‘Bạn biết đấy, Pontifex thân mến của tôi,’ Pryer nói với Ernest lúc đang đi dạo trong vườn Kensington vào khoảng vài tuần sau khi bắt đầu quen biết nhau, ‘Bạn biết đấy, thật hoàn toàn đúng đắn khi chúng ta bất đồng với Roma, nhưng mà Roma gần đây đã biến việc chỉnh đốn tinh thần con người thành một loại khoa học, còn trong khi đó, Giáo hội của chúng ta, dù nguyên tuyền hơn họ về nhiều mặt, lại chưa có một hệ thống tổ chức nào để chẩn đoán và trị liệu, ý tôi tất nhiên, là về mặt tinh thần ấy. Giáo hội của chúng ta không định ra được những phương thuốc theo kiểu một hệ thống được thiết lập sẵn, và tệ hơn nữa, ngay cả khi những nhà trị liệu của chúng ta với hiểu biết của họ đã tìm ra căn bệnh và kê thuốc chữa, Giáo hội này vẫn chẳng có được một nền kỷ luật để bảo đảm cho phương thức chữa lành đó được thực hiện. Nếu những bệnh nhân của chúng ta không muốn làm theo những gì chúng ta bảo, thì chúng ta cũng chẳng thể bắt ép họ được. Có lẽ thực sự trong mọi trường hợp, khi đem chúng ta so sánh với linh mục Roma, thì giống như kiểu bác sỹ thú ý với bác sỹ vậy. Và chúng ta sẽ chẳng thể hy vọng có tiến triển chút gì trong việc chống lại tình trạng tội lỗi và thống khổ đang vây khốn chúng ta, trừ phi chúng ta biết quay về với một vài khía cạnh trong việc hành đạo của cha ông và của phần lớn thế giới Kitô giáo.’
Ernest hỏi Pryer xem anh ta mong muốn quay về với việc hành đạo của cha ông trong những khía cạnh nào.
‘Sao nào, bạn thân mến, bạn có thể thực sự ngu dốt đến vậy ư? Đơn giản là thế này, nếu quả thật các mục sư chẳng phải là người hướng dẫn tinh thần và cũng chẳng có khả năng chỉ cho người ta cách để sống tốt hơn những gì tự họ có thể tìm được, thì mục sư chẳng là gì cả và cũng chẳng có lý do gì để tồn tại. Nếu mục sư không phải là một người chữa lành và hướng dẫn cho linh hồn như vai trò của bác sỹ đối với thể xác, vậy thì mục sư là cái gì? Lịch sử của mọi thời đã chỉ ra, và tôi chắc là bạn cũng biết rõ như tôi, rằng người ta chẳng thể cứu chữa cho thân xác bệnh nhân nếu chưa được đào tạo đúng đắn trong bệnh viện dưới sự chỉ dẫn của những người lành nghề, vậy thì linh hồn cũng không thể được chữa lành khỏi những bệnh tật sâu kín bên trong nếu như không có những người được đào tạo những kỹ năng về phần hồn, hay nói cách khác, chính là mục sư đó. Một nửa những công thức và đề mục của chúng ta sẽ là thứ gì nếu không có điều này? Xét cho cùng, làm sao chúng ta chỉ có thể tìm ra chính xác bản chất của một bệnh tật phần hồn, nếu như không có kinh nghiệm trong những trường hợp tương tự như vậy, và như thế có hợp lý hay không? Hiện tại chúng ta đều bắt đầu với những thử nghiệm tự phát, mà chẳng có một kinh nghiệm hệ thống nào từ những người đi trước, hay nói cách khác là hiện nay, các kinh nghiệm chưa bao giờ được người ta tổ chức và sắp xếp lại. Bởi thế, lúc khởi đầu công việc mục sư, thế nào chúng ta cũng sẽ phá hoại một vài linh hồn, một việc mà chúng ta có thể tránh được nếu như được dạy cho biết vài nguyên tắc căn bản.’ Ernest vô cùng ấn tượng vì điều này.
‘Còn khi người ta tự chữa cho mình ư,’ Pryer tiếp tục, ‘về phần hồn, họ chẳng thể làm gì hơn những việc chữa chạy có thể làm với thân xác hay với những vấn đề luật pháp. Trong hai trường hợp sau, người ta thấy rõ ràng thật ngu ngốc khi tự mình can thiệp sâu vào những chuyện này, và rồi tất yếu phải tìm đến những người chuyên nghiệp, mà chắc chắn vấn đề phần hồn còn khó khăn và phức tạp hơn, cũng như quan trọng đối với người ta hơn, do đó càng cần phải xử lý nó một cách hợp lý hơn nữa. Chúng ta nghĩ gì khi thấy một Giáo hội khuyến khích người ta cậy dựa vào những lời khuyên không đủ chuyên sâu trong những vấn đề liên quan đến hạnh phúc đời đời của họ, trong lúc đó lại không muốn gây hại cho những chuyện trần tục của mình bằng một cách xử trí tương tự như vậy?’
Ernest chẳng thấy một kẽ hở nào trong lập luận này. Những ý tưởng này đã từng thoáng qua trong đầu nó trước đây, nhưng chưa bao giờ nó nắm vững hay sắp xếp chúng lại. Và nó cũng chẳng nhạy bén để dò ra được những so sánh sai lầm và quá lạm dụng mà Pryer đang dùng, thực sự thì nó chỉ như một đứa nhãi con trong tay anh ta mà thôi.
‘Và tất cả những chuyện này nói lên điều gì?’ Pryer lại tiếp tục, ‘Trước hết, về bổn phận xưng tội, việc phân tích mổ xẻ chẳng phải là một phần huấn luyện của các sinh viên y khoa hay sao. Giả dụ như những sinh viên này phải nhìn và phải làm những việc mà chúng ta còn chẳng muốn nghĩ đến, nhưng họ sẽ chẳng theo đuổi một nghề nghiệp trừ phi họ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó, họ có thể lấy chất độc từ một người chết mà tiêm vào mình rồi mất mạng, nhưng họ phải đánh cược với cơ hội của họ. Vậy nếu chúng ta mong mỏi được trở thành những mục sư sao cho đúng với danh xưng này, thì chúng ta cũng phải làm quen với những chi tiết nhỏ nhặt nhất và ghê gớm nhất của đủ mọi loại tội, để nhờ đó chúng ta có thể nhận biết mọi dạng thức của chúng. Chắc chắn một vài người trong chúng ta sẽ mất linh hồn khi theo đuổi việc này. Chúng ta không thể tránh được nó, tất cả mọi ngành khoa học đều phải có những kẻ tử vì đạo, và trong số đó không ai đáng được vinh danh hơn những người bị sa ngã khi mưu tìm sự chữa lành cho linh hồn.’
Ernest càng bị thu hút hơn về vấn đề này, nhưng với bản tính hiền lành, nó chẳng bình luận gì.
‘Tôi không mong muốn mình tử vì đạo theo kiểu như thế,’ gã phụ tá Pryer lại tiếp tục, ‘mà ngược lại, tôi sẽ xa lánh việc này bằng hết sức lực mình, nhưng nếu Chúa muốn tôi phải sa ngã khi đang tìm hiểu những gì tôi tin rằng sẽ mang lại vinh quang cho Ngài, thì xin đừng theo ý tôi, một theo ý Chúa mà thôi.’
Đến đây là đã quá mức chịu đựng của Ernest.
‘Tôi từng nghe nói đến một người phụ nữ Ireland tự nhận mình là một kẻ tử vì đạo trong chuyện chè chén.’ Pryer nói với một điệu cười nhếch trên môi. ‘Và bà ta đúng thực như vậy,’ anh ta reo lên đầy hăng hái, rồi tiếp tục chỉ cho Ernest thấy người phụ nữ tốt này là một người theo tư tưởng thực nghiệm, và những thử nghiệm của bà dù gieo cho bản thân bà những tác hại khủng khiếp nhưng lại mở mắt cho những người khác. Do đó, bà đúng là một kẻ tử vì đạo hay là một bằng chứng cho những tác hại kinh khủng của thói rượu chè, và nhờ đó cứu được nhiều người mà nếu không có sự hi sinh của bà thì chắc chắn họ đã sa vào thói xấu này rồi. Bà là một hy vọng bị tàn lụi, một người thất bại không thể giữ vững được quan điểm của mình, bà là minh chứng cho sự bất bại của thói rượu chè, từ đó khiến người ta thấy ra rượu chè không phải là thói có thể dạm thử được. Đối với nhân loại, nếu việc kiên định giữ vững được quan điểm vĩ đại đến mức nào, thì thất bại này của bà cũng mang lại một thu hoạch ngang tầm lớn lao như vậy.
‘Ngoài ra,’ anh ta vội vã nói thêm, ‘giới hạn giữa xấu và tốt là cực kỳ mong manh. Nửa số những thói xấu xa mà cả thế giới lên án mạnh mẽ nhất đều có hạt giống sự thiện trong chúng, và chúng ta cần sử dụng một cách vừa phải chứ không nên tuyệt đối trốn tránh chúng.’ Ernest rụt rè xin một ví dụ.
‘Không, không,’ Pryer trả lời, ‘tôi sẽ không cho bạn một ví dụ, nhưng sẽ đưa ra một công thức gộp tóm toàn bộ mọi ví dụ. Nó như thế này, không có việc gì hoàn toàn xấu xa, và những giống loài lịch thiệp nhất, mạnh mẽ nhất và học thức nhất trong lịch sử loài người đã chỉ làm yếu đi những thói xấu thay vì tiêu diệt chúng tận gốc. Nếu những thói xấu vẫn được tồn tại trong những quốc gia lịch thiệp nhất, thì điều đó hẳn phải được thiết lập trên một chân lý bất di bất dịch hay trên một sự thật trong bản tính con người, và chúng hẳn phải có những lợi điểm bù trừ mà chúng ta không thể chối bỏ được.’
‘Nhưng,’ Ernest lại rụt rè lên tiếng, ‘vậy chẳng phải như thế là xóa sạch tất cả những phân biệt giữa thiện và ác, và người ta sẽ chẳng có bất kỳ hướng dẫn đạo đức nào nữa hay sao?’ ‘Không phải những thường dân, mà chính chúng ta sẽ là người quan tâm hướng dẫn cho họ, bởi họ đang và luôn luôn bất lực trong việc hướng dẫn chính mình sao cho đúng đắn. Chúng ta nên dạy cho họ phải làm gì, và lý tưởng nhất, chúng ta phải có khả năng bắt họ làm những điều đó. Có lẽ tình trạng lý tưởng này chỉ đến khi chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, và để thúc đẩy điều này, thì việc cần thiết nhất chính là chúng ta phải có một hiểu biết sâu rộng hơn bệnh lý tinh thần. Và để được như vậy cần có ba điều, thứ nhất là chúng ta, các mục sư phải có sự tự do tuyệt đối để thử nghiệm đối với các bệnh tinh thần này, thứ hai là chúng ta phải nhận biết hoàn toàn về những suy nghĩ và việc làm của giáo dân một cách tổng thể cũng như trong những trường hợp nhất định, và thứ ba là các mục sư chúng ta phải được tổ chức gắn kết chặt chẽ hơn nữa.
Nếu chúng ta muốn làm được điều gì đó tốt đẹp thì chúng ta buộc phải hợp nhất chặt chẽ với nhau, và đồng thời phải vươn mình mạnh mẽ vào trong lòng giáo dân. Chúng ta cũng phải thoát khỏi những ràng buộc của gia đình vợ con. Tôi gần như không thể diễn tả hết sự ghê tởm khi chứng kiến đời sống của các mục sư anh chìm trong thứ mà tôi chỉ có thể gọi là ‘hôn nhân vô giới hạn’. Thật là tồi tệ. Mục sư phải là người tuyệt đối vô tâm thờ ơ với tình dục, nếu không tuyệt đối trong thực tế, thì ít ra cũng phải trong lý thuyết, và quy luật này phải được chấp nhận rộng rãi sao cho không một ai dám cả gan phê phán nó.’
‘Nhưng,’ Ernest nói, ‘chẳng phải Kinh Thánh đã dạy cho người ta biết những gì nên và không nên làm, còn chúng ta chỉ cần chú tâm vào Kinh Thánh là đủ rồi, không cần quan tâm đến thứ khác nữa, có đúng vậy không?’
‘Nếu bạn bắt đầu với Kinh Thánh,’ Pryer đáp lại, ‘thì bạn đã bước được ba bước trên con đường bội tín, và rồi sẽ bước thêm bước nữa mà bạn chẳng hay. Đối với chúng ta, Kinh Thánh rất có giá trị, nhưng với giáo dân, lại là một tảng đá ngáng đường mà chẳng thể sớm hoàn toàn vứt nó đi được. Tất nhiên, trong trường hợp này tôi giả thiết là họ có đọc Kinh Thánh, nhưng thực sự họ lại hiếm khi làm vậy. Nếu người ta đọc Kinh Thánh theo cách của những viên chức trong Giáo hội, thì như vậy chẳng có gì đáng ngại, nhưng nếu họ đọc nó một cách vô ý thức, mà chắc hẳn thế nào cũng như vậy, thì đó lại là mối nguy hại cho họ.’
‘Ý anh là sao?’ Ernest buột miệng, trong lòng càng kinh ngạc hơn nữa, nhưng cũng cảm thấy rõ hơn là ít nhất nó đang bị điều khiển bởi một người mang trong mình những tư tưởng rõ ràng.
‘Câu hỏi của bạn chỉ ra rằng bạn chưa bao giờ đọc đến Kinh Thánh của chính bạn. Một quyển sách khó nắm bắt hơn và không bao giờ được viết ra sẵn. Hãy nghe tôi, và đừng bao giờ đọc nó, đừng đọc cho đến khi bạn đủ tuổi khôn hơn, lúc đó bạn mới có thể đọc nó an toàn.’
‘Nhưng chắc chắn anh phải tin Kinh Thánh về những điều như Chúa Kitô đã chết và đã sống lại từ cõi chết, có chắc là anh tin những điều này hay không?’ Ernest trả lời, và sẵn sàng đón nhận câu trả lời là không.
‘Tôi không tin, tôi biết là tôi không tin.’
‘Nhưng vậy phải làm sao, nếu những lời chứng trong Kinh Thánh là sai lầm?’
‘Tin vào lời sống động của Giáo hội, những lời tôi biết là được chính Chúa Kitô lập nên, và không thể sai lầm.’