Khi nằm trên giường bệnh, phục hồi chậm chạp ngày này qua ngày khác, nó nhận ra một điều mà gần như tất cả mọi người đều nhận ra dù sớm hay muộn, đó là việc rất ít người quan tâm đến sự thật, hoặc thật sự tin tưởng rằng đúng đắn hơn và tốt hơn thì nên tin một điều đúng hơn là một điều không đúng, cho dù lúc đầu niềm tin vào cái dối trá có vẻ hợp lý thiết thực hơn. Nhưng chỉ có một số người có thể được xem là có tin hoàn toàn vào một điều gì đó, số còn lại đơn thuần chỉ là những kẻ không tin đội lốt mà thôi. Có lẽ, sau cùng, những kẻ không tin đội lốt này lại là kẻ đúng. Bởi chúng quá đông và quá mạnh. Chúng có tất cả những gì mà một nhà duy lý xem như là những phép thử để biết đúng hoặc sai. Theo anh ta, sự đúng dường như có nghĩa là đúng thuận theo đa số những người giàu có và biết lý lẽ, chúng ta đều biết rằng chẳng có chuẩn mực nào an toàn hơn thế, nhưng rồi quyết định này sẽ dẫn đến đâu đây? Đơn giản, có một sự đồng thuận ngầm về những gì lộ rõ ngay rằng nó đúng, và khiến người ta chẳng buồn tìm hiểu thêm, và sự ngầm đồng thuận này khiến cho những ai tự nhận mình là những người bảo vệ và giảng dạy cho sự thật và kiếm lợi từ việc đó trở nên không chỉ được người ta chấp nhận mà còn xứng danh công chính nữa là khác.
Ernest chẳng thấy một lối hợp lý nào để thoát khỏi kết luận phức tạp này. Nó thấy rằng có thể niềm tin của những Kitô hữu đầu tiên khi đối diện với tính chất phi thường trong biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô là một điều chấp nhận được, dù đó là một niềm tin vô lý trí. Cái lối diễn giải này từ đó được trưng ra trước mắt bất kỳ những ai nửa nạc nửa mỡ, và cứ thế cứ thế nó tràn lan khắp thế giới mà chẳng một ai nghiêm túc bắt bẻ lại. Làm sao viện trưởng Alford, một người đã chọn Tân Ước làm ngành nghiên cứu chính của mình, lại không thể hay không nhìn ra được những gì mà Ernest đang tự mình thấy một cách rõ ràng như thế này đây? Liệu còn lý do nào khác ngoại trừ sự thật rằng ông ta không muốn nhìn ra, và nếu thế ông ta chẳng phải là một kẻ phản bội sự thật ư? Nhưng, ông ta chẳng phải là một người thành công và đáng trọng hay sao, và chẳng phải đại đa số những người thành công và đáng trọng, chẳng hạn như các giám mục và tổng giám mục, đều làm đúng những gì mà ngài Alford đã làm hay sao, và khi hành động như thế chẳng phải đã làm cho hành động của họ nên đúng đắn, bất kể nó là những việc nghiền ngấu người ta, bóp chết trẻ con, hay thậm chí là đem lại một thói quen dối trá thâm căn cố đế, hay sao?
Vô lý tồi tệ, sai lầm gớm ghiếc! Mạch đập yếu ớt của Ernest bỗng mạnh lên, và gương mặt tái nhợt của nó bừng bừng khi nhìn ra cái quan điểm sống đáng ghét này với tất cả tính nhất quán hợp lý của nó? Điều khiến nó chấn động không phải là việc hầu hết người ta đều là kẻ dối trá, bởi cái đó nó đã biết rõ rồi, nhưng điều khiến nó sốc chính là một hoài nghi thoáng qua rằng liệu những người trung thực cuối cùng có trở nên dối trá hay không. Nếu thực như thế, thì quá vô vọng, nếu thực như thế thì cho nó chết đi cho rồi, càng sớm càng tốt. ‘lạy Chúa,’ nó nói thầm trong tâm, ‘Con không tin bất kỳ lời nào ở trên. Xin hãy làm sáng danh Ngài và củng cố cho sự kém tin của con.’ Dường như đối với nó từ nay về sau, khi thấy một giám mục được tấn phong, nó sẽ chẳng thể kìm nén mà phải nói với mình rằng: ‘Vì ơn Chúa, đó phải là Ernest Pontifex.’ Việc đó không phải do nó. Nó chẳng hề khoác lác, nếu giả như nó được sống vào thời của Chúa Kitô, thì nó sẽ là một trong những Kitô hữu đầu tiên, hay thậm chí là một Tông đồ, nó biết như vậy. Nói tóm lại, nó thấy rằng nó phải thấy biết ơn vì nhiều thứ.
Rồi đến cái kết luận rằng tốt hơn nên tin vào sai lầm hơn là sự thật, cái thứ đó nên bị vứt đi không thương tiếc ngay lập tức, cho dù nó có hợp lý rõ ràng đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu không làm vậy thì nó còn chọn lựa nào khác nữa ư? Cái tiêu chuẩn của chúng ta đối với sự thật, cụ thể là sự thật tự phó mình cho quyết định của đại đa số những người giàu có và thành công, là không thể sai lầm. Cái quy luật này có cơ sở, và thể hiện đúng trong vô số trường hợp, nhưng cũng có một vài ngoại lệ.
Nó tự hỏi mình, những ngoại lệ đó là gì? À, đó là một vấn đề khó khăn đây. Có rất nhiều ngoại lệ, và quy luật cho những ngoại lệ đó đôi khi rất phức tạp và mập mờ, những ngoại lệ này đã và sẽ luôn được tạo ra, và chính chúng không cho phép người ta hạ giá đời sống thành một thứ khoa học chính xác. Có một phép thử gần đúng theo một quy tắc tự đặt cho sự thật, và một số quy luật đối với những ngoại lệ trên có thể được nắm vững không mấy khó khăn, nhưng vẫn có một số trường hợp còn lại rất khó để định đoạt, quá khó đến nỗi tốt hơn trong hoàn cảnh này người ta nên nghe theo bản năng hơn là cố gắng định đoạt bằng bất kỳ tiến trình lý luận nào.
Bản năng chính là Tòa thượng thẩm tối cao của con người. Mà bản năng là gì? Nó là một dạng đức tin vào sự hiện hữu hiển nhiên của những gì không nhìn thấy được. Và rồi đến đây, Ernest của chúng ta lại gần như trở về điểm xuất phát ban đầu, cụ thể là người ta phải sống bằng đức tin.
Và đây chính là điều mà những người biết lý lẽ áp dụng với những chuyện đời sống thường ngày quan trọng nhất đối với họ. Họ xử lý những vấn đề nhỏ hơn bằng chính phán đoán cân nhắc của riêng mình. Nhưng với những chuyện quan trọng hơn, như việc chạy chữa cho thân xác của mình hay của người mình thương, việc đầu tư tiền bạc, việc giải thoát mình khỏi những đống hỗn độn rắc rối, tất cả những chuyện này thông thường người ta đều tín thác cho những người khác mà họ vốn chỉ biết chút ít về năng lực dựa trên những thông tin chung chung. Và như thế là người ta hành động theo niềm tin chứ không phải theo nhận thức. Cũng bởi thế mà anh quốc này gởi gắm tương lai của hải quân và không quân vào tay Bộ trưởng hải quân, người ta chẳng phải là một thủy thủ và chẳng biết chút gì về những vấn đề này cả trừ một điều là cứ hành động theo niềm tin. Chúng ta chẳng thể hoài nghi về niềm tin, và cũng không thể đặt lý luận làm ultima ratio, phương sách tột cùng được.
Ngay cả Euclid, có đôi phần dễ dãi như bất kỳ người nào khác, cũng không thoát khỏi điều này. Ông không có một tiền đề có thể chứng minh được. Nên ông cần những định đề và tiên đề mặc nhiên được chấp nhận, mà nếu không có chúng, ông chẳng thể làm gì. Ông chứng minh được những gì tiếp sau đó, nhưng nền tảng của ông vẫn dựa trên niềm tin. Và với những người bất đồng với mình, ông cũng không thể làm gì hơn ngoài việc nói họ là những kẻ ngu ngốc. Ông chỉ thốt lên, ‘thật là ngu xuẩn,’ và không chịu bàn xa hơn về vấn đề này. Bởi thế, niềm tin và căn cứ rõ ràng là điều cần thiết đối với ông cũng như đối với bao người khác. ‘Nhờ niềm tin vào cái gì, mà một người đúng đắn cố gắng sống trong thời đại này?’ Ernest tự hỏi mình như thế, rồi tự đưa ra lời giải luôn, ‘Dù gì thì cũng không phải là niềm tin vào tính siêu nhiên của Kitô giáo.’
Và nó phải làm sao để thuyết phục được những người đồng hương của mình rời bỏ niềm tin vào sự siêu nhiên này đây? Nhìn nhận vấn đề một cách thực tiễn, nó nghĩ rằng Tổng Giám mục Canterbury chính là người có đủ thẩm quyền hứa hẹn nhất để giải quyết tình trạng này. Và cái chức đó nằm ở khoảng giữa nó với Giáo hoàng. Xét theo lý thuyết, thì Giáo hoàng mới là người phù hợp nhất để thực hiện mong muốn của nó, nhưng trên thực tế thì Tổng Giám mục Canterbury cũng đã đủ rồi. Nếu nó có thể dàn xếp sao đó nắm được ngài Tổng giám mục trong tay, hoặc nói theo cách khác là rắc được muối vào đuôi ông ta[36], thì nó có thể tạo nên một cuộc đột kích biến đổi toàn Giáo hội anh giáo, và cho họ tư tưởng tự do. Phải có một loạt lập luận thuyết phục đến mức một Tổng Giám mục, đúng hơn là một Tổng Giám mục chưa được đả thông tư tưởng nhờ thời gian bị bỏ tù vì tội hiếp dâm, cũng không thể bác bỏ được. Với những gì theo sắp xếp của Ernest, thì ngài Tổng giám mục chẳng thể phản kháng được gì mà phải chấp nhận lý lẽ của nó, rồi vì là một người trọng danh dự ngài sẽ từ nhiệm và rồi Kitô giáo ở anh quốc này sẽ tàn lụi trong vòng vài tháng mà thôi. Dù gì rồi mọi chuyện cũng sẽ như thế. Nhưng Ernest luôn thấy lo không biết Tổng giám mục có chuồn mất ngay khi gần nằm gọn trong tay nó hay không, cứ nghĩ đến điều này, nó thấy thật bất công không chịu nổi. Nếu thật như thế, thì nó phải cố tìm cách xử lý ông, phải dùng cho hợp lý cả bẫy sập hay bẫy lưới, nếu không thì phải mai phục mà bất thần rắc muối vào đuôi ông ta. Xét công bằng mà nói, nó chẳng mấy bận tâm về chính mình. Nó biết rằng nó đã bị lừa bịp, và nó cũng biết rằng phần lớn những khốn khổ trút xuống đầu nó liên quan gián tiếp và chính yếu với tác động của giáo lý Kitô giáo. Nếu những ác hại đó dừng lại trên nó mà thôi, thì nó sẽ chẳng nghĩ nhiều về chúng, nhưng còn em gái nó, em trai Joey của nó, và hàng trăm hàng ngàn thanh niên khác trên toàn anh quốc đang sống tàn lụi đi bởi những lời dối trá cứ trút lên đầu họ từ những con người được cho là làm tốt nhưng thực sự là những kẻ tắc trách và lẩn trốn vấn đề hơn là đối mặt với chúng. Chính điều này khiến nó thấy đáng giận, và thấy rằng ít nhất nó phải làm điều gì đó để cứu những người khác khỏi phải chịu những năm tháng phí phạm và mù tối như nó từng trải qua. Nếu chẳng có chút sự thật nào trong câu chuyện phi thường về cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, thì xét theo sự thật lịch sử, toàn bộ cái tôn giáo này phải bị đạp đổ đến tận gốc rễ. ‘Than ôi,’ nó gào lên với tất cả sự ngông ngạo của tuổi trẻ, ‘người ta tống một bà đồng hay một thầy bói vào tù vì lường gạt tiền của những người ngốc nghếch tin vào sức mạnh siêu nhiên vốn không có nơi họ, thì tại sao người ta lại không tống những giáo sỹ vào tù vì tội cho rằng mình có thể tha tội, hay có thể biến bánh và rượu trở thành thịt và máu của một Người đã chết cách đây hai ngàn năm?’ nó tự hỏi mình, ‘Có thứ gì lừa lọc hơn khi một giám mục đặt tay trên người ta và cho rằng đã truyền cho anh ta sức mạnh thiêng liêng để làm nên phép lạ bánh rượu này? Nói về sự tha thứ thì luôn luôn tốt, nhưng sự tha thứ, hệt như mọi thứ khác, đều có giới hạn của nó, hơn nữa nếu giám mục có thể tha tội, thì cả ông thầy bói cũng vậy thôi.’ Nó sẽ giải thích tất cả những điều này từng cái một cho Tổng Giám mục Canterbury, nhưng lúc này khi chưa tiếp cận được ông ta, nó thấy thuận lợi hơn nên thử những luận điểm này với cái linh hồn bé nhỏ của vị mục sư tuyên úy nhà tù. Người ta phải thực hiện bước đầu tiên và rõ ràng nhất để rồi có đủ sức mạnh làm những điều phi thường, nên một ngày nọ, khi ông Hughes, vị mục sư tuyên úy, đang trò chuyện với Ernest, nó trình bày với ông những nghi hoặc về tính hiển nhiên của Kitô giáo, và cố để khơi mào một cuộc tranh luận về chủ đề này. Ông Hughes rất tử tế với chàng trai của chúng ta, nhưng với tuổi đời gấp đôi, ông đã quá từng trải trong chuyện xử lý những vấn đề kiểu như thế này rồi. Tôi không cho là ông tin vào tính đúng đắn khách quan thực tế trong trình thuật về sự Phục sinh và Thăng thiên của Chúa Giêsu hơn gì Ernest đâu, nhưng ông biết rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ, và vấn đề thật sự còn nằm sâu hơn thế nhiều.
Ông Hughes là một người quá thâm niên, và đối với ông, Ernest chẳng hơn gì một con muỗi. Ông xử lý những vấn đề Ernest đưa ra quá hoàn hảo, đến mức nó chẳng bao giờ dám gợi lại chuyện này với ông lần nữa, rồi ông lái sang chuyện tương lai, nói về những vấn đề chẳng hạn như Ernest nên làm gì sau khi ra tù, và về những chuyện này, ông sẵn sàng lắng nghe nó với sự đồng cảm và thân ái.