Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Xác Thịt Về Đâu

Chương 69

Tác giả: Samuel Butler

Khi đi đến kết luận là phải đoạn tuyệt vĩnh viễn mối liên hệ với gia đình, Ernest đã tự xem mình như một người không gia đình. Về phần Theobald, anh đã muốn tránh xa đứa con trai này, thật sự là vậy, đến mức anh muốn xa rời nó, muốn đẩy nó đến tận Úc châu và xa hơn nữa, nhưng anh chưa từng nghĩ đến việc cắt đứt hoàn toàn với nó. Anh biết con trai mình đủ rõ để nhận thức khá khôn ngoan rằng chính Ernest cũng muốn như thế, và có lẽ vì lý do này anh đã quyết định giữ mối liên hệ cha con, chỉ cần Ernest không về lại Battersby cũng như anh không phải tốn tiền thường kỳ cho nó.

Khi gần đến lúc Ernest mãn hạn tù, cha mẹ nó ngồi lại với nhau bàn xem nên làm thế nào.

‘Chúng ta không bao giờ được để mặc nó tự xoay xở,’ Theobald cao giọng, ‘và cũng không được mong như thế.’ ‘Ôi, không! Không! Theobald yêu dấu,’ Christina kêu lên. ‘Cho dù bất kỳ ai ruồng rẫy nó, và dù nó có xa cách chúng ta bao nhiêu đi nữa, nó hẳn vẫn phải thấy được rằng cha mẹ vẫn mãi yêu thương nó cho dù nó có tàn ác khiến chúng ta đau đớn cực khổ đến đâu đi nữa.’

‘Kẻ thù tồi tệ nhất của nó chính là bản thân nó,’ Theobald lên tiếng, ‘nó chẳng bao giờ yêu thương chúng ta cho đáng, và giờ đây khi mong muốn được gặp chúng ta, lòng nó sẽ phải thấy hổ thẹn. Nếu được, thế nào nó cũng sẽ tránh mặt chúng ta.’

‘Vậy thì chúng ta phải tự đến với nó, cho dù nó có thích hay không, chúng ta vẫn phải ở bên cạnh nó để hỗ trợ nó đương đầu với thế gian này.’

‘Nếu chúng ta không muốn nó bỏ đi thì phải gặp được nó ngay khi nó vừa ra tù mới được.’

‘Chúng ta sẽ làm như vậy, thế nào cũng sẽ phải như vậy, lúc nó bước chân ra khỏi đó, chúng ta sẽ là những người đầu tiên làm rạng rỡ ánh mắt nó, và cũng là người đầu tiên bảo cho nó biết tìm về lại đường ngay chính.’

‘Tôi nghĩ rằng nếu nó có gặp chúng ta trên đường thì nó cũng sẽ ngoảnh mặt bỏ đi mà thôi. Nó là một đứa vô cùng ích kỷ.’

‘Nếu vậy thì chúng ta buộc phải đến nhà tù thăm nó, trước lúc nó ra khỏi đó.’

Sau một hồi bàn luận, cuối cùng đó là kế hoạch mà họ định sẽ làm, và Theobald viết thư gởi viên quản giám nhà tù để hỏi xem thử liệu anh có được phép vào bên trong nhà tù để đón Ernest vào ngày nó mãn hạn hay không. Lời đề nghị của anh được chấp thuận, và khi ngày đó đến, hai người rời Battersby để đón Ernest.

Ernest không lường trước việc này, nên vài phút trước giờ ra tù là chín giờ, nó bất ngờ khi được bảo là phải đến phòng tiếp khách trước khi ra tù bởi có vài người đến thăm nó đang chờ ở đó. Lòng nó chùng xuống bởi đoán biết được là sẽ phải gặp ai, nhưng rồi lấy hết can đảm nó thẳng tiến đến phòng tiếp khách. Và đúng như vậy, đứng ở cuối chiếc bàn cạnh cửa là hai con người mà nó xem là những kẻ địch nguy hiểm nhất trên thế gian này, cha và mẹ nó.

Nó không thể thoát đi, nhưng nó biết rằng chỉ cần có chút dao động, nó sẽ mất hết tất cả. Mẹ nó đang khóc lóc, nhưng đã lao đến và ôm chầm lấy nó. ‘Ôi, con trai tôi, con trai tôi,’ cô cứ thổn thức và chẳng thể nói thêm được gì.

Ernest trắng bệch người ra, tim đập mạnh đến nỗi gần như không thở được. Nó cứ để mẹ ôm nó, rồi gỡ tay mẹ nó ra, và đứng trước cô im lìm với hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nó.

Lúc đầu nó cũng chẳng thể nói được gì. Một phút sau, sự im lặng bị phá vỡ. Lấy hết sức lực, nó nói với giọng trầm yếu ớt:

‘Mẹ, chúng ta phải xa nhau thôi.’ (từ mẹ lần này vừa nghiêm trọng vừa lạnh lùng quá đỗi) Và quay về phía cai ngục, nó nói: ‘Tôi tin là tôi đã tự do để rời khỏi đây nếu tôi muốn. Ông không thể bắt tôi phải ở đây thêm phút nào nữa. Xin vui lòng đưa tôi ra cổng.’

Theobald bước lên đến gần nó. ‘Ernest, con không thể, không được bỏ chúng ta như thế này.’

‘Đừng nói chuyện với con’ Ernest nói, và đôi mắt nó tóe lên một ánh lửa mà cha mẹ nó chưa từng thấy bao giờ. Một cai ngục khác đến và tách Theobald sang một bên, trong khi người kia đưa Ernest ra cổng.

‘Hãy nói với họ giùm tôi rằng,’ Ernest nói, ‘họ phải nghĩ về tôi như một kẻ đã chết, bởi tôi đã chết với họ rồi. Nói với họ rằng tôi đau đớn nhất lúc nghĩ về nỗi nhục nhã đã gây ra cho họ, và trên tất cả mọi thứ, tôi sẽ học cách để từ nay về sau không làm tổn thương họ nữa, nhưng cũng xin nói giùm rằng, nếu họ có viết thư cho tôi, tôi sẽ chẳng đọc và sẽ gửi trả lại, còn nếu họ đến tìm tôi, tôi buộc phải tự bảo vệ mình bằng mọi giá có thể.’

Vừa nói xong thì cũng đã đến cổng, và chỉ một giây sau, nó đã là một người tự do. Sau khi bước được vài bước ra ngoài, nó quay lại, dựa đầu vào tường nhà tù và bật khóc với con tim đau đớn.

Từ bỏ cha và mẹ vì Chúa Kitô không phải là một chuyện dễ dàng. Nếu một người bị quỷ nhập vào quá lâu, thì lúc xuất ra, dù là theo lệnh trừ quỷ đi nữa, nó sẽ giày vò anh ta khủng khiếp. Ernest không nán lại đó lâu bởi sợ rằng cha và mẹ nó có thể bước ra bất kỳ lúc nào. Nó xốc lại mình và dấn bước vào mê cung vô số những lối đi đang mở ra trước mắt nó.

Nó đã vượt qua được cửa ải quan trọng của đời mình, có thể không quá hào hùng và kịch tích, nhưng kịch tính chỉ là tác phẩm của kịch nghệ mà thôi. Dù gì đi nữa và bằng cách nào chăng nữa, nó đã lăn lê bò toài lao lên, và đã vượt qua được bờ bên kia. Dẫu trước đây, nó đã từng nghĩ rằng vào thời điểm chiến thắng này nó sẽ vui mừng nói những gì, hay khiển trách sự thiếu suy nghĩ của mình như thế nào, nhưng đến cuối cùng, chúng cũng chẳng còn mấy quan trọng nữa. Cho dù đã cố gắng thật nhẹ nhàng với cha mẹ mình, nhưng nó đã rất phẫn nộ khi họ lao đến nó mà không báo trước và lao đến ngay đúng thời điểm nó đang phấn khích vì được trở lại với cuộc sống tự do. Đó là điểm đánh động nó nhất, và nó mừng vì họ đã làm như vậy, bởi nhờ thế mà nó nhận thức được trọn vẹn hơn bao giờ hết rằng việc đoạn tuyệt hoàn toàn với họ chính là cơ hội duy nhất của nó.

Sáng hôm đó bầu trời đổ sang màu xám, và sương mù mùa đông cũng đã chớm xuất hiện, bởi bây giờ đã là ngày ba mươi tháng chín. Ernest mặc bộ áo quần nó đã mang lúc vào tù, và bởi thế trên người nó là trang phục của giáo sỹ, còn ngoại hình của nó bây giờ vẫn y hệt như cách đây sáu tháng. Do vậy, lúc đang rảo bước trên con hẻm đông đúc bẩn thỉu Eyre Street Hill mà nó vốn biết rất rõ vì có vài người bạn giáo sỹ khác ở quanh đó, thật sự trong nó bỗng thấy những ngày tháng trong tù tan đi tựa sương khói, và những giao thiệp cũ lại chiếm lấy nó quá mạnh mẽ, cộng thêm việc thấy mình trong bộ áo cũ, khiến nó có cảm tưởng như đang bị lôi lại vào cái tôi trước đây, như thể sáu tháng trong tù chỉ là một giấc mơ mà giờ đây khi đã thức dậy để sống thật, giấc mơ đó bị bỏ lại đàng sau vậy. Đây là tác động của ngoại cảnh không đổi trên những phần bất biến của nó. Nhưng trong con người nó, có một sự đã đổi khác, và như thế ngoại cảnh không đổi này chỉ khiến mọi thứ trở nên thật lạ lẫm như thể nó chưa từng sống bên ngoài nhà tù, và giờ đây vừa được sinh vào một thế giới mới.

Trong suốt cuộc đời, mỗi ngày mỗi giờ, chúng ta gắn bó với tiến trình điều hòa những cái tôi biến động và cái tôi bất biến của mình với những ngoại cảnh cũng biến động và bất biến như vậy, thực sự đó chính là cái mà chúng ta gọi là cuộc sống, khi chúng ta không điều hòa được đôi chút thì chúng ta là kẻ ngốc, khi chúng ta hoàn toàn không điều hòa được thì chúng ta bị điên, và lúc chúng ta ngưng tạm thời sự điều hòa này là chúng ta đang ngủ, còn nếu từ bỏ không còn cố gắng điều hòa nữa thì đó chính là chúng ta đã chết. Trong những đời sống trầm lặng yên ổn, những biến động nội tại và ngoại tại quá nhỏ đến nỗi có quá ít hoặc không có căng thẳng trong tiến trình hợp nhất và điều hòa này. Có những đời sống khác lại chứa đựng quá nhiều căng thẳng, nhưng họ lại cũng có được một sức mạnh hợp nhất và điều hòa to lớn. Và cuối cùng là những đời sống khác nữa cũng có quá nhiều căng thẳng nhưng lại không có được nhiều sức mạnh điều hòa này. Đời sống con người ta có thành công hay không tùy thuộc vào việc sức mạnh điều hòa có ngang bằng với sự căng thẳng trong việc hợp nhất và điều chỉnh những thay đổi nội tại và ngoại tại hay là không.

Vấn đề là ở chỗ, đến cuối cùng, chúng ta sẽ bị lái đến nhìn nhận toàn bộ vũ trụ hợp nhất quá độ hoàn hảo, như thế buộc chúng ta phải chối bỏ cả nội tại lẫn ngoại tại, và nhìn nhận mọi sự vừa có tính ngoại tại vừa có tính nội tại, rồi như mọi thứ khác, chủ thể và khách thể, hay nội tại và ngoại tại, phải được hợp nhất với nhau. Điều này sẽ chấn động toàn bộ hệ thống của chúng ta, nhưng tất cả mọi hệ thống thế nào rồi cũng phải bị chấn động bởi một điều gì đó mà thôi.

Cách tốt nhất để thoát khỏi sự phức tạp này là tách biệt hay hợp nhất nội tại và ngoại tại, hay nói cách khác là chủ thể và khách thể, bất kỳ lúc nào chúng ta thấy thích hợp. Cách này thật phi lý, những thái cực là những điều hợp lý độc nhất nhưng luôn luôn thật không thể chấp nhận được, những thứ giữa hai thái cực thì luôn có thể thực hiện được nhưng luôn là thứ vô lý. Chính đức tin và sự phi lý là những quan tòa thượng thẩm tột cùng. Người ta nói rằng mọi nẻo đường đều dẫn đến Roma, và tất cả mọi triết lý tôi từng biết, đến tận cùng đều hoặc dẫn đến một sự phi lý ghê gớm, hoặc một kết luận mà tôi đã hơn một lần nhấn mạnh trong những trang này, đó là chính đức tin nuôi dưỡng sự đúng đắn, có nghĩa là những người biết lý lẽ sẽ sống nhờ một luật tự đặt mà họ có thể trình bày nó dễ dàng nhất, và không cần phải đặt ra quá nhiều chất vấn lý trí. Hãy cứ đưa bất kỳ sự việc và lý lẽ nào đến tận cái kết đau thương, rồi chẳng mấy chốc người ta sẽ nhận ra được rằng sự phi lý của hai thái cực này mới là nơi nương ẩn duy nhất thoát khỏi những ý nghĩ ngu ngốc rõ ràng.

Nhưng hãy trở lại với câu chuyện của chúng ta. Khi Ernest đi đến cuối đường và quay đầu lại, nó thấy những bức tường bụi bẩn và buồn bã của nhà tù đang chiếm trọn tầm mắt. Nó dừng lại đôi phút, rồi tự nói với mình, ‘Ở đó, ta đã bị vây quanh bởi những chấn song mà ta có thể nhìn thấy và chạm đến, còn ở đây ta cũng bị vây phủ bởi những chấn song khác, ít thực hơn, là sự nghèo túng và sự chối bỏ của thế gian. Ta không còn cần phải cố gắng để phá vỡ những chấn song hữu hình bằng sắt hầu thoát khỏi nhà tù nữa, nhưng giờ đây khi đã tự do, chắc chắn ta phải tìm cách phá vỡ những chấn song vô hình kia.’

Nó đã đọc được đâu đó về một tù nhân vượt ngục bằng cách cắt khung cửa với một cái muỗng sắt. Nó ngưỡng mộ và kinh ngạc trước đầu óc của anh ta, nhưng không cố để bắt chước, tuy nhiên khi đối diện với những chấn song vô hình này, nó thấy mình không dễ bị uy hiếp, và thậm chí nếu khung cửa có bằng sắt mà trong tay chỉ có cái muỗng gỗ, nó vẫn có thể tìm ra được cách nào đó để khiến cho gỗ cắt được được sắt, sớm hay muộn mà thôi.

Nó quay đầu đi hết con hẻm Eyre Street Hill và bước sang Leather Lane để vào Holborn. Mỗi bước đi, mỗi khuôn mặt hay sự vật mà nó từng biết, đã giúp nối kết nó lại với đời sống trước khi vào tù, và cùng lúc đó cũng khiến nó thấy những ngày tháng trong tù đã chia đôi hoàn toàn cuộc đời nó thành hai thứ tuyệt đối khác biệt đến thế nào.

Nó đi xuống đường Fleet và đến khu Thánh Đường, nơi tôi vừa mới trở về sau kỳ nghỉ hè và đang chờ đón nó. Lúc đó là khoảng chín giờ rưỡi, và tôi đang dùng bữa sáng thì nghe thấy tiếng gõ cửa rụt rè, tôi ra mở cửa và chào đón Ernest vào nhà.

Bình luận