ là bằng chứng cho điều này, để ai ai khi nhìn vào anh ta đều thấy được rằng anh ta có được một gia sản phong phú và gần như tự mình cũng sẽ làm việc đó cho người khác, chính đó là desiderandum, điều đáng mong đợi. Và đối với phụ nữ cũng như vậy. Con số lớn nhất những con người được dưỡng dục tốt và phúc lợi lớn nhất cho những người như thế, chính là điều thiện hảo cao nhất mà tất cả mọi chính phủ, mọi quy ước xã hội, mọi ngành nghệ thuật, văn học và khoa học phải nhắm đến cách trực tiếp hay gián tiếp. Thánh nhân chính là những người trong tiềm thức luôn nhắm đến điều này trong khi làm việc lẫn lúc tiêu khiển.’
Nếu Ernest tự mình đứng tên xuất bản tác phẩm này tôi nghĩ rằng nó sẽ chết yểu từ lúc lên khuôn, nhưng nó đã chọn đúng kiểu hành văn gợi trí tò mò của người ta, và như tôi đã nói, nó khôn khéo dùng vài lời bóng gió khiến các nhà phê bình sẽ nghĩ rằng chẳng có kẻ nào đủ liều lĩnh để viết kiểu như thế nếu không phải là một giám mục, hoặc ít ra cũng là người có một thẩm quyền nhất định nào đó. Người ta đồn rằng một trong số các tác giả của quyển này là một quan tòa lừng danh, và từ đó, chẳng bao lâu sau sáu hay bảy giám mục và quan tòa hàng đầu đã hội nhau lại để viết một tập sách, dự định sẽ vượt cả quyển ‘luận Bình’ đồng thời sẽ xóa tan tác động của quyển sách này vốn vẫn còn nổi tiếng đến nay.
Với chúng ta, các nhà phê bình là những người thích những cảm xúc mạnh mẽ, và với họ cũng như với bất kỳ ai khác, omne ignotum pro magnifico, những gì không hiểu được là những gì được xem là huyền diệu phi thường. Quyển sách này thật sự có giá trị và đồng thời cũng chuyển tải được tính hài hước, châm biếm hợp lý, và đúng đắn. Đôi khi có nhiều người chỉ chú ý đến và nghiên cứu nó chỉ bởi tác giả của nó, còn nếu không, chắc chẳng bao giờ họ thèm lướt qua đâu. Một trong những tuần báo bán chạy nhất đã tán dương nó và tuyên bố đây là quyển sách hay nhất được viết kể từ tập ‘Các lá thư Tỉnh lẻ’ của Pascal[42]. Cứ mỗi một tháng tuần báo này luôn tìm ra được một bức tranh đẹp nhất từng được vẽ kể từ sau một tuyệt phẩm nào đó, hoặc một lời châm biếm hay nhất từng được nói ra kể từ thời của Swift, hay một thứ tuyệt vời vô song nào đó từng xuất hiện kể từ một tuyệt phẩm nào đó khác. Nếu Ernest tự nhận là tác giả trong quyển sách này, và người ta biết nó chẳng có tên tuổi gì cả, thì thế nào cũng sẽ viết khác đi. Các nhà phê bình đang nghĩ là mình đang lấy lòng một Công tước hay thậm chí là một Vương công nào đó, và cứ cố gắng hết sức mình cho đến khi thấy ra người họ đang tán dương chỉ là một anh Brown, Jones hay Robinson nào đó mà thôi. Rồi họ thất vọng, và thường thì chẳng thèm quan tâm đến anh chàng tác giả tội nghiệp này nữa.
Ernest không hiểu nhiều về thế giới văn học như tôi, và tôi e rằng nó sẽ hơi kích động khi một mai thức dậy bỗng thấy mình nổi tiếng. Nó là con của Christina, và có lẽ những gì nó làm được cũng phần nào nhờ vào cái tính tự hào đôi khi quá độ được thừa kế từ mẹ nó. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nó thấy ra được tất cả mọi chuyện của giới văn học này, và lặng lẽ quyết tâm viết một loạt sách mới, trong đó nó nhấn mạnh những điều mà chẳng ai dám nói cho dù họ có thể, hay không thể nói và cho dù có muốn nói ra bao nhiêu đi chăng nữa.
Nét văn của Ernest không được tốt lắm. Tôi có lần nói vui với nó rằng nó giống như người của thế kỷ trước, và cái nét văn đó sẽ chẳng làm được gì ngoài việc làm xấu đi những tập sách này.
Nó cười mà bảo rằng đúng ra nó phải giống một vài nhà văn hiện đại mà nó biết, với những tập sách quá nghèo nàn đến nỗi chẳng gì có thể kéo họ lên nổi ngoại trừ cái nét văn của họ.
Tôi nhớ ra là sau khi một trong những quyển này xuất bản tôi đã tình cờ gặp bà Jubb, người vốn lâu nay được nhận một khoản trợ cấp nhỏ hằng tuần từ Ernest. Hôm ấy, vì lý do gì đó, trong khoảng vài phút, chỉ còn lại bà và tôi trong phòng làm việc của Ernest. Tôi bảo bà ấy, ‘Cậu Pontifex vừa viết một quyển sách khác đó, bà Jubb à.’
‘Ôi lạy Chúa, mới đây à,’ bà kêu lên, ‘thực sự là vậy à? Đúng là một quý ông! Là sách về tình yêu à!’ Và bà già tội lỗi này ném cho tôi một ánh mắt đưa tình dưới hai hàng mi già cỗi. Tôi chẳng biết tôi có nói gì để khiến bà ta làm như vậy không nữa, mà có lẽ là không, nhưng bà ta cứ lao lên nhanh hết sức có thể rồi kể rằng Bell đã cho bà một vé xem opera, ‘Thì, tất nhiên là tôi đã đi. Tôi chẳng hiểu gì hết bởi người ta toàn nói tiếng Pháp, nhưng tôi thấy được chân họ rồi. Ôi ông thân mến, ông à! Tôi e là tôi sẽ chẳng còn ở đây được bao lâu nữa, và khi cậu Pontifex thấy tôi nằm trong quan tài, hẳn cậu ấy sẽ nói, ‘Bà Jubb tội nghiệp, bà chẳng còn được ba hoa tán chuyện nữa rồi,’ nhưng may phước, tôi vẫn chưa quá già, và tôi còn đang đi học nhảy nữa đấy.’ lúc này Ernest bước vào và cuộc nói chuyện được đổi sang chủ đề khác. Bà Jubb hỏi xem lúc hoàn thành quyển này rồi, nó còn dự định viết thêm nữa không. ‘Tất nhiên rồi,’ Ernest trả lời, ‘Tôi luôn luôn viết, đây là bản thảo cho quyển kế tiếp,’ và nó cho bà xem cả một chồng giấy.
‘Ôi thế là,’ bà ta kêu lên, ‘ôi thôi, đây đúng là bản thảo đấy à? Tôi thường nghe người ta nói về bản thảo, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sống được đến ngày tự mắt nhìn thấy nó một lần. Hay quá! Vậy đây là bản thảo thật chứ?’
Nơi cửa sổ phòng làm việc của Ernest có vài cây phong lữ và chúng trông không được vừa mắt cho lắm, Ernest hỏi bà Jubb xem bà có hiểu về hoa hay không. ‘Tôi hiểu ngôn ngữ loài hoa chứ,’ bà nói kèm theo ánh mắt đưa tình ớn lạnh, và đến đây thì chúng tôi tiễn bà đi, trước lúc ra về bà cố lấy lòng chúng tôi bằng cách xin lần khác sẽ đến thăm, và bà biết thế nào mình cũng sẽ được ưng thuận bởi Ernest thấy thích bà.