Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 8

Tác giả: Samuel Butler

Ông Pontifex đã quyết tâm phải cho Theobald học đại học trước khi trở thành một mục sư. Điều này sẽ dự phòng cho cậu và bảo đảm cho cuộc sống của cậu trong trường hợp những người bạn giáo chức của ông không giúp gì được. Việc học hành của cậu đủ tốt để vào đại học, và cậu được ông gởi vào một trường thuộc đại học Cambridge và được kèm cặp bởi những gia sư tốt nhất có thể. Một năm trước khi Theobald lấy bằng, hệ thống thi cử mới đã được áp dụng và nó cho cậu nhiều cơ hội thăng tiến hơn, bởi năng lực của cậu phù hợp với ngành cổ điển hơn là ngành khoa học, mà hệ thống này lại thiên về những nghiên cứu cổ điển hơn thời nay.

Theobald nhận thức được rằng cậu đang có cơ hội thoát khỏi sự ràng buộc của cha mình, nếu như biết học hành chăm chỉ, và cậu cũng thích thú với việc được trở thành một sinh viên. Bởi thế, cậu đã chuyên tâm hết sức vào việc học, và cuối cùng lấy được bằng, và như thế chuyện cậu được nhận vào hàng giáo sỹ chỉ là vấn đề thời gian. Ông Pontifex thật sự hài lòng về cậu, và hứa rằng sẽ tặng cậu tác phẩm của các tác giả nổi tiếng tùy theo ý cậu chọn. Theobald chọn những tác phẩm của Bacon, và rồi mười tập sách hay của Bacon đến tay cậu ngay. Nhưng khi xem xét một chút, thì cậu thấy những quyển này chỉ toàn là sách cũ.

Giờ đây, khi đã lấy được bằng, việc tiếp theo của cậu chỉ là chờ được phong chức, và Theobald cho đến nay hầu như ưng thuận việc đó như thể nó là chuyện tất yếu phải vậy. Tuy nhiên, khi việc này đã thực sự đến và sẽ thành hiện thực chỉ trong vòng vài tháng nữa thì cậu bỗng hoảng sợ khi nghĩ về nó như một thứ mà một khi bước vào cậu sẽ chẳng bao giờ thoát ra được. Cậu không thích việc tấn phong sắp đến, và thậm chí đã thể hiện vài nỗ lực yếu ớt để trốn tránh nó. Có thể thấy được thái độ này qua những thư tín mà Ernest, con trai cậu đã tìm thấy nơi những tờ giấy thiếp vàng, với những dòng mực đã phai, được cột lại gọn gàng, kèm theo một dòng phân loại trên đó, nhưng lại không có thêm bất kỳ chú thích nào nữa. Tôi viết lại nguyên văn lá thư đó ra đây:

‘Cha kính mến,

Con không thích bàn đến một vấn đề đã được cân nhắc kỹ lưỡng rồi, nhưng theo thời gian, con bắt đầu thấy rối trí về việc con rất khó hòa hợp với đời sống của một mục sư. Con không hoài nghi điều gì về Giáo hội anh, và con có thể chân thành tán đồng tất cả mọi điểm trong bản Ba mươi chín điều[6], một bản văn đối với con thật sự là đỉnh cao khôn ngoan hoàn mỹ của nhân loại, đến nỗi không gì có thể công kích được điểm này, ngay cả nhà thần học Paley cũng phải đồng ý như vậy; nhưng con chắc rằng con sẽ đi ngược lại mong muốn của cha, nếu như con giấu diếm với cha rằng con không cảm nhận được ơn gọi làm mục sư Tin mừng bên trong con, thứ mà trong lễ tấn phong, con buộc phải nói là con đã cảm nhận được. Con đã cố để cảm nhận, con sốt sắng cầu nguyện xin ơn này, có đôi khi con ngờ ngợ rằng con đã có được nó, nhưng rồi nó mau chóng biến mất, và cho dù con hoàn toàn không khó chịu với việc trở thành một mục sư và con cũng tin tưởng rằng, nếu trở thành một mục sư, con sẽ tận tâm sống theo Vinh quang Thiên Chúa và làm sáng Danh Ngài, nhưng con cảm nhận rằng để hoàn toàn xứng đáng dấn thân trong hội Thánh, thì con còn cần thêm nhiều điều nữa. Con biết rằng dù cho có đỡ phần nào nhờ học bổng của con, thì cha vẫn đã phải tiêu tốn rất nhiều cho con, nhưng cha đã từng dạy con rằng phải tuân theo lương tâm mình, và lương tâm của con mách bảo rằng nếu con trở thành mục sư thì đó sẽ là một hành động sai lầm. Con đã quả quyết với cha là con có tinh thần tu trì, con cũng đã liên lỉ cầu nguyện xin ơn đó, nhưng có lẽ Chúa đã không ban cho con, và như thế liệu có tốt hơn nếu con cố gắng tìm kiếm một lối đi khác hay không?

Con biết rằng cả cha và anh John đều không muốn con theo nghiệp cha, và con cũng chẳng hiểu gì về chuyện tiền bạc, nhưng con còn có thể làm được gì nữa đây? Con không thích phải xin cha nuôi con để con học ngành y hay luật, nhưng một khi con được nhận vào học rồi, việc này cũng không lâu nữa đâu, thì con sẽ cố gắng hết sức để không khiến cha phải phí tiền vì con nữa, có lẽ con sẽ kiếm được ít tiền nhờ việc viết lách và dạy học. Con tin rằng cha sẽ không nghĩ lá thư này là vô phép, con hoàn toàn không muốn làm cha phải phiền lòng. Con hy vọng rằng cha sẽ đồng thuận với cảm giác hiện thời của con, một cảm xúc chỉ bắt nguồn từ sự tôn trọng đối với lương tâm của con, một điều mà chính cha đã thường dạy con phải làm. Mong sớm nhận được thư của cha. Con hy vọng cơn cảm lạnh của cha chóng qua. Cho con gởi lời thăm Eliza và Maria, con trai yêu dấu của cha.

THEOBALD PONTIFEX.’

Và đây là lá thư trả lời của cha cậu:

‘Theobald, con thân mến, ta có thể hiểu những cảm giác của con và hoàn toàn không muốn chê trách con điều gì về chuyện giãi bày nó. Thật bình thường và hợp lý khi con có những cảm giác như vậy ngoại trừ một điểm mà thôi, một điểm mà nếu suy xét kỹ thì con sẽ cảm nhận được rõ ràng là nó vô phép, và ta sẽ chỉ nói ngắn gọn rằng, ý nghĩ đó của con thật sự khiến ta bị tổn thương. Con không nên nói rằng ‘dù cho có đỡ phần nào nhờ học bổng của con’. Câu đó của con chỉ đúng, khi con có thể làm được gì đó giúp ta bớt đi gánh nặng nuôi con ăn học, nghĩa là tiền đó phải được chuyển cho ta. Mọi lời trong thư của con khiến ta tin chắc rằng con đang chìm trong tính nhạy cảm không lành mạnh, một công cụ yêu thích của ma quỷ để dẫn lối người ta đến diệt vong. Đúng như con nói, ta đã tiêu tốn rất nhiều cho việc học của con. Ta đã không tiếc gì để cho con những điều kiện học hành thuận lợi, và với tư cách là một quý ông người anh, ta đã lao tâm biết bao để có thể chu cấp cho con, nhưng ta không sẵn sàng để thấy những phí tổn đó tan thành mây khói và lại phải xây lại từ đầu, chỉ bởi những ngại ngùng xuẩn ngốc của con, những thứ mà con phải thấy là nó sẽ gây tệ hại cho con hơn là cho ta.

Cái mong muốn luôn mãi được biến động đó, thứ sẽ hủy hoại nhiều người trong thời đại này, đừng để nó lớn lên trong con.

Tất nhiên, nếu con không thấy cần phải chịu chức thánh; thì chẳng ai ép con, con được tự do hoàn toàn, con đã hai mươi ba tuổi rồi và tự biết suy nghĩ, nhưng tại sao con không nhận ra ý muốn đó sớm hơn, và lại chẳng bao giờ hé một lời bóng gió nào phản đối việc này cho đến tận khi ta đã trang trải hết mọi phí tổn để cho con học Đại học, một việc ta sẽ chẳng bao giờ làm nếu không tin rằng con đã xác quyết với chính mình về việc dấn thân làm mục sư? Ta đã nhận được nhiều thư của con bày tỏ sự sốt sắng gần như hoàn toàn cho việc được phong chức, và anh chị con cũng sẽ đồng ý với ta là đã chẳng có ai gây áp lực gì lên con cả. Con đang sai lầm và vô cùng hoang mang, đó có thể là điều rất tự nhiên, nhưng chính nó cũng phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả nghiêm trọng xảy đến với chính con. Ta vốn không được khỏe lắm, và lá thư gây nhiều lo lắng của con đang giày vò ta nhiều hơn nữa. Xin Chúa chỉ lối cho con quyết định sáng suốt hơn. Cha yêu quý của con.

G. PONTIFEX.’

Khi nhận được lá thư này, Theobald mạnh dạn hơn. Anh tự nhủ, ‘Cha tôi nói là tôi không cần phải chịu chức nếu tôi không muốn. Tôi không muốn điều đó, bởi vậy tôi sẽ không chịu chức. Nhưng mà ‘chịu trách nhiệm cho những hậu quả nghiêm trọng xảy đến với chính con’ nghĩa là gì? Những lời đó có hàm ý đe dọa gì không đây, mặc dù thật không thể hiểu nổi những từ này cũng như ý mà cha định nói. Liệu cha có cố ý nói như vậy để khiến mình e sợ mà vẫn không cần phải thể hiện ra giấy hay không?’

Theobald biết cha mình đủ rõ để ít khi hiểu sai ý của ông, nhưng do anh quá bạo dạn đối ngược lại ý của cha mình, và cũng quá ước ao được thoát khỏi việc chịu chức, nên anh đã đánh liều với ông một phen. Anh viết những dòng sau gởi lại cho ông:

‘Cha kính mến. Cha nói với con, và con chân thành cám ơn cha vì điều đó, rằng sẽ không ai ép buộc con phải chịu chức. Con biết rằng cha sẽ không ép buộc con phải làm theo sắp đặt của cha, nếu lương tâm của con thật sự phản đối việc đó; bởi thế con đã kiên quyết từ bỏ ơn gọi, và con tin rằng nếu cha tiếp tục cho con những thứ như lâu nay vẫn vậy, cho đến khi con có được học bổng, vốn sẽ không lâu nữa đâu, thì con sẽ không làm cha phải tốn thêm một đồng nào nữa. Con sẽ cố gắng hết sức mình để sớm xác định nghề nghiệp con muốn theo đuổi, đến lúc đó con sẽ báo cho cha luôn thể.

Con yêu dấu của cha,

THEOBALD PONTIFEX.’

Còn đây là lá thư cuối cùng, rất ngắn gọn nhưng rõ ràng.

‘Theobald yêu quý, ta đã nhận được thư con. Ta rất bối rối khi nhận ra được những động cơ trong quyết định của con, nhưng lại rất rõ ràng khi ra quyết định dựa trên lá thư đó. Con sẽ không nhận được đồng nào từ ta cho đến khi con đổi ý. Nếu con ngoan cố lỳ lợm với sự điên rồ ngu muội của mình, thì ta vẫn hài lòng biết rằng ta còn có những đứa con khác với cách cư xử sẽ cho ta được vẻ vang cũng như hạnh phúc hơn. Người cha yêu quý nhưng đang đầy lo lắng của con,

G. PONTIFEX.’

Tôi không biết hệ quả ngay lập tức của loạt thư này là gì, nhưng đến cuối cùng thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Hoặc Theobald đổi ý, hoặc anh hiểu những lời thúc đẩy bên ngoài của cha anh như là tiếng gọi nội tâm hướng đến điều mà tôi chắc rằng anh đã sốt sắng cầu xin rất nhiều – bởi anh là một tín hữu tin tưởng vững chắc vào tác động của lời cầu nguyện. Tôi không chắc lắm về chuyện này. Tennyson đã nói rằng lời cầu nguyện còn cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta mơ tưởng, nhưng ông cũng đã khôn ngoan không nói ra chúng là những điều tốt hay xấu. Lời cầu nguyện cũng có thể làm được nhiều thứ, đó có thể là mơ mộng mà cũng có thể là một nhận thức chung, nhưng rõ ràng không dễ xác định được nó. Cuối cùng, nhờ may mắn, không lâu sau khi tốt nghiệp, Theobald được thu nhận, và được phong chức vào mùa thu năm đó, 1825.

Bình luận