Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 66

Tác giả: Samuel Butler

Ernest bây giờ đã bình phục đủ để có thể ngồi dậy gần như cả ngày. Nó đã ở trong tù được ba tháng, và dù chưa đủ khỏe để xuất viện nhưng cũng không sợ tái phát bệnh nữa. Một ngày nọ khi nói với ông Hughes về chuyện tương lai, và một lần nữa nhắc đến ý định di cư đến Úc châu hay New Zealand với số tiền lấy lại từ tay Pryer, nó để ý thấy ông Hughes có vẻ buồn và im lặng, nó nghĩ rằng có lẽ ông tuyên úy này muốn nó trở lại nghiệp giáo sỹ cũ, và không tán đồng mong muốn thay đổi của nó, nên thẳng thừng đòi ông giải thích tại sao ông không tán đồng ý tưởng di cư của nó.

Ông Hughes cố gắng tránh né, nhưng Ernest không chịu bỏ cuộc. Thái độ của ông tuyên úy nói lên rằng ông biết một điều gì đó mà nó chưa biết, nhưng lại không muốn nói ra. Điều này khiến nó quá đỗi rúng động nên nó khẩn khoản nài xin ông đừng bắt nó phải thấp thỏm nữa. Sau một hồi phân vân, và nghĩ rằng nó đã đủ khỏe để chịu nổi chuyện này, ông Hughes, với cách nhẹ nhàng nhất có thể, báo cho nó biết rằng toàn bộ số tiền của nó đã biến mất. Một ngày sau khi báo tin cho Theobald, tôi được luật sư cho biết là ông đã viết thư cho Pryer, yêu cầu anh ta trả lại toàn bộ số tiền mà anh đã mượn. Pryer đáp lời rằng anh đã ủy nhiệm cho người môi giới kết toán tất cả giao dịch, và thật không may kết quả cho thấy là thua lỗ nặng, và số còn lại sẽ được gởi đến luật sư của tôi trong ngày giao dịch tiếp theo, nghĩa là khoảng trong thời gian một tuần. Khi đến hạn, chúng tôi chẳng thấy tăm hơi gì từ Pryer, và khi đến tận phòng trọ của anh ta, mới biết rằng anh ta đã vơ vài đồ đạc bỏ đi ngay sau hôm nhận được giấy báo từ chúng tôi, rồi từ đó về sau chẳng thấy xuất hiện nữa.

Tôi đã từng nghe Ernest nhắc đến tên của người môi giới, và ngay lập tức đến tìm anh ta. Anh ta cho tôi hay rằng Pryer đã rút hết tiền trong tài khoản vào đúng ngày Enest bị tuyên án, với tổng số là 2315 bảng còn lại từ số tiền 5.000 bảng mà Ernest đưa cho anh ta. Pryer đã tẩu thoát cùng với số tiền này, và chúng tôi cũng chẳng có đủ manh mối để dò ra anh ta đang ở đâu mà thu hồi số tiền còn lại này. Thật sự bây giờ chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận rằng toàn bộ số tiền đã mất sạch. Tôi nên nói thêm là cả tôi và Ernest về sau chẳng bao giờ nghe được tin gì về Pryer nữa.

Sự việc thế này đẩy tôi vào một tình thế khó xử. Tôi biết thế nào vài năm sau Ernest sẽ có một số tiền gấp chục lần số nó đã mất, nhưng tôi cũng biết là nó chẳng hề hay biết gì chuyện này, và e ngại rằng nó sẽ cho là mình đã mất sạch mọi thứ, rồi nỗi đau này cộng với những bất hạnh vốn có khác, sẽ vượt quá sức chịu đựng của nó.

Giới chức nhà tù đã tìm được địa chỉ của Theobald trong lá thư cất nơi túi áo Ernest, và đã hơn một lần báo cho anh biết bệnh tình của nó, nhưng Theobald chẳng báo lại cho tôi, và tôi cứ cho rằng Ernest vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Đến lúc ra tù, nó mới chỉ hai mươi bốn tuổi, và nếu tôi làm theo đúng những gì cô Alethea của nó dặn dò, thì nó sẽ phải vật lộn với cuộc sống thêm bốn năm nữa. Vấn đề hiện giờ đối với tôi là liệu có hợp lý không khi để nó phải sống mạo hiểm như thế, hay liệu tôi có được phép vi phạm những lời Alethea truyền lại, và tôi sẽ chẳng chần chừ nếu nghĩ rằng cô ấy cũng mong muốn như tôi vậy, mà giao cho nó một khoản bằng với khoản mà đáng ra nó có thể thu hồi được từ Pryer.

Nếu đứa con đỡ đầu của tôi lớn hơn một chút, và xác định được một phương hướng nhất định nào đó, thì tôi sẽ làm thế, nhưng nó vẫn còn quá trẻ, và hơn nữa, vẫn chưa định hình được cho mình với lứa tuổi như vậy. Nếu, một lần nữa lại nếu, tôi hay biết về bệnh tình của nó, thì tôi sẽ chẳng dám bắt nó phải gánh thêm một gánh nặng nào nữa, nhưng vì chẳng hay biết gì, nên tôi nghĩ rằng một vài năm gian khổ cùng với kinh nghiệm đừng đùa với lửa trong chuyện tiền bạc sẽ chẳng gây hại gì cho nó. Vì thế, tôi quyết định sẽ dõi theo nó ngay khi nó được ra tù, và để cho nó vùng vẫy nơi nước sâu hết sức nó có thể cho đến khi tôi thấy hoặc là nó biết bơi, hoặc là nó sắp chìm. Nếu nó có thể bơi được, thì tôi sẽ để nó tự lập cho đến khi gần hai mươi tám tuổi rồi dần chuẩn bị cho nó đón nhận một tiền đồ tươi sáng đang đến, còn nếu như nó gần chìm thì tôi sẽ nhanh chóng vớt nó lên. Quyết định như vậy, nên tôi viết thư báo cho Ernest rằng Pryer đã chạy trốn, và sau khi ra tù nó sẽ được nhận

100 bảng từ cha nó. Rồi tôi chờ xem những tin này sẽ gây nên tác động thế nào, nhưng tôi không mong sẽ có được tin tức gì trong vòng ba tháng, bởi theo tôi dò hỏi thì tù nhân sẽ không được nhận thư tín nào cho đến hết tháng thứ ba trong tù. Tôi cũng đã viết một lá thư gởi cho Theobald và nói với anh về chuyện Pryer đã bỏ trốn.

Như tất yếu phải vậy, lúc thư của tôi đến nơi, quản giám nhà tù đọc nó, và với tầm quan trọng của lá thư này đáng ra họ sẽ nương nhẹ luật mà cho Ernest đọc nó, nhưng vì lúc đó nó lại đang nằm trên giường bệnh nên quản giám nhờ viên tuyên úy và bác sỹ báo tin này cho nó khi họ nghĩ là nó đủ khỏe để chịu đựng nổi, cũng là lúc này đây. Còn trong thời gian đó, tôi nhận được một văn bản hành chính nói rằng nhà tù đã nhận được thư của tôi và sẽ trao cho tù nhân đúng thời điểm hạn định, tôi tin rằng việc viên thư ký nhà tù không thông báo cho tôi về tình hình của Ernest chỉ là do sơ suất mà thôi, nhưng dù gì tôi cũng chẳng được hay chút gì về chuyện này cho đến tận lúc, thể theo yêu cầu của Ernest, tôi được gặp nó vài ngày sau khi viên tuyên úy tiết lộ cho nó biết đại ý lá thư của tôi.

Ernest bàng hoàng chấn động khi nghe biết đã mất sạch toàn bộ số tiền, nhưng do chẳng biết gì về chuyện đời, nên nó chẳng thể nhận ra được những ác hại to lớn hơn sẽ nối tiếp sau việc này. Nó chưa bao giờ thực sự túng thiếu tiền bạc, và chẳng biết hoàn cảnh đó sẽ ra làm sao. Trong thực tế, đối với những người sống đủ lâu hiểu đủ chuyện, thì mất tiền là một trong những việc khó chấp nhận nhất.

Người ta có thể đứng vững khi được báo là phải chấp nhận một ca phẫu thuật đầy rủi ro, hay là được nghe rằng mình mang bệnh gần chết, hay sẽ mù hoặc què cả đời, những tin như thế hẳn là đáng sợ, nhưng chúng ta thấy phần đông sẽ không rối loạn mất trí trước những chuyện như thế, thực sự thì hầu hết mọi người vẫn đủ bình thản ngay cả khi đứng trước giá treo cổ, nhưng lại sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn nhất lúc lụn bại tài chính, và như một quy luật chung, người đó càng tốt bao nhiêu thì càng sụp đổ hoàn toàn bấy nhiêu. Tự vẫn thường là cái kết chung cho sự phá sản, trong khi hiếm ai dùng cách đó để thoát khỏi những thống khổ thân xác. Nếu chúng ta thấy rằng mình vẫn còn đủ khả năng tài chính để có thể chết êm ấm và lặng lẽ trên giường mà chẳng phải lo lắng không có tiền chi trả, thì chúng ta sẽ sống cho đến tận khi xuống mồ, cho dù có thống khổ thế nào đi nữa. Ông Job rõ ràng đã cảm nhận việc mất đi đàn súc vật của mình còn hơn cả việc mất đi vợ con, bởi ông có thể vui hưởng đàn gia súc mà không cần đến vợ con, nhưng không thể ngược lại, không thể chịu nổi nếu ông mất hết toàn bộ gia sản. Mất hết tiền bạc rõ ràng không đơn thuần chỉ là một nỗi đau cùng cực nhất, mà nó còn là khởi điểm cho mọi đau đớn khác. Hãy cho một người bình thường có được một gia sản kha khá, rồi sau đó bất thần lấy hết đi, xem thử sức khỏe của anh ta sẽ chịu đựng được bao lâu một khi sự phá sản đó sẽ dẫn đến những thay đổi khác trong mọi cách thức sống tưởng như nhỏ nhặt của anh ta?

Còn tình thương mến và sự cảm thông của bạn bè sẽ giúp anh ta trụ vững được bao lâu? Người ta có lẽ sẽ rất lấy làm tiếc cho chúng ta, nhưng từ trước đến giờ mọi người có thái độ này với chúng ta là vì chúng ta chỉ đang gặp khốn đốn về tiền bạc, nhưng đến lúc chúng ta phá sản thì mọi chuyện phải được xem xét lại, và sự thương mến chúng ta nhận được chỉ là một thứ vờ vĩnh dối trá. Chúng ta thừa nhận rằng ba mất mát nghiêm trọng nhất mà một người có thể chịu được là mất tiền bạc, sức khỏe và thanh danh. Mất tiền là thứ mất mát tệ nhất, rồi đến sức khỏe và thanh danh. Mất thanh danh chỉ xếp thứ ba vì nếu người ta giữ được tiền bạc và sức khỏe nguyên vẹn, thì thường cũng sẽ thấy rằng chuyện này chỉ phá hỏng những thói lệ đương thời mà thôi, chứ chẳng xâm hại gì đến những tiêu chuẩn lâu đời hơn và được xác lập tốt hơn, với sức nặng không thể chối cãi. Trong trường hợp này, người đó có thể tái lập một thanh danh mới dễ dàng như con tôm hùm mọc càng vậy, hay thậm chí nếu đã có đủ tiền bạc và sức khỏe thì anh ta có thể yên bình thanh thản tâm trí mà chẳng cần đến chút danh nào nữa. Cơ hội duy nhất dành cho kẻ phá sản là nếu anh ta còn đủ trẻ để xóa sạch hoàn toàn mọi sự và bắt tay vào một khởi đầu mới ở nơi khác, đồng thời phải giữ được tỉnh táo, và tôi tin rằng đứa con đỡ đầu của tôi là một người như thế.

Theo luật nhà tù, sau khi đã ở trong khám được ba tháng, nó được phép nhận và gởi thư, đồng thời cũng được tiếp khách đến thăm. Khi nhận được thư của tôi, ngay lập tức nó yêu cầu tôi đến gặp nó, và tất nhiên là tôi đến. Tôi thấy nó đã thay đổi rất nhiều, và vẫn còn rất yếu, đến mức việc đi từ thương xá đến gian phòng tiếp khách, cũng như sự xúc động lúc gặp tôi vẫn còn quá sức chịu đựng của nó. Lúc đầu nó khá suy sụp, và tôi rất đau lòng khi thấy nó như vậy, chính vì thế mà tôi quyết định phá vỡ những lời dặn dò của Alethea. Tuy nhiên tôi giữ mình lại và cam đoan với nó rằng tôi sẽ giúp đỡ nó ngay khi nó được ra tù, rồi một khi đã xác định được sẽ làm gì tiếp theo và cần đến tiền nhưng lại không xin được từ Theobald thì nó cứ việc đến tìm tôi để nhận số tiền đó. Để nó thấy thoải mái hơn, tôi bảo nó rằng cô Alethea của nó trong giờ hấp hối đã khẩn khoản mong tôi nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra, hãy giúp đỡ nó như thế này, cho nên những gì tôi làm cho nó cũng là vì Alethea mà thôi.

‘Vậy,’ nó nói, ‘con sẽ không nhận một trăm bảng từ cha con và sẽ không bao giờ gặp cha hay mẹ con nữa.’

Tôi bảo nó: ‘hãy lấy một trăm bảng đó đi Ernest, và lấy được chừng nào thì lấy, rồi đừng bao giờ gặp lại họ nữa nếu như con không muốn.’

Ernest không chịu làm thế. Nó muốn tuyệt giao với cha mẹ nó, nhưng nếu nhận tiền thì nó sẽ không thể cắt đứt hoàn toàn được. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho nó nếu kiên quyết tuyệt giao hoàn toàn với cha mẹ nó, và tôi cho nó biết suy nghĩ của mình.

Với một ánh mắt ngạc nhiên, nó hỏi tôi, ‘Vậy bố không thích họ sao?’

‘Thích họ,’ tôi trả lời, ‘ta nghĩ rằng họ thật khủng khiếp thì có.’

‘Ôi, trong tất cả mọi sự, đó là điều tốt đẹp nhất mà bố đã làm cho con,’ nó kêu lên, ‘con cứ nghĩ là tất cả, toàn bộ những người… Trung niên đều giống cha và mẹ con.’

Nó định gọi tôi là một ông già, nhưng tôi chỉ mới năm mươi lăm tuổi, và chưa đáng để bị gọi là già, nên tôi nhăn mặt khi thấy nó hơi lưỡng lự với từ đó, vì thế nó chuyển sang gọi tôi là ‘trung niên.’

‘Nếu con thích,’ tôi nói, ‘ta sẽ nói rằng toàn bộ gia đình con đều thật khủng khiếp, ngoại trừ con và cô Alethea. Trong mọi gia đình phần đa số luôn luôn thật khủng khiếp, nếu có được một hay hai người tốt trong một đại gia đình, thì như vậy là quá được rồi.’

‘Cám ơn bố,’ nó đáp lại với giọng cảm kích, ‘con nghĩ là bây giờ mình gần như có thể đứng vững trước tất cả mọi thứ. Con sẽ đến gặp bố ngay khi được ra tù. Chào bố.’ Nó phải từ biệt ngay bởi cai ngục đã báo hết thời gian được phép thăm viếng rồi.

Bình luận