Trong số những trách nhiệm nghề nghiệp của mình, anh không thích thú gì việc đi thăm bệnh nhân này, thực sự là anh ghét nó, nhưng lại không dám thừa nhận với chính mình điều đó. Thói quen không dám thừa nhận với chính mình đã ăn rễ thâm căn cố đế trong anh rồi. Dù vậy, chúng vẫn ám ảnh trong anh một ý thức rõ ràng và không lành mạnh, đó là cuộc đời sẽ thoải mái hơn nếu như không có những tội nhân đau bệnh, hoặc nếu không thì họ cũng nên lãnh đạm hơn với sự trừng phạt đời đời. Anh không thấy mình đang sống đúng môi trường. Dường như môi trường này hợp hơn với những người nông dân. Họ đầy đặn, khỏe mạnh và mãn nguyện, nhưng giữa anh và họ có một hố sâu lớn ngăn cách. Trên khóe miệng anh bắt đầu hằn lên vẻ nặng nề và co lại, đến nỗi nếu anh không mang bộ áo đen và dải băng trắng, những đứa trẻ vẫn có thể nhận ra anh là một mục sư.
Anh biết là anh đang thực thi bổn phận của mình. Mỗi ngày trôi qua anh càng chắc chắn về nó hơn, nhưng rồi anh lại chẳng có nhiều việc để làm. Anh buồn vì mong muốn có một việc gì đó để làm. Anh không hứng thú gì với các môn thể thao ngoài trời, những thứ được xem là không thích hợp với một mục sư cách đây bốn mươi năm. Anh không cưỡi ngựa, không săn bắn, không câu cá, không đua ngựa, và cũng không chơi cricket. Anh cũng chưa bao giờ thích học hành hết sức mình, và ở Battersby này có động lực gì để anh phải vùi đầu vào sách vở chứ? Sách cũ hay sách mới, anh đều không đọc. Anh chẳng có hứng thú với nghệ thuật hay khoa học, hay chính trị, nhưng lại mau chóng thay đổi thái độ nếu có ai đó nói về những tiến bộ mới mà anh chưa biết. Thật sự là anh tự viết những bài giảng của mình, nhưng ngay cả vợ anh cũng cho rằng, điểm mạnh của anh chính là đời sống gương mẫu (một đời sống tận hiến lâu dài) hơn là đứng trên bục giảng. Sau bữa ăn sáng, anh rút về phòng nghiên cứu sách vở, ở đó, anh cắt một vài mẩu nhỏ trong sách Kinh Thánh và tỉ mỉ dán chúng cho thật khéo bên cạnh nhau, việc này được anh gọi là Tân Cựu Ước hòa hợp. Sát bên những mẩu này, anh sao chép lại thật hoàn hảo những mẩu viết tay của mede (người duy nhất, theo Theobald, thật sự hiểu được sách Khải huyền), Patrick, và những thần học gia cổ khác. Anh đều đặn làm việc này suốt nửa tiếng mỗi buổi sáng suốt nhiều năm, và kết quả của nỗ lực này thật đáng giá. Vài năm sau, anh dạy con cái mình học, và hằng ngày chúng đều thét lên rằng những gì trong sách lại đang nói về những chuyện khủng khiếp trong nhà của chúng. Anh cũng thu thập mẫu cây, và nhờ cha mình, đã một lần anh được nhắc đến trong Báo Thứ bảy về việc là người đầu tiên khám phá ra một giống cây ở vùng phụ cận Battersby, tên gì thì tôi quên mất rồi. Số báo này được anh gói trong da dê, và đặt nơi bàn phòng khách. Anh thường đi vẩn vơ trong vườn, và nếu nghe thấy tiếng gà mái cục tác thì liền chạy vào báo Christina rồi đi tìm quả trứng ngay lập tức.
Thỉnh thoảng hai ông bà Allaby đến ở với Christina, và mỗi lần như vậy, họ đều nói là cuộc sống của hai vợ chồng Theobald quá đỗi điền viên vui thú. Thật sự thì Christina hạnh phúc với lựa chọn của mình, bởi nó giống những quyển tiểu thuyết mà cô ưa thích, còn hạnh phúc của Theobald lại tùy nơi Christina. Không biết vì sao Christina luôn ngại chơi bài với các chị em của mình, trong khi lại rất hứng chơi bài kipbi hay bài uýt với người khác, nhưng các chị em của cô hiểu rằng nếu đề cập đến chuyện này thì sẽ chẳng bao giờ họ được mời tới Battersby một lần nữa, và để được mời thì tất nhiên các cô sẽ chẳng hé môi về ván bài năm xưa. Nhưng ngay cả nếu Theobald là người khó chịu, anh cũng sẽ không trút giận lên họ.
Theo bản tính vốn có của Theobald, thì chỉ cần có người chịu nấu ăn cho mình, anh sẵn sàng sống trên một hoang đảo. Trong thâm tâm, anh đồng ý với Giáo hoàng rằng ‘mối phiền toái nhất cho một con người chính là một con người,’ và phụ nữ, có lẽ là ngoài Christina ra, thì còn tệ hơn nữa. Dù suy nghĩ như thế, nhưng khi một vị khách gọi đến tên mình, anh đều tươi nét mặt một cách lạ lùng không ngờ đến.
Anh cũng rất nhanh nhẹn đề cập đến tên tuổi những nhà văn có tiếng mà anh đã từng gặp trong nhà cha mình, và nhờ đó sớm tạo được thanh danh toàn diện về nhiều mặt, đến nỗi ngay cả Christina cũng cảm thấy mãn nguyện thay cho anh.
Có ai được integer vitae scelerisque purus, suốt cả đời không vướng phải chuyện thị phi nào như ông Pontifex ở Battersby hay không? Ai là người đáng để hỏi ý kiến về những vấn đề nảy sinh trong giáo xứ? Ai là người kết hợp hoàn hảo hình ảnh một Kitô hữu thành thật và lương thiện với một người thành công từng trải? Rõ ràng đó là anh. Người ta kháo nhau rằng anh là một người làm ăn rất tuyệt vời. Nếu anh đã nói là sẽ trả một món tiền vào một thời điểm nào đó, thì chắc chắn số tiền đó sẽ đến đúng ngày, và đối với bất kỳ ai cũng vậy. Sự rụt rè tự bản chất không cho phép anh cố gắng lươn lẹo ai cho dù việc đó rất khó bị bại lộ hay bị chống đối, và cái lối hợp lý cũng như vẻ mặt khá nghiêm nghị của anh cũng bảo vệ anh khỏi bị người ta lừa lọc. Anh không bao giờ nói đến chuyện tiền bạc, và hễ người ta bắt đầu nói về tiền bạc anh liền đổi chủ đề, luôn luôn như vậy. Biểu hiện ngầm chê ghét thói bần tiện dưới mọi hình thức là một bảo đảm đủ để người ta biết anh không phải là một kẻ như vậy. Ngoài ra anh không có giao dịch nào ngoại trừ những quyển sách thường nhất. Những gì anh ham thích, nếu có, thì như chúng ta đã thấy, rất giản đơn: anh có 900 bảng một năm, và một căn nhà; hàng xóm tầm thường, và có lúc anh chẳng có những đứa con bám đuôi mình nữa. Tại sao người ta lại phải ghen tị với anh chứ? Mà nếu có ghen tị thì sau đó cũng sẽ tôn trọng anh, bởi Theobald chẳng có gì đáng để bị ganh ghét cả.
Nhưng xét chung, tôi nghĩ rằng Christina hạnh phúc hơn anh. Cô không phải đi thăm viếng những giáo dân đau bệnh, hơn nữa việc quản lý nhà cửa cũng như trông nom tài chính đã đủ việc cho cô rồi. Trách nhiệm chính của cô, như lời cô nói, là làm đẹp lòng chồng mình, yêu anh, tôn trọng anh, và giữ cho anh được vui vẻ. Theo tiêu chuẩn của mình, thì cô đã hoàn thành trách nhiệm này hết mức rồi. Có lẽ nó sẽ khá hơn nếu như cô không quá thường xuyên quả quyết với chồng rằng anh là người giỏi nhất và khôn ngoan nhất, bởi trong thế giới nhỏ bé của anh, chẳng ai phản bác nổi điều đó, và chẳng bao lâu anh chẳng còn nghi ngờ gì về điều này nữa. Với tính khí đôi khi trở nên rất quá khích của anh, Christina phải chiều lòng anh mỗi khi có những biểu hiện nhỏ nhất của cơn giận trong anh chực trào ra. Cô đã sớm thấy được việc này thật quá dễ dàng. Hiếm khi anh nổi cơn thịnh nộ với cô. Rất lâu trước lúc cưới, cô đã biết cái lối đó của anh rồi, và biết cách làm sao để đổ thêm dầu vào lửa, rồi thận trọng hạ nó xuống, và làm sao cho khi lửa tắt, càng ít khói càng tốt.
Christina là người rất chi li trong vấn đề tiền bạc. Cứ mỗi ba tháng, Theobald cấp cho cô một khoản để mua áo xống, dằn túi, làm từ thiện và mua quà tặng. Cô ăn vận rất tiết kiệm, nên bao nhiêu tiền còn dư cô dùng để mua quà tặng và làm từ thiện hết. Ôi, Theobald thật yên tâm khi nghĩ về việc anh có một người vợ mà anh tin là không bao giờ tiêu phí một xu khi chưa được phép của anh! Ngoài sự phục tùng tuyệt đối, ngoài sự ăn khớp hoàn hảo về suy nghĩ trên mọi phương diện, và sự quả quyết liên tục rằng anh luôn đúng trong mọi việc anh suy nghĩ hay hành động, thì một trong những điều nâng đỡ anh, đó là sự đúng đắn của Christina trong chuyện tiền bạc. Sau nhiều năm, anh trở nên yêu thích vợ mình, như bản chất của anh yêu thích bất cứ những gì sống động, và anh tự khen mình vì khi trước đã giữ vững hôn ước, một chút hi sinh để giờ đây anh gặt hái được phần thưởng như thế này. Ngay cả khi Christina chi quá tay khoản tiền hàng quý của cô trong phạm vi 30 shilling hay bảng, thì cô luôn làm rõ với Theobald về lý do cho việc đó, chẳng hạn như khoản chi bất thường cho một cái váy dạ hội có thể dùng được rất lâu, hay có đám cưới một ai đó cần quà tặng đắt tiền vượt quá giới hạn khoản chi hàng quý của cô; và cô luôn hoàn trả khoản chi quá tay đó vào quý sau hoặc quý sau nữa, cho dù mỗi lần chỉ trả lại 10 shilling mà thôi.
Tuy nhiên, tôi tin là khoảng hai mươi năm sau khi cưới, không hiểu vì sao Christina bắt đầu mất đi sự chuẩn mực vốn có trong vấn đề tiền bạc. Cô khất nợ suốt nhiều quý liên tiếp, cho đến khi buộc phải chấp nhận vay anh một khoản 7 hay 8 bảng. Cuối cùng, Theobald nhận ra rằng anh buộc phải lên tiếng về việc này, và nhân dịp đám cưới bạc, anh tuyên bố xóa hết nợ cho Christina và cùng với đó anh khẩn nài cô từ nay về sau đừng bao giờ chi tiêu vượt quá khoản thu của mình nữa. Cô bật khóc đầy biết ơn và yêu thương, cam đoan với anh rằng anh là con người tốt nhất và rộng lượng nhất, rồi từ đó về sau không bao giờ cô lạm chi, dù chỉ là 1 shilling.
Christina ghét sự thay đổi dưới mọi hình thức hệt như chồng cô. Cô và Theobald đã có gần như mọi thứ mà họ mong muốn, tại sao người ta vẫn muốn đưa ra đủ loại thay đổi mà chẳng ai biết được rồi sẽ đi về đâu? Cô tin chắc rằng, từ lâu đạo của cô đã đạt đến bước tiến cuối cùng rồi, và một người biết phải trái chẳng thể đón nhận một đức tin nào hoàn hảo hơn đức tin trong Giáo hội anh giáo của cô. Cô chẳng thể nghĩ ra được một địa vị nào lại đáng trọng hơn làm vợ một mục sư, ngoại trừ là vợ một giám mục. Khi xem xét tầm ảnh hưởng vốn có của cha mình, cô thấy không phải là không có khả năng một ngày nào đó, Theobald sẽ trở thành giám mục, và rồi trong đầu cô nhận ra một thiếu sót nhỏ trong việc hành đạo của Giáo hội anh giáo, tất nhiên không phải là một thiếu sót về giáo lý, mà là thiếu sót trong chính sách của Giáo hội, một điều mà cô cho là rất sai lầm. Đó là việc vợ các giám mục không được xếp vào cùng đẳng cấp với chồng mình.
Tục này là do nữ hoàng Elizabeth, một người đàn bà xấu xa, và đáng ngờ về đạo đức bởi tận trong lòng, bà ta là một kẻ theo chủ nghĩa Giáo hoàng. Có lẽ người ta nên đề cao hơn phẩm giá của giáo dân, nhưng thế giới vẫn như thế, và những sự hạ giá này vẫn cứ mãi có giá trị, cho dù người ta có nên thay đổi hay không. Chắc chắn chúng ta không thể nghi ngờ tầm ảnh hưởng rõ ràng của bà Pontifex, có thể là vợ của giám mục Winchester chẳng hạn. Một người như cô không thể không tạo sức nặng cho lời nói của mình chỉ cần cô đủ điều kiện để đạt đến tầm ảnh hưởng rõ ràng và rộng khắp; nhưng nếu trở thành quý bà Winchester, hay bà Giám mục, một cái tên thật hay làm sao, thì ai dám nghi ngờ về việc cô sẽ còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa? Và mọi chuyện sẽ càng tốt hơn nữa, nếu cô có một đứa con gái, và đứa con gái đó sẽ chẳng thể trở thành một bà Giám mục được trừ phi nó cưới một giám mục, nhưng điều này không dễ xảy ra đâu.
Trong những ngày hạnh phúc tươi đẹp đời mình, Christina nghĩ những điều như thế đó, có những lúc khác, với suy xét công tâm hơn, cô nghi ngờ không biết là nếu xét về mọi phương diện thì mình đã đủ thánh thiện cần thiết hay chưa. Cô phải tiến lên, dấn thân hơn nữa, cho đến khi tất cả mọi địch thù ngăn cản ơn cứu độ của cô bị khuất phục, và chính Satan cũng phải thảm bại quy phục dưới chân cô. Có lúc cô nghĩ rằng mình nên làm một bước đột phá hơn những người đương thời, bằng cách bỏ thói ăn dồi lợn, một thứ mà từ trước đến nay hễ người ta giết lợn là cô đều dự phần; và cô nghĩ mình cũng nên cẩn thận kiểm tra xem liệu những con gà dọn lên mâm đã bị bóp cổ hay được cắt tiết để máu chảy ra ngoài. Thánh Phaolo và Giáo đoàn Jerusalem đã nhấn mạnh rằng ngay cả những giáo dân không phải là người Do Thái vẫn cần phải tránh xa những thức ăn chưa cắt tiết cũng như tránh ăn máu, và họ đã đón nhận lệnh cấm này cũng như xem đó chắc chắn là một thói xấu xa tận bản chất; bởi vậy cô thấy sắp tới cô nên kiêng khem bớt và chờ xem có xảy đến một hệ quả tinh thần đáng chú ý nào không. Cô đã ăn kiêng như vậy, và chắc chắn rằng từ ngày quyết chí làm như thế cô thấy mình khỏe hơn và tâm hồn trong sáng hơn, cũng như xét về mọi phương diện, đang sốt sắng hướng thượng hơn bao giờ hết. Theobald không chú tâm vào việc này bằng cô, nhưng bởi Christina là người dọn mâm cơm, nên chẳng bao giờ cô dọn ra một con gà chưa cắt tiết; còn về món dồi lợn, thì may thay, thuở nhỏ Theobald đã thấy cách người ta làm món này, và anh mang nỗi ác cảm với món đó cho đến tận nay. Cô mong muốn có thật nhiều người biết được việc kiêng khem này, nhưng mà với chuyện này, chắc chỉ có quý bà Winchester mới có thể có sức hút đến vậy, còn một bà Pontifex bình thường thì đến việc thử cũng chẳng có chút hy vọng nào đâu.
Rồi năm này qua năm khác, cuộc sống của đôi lứa đáng trọng này cứ thế nhẹ nhàng trôi. Nếu bạn đã qua tuổi trung niên, và nếu bạn có mối liên hệ với đời sống mục sư, hẳn bạn sẽ nhớ ra biết bao nhiêu mục sư và vợ họ, những người sẽ không đồng ý với Theobald và Christina về việc họ không coi trọng vật chất như thế này. Hồi tưởng lại ký ức và trải nghiệm từ cách đây gần tám mươi năm, lúc tôi còn là một đứa trẻ trong nhà mục sư cũng là cha tôi, tôi có thể nói rằng cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn cuộc sống của một mục sư làng quê cách đây khoảng năm mươi năm. Tuy nhiên tôi cũng thừa nhận rằng, ngày nay chẳng kiếm đâu ra những con người như vợ chồng Theobald nữa. Xét cho cùng, thì dù có tìm khắp anh quốc, cũng chẳng thể có được một cặp nào hòa hợp, hay hạnh phúc hơn họ. Đời sống hôn nhân của họ chỉ có một bóng mờ duy nhất, đó là đến nay họ vẫn chưa có được mụn con nào.