Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 45

Tác giả: Samuel Butler

Một số người bảo rằng những ngày đi học là thời hạnh phúc nhất trong đời. Có lẽ họ đúng, nhưng tôi luôn dành một ánh mắt ngờ vực cho những ai nói như vậy. Thật khó để biết được hiện giờ một người đang hạnh phúc hay bất hạnh, và cũng khó như thế khi so sánh những thời điểm khác nhau trong đời người, lúc nào là hạnh phúc và lúc nào là bất hạnh, điều khả dĩ nhất có thể nói được là bao lâu chúng ta chưa nhận thức rõ ràng về sự khốn cùng bấy lâu chúng ta vẫn còn khá hạnh phúc. Cách đây không lâu, khi tôi nói điều này cho Ernest, nó bảo rằng bây giờ nó quá hạnh phúc, chưa bao giờ nó hạnh phúc được như thế hoặc dám mơ được như thế, nhưng Cambridge đúng là nơi đầu tiên cho nó nhận thức được một hạnh phúc lâu dài.

Có đứa trẻ nào lại không phấn khích sung sướng khi lần đầu tiên được đặt chân vào căn phòng sẽ là nơi trú ẩn toàn quyền của nó trong suốt nhiều năm trời? Trong lâu đài nhỏ này, nó chẳng bị ép buộc phải nhường cái chỗ êm ái mà nó vừa ngồi lên khi cha hay mẹ nó bước vào phòng. Chiếc ghế êm ái bậc nhất này dành riêng cho nó, không có ai ở chung phòng và cũng chẳng có ai quấy rầy việc nó đang hứng thú làm, trong đó có việc hút thuốc. Nếu một căn phòng như thế hai mặt đều nhìn ra những bức tường trắng trơn im lìm, thì vẫn cứ là một thiên đường, và thiên đường đó sẽ còn đẹp hơn nhiều nếu từ đó có thể nhìn ra những sân cỏ, hay hành lang, hay sân vườn hệt như những gì thấy được từ các khung cửa sổ của phần lớn phòng ở tại Oxford và Cambridge.

Theobald, một cựu học sinh và đồng thời là trợ giảng ở trường Emmanuel, một thành viên của Đại học Cambridge, đủ khả năng để nhờ các giảng viên đương nhiệm cho mình được chọn phòng, và nhờ thế phòng ở của Ernest rất thoải mái với tầm nhìn ra bãi cỏ và chung quanh đều là vườn.

Anh đi cùng Ernest đến trường và rất hào hứng vì việc này. Việc được đi dạo đâu đó khiến anh vui thích, thậm chí niềm tự hào vì có người con trai trưởng thành học đại học cũng chẳng là gì so với điều này. Vẻ rạng rỡ của anh phần nào khiến anh nhẹ nhàng hơn Ernest. Theobald nói anh ‘sẵn sàng hy vọng,’ đây là một trong những câu cửa miệng của anh, rằng Ernest sẽ biết đổi tính đổi nết khi anh quay gót về nhà, còn riêng phần mình, anh ‘quá sẵn lòng,’ cũng là một câu cửa miệng khác, cho qua tất cả mọi chuyện.

Dù chưa có tên trong danh sách sinh viên, nhưng Ernest vẫn được dùng bữa cùng với cha tại bàn ăn của một trong những trường thành viên khác theo lời mời từ một người bạn cũ của Theobald. Và ở đó, nó làm quen với đủ chuyện tốt đẹp về cuộc sống ở nơi đây, cùng những cái tên lạ lẫm đối với nó. Vừa ăn, nó vừa cảm thấy rằng giờ đây, nó sắp được nhận một nền giáo dục thực sự tự do. Cuối cùng, cũng đến lúc nó vào trường Emmanuel, nơi nó sẽ được ngủ trong một căn phòng hoàn toàn mới mẻ. Cha nó cùng đi đến cổng và nhìn nó an toàn vào trường, rồi vài phút sau, nó đã thấy mình được ở một mình trong gian phòng chỉ của riêng nó mà thôi.

Từ thời điểm này, nó bắt đầu những ngày tháng, nếu không phải hoàn toàn, thì xét chung cũng là quá hạnh phúc đối với nó. Tuy nhiên, tôi không cần phải mô tả nó, bởi đã có nhiều tiểu thuyết trình bày đời sống của một sinh viên trầm tính và đều đều, còn tốt hơn tôi nữa. Ernest có vài bạn học cũ cũng gia nhập Cambridge cùng khóa với nó, và nó tiếp tục giữ mối quan hệ thân tình với chúng suốt thời đại học. Một vài bạn học cũ khác chỉ hơn nó một hai lớp, chúng đến tìm gặp nó, và nhờ đó nó có được một khởi đầu đủ thuận lợi đối với cuộc sống đại học. Tính thẳng thắn vốn lộ rõ trên khuôn mặt nó, tính hài hước và dễ nhường nhịn hơn là gây gổ, đã khỏa lấp đi sự vụng về và thiếu năng lực của nó. Trong đám cùng khóa, nó sớm trở thành một đứa không khó ưa, và dù không có khả năng cũng như không mong muốn trở thành một thủ lĩnh, nhưng những đứa cầm đầu vẫn cho nó gia nhập vào số những kẻ theo đuôi chúng.

Nó chẳng có chút tham vọng nào, sự vĩ đại hay thực sự là sự ưu việt nổi trội dường như quá xa vời và khó hiểu đối với nó, nên chẳng bao giờ nó có chút ý nghĩ gì về chuyện này. Nếu tránh được sự chú ý của những đứa mà nó không muốn quan hệ, thì với nó, vậy là đủ mừng rồi. Nó không quan tâm đến chuyện kiếm điểm cao, chỉ cần đủ điểm sao cho cha mẹ khỏi cằn nhằn là được. Nó cũng chẳng mơ được giữ lại trường giảng dạy, nếu có ý định đó, thì nó đã cố hết sức để đạt cho bằng được rồi, bởi nó đã quá yêu ngôi trường này đến mức không thể chịu nổi cái ý nghĩ phải rời xa Cambridge; điều gần như duy nhất đến bây giờ vẫn còn khiến nó thấy cực kỳ xốn xao chính là sự ngắn ngủi quá đáng của thời gian hạnh phúc tại ngôi trường này.

Ít chú ý đến việc phát triển bản thân, và để đầu óc được tự do, Ernest đọc sách khá nhiều, không phải bởi nó thích đọc, mà bởi vì người ta bảo rằng nó nên đọc, và bản năng tự nhiên của một thanh niên chẳng giỏi giang trong bất kỳ lĩnh vực nào đã thúc đẩy nó làm theo những gì mà người có thẩm quyền khuyên bảo. Ý định của cha mẹ nó (xuất phát từ việc tiến sỹ Skinner nói rằng Ernest chẳng bao giờ có thể được nhận làm viện sỹ) là làm sao để nó có được một tấm bằng đủ khá để có thể gia nhập đội ngũ trợ giảng hay giảng viên của một trường nào đó hầu làm bước đệm chuẩn bị trở thành một mục sư. Khi được hai mươi mốt tuổi, số tiền thừa kế sẽ chính thức được chuyển giao cho nó, và việc tốt nhất nó có thể dùng đến chúng là lấy chúng mà mua cho mình một tiến cử nghề nghiệp, làm thân với một mục sư già, và tiếp tục sống tạm bằng việc trợ giảng hay giảng viên cho đến khi được bổ nhiệm vào vị trí đang chờ đợi đó. Nó có thể kiếm được một vị trí rất tốt, bởi số tiền thừa kế từ ông nó đã tích lũy lên rất nhiều, và bởi Theobald chưa bao giờ thực tâm có ý định khấu trừ số tiền nuôi dạy và học phí của Ernest, nên tính đến bây giờ tổng số tiền của nó đã lên đến khoảng năm ngàn bảng. Theobald chỉ nói đến chuyện khấu trừ để kích thích Ernest nỗ lực hết sức mình khi nghĩ rằng chỉ có việc học cho tốt mới cho nó một cơ hội thoát khỏi cảnh chết đói, hoặc cũng có thể anh làm vậy đơn thuần chỉ vì muốn châm chích nó mà thôi.

Khi Ernest có được một nhiệm sở cho nó sáu hay bảy trăm bảng một năm cùng với một ngôi nhà, và một số giáo dân vừa đủ, thì nó có thể tăng thu nhập bằng cách nhận học sinh hoặc thậm chí là mở một ngôi trường, và rồi đến năm ba mươi tuổi nó có thể lập gia đình. Thật không dễ để Theobald nghĩ ra được kế hoạch nào hợp lý hơn thế. Anh không thể đưa Ernest vào thương trường, bởi anh chẳng có mối quan hệ kinh doanh nào cả, ngoài ra anh cũng chẳng hiểu gì về kinh doanh, rồi anh cũng chẳng hứng thú với trường luật, còn ngành Y lại là một nghề đẩy các sinh viên vào những thử thách và cám dỗ mà những bậc cha mẹ đáng kính sẽ phải e dè thay cho con họ, nếu theo ngành này nó sẽ sa vào những đám bạn không tốt và quen dần với những thứ sẽ băng hoại nó mất, và dù có thể nó sẽ đứng vững, nhưng cũng ‘rất có thể’ nó sẽ sa ngã. Hơn nữa, làm một mục sư là con đường mà Theobald đã biết và hiểu rõ, đúng hơn, đó thực sự là con đường mà anh nắm bắt được trọn vẹn tất cả mọi thứ trong đó, nên chẳng lạ gì khi anh chọn nó cho Ernest.

Đường đi nước bước như trên đã được tiêm nhiễm vào đầu Ernest ngay từ lúc còn rất nhỏ, như đã từng diễn ra với Theobald, và cũng mang lại một kết quả tương tự, đó là khiến Ernest tin rằng mình nhất định phải làm một mục sư, nhưng trước mắt là một lộ trình dài và nó mong mọi chuyện sẽ ổn. Thứ đủ rõ ràng đối với nó hiện giờ là bổn phận đọc sách và kiếm được một tấm bằng khá hết sức trong khả năng của mình, nên nó lao mình vào học tập và, như tôi đã nói, học tập một cách đều đặn kiên định, rồi ngay trong năm học đầu tiên, nó đã lấy được học bổng trước sự ngạc nhiên của mọi người cũng như của chính nó, và dù đó không phải là một học bổng quá giá trị, thì ít ra vẫn là một học bổng. Chẳng cần phải nói cũng biết, Theobald giữ hết số học bổng này, vì anh tin rằng số tiền tiêu anh cho Ernest là đủ cho nó rồi, cũng như anh thấy thật đáng ngại khi để một thanh niên được toàn quyền quyết định chuyện tiền bạc. Tôi không cho là anh có nhớ hay cố nhớ chút gì về cái cảm giác lúc cha anh làm điều tương tự đối với anh năm xưa hay không.

Cách dùng tiền của Ernest cũng chẳng khác gì hồi còn học ở trường cũ, chỉ khác là ở một mức độ cao hơn mà thôi. Chi phí gia sư và ăn uống đã được cha nó thanh toán, và ông còn gởi rượu cho nó nữa, ngoài ra nó có một khoản năm mươi bảng mỗi năm để lo chuyện áo quần và những chi tiêu khác, đây là mức độ bình thường ở trường Emmanuel vào thời của Ernest, mặc dù vẫn có nhiều sinh viên chi tiêu kém xa mức đó. Nó làm đúng những gì đã từng làm ở Roughborough, nghĩa là tiêu pha hết mức có thể ngay khi vừa nhận tiền, rồi rơi vào cảnh nợ nần vừa phải, sống túng quẫn chờ đến học kỳ tiếp theo, lại nhận tiền để ngay lập tức trả các khoản nợ, và bắt đầu tái lập những khoản nợ khác ngang với các khoản nợ mà nó vừa trả xong. Lúc được nhận năm ngàn bảng và trở nên độc lập về mặt tài chính, nó thường dùng mười lăm hay hai mươi bảng để khỏa lấp những khoản lạm chi của mình.

Ernest gia nhập câu lạc bộ chèo thuyền và tham gia những buổi tập một cách đều đặn. Thói hút thuốc, nó vẫn giữ, nhưng chỉ uống rượu bia có mức độ, có lẽ chỉ trừ vài lần ăn nhậu trên thuyền, nhưng rồi về sau nó thấy việc này chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì, và sớm học được cách giữ mình trong giới hạn an toàn. Nó đi nhà thờ vừa đủ mức được đề ra, và mỗi năm rước Thánh Thể vài lần, bởi gia sư của nó bảo nên làm như vậy. Thật sự, nó đã giữ mình được điềm đạm và trong sạch, tôi cho rằng chính bản chất đã thúc đẩy nó làm như thế, còn khi nó phạm lỗi gì, có con người nào mà không phạm lỗi đâu, thì nó cũng chỉ phạm lỗi sau khi đã cố gắng đấu tranh kịch liệt nhưng đành đầu hàng do những cám dỗ đó vượt quá mức bản tính con người của nó có thể chịu nổi, rồi sau đó nó ăn năn hối hận vô cùng và không tái phạm trong một thời gian dài. Nó luôn như thế kể từ khi nó sống một cách vô thức.

Thậm chí cho đến hết thời kỳ đại học, nó vẫn không nhận ra được rằng nó đang cưu mang sự vô thức đúng đắn đó trong mọi việc nó làm, nhưng những người khác bắt đầu nhìn ra được là nó không thiếu khả năng và thỉnh thoảng có bảo cho nó biết điều đó. Nó không tin, thực sự nó cho rằng nếu ai đó nghĩ nó thông minh thì chỉ là do họ bị lừa rồi, nhưng việc có thể lừa được người khác khiến nó thấy khoái trá, và nó cố để làm hơn thế nữa. Bởi vậy, nó sa đà vào những lời sáo rỗng mà nó gặp được rồi đem áp dụng tùy dịp, và nó sẽ khó chịu chết mất nếu không ném đi một lời sáo rỗng ngay lập tức mỗi khi gặp được một lời rỗng tuếch khác hợp ý nó hơn. Đồng bạn của nó vẫn thường nói rằng, lúc mới đến, nó như con chim dẽ giun, vài lần bay vọt theo nhiều hướng khác nhau trước khi có được một đường bay thẳng và kiên định, nhưng một khi đã vào được lối này rồi, thì nó sẽ giữ mãi đường bay đó.

Bình luận
× sticky