Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 34

Tác giả: Samuel Butler

Alethea sớm phát hiện ra rằng Ernest không thích các môn thể thao, nhưng cô cũng thấy hầu như chẳng thể hy vọng khiến nó thích chúng được. Cơ thể của Ernest đã phát triển đủ, nhưng lạ thay nó chẳng có chút sức mạnh nào cả. Về sau, nó mạnh hơn, nhưng vẫn trễ nhiều so với các bạn đồng tuổi. Còn lúc này nó chẳng khác gì một bộ xương di động. Nó vẫn muốn có một thứ gì đó giúp nó phát triển tay chân và lồng ngực mà không phải bị dẫm đạp nhiều như lúc chơi các môn thể thao trong trường. Mối bận tâm trên hết của Alethea là làm sao có được một thứ giúp cho Ernest phát triển cơ thể mà vẫn phải phù hợp với sở thích của nó. Chèo thuyền có lẽ là thứ hợp nhất, nhưng tiếc thay ở Roughborough chẳng có con sông nào.

Cho dù đó là món gì đi nữa, thì Ernest cũng phải thích môn đó nhiều như các cậu bé khác thích cricket hay bóng đá, và nó phải thấy được rằng niềm đam mê đó xuất phát từ trong chính bản thân nó. Thật không dễ để tìm được một món nào như vậy, nhưng chẳng bao lâu sau, đột nhiên Alethea nghĩ ra rằng có thể lợi dụng đam mê âm nhạc của Ernest trong việc này. Và rồi vào một ngày nghỉ, lúc Ernest đến chơi nhà cô nguyên một buổi, cô đã hỏi xem nó có muốn cô mua cho nó một chiếc đàn dương cầm hay không. Tất nhiên nó muốn quá còn gì nữa, rồi cô tiếp tục kể cho nó nghe về những chiếc đàn dương cầm mà ông cố Pontifex của nó đã từng tự tay làm. Nó chưa bao giờ được kể chuyện này, nhưng khi biết chắc rằng đó là sự thật, nó hăng hái mắc vào cái bẫy mà cô đã dựng sẵn, nghĩa là muốn bắt đầu học bào đục để có thể làm được những ống nhạc khí bằng gỗ ngay lập tức.

Alethea thấy đây đúng là cách hợp lý nhất, và cô thích cái ý tưởng rằng Ernest sẽ vô tình biết được nghề mộc, bởi cô vô cùng ấn tượng, thậm chí là phát rồ, với sự khôn ngoan của người Đức khi họ có tục dạy cho các cậu bé phải biết được một nghề thủ công nào đó.

Khi viết thư cho tôi về vấn đề này, cô bảo rằng ‘Có được một nghề là điều rất tốt cho những ai có quan hệ, thế giá, cũng như vốn, còn nếu không thì nó chỉ là một thứ trang trí vô giá trị mà thôi. Chẳng phải cả anh và tôi đều biết rất nhiều người có tài năng, chăm chỉ, ý thức cực tốt, ngay thẳng, và thực sự là có đủ mọi yếu tố để thành công, nhưng biết bao năm qua vẫn mỏi mòn chờ đợi có được một chỗ làm, hay sao? Thực sự người ta sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế, nếu không được sinh ra trong một gia đình thế giá, hoặc kết hôn để có được điều đó? Cha mẹ của Ernest không có thế giá bao nhiêu, và nếu có, họ cũng sẽ không dùng đến nó. Tôi cho rằng họ sẽ cho nó làm một mục sự, hoặc sẽ cố làm như thế, có lẽ đó là điều tốt nhất họ làm được cho nó, bởi nó có thể dùng tiền của ông nội nó để lại mà mua lấy một nhiệm sở thu nhập ổn định, nhưng chẳng ai biết được suy nghĩ của thằng bé, còn trong chừng mực mà chúng ta biết thì dường như nó muốn đến những vùng xa xôi hẻo lánh của mỹ quốc, giống như nhiều người trẻ hiện giờ vậy.’… Nhưng dù gì đi nữa, nó hẳn sẽ thích thú với việc làm một chiếc đàn, và việc này chẳng có hại gì cho nó, nên việc này bắt đầu càng sớm thì càng tốt. Alethea nghĩ rằng nên nói kế hoạch này với Theobald và Christina như vậy sẽ tránh được những rắc rối về sau. Cô viết thư gởi họ như sau ‘Em không nghĩ rằng tiến sỹ Skinner sẽ hồ hởi chấp thuận nỗ lực của em trong việc cố đưa bài tập làm một cây đàn dương cầm vào giáo trình học tập của Roughborough, nhưng em thấy được những gì em có thể làm cho Ernest, bởi em rất mong muốn có được một cây đàn do chính tay cháu làm, mà với nó, Ernest có thể chơi bao nhiêu tùy thích bao lâu nó còn ở trong nhà của em, và em sẽ cho nó dùng cây đàn này cho đến khi nó có được một cây cho riêng mình, nhưng hiện tại cây đàn vẫn là tài sản của em, bởi vì em đã trả tiền để làm ra nó.’ Những lời này để nói rõ cho cha mẹ Ernest biết rằng họ sẽ không phải tốn kém gì trong chuyện này.

Nếu Alethea cũng nghèo như các dì Allaby, thì chúng ta hẳn đã đoán được vợ chồng Theobald sẽ nói thế nào về kế hoạch này, nhưng nếu cô cũng chỉ nghèo như họ, thì cô đã chẳng đưa ra đề nghị này rồi. Họ không thích việc Ernest chịu ảnh hưởng nhiều từ cô, nhưng dù gì thì như thế vẫn còn hơn là để cô quay sang giúp đỡ cho các con nhà anh John. Theobald nói, việc duy nhất khiến anh chưa quyết trong chuyện này, là anh lo rằng nếu ủng hộ cái sở thích âm nhạc của nó, thì về sau, Ernest sẽ sa đà với những bạn bè tầm thường. Anh đã rất đau lòng quan sát thấy rằng, cho đến bây giờ, Ernest có xu hướng chạy theo những bạn bè tầm thường, và có thể nó sẽ thân thiết với những đứa làm băng hoại sự ngây thơ của nó. Còn Christina thì rất khó chịu với kế hoạch này, nhưng sau khi cả hai vợ chồng trình bày đủ mọi đắn đo của mình, họ lại cảm thấy (và khi người ta bắt đầu ‘cảm thấy’, thì thường luôn chuẩn bị làm theo điều mà họ tin là thực tế và vật chất hơn) rằng nếu chống đối kế hoạch của Alethea thì dù có đúng đắn đi nữa, vẫn sẽ gây hại đến tiền đồ của Ernest, và phần hại sẽ nhiều hơn, nên họ đành đồng ý, dù không thực lòng cho lắm.

Tuy nhiên, sau một thời gian, Christina đã quen dần với ý tưởng trên, và bắt đầu xuất hiện trong cô những ý nghĩ khiến cô vô cùng hưng phấn. Nếu giá như Alethea là một người có cổ phần trong công ty đường sắt, thì hẳn một ngày nào đó Christina sẽ trở nên cực kỳ cao giá ở Battersby, cho đến tận khi nào người ta có được một cuộc cách mạng công nghệ khác. Rồi cô lại nghĩ về cây đàn dương cầm, cô xem nó như thể là thứ do chính tay cô làm ra vậy, và như thể chẳng tìm ra được nơi đâu trên nước anh được một cây đàn duyên dáng và âm giai hay đến vậy. Ngài Walmisley ở Cambridge thậm chí sẽ còn nhầm lẫn nó là tác phẩm của cha Smith, một bậc nghệ nhân lớn. Chắc chắn nó đó sẽ được đem đến nhà thờ Battersby, nơi đang thiếu một cây đàn, bởi chẳng có lý gì mà Alethea lại muốn giữ nó, và Ernest thì trong vài năm nữa cũng chưa có nhà riêng, mà hai vợ chồng cô thì sẽ chẳng bao giờ để nó trong nhà. Ôi thôi, chẳng có nơi nào thích hợp cho cây đàn này hơn nhà thờ Battersby cả.

Tất nhiên, họ sẽ tổ chức một buổi khai đàn, và Giám mục hẳn sẽ đến, có lẽ thêm cậu nhỏ Figgins, rồi cậu có thể mời ông cậu là ngài lonsford đến nữa, mà chuyện này cô phải hỏi lại Ernest xem cậu ta có còn học ở Roughborough hay không. Rồi ngài lonsford cùng giám mục và tất cả mọi người sẽ chúc mừng cô, còn người chủ trì buổi tiệc, ngài Wesley hay Walmisley gì đó sẽ nói với cô rằng, ‘Bà Pontifex thân mến ạ, tôi chưa bao giờ được chơi một nhạc cụ quá đỗi đặc biệt đến thế này.’ rồi cô sẽ đáp lại ông bằng một nụ cười rất ngọt ngào đặc trưng của mình, và nói rằng cô e là ông đang tâng bốc cô, còn ông sẽ đáp lại bằng những lời nói đùa rằng, những chàng trai đặc biệt (ý muốn nói đến Ernest) luôn luôn có mẹ là những người phụ nữ đặc biệt, và cứ thế còn nhiều chuyện để nói nữa. Một trong những lợi ích của việc tự tán dương chính mình là người ta có thể nuôi dưỡng cái sự tự tôn đó quá nhiều và ảo tưởng tạo cho nó những hoàn cảnh thật xác đáng.

Còn phần mình, Theobald viết cho Ernest một lá thư ngắn gọn và cáu gắt nói về ý định làm cây đàn dương cầm của Alethea.

‘Ta sẽ không ý kiến gì về việc này cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa; tất cả chuyện này đều tùy thuộc vào nỗ lực của con; từ trước đến nay, con đã có những thuận lợi vô cùng đặc biệt, và bây giờ cô của con lại thể hiện mong muốn được giúp đỡ con, nhưng con phải nhất quyết và kiên định hơn, nếu không, đến cuối cùng, cái ý tưởng làm đàn này chỉ khiến tăng thêm sự thất vọng dành cho con mà thôi.

Ta phải nhấn mạnh hai điểm; thứ nhất, cái việc mới này không được khiến con xao lãng đối với tiếng Latin và Hy Lạp của con (‘Chúng không phải là của con,’ Ernest nghĩ, ‘chẳng bao giờ là của con đâu’), và thứ hai, nếu con có ý định làm một phần nào của cây đàn trong những ngày lễ nghỉ, thì đừng có đem cái mùi hồ và bào gỗ về ngôi nhà này.’

Ernest vẫn còn quá nhỏ để nhận thức được rằng lá thư mà nó vừa nhận được khó chịu đến mức nào. Nó tin rằng những lời ám chỉ trong đó hoàn toàn công bằng đúng đắn. Nó biết nó thiếu sự kiên trì. Nó thích thứ này trong một lúc, rồi lại thấy nó không còn thích thứ đó nữa, và như thế thật là tệ. Lá thư trên đã khởi phát lên trong nó những cơn buồn bã về sự vô dụng của nó, nhưng ý tưởng về cây dương cầm đã khiến nó khuây khỏa, và nó thấy chắc rằng đây là một điều nó có thể chuyên tâm vào mà sẽ không dần dà cảm thấy chán nản. Alethea đã quyết định là sẽ chưa bắt tay làm cây đàn cho đến sau kỳ nghỉ Giáng Sinh, và từ giờ cho đến lúc đó, Ernest cần làm những việc mộc đơn giản, để biết cách sử dụng đồ nghề của mình. Alethea có một chiếc bàn thợ mộc đặt trong ngôi nhà phụ nơi mảnh đất của mình, và cô cũng đã thỏa thuận với một người thợ mộc lành nghề nhất Roughborough để ông sẽ đến hai tiếng mỗi buổi, và mỗi tuần hai buổi như vậy hầu hướng dẫn cho Ernest. Rồi cô chợt thấy mình thích có món đồ gỗ này kia, và cô giao cho Ernest làm, cùng trả công cho nó rất hậu khi thấy nó say mê với bào đục và gỗ ván. Cô chẳng bao giờ mở miệng cho nó một lời khuyên, hay nói về việc nó phải tự nỗ lực hết mình, nhưng cô thường hay hôn nó, và ghé qua xưởng mộc trong vai trò một người thích thú với những tác phẩm mới được khéo léo hoàn thành, cô thích thú như thể chưa bao giờ thích thú như vậy.

Làm sao có cậu bé nào lại không vui thích với một sự hỗ trợ như vậy cơ chứ? Tất cả các cậu bé đều thích làm thứ này thứ khác, và công việc cưa cắt bào đục của Ernest đã đem đến chính xác điều mà Alethea cần, một việc rèn thể lực vừa không quá nặng và vừa gây vui thích. Khi khuôn mặt bủng beo của Ernest bừng sáng lên lúc làm việc, và đôi mắt nó long lanh đầy thích thú, trông nó như khác hẳn với đứa bé mà Alethea vừa gặp cách đây mấy tháng. Khác hẳn với tiếng Latin và Hy Lạp, việc mộc này chưa bao giờ bị cái tôi của Ernest tố cáo là trò lừa dối. Thật đáng để làm những chiếc ghế đẩu hay những ngăn kéo gỗ, và khi mùa Giáng Sinh vừa qua, thì dự án về chiếc đàn dương cầm, một điều chưa bao giờ Ernest thôi nghĩ về, cũng dần hiển hiện. Alethea để Ernest mời các bạn của nó đến, và khuyến khích nó mời đến những đứa trẻ mà trực giác nhạy bén của cô thấy là đáng giá nhất. Cô cũng trau chuốt vẻ ngoài cho nó, nhưng chẳng bao giờ ra vẻ lên giọng dạy bảo. Thật sự, cô đã làm được nhiều điều kì diệu trong một thời gian ngắn, và nếu cô đến sớm hơn, thì tôi không nghĩ là Ernest đã phải chịu sống dưới bóng u ám vốn ảnh hưởng đến tính cách thuở trước của nó; nhưng tiếc thay, tia sáng cuộc đời của nó quá bừng bừng và sáng chói để có thể duy trì được lâu dài, và rồi trong tương lai nó sẽ còn phải chịu thêm nhiều giông bão trước khi được thật sự hạnh phúc. Dù vậy, lúc này nó đang cực kỳ hạnh phúc, và cô của nó cũng thấy vô cùng dễ chịu và hài lòng khi thấy nó như vậy, cũng như khi được thấy nó tiến bộ từng ngày, và dành trọn cho cô một tình cảm thiết tha vô bờ. Ngày qua ngày, cô càng yêu quý nó hơn, cho dù nó vẫn phạm nhiều lỗi và có những hành động ngu ngốc không thể hiểu nổi. Có lẽ chính vì thế, mà cô lại thấy là nó cần đến cô, và càng ngày cô càng chắc chắc hơn về quyết tâm muốn chăm sóc nó như một đứa con của cô chứ không phải chỉ là đứa cháu trai nữa. Nhưng dù như thế, đến tận bây giờ, cô vẫn chưa đưa ra quyết định dứt khoát hoàn toàn về chuyện này.

Bình luận