Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Xác Thịt Về Đâu

Chương 37

Tác giả: Samuel Butler

Nếu Theobald và Christina đã không hài lòng lắm lúc mới đầu Alethea chăm chút cho Ernest, thì họ cũng chẳng thoải mái gì hơn khi mối liên hệ giữa hai cô cháu bị chia lìa mãi mãi. Họ nói rằng, từ những gì được nghe từ Alethea, họ chắc rằng cô đang định biến Ernest thành người thừa kế của mình. Tôi không nghĩ là cô ấy có làm điều gì, kể cả một lời ngụ ý, để khiến họ tin như vậy. Thực sự, Theobald đã khiến Ernest nghĩ rằng Alethea đã từng nói về việc này trong một lá thư mà tôi sẽ đưa ra sớm thôi, nhưng nếu Theobald muốn tự làm mình khó chịu, thì trong cái trí tưởng tượng của anh bất kì một tia mỏng manh nào đó cũng có thể ngay lập tức biến thành bất cứ thứ gì tiện lợi cho anh nhất. Tôi không nghĩ là họ đã xác định được quyết định của Alethea trước khi biết tin cô hấp hối, và như tôi đã nói, nếu họ mang máng biết rằng Ernest sẽ được làm người thừa kế ngay trước mũi họ và họ chẳng có phần nào trong bản di chúc thì hẳn họ đã ngáng đường không cho hai cô cháu thân thiết hơn nữa đâu.

Thế nhưng, điều này cũng không cấm họ cảm thấy buồn khi cả họ lẫn Ernest đều chẳng được thừa kế chút gì, và họ có thể đổ sự thất vọng đó lên cậu bé, bởi họ quá tự hào để có thể quy lỗi đó cho mình. Thật sự, trong hoàn cảnh này, điều mà cả hai vợ chồng Theobald thất vọng chính là về sự thân thiện tốt bụng của họ đã không được thành công như họ nghĩ.

Christina nói rằng bản di chúc đơn giản là một thứ lừa đảo, và tin chắc có thể lật lại nó nếu cô và Theobald có những hành động thích đáng. Cô bảo Theobald nên đến gặp Ngài Đại Pháp Quan, không phải đến ngay tòa án, mà nên gặp ở văn phòng, để trình bày toàn bộ vụ việc, hay, có lẽ nếu cô đi thì tốt hơn, và tôi chẳng dám mô tả thêm những mơ màng được cái ý tưởng của cô bắt đầu khơi nên. Tôi tin là câu chuyện của cô đến cuối cùng thì Theobald sẽ chết, và Đại Pháp Quan (người sớm góa vợ vài tuần sau) sẽ dạm hỏi cô, nhưng cô sẽ từ chối, dù vô ơn nhưng đầy kiên quyết, cô sẽ nói với ông là cô sẽ tiếp tục xem ông là một người bạn… Đang nghĩ đến điểm này thì người đầu bếp bước vào báo với cô rằng người hàng thịt đã đến, và hỏi xem cô có muốn mua gì không.

Tôi nghĩ Theobald hẳn phải nghĩ ra được là có điều gì đó không bình thường trong phần thừa kế của tôi, nhưng anh chẳng hé môi gì về điều này với Christina. Anh giận dữ và cảm thấy mình bị đối xử bất công, bởi cũng như trước đây với cha mình, giờ đây anh lại cũng chẳng thể nắm được Alethea. ‘Thật là những người hèn hạ,’ anh tự than trách với chính mình, ‘khi gây ra một vết thương như thế này, rồi lại lẩn tránh dối diện với những người mà họ đã làm tổn thương; dù gì đi nữa, thì cũng hãy hy vọng rằng họ sẽ được gặp mình trên Thiên đàng.’ Nhưng anh không chắc lắm, khi người ta đã làm nhiều điều rất sai trái như thế, thì rất khó để mong họ được lên Thiên đàng, còn việc anh có phải gặp họ dưới địa ngục hay không, thì chẳng bao giờ anh nghĩ đến.

Có thể tin rằng, một người đang giận dữ, và ít quen với việc bị cãi lại, sẽ trút cơn giận của chính mình lên đầu người khác, và Theobald đã nhắm đến cây đàn, một thứ mà nhờ nó, anh có thể giải tỏa cơn hằn học một cách an toàn hơn, và thỏa mãn hơn. Có thể thấy được rằng, cây đàn chính là Ernest, và rồi, để xoa dịu cho chính mình, anh nói với nó về việc này, không phải một cách trực tiếp, mà viện đến một lá thư.

‘Con nên biết rằng,’ anh viết, ‘cô Alethea của con đã khiến cho cha và mẹ hiểu rằng cô mong muốn đặt con làm người thừa kế của cô, tất nhiên là nếu cô yên tâm về hạnh kiểm của con, nhưng thực tế là, cô đã không để lại gì cho con, và toàn bộ tài sản của cô đã giao hết cho cha đỡ đầu Overton của con. Ta và mẹ con rất hy vọng rằng nếu cô Alethea có thể sống lâu hơn, thì hẳn con sẽ là chọn lựa số một của cô ấy, nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.

Nghề mộc cũng như việc làm cây đàn phải ngưng ngay lập tức. Ta chưa bao giờ tin vào cái ý tưởng này, và thấy chẳng có lý do gì để ta đổi ý cả. Chuyện này phải chấm dứt, và ta chẳng lấy làm tiếc cho con, cũng như chắc rằng, vài năm sau con sẽ chẳng phải hối hận vì việc này đâu.

Ta nói thêm vài lời về tiền đồ của con. Ta tin là con biết rằng con có một khoản thừa kế nhỏ, được truyền lại hợp pháp từ ông nội con. Khoản thừa kế này được lập một cách tình cờ, và ta tin rằng đó hoàn toàn là do luật sư đã hiểu sai ý của ông con. Có lẽ đúng hơn thì khoản thừa kế này phải bắt đầu có hiệu lực sau khi ta và mẹ con đều mất, nhưng, thực sự thì bản thừa kế này lại xác định rằng, con sẽ quản lý số tiền đó lúc con được hai mươi mốt tuổi. Tuy nhiên, sẽ có nhiều khoản phải khấu trừ vào đó. Con sẽ phải đảm đương trách nhiệm đối với tài sản thừa kế, và ta không nghĩ là ta sẽ không được khấu trừ những chi phí cho học phí và việc nuôi dạy con từ lúc mới sinh cho đến khi con được tuổi đó. Nếu như con cư xử đúng mực, nhiều khả năng ta sẽ không nhất quyết đòi cho đủ quyền lợi của ta, nhưng vẫn phải có một khoản khấu trừ đáng kể, bởi thế số tiền còn lại của con sẽ còn rất ít, có thể chỉ khoảng 1.000 hay 2.000 bảng thực sự sẽ là của con mà thôi, nhưng phải chờ đến lúc đó mới biết chính xác được.

Ta cảnh báo con một cách nghiêm túc rằng đây là toàn bộ những gì con có thể kỳ vọng có được từ ta (thậm chí ngay cả Ernest cũng thấy được là số tiền này hoàn toàn chẳng phải là từ Theobald) cho đến trước khi ta mất, và chúng ta đều biết là có lẽ còn rất lâu nữa mới đến lúc đó. Đây không phải là một số tiền lớn, nhưng nó sẽ đủ cho con nếu như con biết kiên định và thiết tha với chủ đích của con. Mẹ con và ta đã đặt cho con cái tên Ernest, nghĩa là tha thiết sốt sắng, và hy vọng rằng nó sẽ nhắc nhở con luôn sống….’

Tôi thật sự không thể chép ra thêm ở đây những lời ào ạt này nữa. Lá thư của anh lại một lần nữa chơi cái trò lung lay ý chí cũ rích, thật sự ý anh muốn nói rằng Ernest không tốt, và nếu nó cứ tiếp diễn như thế, thì rồi thế nào nó cũng phải ra đường ăn xin với đôi chân trần ngay khi nó vừa học xong trung học, hay có thể là đại học, và rằng nó, Theobald và Christina gần như là những người quá tốt đẹp so với toàn bộ thế gian này.

Sau khi viết những dòng trên, Theobald cảm thấy bản chất của mình khá là tốt đẹp, và rồi hứng chí, anh gởi súp và rượu cho bà Thompson nhiều hơn cái khoản keo kiệt thường ngày.

Còn Ernest cực kỳ buồn rầu sâu sắc vì lá thư của cha, rồi nó nghĩ là ngay cả cô Alethea, người duy nhất nó thực sự yêu quý, đến cuối cùng, cũng quay lưng lại với nó và nghĩ không tốt về nó. Đây chính là điều khiến nó tổn thương nhất. Khi vội vã do cơn bạo bệnh, và chỉ nghĩ đến hạnh phúc lâu dài cho Ernest, Alethea đã quên không để lại cho nó vài lời mà có lẽ sẽ làm giảm đi sự cay độc trong những lời của cha nó, và hơn nữa, do cô mắc bệnh truyền nhiễm, nên từ khi biết bệnh của mình, cô đã không gặp mặt nó lần nào. Bản thân tôi không hay biết về lá thư này của Theobald, và cũng không để tâm cho đủ đến con đỡ đầu của mình hầu có thể đoán ra được tình hình lúc đó của nó. Phải vài năm sau, tôi mới khám phá ra những lá thư này trong ngăn chiếc cặp đi học cũ của Ernest, và trong đó còn có thêm những lá thư và tài liệu khác nữa mà tôi đã dùng làm tư liệu trong quyển sách này. Ernest đã quên mất là nó có giữ những thứ đó, nhưng khi thấy chúng, nó bảo tôi rằng đó là những thứ đã khiến nó bắt đầu đứng lên đối đầu với cha nó, và thêm rằng, mặc dù không dám thừa nhận thẳng thắn, nó vẫn nhận ra rằng nó đã đúng khi làm như vậy. Còn một điều không kém quan trọng, đó là nó đã lo sợ rằng nó phải từ bỏ phần thừa kế từ ông nội, bởi nếu phần thừa kế đó là do vô ý mà có, thì làm sao nó có thể giữ nó được đây?

Suốt phần còn lại của học kỳ đó, Ernest cứ thất thần và buồn bã mãi. Nó rất thích một vài bạn học, nhưng lại thấy sợ những người mà nó tin là tốt đẹp hơn nó, và nó có xu hướng lý tưởng hóa tất cả mọi người đều vượt trội so với nó, ngoại trừ những đứa thấp giá hơn nó một cách rõ ràng. Nó cho mình là đứa rẻ mạt, và bởi chẳng có sức mạnh cơ bắp cường tráng mà nó vốn rất thèm muốn, cũng như bởi biết rằng mình đang trốn tránh việc học, nên nó tin rằng bản thân nó chẳng có gì xứng đáng với cái tên rất đẹp Ernest mà nó đang mang. Nó cho mình là một đứa xấu xa về bản chất, và chẳng biết ăn năn hối hận chút nào, mặc dù nhiều lần nó bật khóc vì điều đó. Và do những ý nghĩ như thế, nó tránh mặt tất cả những ai mà tâm trí non trẻ của nó thấy thần tượng, và nó chưa hề có ý nghĩ rằng nó có thể đủ khả năng để đạt đến sự cao quý của họ, cho dù là theo một cách khác, rồi cứ vậy nó sa đà hơn với những đứa có tiếng là hèn hạ nhưng với nó lại là những đứa mà nó có thể ngang hàng được với chúng. Trước lúc học kỳ kết thúc, nó đã xóa sạch lối sống mà Alethea đã cố gắng rèn giũa cho, khi cô còn ngụ tại Roughborough, và nỗi sầu nản cũ lại chiếm lấy nó, nhưng lần này kèm thêm một cơn tuôn trào của tính tự cao tự đại, có thể nói là sánh ngang với mẹ nó. Một lần nọ, bất thần chạm mặt tiến sỹ Skinner ở sảnh và không kịp tránh đi, ông hỏi nó ‘Pontifex, trò không bao giờ cười ư? Lúc nào trò cũng u ám khủng khiếp như vậy à?’ Tiến sỹ không có ý gì xấu, nhưng Ernest lại đỏ chín mặt, và lẩn đi.

Chỉ có một nơi cho nó hạnh phúc là nhà thờ thánh Michael, nơi người bạn nhạc công của nó tập đàn. Vào thời gian này, đã bắt đầu có những ấn bản giá rẻ của các bản orato, và Ernest mua hết chúng ngay khi vừa được xuất bản, đôi khi nó bán sách học cho người mua sách cũ, và dùng số tiền đó mua một vài bản ‘messiah,’ bản ‘Creation,’ hay bản ‘Elijah’. Việc này rõ ràng là lường gạt cha mẹ nó, nhưng rồi nó lại tiếp tục cái việc sa đọa như thế, hoặc trong suy nghĩ của nó là như vậy, và nó thấy rằng nó rất thèm muốn âm nhạc, còn sử học Sallust, hay bất kỳ thứ gì khác chỉ khiến nó bận lòng rất ít mà thôi. Đôi khi, người nhạc công về nhà và để chìa khóa lại cho Ernest để nó có thể tự chơi nhạc, cũng như để khóa đàn và cửa nhà thờ đúng giờ rồi về điểm danh. Những lần khác, khi người bạn già của nó đang chơi đàn, thì nó đi vẩn vơ quanh nhà thờ, ngắm nhìn những bia kỉ niệm và ô cửa kính màu, để thưởng thức bằng cả tai và mắt. Có một lần, người mục sư già thấy Ernest đang ngắm nhìn một khung cửa mới được ông mua về từ Đức, vốn được cho là tác phẩm của Albert Durer. Ông hỏi chuyện Ernest và khi khám phá ra rằng nó say mê âm nhạc, ông nói với nó bằng giọng người già run run (bởi ông đã được tám mươi tuổi rồi) của mình, ‘hẳn con biết ngài Burner, người viết sử cho âm nhạc. Lúc còn trẻ, ta đã được biết ông ấy quá rõ.’ Tim Ernest đập rộn ràng, bởi nó biết rằng ngài Burney khi còn là một đứa trẻ học tại Chester thường lén lút lẩn vào quán cà phê Exchange để ngắm handel với tẩu thuốc của ông, và giờ đây trước mặt nó là một người dù không được gặp Hadel, nhưng ít nhất cũng đã gặp người từng gặp Hadel.

Vài chuyện trên là những ốc đảo trong hoang mạc lòng của Ernest, nhưng tựu trung, nó vẫn là đứa trông gầy gò và xanh xao, như thể có bí mật nào đó đang giày vò nó, và chắc chắn là như thế, nhưng tôi chẳng có lý gì để trách nó về chuyện này. Cho dù như thế, nó vẫn chiếm được vị thế cao trong trường, mặc dù các thầy giáo ngày càng không ưa nó, và nó chẳng là gì trong con mắt những đứa mà nó tin chắc là chúng chẳng bao giờ biết việc có một bí mật đè nặng trong lòng là như thế nào. Ernest cảm nhận sâu sắc rằng, nó không quan tâm mấy đến những đứa thích nó, và lại thần tượng những đứa giữ khoảng cách với nó, nhưng như thế cũng chẳng có gì lạ đối với một cậu bé cả. Rồi cuối cùng, mọi thứ lên đến đỉnh điểm khủng hoảng. Vào cuối học kỳ tiếp theo, Ernest về nhà với một văn bản trong hành trang, mà Theobald phải gọi nó là ‘nhục nhã và xúc phạm.’ Văn bản mà tôi muốn nói đến ở đây chính là học bạ của nó.

Biên bản này luôn là thứ khiến cho Ernest lo lắng, bởi cha mẹ nó sẽ xem xét quá tỉ mỉ, và hạch sách nó đủ điều về biên bản này. Thỉnh thoảng nó viết thư hỏi xin những thứ cần thiết cho việc học của nó, chẳng hạn một chiếc cặp, hay quyển từ điển, rồi đem bán đi để có tiền mua các bản nhạc hoặc thuốc lá. Theo Ernest, thì chuyện gian dối này có đôi lần gần như bị phát giác, và hễ mỗi lần cuộc hạch hỏi của cha mẹ nó kết thúc, nó đều thở hắt ra nhẹ nhõm. Lần này, Theobald cũng làm ầm về những khoản phụ trội này, nhưng rồi miễn cưỡng cho qua, tuy nhiên, lại có một vấn đề khác, nằm ở cái biên bản của Ernest. Và nó cụ thể như sau:

BÁO CÁO VỀ HẠNH KIỂM VÀ TIẾN BỘ CỦA ERNEST PONTIFEX, LỚP ĐỆ NGŨ THƯỢNG, HỌC KỲ KẾT THÚC VÀO GIỮA HÈ 1851

Môn Cổ điển: lười nhác, xao lãng, và không chịu tiến bộ

Toán học: Như trên Thần học: Như trên hạnh kiểm trong nhà: Có kỷ luật hạnh kiểm chung: Chưa đủ mức, vì thường trễ giờ và ít chú tâm vào bổn phận.

Tiền công tội hàng tháng: 1s. 6x. 6x. 0d. 6x. Tổng cộng 2 shilling 6 xu.

Số điểm công tội: 2 0 1 1 0. Tổng cộng: 4

Số điểm phạt: 26 20 25 30 25. Tổng cộng: 126

Số điểm phạt thêm: 9 6 10 12 11. Tổng cộng: 48

Tôi kiến nghị rằng số tiền tiêu vặt của cậu Ernest nên tùy thuộc vào số tiền công tội của cậu.

S. SKINNER, hiệu trưởng.

Bình luận