Vì xem vấn đề này quá quan trọng nên Theobald quyết định phải làm một chuyến đến Roughborough trước ngày khai giảng học kỳ. Không có cha ở nhà là một điều khuây khỏa cho Ernest, nhưng dù không ai nói ra, nó cũng đoán được cha nó đi chuyến này để làm gì.
Đến tận bây giờ, nó vẫn xem cuộc khủng hoảng đạo đức này như là một trong những lầm lỗi nghiêm trọng nhất đời mình, một sai phạm mà hễ mỗi lần nghĩ đến nó đều cảm thấy hổ thẹn và giận chính mình. Nó bảo rằng đáng ra lúc đó nó nên trốn khỏi nhà. Nhưng nếu làm vậy thì được gì chứ? Rồi nó cũng sẽ bị bắt lại về nhà, và bị khảo thêm hai ngày nữa chứ không phải được tha sớm như thế này đâu. Một đứa trẻ mười sáu tuổi không thể đánh thắng được một người trưởng thành khỏe mạnh, và cũng như thế, vào độ tuổi đó, nó chẳng thể chống đỡ nổi cái áp lực tinh thần mà cha và mẹ luôn đè nặng trên nó. Thật sự, có lẽ nó sẽ để mình bị giết hơn là bị khuất phục, nhưng nghĩ như thế là một kiểu anh hùng sai lầm và cũng gần như là sự hèn nhát, bởi vì làm như vậy chẳng khác gì tự vẫn, mà ai cũng biết tự vẫn là hèn nhát. Rồi ngày tựu trường cũng đến, mọi học sinh đều thấy rõ là có điều gì đó không ổn. Ngài Skinner tập trung tất cả lại, và nghiêm nghị cấm chỉ bà Cross và bà Jones vì lý do cửa hàng của họ đã vượt ngoài khuôn phép. Còn con đường đi qua quán ‘Swan and Bottle’ cũng bị cấm lui tới. Những tội uống rượu và hút thuốc bị chỉ đích danh rõ ràng, và trước giờ kinh, ông Skinner cũng nói vài lời sắc lạnh về sự kinh tởm của tội nói tục. Các bạn có thể hình dung ra được cảm giác của Ernest lúc này là thế nào rồi đó.
Đến ngày hôm sau, mặc dù chưa có chút thời gian nào để phạm lỗi, nhưng bản xử phạt thường nhật đã chỉ ra là Ernest Pontifex phải chịu tất cả mọi hình phạt của trường dành cho những học sinh mắc lỗi. Nó bị đưa vào danh sách cá biệt trong suốt học kỳ, và bị quản thúc liên tục từ đó, các giới hạn tự do của nó bị thu hẹp lại, và buộc phải xuống học lớp dưới, thật sự là các hình phạt dồn ép nó từ mọi hướng nên hầu như nó chẳng thể bước nổi một chân ra khỏi trường. Cái danh sách hình phạt chưa từng có này bắt đầu được thực thi kể từ ngày đầu tiên của học kỳ cho đến tận lễ Giáng Sinh mà không nêu ra tội danh cụ thể nào. Bởi thế, nó không chỉ ra nhiều điều để cho các cậu bé khác liên hệ chuyện này với việc cấm chỉ các cửa hàng của bà Cross và bà Jones.
Việc đuổi bà Cross, người biết tiến sỹ Skinner từ lúc ông chỉ là một đứa trẻ trong bộ áo vét, và chắc chắn từng nhiều lần cho ông mua chịu xúc xích hay khoai tây nghiền, đã gây giận dữ ghê gớm đối với bọn trẻ. Những cậu đầu têu đã họp kín với nhau để xem thử bước tiếp theo nên làm gì, nhưng hầu như chúng chẳng bàn bạc được gì nhiều cho đến khi Ernest ngại ngùng gõ cửa và thẳng thắn giải thích mọi chuyện này đều do bởi nó mà ra. Nó thú nhận hết mọi thứ ngoại trừ cái danh sách học sinh kèm với lỗi của từng đứa, bởi đó là tội phản bạn nó sẽ chẳng mang nổi. May thay, mọi chuyện đều ủng hộ nó, bởi dù là một kẻ thông thái rởm và quá mức mô phạm, nhưng tiến sỹ Skinner vẫn đủ ý thức để xử trí với Theobald về cái danh sách tội này. Dù có thể ông bực bội vì đã không biết được tính cách của những học sinh mình đang chịu trách nhiệm, dù có thể ông sợ trường bị tai tiếng, hay dù gì tôi không rõ, nhưng ông đã quyết định dứt khoát lạ lùng, và với một cách xử lý khéo léo hơn bình thường, ông đã ném bản danh sách vào lửa trước mặt Theobald ngay lập tức.
Ernest được tha bổng dễ dàng hơn nó tưởng. Bọn trẻ đồng ý rằng lỗi lầm của nó mặc dù thật tồi tệ nhưng vì hoàn cảnh mà nó phải chịu nên có thể được giảm nhẹ, hơn nữa nó đã thẳng thắn đứng ra thú nhận hết tội lỗi, cũng như thật tâm hối hận rõ ràng, ngoài ra cơn thịnh nộ của tiến sỹ Skinner giáng lên đầu nó càng khiến nó được ủng hộ. Nên cuối cùng, chúng xem những gì nó đã phạm coi như thuộc về quá khứ rồi.
Học kỳ trôi qua và tinh thần của Ernest cũng dần dần khá hơn, những lúc cái tính tự xỉ vả mình của nó trỗi dậy, nó được khuây khỏa hơn đôi chút khi nhận ra rằng ngay cả cha và mẹ nó, những người được cho là hoàn toàn trong sáng cũng chẳng tốt hơn gì nó. Vào ngày mồng năm tháng mười một hằng năm, đã thành một lệ là các cậu trai sẽ tập trung tại một nơi không xa Roughborough và đốt hình nhân đại diện cho một người nào đó, đây là sự pha trộn giữ lễ hội pháo hoa với lễ Guy Fawkes. Năm nay, chúng quyết định người bị đốt sẽ là ông cha nhà Pontifex, và Ernest sau khi suy tính đủ đường xem nên làm thế nào, đến cuối cùng đã quyết là chẳng có lý do gì để không tham gia trò này, bởi nó thấy việc này cũng chẳng gây hại gì cho cha nó cả.
Trùng hợp thay giám mục cũng ấn định ngày lễ thêm sức tại trường đúng vào ngày đó. Tiến sỹ Skinner không mấy ưng ý với ngày này, nhưng vì lịch làm việc quá kín, nên giám mục không thể dời qua ngày khác được. Ernest cũng nằm trong số được nhận phép thêm sức, và nó bị ấn tượng sâu sắc bởi sự trang nghiêm long trọng của buổi lễ. Lúc quỳ gối dưới chân bàn thờ, nó cảm nhận được vị giám mục già to lớn đang rợp bóng trên nó khiến nó gần như không thở nổi, rồi khi ngài dừng lại trước nó và đặt tay lên đầu nó, thì nó thấy run rẩy đến mức thần hồn nát thần tính. Nó cảm nhận được rằng giờ đây nó đang đứng trước một bước chuyển lớn trong cuộc đời, và Ernest về sau sẽ gần như khác hoàn toàn với Ernest trước đây.
Buổi lễ diễn ra vào khoảng giữa trưa, nhưng đến một giờ chiều thì tác động của phép thêm sức đã biến đâu mất, và nó thấy chẳng có lý do gì để nó phải trốn tránh trò vui đốt lửa hằng năm cả, nên nó đi cùng những đứa khác và mạnh dạn chơi cho đến khi hình nhân của cha nó được trưng ra và chuẩn bị châm lửa, lúc đó nó mới thấy hơi sợ hãi. Con hình nhân là một thứ thảm hại được làm bằng giấy, vải và rơm, nhưng đã được bọn trẻ đặt cho cái tên Đức ông Theobald Pontifex, và khi nhìn thấy hình nhân bị đem đến gần đống lửa, cảm giác của Ernest đột ngột đổi chiều. Nhưng rồi nó vẫn giữ vững được quan điểm cũ, và vài phút sau khi mọi thứ kết thúc, nó cảm thấy việc tham gia buổi lễ này chẳng có gì tội lỗi, bởi xét cho cùng thì động cơ của nó cũng là từ cái hứng thú kiểu trẻ con thích được ngoài vòng pháp luật hơn là từ ác ý thực sự.
Tôi phải nói rằng Ernest đã viết thư gởi cho cha, và kể cho anh nghe về những hình phạt chưa từng có đang được áp dụng với nó, thậm chí nó còn đánh liều gợi ý cha nên can thiệp để bảo vệ nó và nhắc lại rằng mọi chuyện thế này đều là từ anh mà ra, nhưng lúc này, Theobald đã đủ gờm tiến sỹ Skinner rồi, bởi hành động ném danh sách học sinh mắc lỗi vào lò lửa chính là sự cự tuyệt và dập tắt trong anh mọi ý muốn can thiệp vào chuyện nội bộ trường Roughborough một lần nữa. Bởi thế, anh trả lời rằng hoặc anh phải chuyển trường cho Ernest vì những lý do không được hay cho lắm, hoặc là anh phải tin tưởng vào cách giải quyết của ngài hiệu trưởng mà có lẽ là ông thấy tốt nhất cho các học sinh của mình. Ernest chẳng thể nói thêm gì nữa, nó vẫn cảm thấy việc nó chấp nhận khai ra bất kỳ điều gì là một sự ô nhục vô cùng, đến nỗi chính nó chẳng thể tha thứ cho mình được nữa.
Trong ‘giờ của mẹ Cross,’ theo kiểu nói lâu nay của đám trẻ, có một hiện tượng rất lạ diễn ra ở Roughborough, đó là việc những đứa lớn chạy việc vặt cho những đứa nhỏ hơn với những điều kiện nhất định. Những đứa học trò lớn không bị giới hạn gì, và chúng có thể đến cửa hàng của bà Cross bất cứ lúc nào chúng muốn, do đó chúng thực sự là những con thoi đưa bất kỳ thứ gì từ cửa hàng của bà Cross hay bà Jones về cho bất kỳ cậu bé nào, bất kể lớn hay nhỏ, và chúng thường làm việc này vào khoảng chín giờ kém mười lăm đến chín giờ vào buổi sáng, và sáu giờ kém mười lăm đến sáu giờ vào buổi chiều. Tuy nhiên, càng ngày chúng càng táo tợn hơn, và như thế, dù không tuyên bố chính thức, các cửa hàng đã ngầm xem như được nhà trường chấp nhận trở lại.