Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 75

Tác giả: Samuel Butler

Vào tháng chín năm 1860, đứa con gái đầu lòng của cả hai ra đời, và nó khiến Ernest thấy vừa hãnh diện vừa hạnh phúc. Việc hạ sinh đứa trẻ, và đúng hơn là những lời cảnh báo của bác sỹ, đã khiến Ellen điều độ trở lại được vài tuần rồi, và như thế gần như mọi mong ước của Ernest đều đã thành hiện thực. Thời kỳ ở cữ của Ellen tiêu tốn khá nhiều tiền nên nó buộc phải lạm chi nhiều vào khoản tiền tiết kiệm, nhưng nó tin chắc sẽ sớm thu hồi lại được chúng ngay khi Ellen trở lại là chính mình. Thực sự thì việc kinh doanh của nó đã khởi sắc lên được đôi chút, cho dù quãng thời gian gián đoạn dường như đã phá hỏng lời nguyền may mắn ban đầu của nó, tuy vậy nó vẫn lạc quan và làm việc ngày đêm với quyết tâm cao độ, nhưng cuộc sống nó bây giờ quá bận rộn đến nỗi không còn chỗ cho âm nhạc, đọc sách hay viết lách nữa. Nó đã không còn có được những buổi đi dạo ngày Chủ nhật, và thậm chí tầng một trong nhà vốn dành riêng cho tôi cũng đã không còn là nơi trú ẩn cho nó nữa, hiếm khi nó lên đó bởi Ellen ngày càng phải bận bịu hơn với đứa trẻ, và như thế, nó cũng ngày càng phải bận rộn hơn để lo cho cô.

Khoảng hai tháng sau khi đứa bé ra đời, cũng là lúc chàng trai trẻ của chúng ta đang bắt đầu thấy hy vọng hơn và mạnh mẽ hơn để gánh vác gia đình, một chiều nọ, nó ra ngoài để mua hàng, và khi trở về lại thấy Ellen đang trong tình trạng kích động bấn loạn hệt như nhiều tháng về trước. Cô nói là cô lại có mang, và Ernest vẫn tin lời cô như thế. Mọi vấn đề của sáu tháng trước bắt đầu trở lại, và còn cứ mãi tệ hơn qua từng ngày. Ernest không nhanh chóng kiếm lại được tiền, bởi Ellen cứ dối nó mà giữ chúng lại làm việc khác, và cô cũng không chi tiêu hợp lý số tiền nó đem về. Khi tiền về cô giành lấy hết với những cái cớ có vẻ quá tàn bạo để kể ra. Mọi chuyện cứ mãi như vậy, nhưng dần dần thì cũng có chuyện lộ ra. Ernest thừa kế được từ cha nó tính chi li chính xác về tiền bạc, nó muốn được biết đến tường tận những thứ được mua bằng tiền từ hầu bao của nó, và ghét phải chi tiền cho những thứ không có trong dự định và không đáng mua, nhưng giờ đây nó lại phải đối mặt với một đống hóa đơn cho những thứ mà Ellen đã mua mà không hỏi ý kiến nó, hoặc cho những thứ mà nó vốn đã đưa tiền cho cô để thanh toán rồi. Việc này thật quá sức chịu đựng, kể cả với Ernest. Khi nó khuyên can cô, không phải vì chuyện mua món này món nọ, mà vì cô đã không cho nó biết về những khoản nợ này, thì Ellen nổi cơn điên và thế là xảy ra trận cãi nhau. Lúc này cô gần như quên hết cái thời khó khăn khi cô phải tự xoay xở để kiếm sống, và thẳng thừng trách

Ernest vì đã cưới cô, lúc đó đôi mắt Ernest lại được mở ra hệt như khi nó nghe Towneley nói ‘Không, không, không,’ vậy. Nó lặng thinh không nói gì, nhưng dứt khoát nhận ra được rằng nó đã phạm sai lầm trong hôn nhân. Một lần nữa, một sự đánh động lại mở mắt cho nó nhìn thấy chính mình.

Nó lên lầu, chốn trú ẩn lâu nay nó quên lãng, thả mình xuống ghế với hai tay ôm lấy mặt.

Nó vẫn chẳng biết chút gì về chuyện vợ nó uống rượu, nhưng nó biết là chẳng thể tin cô thêm nữa, và như thế giấc mơ hạnh phúc của nó đã vụt tắt. Nó đã thoát khỏi Giáo hội nhờ quyết tâm trong đau đớn, nhưng cái gì có thể cứu nó thoát khỏi cuộc hôn nhân này đây? Nó đã phạm lại đúng sai lầm hệt như khi dấn thân gắn bó với Giáo hội, nhưng với một hậu quả nặng nề hơn gấp trăm lần. Kinh nghiệm chẳng giúp gì cho nó, nó là một Esau, kẻ bị Thiên Chúa làm cho cứng lòng, kẻ có tai nhưng chẳng nghe, có mắt nhưng chẳng nhìn, và sẽ chẳng tìm nổi một chốn nương thân cho dù có mải miết tìm kiếm trong khóc than đau đớn.

Nhưng chẳng phải trong tất cả mọi sự nó đã cố gắng để tìm ra ý Chúa, và vâng theo hết trọn tâm hồn hay sao? Trong một giới hạn nhất định thì đúng là vậy, nhưng nó không hoàn toàn làm được như thế, nó vẫn chưa từ bỏ hết tất cả vì Thiên Chúa. Nó biết rất rõ rằng nó đã làm rất ít so với những gì nó nên và phải làm, nhưng dù là thế, nếu nó bị trừng phạt vì điều này thì Chúa vẫn là một ông chủ quá khắc nghiệt, và là người luôn mãi rình rập bất thình lình giáng xuống đầu nó những nỗi bất hạnh. Khi cưới Ellen, nó đã muốn tránh một đời sống tội lỗi, và theo thời gian, nó tin là mình đã sống đúng và có đạo đức. Với quá khứ và hoàn cảnh của nó, thật hết sức tự nhiên khi nó làm như vậy, ngay cả trong hoàn cảnh khốc liệt nhất mà đạo đức đã đẩy nó vào. Liệu chút vô luân nào đó có khiến hoàn cảnh của nó tồi tệ hơn hay không? Xét toàn bộ, thì đạo đức có ý nghĩa gì khi đến tận cùng lại không đem lại cho người ta được bình an, và có ai đủ lý chứng để dám chắc chắn rằng hôn nhân sẽ cho người ta sự bình an đó? Với Ernest, dường như khi nỗ lực sống đạo đức, nó lại đang chạy theo một thứ ma quỷ đội lốt thiên thần. Nhưng nếu như vậy, thì người ta biết dựa vào đâu để tiến bước an toàn hợp lý được bây giờ?

Nó vẫn còn quá trẻ để nhận ra được câu trả lời vốn là ‘Dựa vào nhận thức thông thường’, một lời đáp có lẽ sẽ vô dụng với bất kỳ ai sống kiểu lý tưởng hóa như nó.

Dù gì đi nữa, nó cũng đã kết hôn, và phải đi trọn cuộc hôn nhân này đến hết đời. Nếu có xuất hiện bất kỳ tia sáng hy vọng nào trong cuộc đời nó đi nữa, thì cũng sớm bị lụi tàn ngay lập tức, than ôi, trong tù còn hạnh phúc hơn thế này nhiều. Dù gì thì trong tù nó cũng chẳng phải lo lắng chuyện tiền bạc, còn ở đây tiền nong lại đè nén trên nó với tất cả những nỗi kinh hãi. Bây giờ, nó vẫn thấy hạnh phúc hơn thời ở Battersby hay Roughborough, và thậm chí vẫn hơn thời gian ở Cambridge, nhưng xét cho cùng, tương lai của nó quá tăm tối, và thậm chí thực sự vô vọng, đến nỗi nó thấy mình sẵn sàng vui sướng nếu được nằm ngủ và chết trên chiếc ghế này ngay lập tức.

Nó cứ mơ màng và nghĩ về những hy vọng vỡ nát của mình, bởi thấy đủ rõ rằng một khi còn sống với Ellen, nó sẽ chẳng bao giờ có được những điều nó mơ ước. Đột nhiên, nó nghe có tiếng gì phía nhà dưới, rồi một người hàng xóm vội vã chạy lên,

‘Trời ơi, ông Pontifex,’ bà kêu lên, ‘vì Chúa xin xuống ngay và giúp một tay. Bà nhà đang co giật và trong cơn nguy hiểm.’

Con người bất hạnh của chúng ta chạy xuống ngay và thấy vợ mình đang mê sảng trầm trọng, một biểu hiện rõ ràng nhất không thể chối cãi của chứng nghiện rượu.

Bây giờ thì nó đã biết rõ hết mọi chuyện. Hàng xóm nghĩ rằng nó hẳn phải biết vợ nó nghiện rượu từ lâu rồi, nhưng Ellen quá tinh vi còn nó lại quá đơn giản, nên như tôi đã nói, nó đã chẳng có chút nghi vấn nào về chuyện này. ‘rồi sao đây,’ người phụ nữ đã lên gọi Ernest bảo cho nó biết, ‘cô ấy sẽ uống cho đến khi nào còn uống được và còn đủ tiền để trả.’ Ernest gần như không tin vào tai mình, nhưng khi bác sỹ đến và Ellen đã dịu lại, nó đi đến quán rượu gần nhà để hỏi chuyện và khám phá ra sự thật không thể phủ nhận này. Người chủ quán nhân dịp này mà đưa cho Ernest xem một hóa đơn tiền rượu của vợ nó, và nó chẳng đủ tiền thanh toán bởi tổng số tiền còn nhiều hơn phần tiết kiệm còn lại của nó, vốn đã hao tốn nhiều trong thời gian vợ nó ở cữ cộng với công việc kinh doanh lâu nay không được thuận lợi.

Nó tìm đến tôi, không phải để xin tiền mà để kể cho tôi chuyện đáng buồn này. Đôi lần tôi đã thấy có gì đó không ổn, và đã khá tinh tường mà mường tượng đúng vấn đề, nhưng tất nhiên tôi đã không cho nó biết, bởi trong thời gian qua, Ernest và tôi ngày càng xa cách nhau. Tôi phật ý vì nó kết hôn, và nó cũng biết như vậy dù tôi cố giấu diếm hết sức.

Với một người đàn ông, tình thân bạn bè, cũng hệt như ý chí của anh ta, sẽ chấm hết bởi hôn nhân, và cũng sẽ y hệt như vậy khi bạn của anh ta kết hôn. Vết rạn trong tình bạn vốn luôn xuất hiện khi một trong hai người bạn tiến đến hôn nhân, gần như sẽ luôn nhanh chóng mở rộng ra đến mức tạo nên một vực thẳm quá lớn giữa hai người một đã kết hôn, một thì chưa. Và như thế tôi bắt đầu để mặc đứa con đỡ đầu của mình cho số phận mà tôi vốn chẳng có quyền hạn cũng như năng lực để can thiệp vào. Thực sự, tôi đã bắt đầu xem nó như một gánh nặng, tôi chẳng mấy chú ý đến chuyện này khi nó còn cần đến tôi, nhưng khi nó tự bay nhảy rồi tôi mới thấy trong lòng dấy lên hằn học và ác cảm. Lối đi này, nó tự chọn lấy, và nó phải bước theo mà thôi. Ernest cũng đã cảm nhận được tôi như vậy và hiếm khi đến thăm tôi, nhưng đến lúc này, một buổi tối muộn năm 1860, nó đến tìm tôi với khuôn mặt khổ sở, kể cho tôi nghe những khốn đốn của nó.

Khi biết được nó không còn thích vợ mình nữa, tôi liền tha thứ cho nó ngay lập tức, và lại hứng thú với nó hơn bao giờ hết. Đối với một kẻ độc thân lớn tuổi như tôi, chẳng có gì thích thú hơn là được biết một chàng trai trẻ đã cưới vợ lại ước sao mình chưa từng kết hôn, đặc biệt là đối với những trường hợp vốn không nghĩ là sẽ xảy ra chuyện này, hoặc không cần phải làm gì để đưa anh bạn trẻ đến một quyết định như vậy.

Tôi đang nhắm đến chuyện hai đứa chúng nó ly hôn, và bảo rằng tôi sẽ tự mình trợ cấp cho Ellen, tất nhiên là sẽ lấy từ tiền của Ernest, nhưng nó chẳng chịu việc này. Nó nói rằng nó đã cưới Ellen, và nó phải cố để giúp cô sửa đổi. Nó ghét làm việc đó, nhưng nó phải cố, và khi thấy nó quá ngoan cố như lệ thường tôi buộc phải đồng ý, dù không mấy tin tưởng là nó sẽ làm được. Tôi phật lòng khi thấy nó lãng phí vào một việc vô ích như thế, và lại bắt đầu thấy nó là một gánh nặng bực mình. Tôi e là tôi đã lộ ra như thế, bởi nó lại tránh mặt tôi một thời gian, và thực sự là suốt nhiều tháng tôi gần như không gặp được nó.

Ellen vẫn còn rất yếu suốt vài ngày, rồi dần dần hồi phục. Ernest gần như luôn ở bên cô cho đến khi cô qua khỏi cơn nguy kịch. Khi đã bình phục, nó đưa bác sĩ đến nói cho cô hay rằng nếu cô chịu thêm một cơn tai biến nữa chắc chắn cô sẽ mất mạng, điều này khiến cô quá sợ hãi đến mức cô hứa sẽ bỏ rượu. Rồi ánh sáng hy vọng lại đến với nó. Lúc sống điều độ, Ellen là chính cô hệt như những ngày đầu mới cưới, và Ernest nhanh chóng quên đi nỗi đau, đến mức chỉ vài ngày sau nó đã thấy yêu cô hệt như xưa. Nhưng Ellen không thể tha thứ cho nó khi biết những gì nó đã làm. Cô biết rằng nó đang canh chừng để ngăn chặn cô khỏi những cám dỗ trở về thói xấu cũ, và nghĩ rằng nó chỉ đang cố hết sức để khiến cô nghĩ rằng nó không còn chút khó chịu nào với cô, và như thế cô thấy vấn đề về tư cách đang đè ngày càng nặng lên mình, rồi ngày càng mong mỏi cái tình trạng tự do về pháp lý mà lúc trước cô đã từ bỏ để kết hôn với nó.

Tôi sẽ không nói thêm gì về chuyện này nữa. Suốt những tháng mùa xuân năm 1861, cô vẫn giữ được phương hướng, bởi đã từ bỏ thói hoang phí cộng với lời hứa sẽ bỏ rượu, và như thế đã chế ngự được cô trong một thời gian. Cửa hàng làm ăn khá tốt đẹp, đủ cho Ernest thu vén mức sống vừa đủ cho gia đình. Thậm chí đến mùa hè, nó lại bắt đầu tiết kiệm được một khoản nho nhỏ. Đến mùa thu, Ellen sinh hạ cho nó một đứa con trai mà ai ai cũng bảo là rất đẹp. Cô sớm khỏe lại sau khi sinh, và khi Ernest bắt đầu thấy nhẹ nhõm cũng như rất lạc quan thì đột nhiên không một lời cảnh báo, cơn giông tố cuộc đời lại ập đến với nó. Một chiều nọ, khoảng sau hai năm kết hôn, nó trở về nhà và thấy vợ mình lại đang nằm mê man trên sàn vì men rượu.

Từ lúc này, nó càng trở nên tuyệt vọng, và bắt đầu xuống dốc. Nó đã bị chấn động quá nhiều, còn vận may đã xa rời nó từ rất lâu rồi. Những hao tổn suốt ba năm qua đè nặng lên nó, và dù không thực sự đuối sức, thì nó cũng đã làm việc quá nhiều, xuống sức và chẳng thể chịu đựng nổi thêm bất kỳ gánh nặng nào nữa.

Trong một lúc, nó cố gắng để coi như chưa thấy gì, nhưng sự thật quá phũ phàng với nó. Một lần nữa, nó lại chạy đến và kể với tôi. Tôi rất mừng vì chuyện này đã xảy ra, tôi lấy làm tiếc cho Ellen, nhưng chỉ có chia lìa vĩnh viễn với cô mới cho chồng cô được một cơ hội thay đổi số phận. Nhưng thậm chí khi đã xảy đến cơn chấn động đỉnh điểm này, nó vẫn không chịu chấp nhận, và cứ nói điên dại về chuyện chết đi cho rồi đến mức tôi thấy nản lòng vì nó. Mỗi lần gặp lại, tôi nhận thấy vẻ u ám cũ ngày càng hằn sâu lên gương mặt nó, và do đó đã quyết tâm phải chấm dứt tình trạng này ngay lập tức bằng một thủ thuật mạnh chẳng hạn như mua chuộc Ellen và bảo cô bỏ đi với một người đàn ông khác, hay gần như vậy. Nhưng rồi, như lệ thường, mọi chuyện tự nó diễn biến và tôi không thể lường trước được.

Bình luận