Pryer đã cảnh báo Ernest đừng có đi thăm viếng từ nhà này sang nhà khác để khỏi dính vào những rắc rối. Nó đã chẳng bước một chân khỏi nhà bà Jubb, và chỉ mới quanh quẩn trong vài phòng nho nhỏ đó, nhưng rồi thì kết quả thế nào đây?
Ông Holt khiến nó sợ điếng người, ông bà Baxter gần như đã cải nó sang phái Giám lý, ông Shaw đã xóa mòn đức tin vào sự Phục Sinh của nó, vẻ quyến rũ của cô Snow đã làm băng hoại, hoặc giả như không có chuyện bất ngờ thì hẳn đã hủy hoại, đạo đức của nó rồi. Còn với cô Maitland, nó đã cố hết khả năng để dụ dỗ cô, rồi cuối cùng đã tự làm tổn thương chính nó rất nghiêm trọng và không thể vãn hồi. Người duy nhất không gây hại cho nó là bác thợ ở tầng dưới mà nó chưa có dịp viếng thăm.
Những giáo sỹ trẻ khác, còn ngu ngốc về nhiều phương diện hơn cả nó, nhưng sẽ chẳng bao giờ lâm vào cảnh khốn đốn như thế này. Dường như từ ngày nhận chức thánh, nó cũng đã phát triển hơn cái thiên hướng chuốc lấy phiền toái của mình. Nó gần như không thể giảng mà không dùng đến những lời khiếm nhã khủng khiếp. Một sáng nọ, khi có ngài Giám mục thính giảng, nó đã biến bài giảng của mình thành việc tìm cho ra loại bánh nào mà bà góa thành Zarephath đã làm cho ngôn sứ Elijah lúc ngài thấy bà đang nhặt củi, rồi nó chứng minh được rằng đó là một chiếc bánh hạt vừng. Bài giảng của nó thật sự rất buồn cười, và hơn một lần nó bắt gặp những điệu cười trong cả biển người phía dưới bục giảng của nó. Ngài giám mục vô cùng tức giận, và sau buổi lễ đã vào phòng mặc áo, trút một trận khiển trách dữ dội lên đầu nó, lời bào chữa duy nhất nó đưa ra được là do nó chưa có chuẩn bị và đã giảng tùy hứng, đến lúc bước lên bục giảng cái ý tưởng quái gở đó mới xuất hiện trong đầu nó, rồi cứ vậy dẫn dắt bài giảng của nó.
Một lần khác, nó giảng về cây vả không sinh trái, rồi mô tả những hy vọng của ông chủ vườn khi nhìn ngắm những nụ hoa xinh đẹp đang hé nở, hứa hẹn một mùa trái sum suê khi gió thu về. Ngày hôm sau một giáo dân đồng thời là nhà thực vật học gởi thư giải thích cho nó biết rằng điều nó giảng gần như là không thể có được, bởi cây vả tự sinh trái, còn hoa lại nằm bên trong trái, nên gần như chẳng ai thấy được hoa của nó. Tuy nhiên, có thể xem đây là một tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra đối với bất kỳ ai ngoại trừ những nhà khoa học và những người có nghiên cứu về chuyện này.
Lời bào chữa duy nhất tôi có thể dành cho nó đó là nó còn quá trẻ, chưa đến hai mươi bốn tuổi, và trong cơ thể cũng như trí óc, nó là một đứa phát triển chậm, giống như hầu hết những người về sau này sẽ có xu hướng dựa hẳn vào suy nghĩ tự phát của bản thân. Hơn nữa, xét cho cùng, nền giáo dục nó nhận được lâu nay dường như là một thứ để bịt mắt nó nếu không cũng là móc cả hai mắt nó ra.
Nhưng bây giờ, xin trở lại với câu chuyện đang tiếp diễn. Về sau này mới biết, lúc vụt chạy ra khỏi nhà bà Jubb, cô Maitland không có ý định bắt nó phải vào tù. Cô chạy đi bởi cô quá sợ hãi, nhưng rủi thay người đầu tiên cô đụng phải lại là một cảnh sát suy nghĩ theo kiểu nghiêm trọng, và muốn làm một việc gì đó để tăng danh tiếng cho mình. Ông ta chặn cô lại, hỏi cô, khiến cô sợ hơn nữa, và chính ông ta chứ không phải cô Maitland mới là người đòi bắt Ernest.
Towneley vẫn còn trong nhà bà Jubb khi cảnh sát đến. Anh đã nghe được tiếng huyên náo, và chạy xuống phòng Ernest khi cô Maitland vừa vụt ra khỏi cửa, rồi anh thấy nó đang trong cơn tuyệt vọng bởi đã bị rơi thẳng xuống khỏi vách đá đạo đức của nó. Anh hiểu ngay mọi chuyện, nhưng trước khi làm được gì cho nó, cảnh sát đã đến, và anh đành bó tay.
Anh hỏi Ernest ở London này nó có bạn bè nào không. Lúc đầu, nó không muốn nói, nhưng Towneley sớm khiến nó hiểu rằng khi bị bắt nó phải làm vậy, và rồi nó chọn tôi. ‘Ông ấy viết kịch sân khấu phải không?’ Towneley hỏi, ‘Ông ấy viết hài kịch à?’ Ernest cho là Towneley nghĩ rằng tôi nên viết bi kịch thì hơn, và nói với anh rằng nó e là tôi viết kịch hài châm biếm. ‘Ôi, được, được, cái đó hay mà. Tôi sẽ đi tìm ông ấy ngay.’ Nhưng khi nghĩ lại, anh quyết định sẽ ở lại với Ernest và đi cùng nó đến đồn cảnh sát. Nên anh bảo bà Jubb đi tìm tôi. Bà Jubb nhanh chóng vội vã chạy đến chỗ tôi, đến nỗi dù trời đang còn lạnh, theo lời bà thì, bà vẫn ‘mặc kệ’ những vũng nước. Bà già tội nghiệp khốn khổ này đáng ra phải kêu chiếc xe ngựa mà đi, nhưng bà không có tiền mà cũng chẳng muốn xin tiền Towneley. Tôi biết là thế nào cũng có chuyện nghiêm trọng xảy ra, nhưng vẫn không ngờ đến những gì bà Jubb kể cho mình nghe. Về phần mình, bà ta nói rằng tim bà cứ như nhảy ra khỏi lồng ngực vậy.
Tôi cho bà lên xe đi cùng mình, và chúng tôi đến thẳng đồn cảnh sát. Trong lúc đó, bà cứ nói không ngừng.
‘Nếu như hàng xóm có nói gì ác khẩu về tôi, mà nếu họ đúng, thì chắc chắn cũng là do anh Pontifex. Anh ấy chưa hề chịu nghe tôi một lời. Ôi, chừng đó là đủ để tôi thấy sợ rồi. Rồi tôi nghĩ có lẽ cô Rose của tôi sẽ dễ gần với anh ấy hơn, nên tôi để cô ấy đến dọn dẹp lau chùi mỗi khi tôi bận, và cũng cho cô ấy mang một cái tạp dề mới sạch sẽ, nhưng anh ấy chẳng hề để ý đến cô hệt như với tôi vậy, mà cô ấy chẳng muốn được tuyên dương hay gì cả, cô cũng chẳng lấy đồng nào từ anh, dù anh có cho đi nữa, nhưng dường như anh ấy chẳng biết gì hết. Tôi chẳng thể nghĩ được chàng trai trẻ này rồi sẽ ra sao. Tôi cầu cho mình bị dao đâm kiếm chém giòi bọ rúc rỉa cho rồi, nếu như vậy vẫn chưa đủ để cho mụ đàn bà này đứng vững trước mặt Chúa và đánh động cái phần ngốc nghếch của mình mà nhìn cho rõ những gì đang diễn ra, mà ông xem có được không khi một cô gái thật thà phải về nhà mỗi đêm với chỉ vài xu và phải trả ba hào sáu xu để thuê trọ mỗi tuần, và chẳng có nổi một cái giá sách hay tủ trong nhà, chỉ có bức tường trống trơn với cái cửa sổ mà thôi.’
Bà ta tiếp tục, ‘anh Pontifex không xấu, trong tâm anh rất tốt. Anh chẳng bao giờ nói gì khó nghe. Và rồi tôi còn thấy đôi mắt anh ấy thật đáng yêu, nhưng khi nói điều này với rose của tôi, cô ấy bảo tôi là mụ già ngốc và nói chắc tôi bị say nắng mất rồi. Còn Pryer, anh ta đúng là không thể chịu nổi. Ôi thôi anh ta đó! Anh ta thích làm tổn thương cảm xúc của phụ nữ, và cứ day day mặt người khác, anh ta thích tâng bốc họ lên rồi đạp họ xuống. Một quý ông phải là người xoa dịu phụ nữ, nhưng anh ta lại thích bứt từng nắm tóc người ta ra. Sao nào, anh ta nói thẳng vào mặt tôi rằng tôi là một bà mụ đang già đi, già thật ư! Chẳng có bà nào ở London này biết tôi bao nhiêu tuổi, ngoại trừ bà Davis ở phố Old Kent, và nếu không tính những gân máu nơi chân, tôi vẫn còn trẻ hơn bao giờ hết. Già thật ư! Một cây đàn cũ vẫn chơi được những khúc nhạc hay. Tôi ghét, tôi ghét những lời bóng gió bẩn thỉu của anh ta.’
Cho dù tôi có muốn cũng chẳng thể ngăn bà ta lại được. Bà ta còn nói nhiều hơn những gì tôi viết ở trên nữa. Tôi phải lược bớt đi bởi chẳng thể nhớ hết cho nổi, nhưng tôi không thể không viết ra cho các bạn những lời này.
Khi đến sở cảnh sát, chúng tôi thấy Towneley và Ernest đang ở đó rồi. Nó bị kết tội hành hung, nhưng được giảm nhẹ bởi không dùng vũ lực quá nghiêm trọng. Tuy thế, như vậy vẫn đủ thảm thê rồi, và chúng ta đều thấy rõ rằng anh bạn trẻ này đã phải trả một giá quá đắt cho sự non nớt của mình. Chúng tôi cố để bảo lãnh Ernest ra trong đêm, nhưng viên thanh tra không chấp nhận, nên buộc lòng phải để nó ở lại trong khám.
Sau đó, Towneley về lại nhà bà Jubb để xem thử có thể gặp được cô Maitland hòng thu xếp chuyện này hay không. Cô không có nhà, nên anh lần tìm đến Camberwell, nơi nhà cha cô. Cha cô rất giận dữ và chẳng thèm nghe bất kỳ lời nào của anh. Ông là một người Biệt giáo, và sẵn sàng tạo nên một vụ tai tiếng cho giới giáo sỹ anh giáo, bởi thế Towneley đành phải trở về tay trắng.
Sáng hôm sau, xem Ernest như một kẻ đang chết đuối cần được vớt lên bằng mọi cách có thể bất chấp hậu quả thế nào, nên Towneley tìm đến tôi, và chúng tôi giao phó việc này cho một trong những luật sư giỏi nhất thời đó. Tôi vô cùng vừa lòng với Towneley, và nghĩ rằng nên nói với anh điều mà tôi chưa từng cho ai biết. Ý tôi là nói ra chuyện Ernest sẽ được nhận số tiền thừa kế từ cô của nó trong vài năm nữa, và bởi thế chẳng mấy chốc sẽ trở nên giàu có.
Từ đầu đến giờ, Towneley vẫn giúp hết sức có thể, nhưng tôi biết, khi được hay những điều này, anh sẽ xem Ernest như một người đồng hàng với mình, và như thế sẽ gắng sức nhiều hơn nữa. Còn về phần Ernest, nó biết ơn đến nỗi không nói hết thành lời. Tôi đã từng nghe nó nói rằng, nó có thể nhớ lại nhiều chuyện, trong số đó có những chuyện rất hạnh phúc, nhưng riêng cái đêm trong khám này rõ rằng là chuyện đau đớn nhất nó từng trải qua, và nhờ sự tử tế và ân cần của Towneley nên nó mới trụ nổi.
Nhưng dù gì đi nữa, cả tôi và Towneley cũng chẳng thể giúp gì được ngoài việc động viên tinh thần nó. Luật sư báo cho chúng tôi biết rằng phán quan sẽ xử Ernest là một người rất nghiêm khắc trong những vụ như thế này, và rõ ràng việc nó là một giáo sỹ sẽ gây khó khăn nhiều cho nó. ‘xin được tại ngoại,’ ông ta nói, ‘và không bao biện gì nữa. Chúng ta sẽ nhờ đến mục sư quản nhiệm của anh Pontifex và thêm hai ngài nữa để làm chứng về tính tốt trước đây của anh ấy. Vậy là đủ. Rồi chúng ta sẽ gởi lời xin lỗi sâu sắc và cầu xin phán quan giải quyết qua loa vụ này thay vì đưa nó ra tòa án chính thức. Nếu có thể làm được như vậy, thì tin tôi đi, đó là chuyện tốt nhất mà anh bạn trẻ này có thể mong đợi.’