Dường như những lời vô tình chúng tôi nói về Theobald và Christina có thiêng hay sao mà đột nhiên sau nhiều năm yên ắng họ lại xuất hiện. Suốt nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi nhắc đến, họ vẫn ở Battersby và tập trung chăm lo cho những đứa con còn lại của mình.
Theobald thấy thật cay đắng khi không còn được gây họa cho đứa con đầu của anh nữa, nếu như anh biết được sự việc vừa mới diễn ra này, thì thế nào anh cũng sẽ thấy đau đớn hơn bất kỳ nỗi ô nhục nào đã phải chịu lúc con anh bị bỏ tù. Anh đã một hai lần cố gắng để qua tôi mà mở lại trao đổi với Ernest, nhưng chẳng bao giờ kể cho nó những chuyện này, bởi tôi biết chúng sẽ khiến nó thấy buồn nhiều. Dù vậy, tôi vẫn viết thư lại cho Theobald nói rằng tôi thấy con trai anh vẫn không động lòng, và khuyên anh lúc này dù gì cũng đừng nhắc lại vấn đề này nữa. Tôi nghĩ làm như thế là điều khiến Ernest thích nhất và Theobald ghét nhất.
Tuy nhiên, một vài ngày sau khi Ernest đã đặt tay vào khối gia tài của nó, tôi nhận được một lá thư từ Theobald kèm với một lá nữa gởi cho Ernest mà tôi không thể từ chối được. Lá thư viết như sau,
‘Gởi đến con trai Ernest của ta,
Dù cho đã hơn một lần con từ chối nói chuyện với ta, nhưng nghĩ đến phần bản chất tốt trong con, ta vẫn muốn cố gắng thử thêm lần nữa. Mẹ của con, lâu nay ốm đau và ta tin là đã đi gần hết cuộc đời rồi, bà không thể tiêu hóa được gì, bác sỹ Martin bảo rằng vẫn có hy vọng bình phục nhưng rất ít. Ta thấy rằng mẹ con rất mong được gặp mặt con, và bà cũng biết là con sẽ không từ chối đến thăm bà. Với tình trạng của mẹ con hiện nay, ta không nghĩ rằng con sẽ thoái thác chuyện này.
Ta gởi kèm cho con một phiếu Bưu điện để đi tàu lửa, và cũng sẽ thanh toán chặng về cho con.
Nếu con muốn có áo quần đàng hoàng, cứ đặt may những gì con thấy cần thiết, và hóa đơn thanh toán cứ gởi về đây, nếu không quá tám hay chín bảng, ta sẽ thanh toán chúng ngay cho con, và nếu con cho ta biết giờ đến của đoàn tàu, ta sẽ đưa xe ngựa ra đón con.
Hãy tin tưởng ở ta, Người cha yêu quý của con,
T.PONTIFEX.’
Tất nhiên, Ernest không thể chần chừ khi nghe tin này. Bây giờ nó có thể tức cười khi thấy cha nó muốn trả tiền may áo quần cho nó, và gởi cho nó một chiếc vé Bưu điện hạng hai, nhưng tất nhiên nó rất sốc khi nghe tin về bệnh tình của mẹ nó, và cảm động vì cô khao khát muốn gặp mặt nó. Nó đã điện báo cho cha là sẽ về ngay lập tức. Trước lúc nó đi, tôi có gặp được nó một lát, và rất hài lòng khi thấy áo quần của nó được may quá khéo. Đến ngay cả Towneley cũng chẳng thể ăn vận hợp hơn thế đâu. Chiếc va ly, bộ áo choàng đi đường, tất cả mọi thứ nó mang trên mình đều thật ăn khớp với nhau. Tôi nghĩ là nó đã đẹp trai hơn nhiều so với thời hai mươi hai hay hai mươi ba tuổi. Một năm rưỡi sống trong yên bình thư thái đã xóa sạch tất cả mọi dấu vết bệnh tật mà nó từng phải chịu, và giờ đây khi đã thực sự giàu có, sự vô ưu và tâm trạng thoải mái đang hiện rõ trên gương mặt nó cho người ta cảm giác mọi thứ đều tuyệt vời với nó, và chỉ cần như thế đã đủ để khiến cho bất kỳ ai cũng sẽ thấy nó đẹp hơn nhiều rồi. Tôi rất tự hào và vui mừng vì nó. ‘mình chắc rằng,’ tôi tự nhủ, ‘dù nó có làm gì, cũng sẽ chẳng bao giờ kết hôn lần nữa đâu.’
Chuyến đi này thực sự khiến nó đau lòng. Khi đã đến gần ga nhà và trông thấy từng thứ quen thuộc, những mối liên hệ lại sống dậy quá mạnh mẽ trong lòng nó như thể gia tài nó vừa thừa kế từ cô nó chỉ là một giấc mơ, còn hiện thực là nó đang từ Cambridge trở về nhà cha mẹ để nghỉ hè. Và như thế, nỗi nhớ nhà xưa cũ lại đè nặng trong nó, tim nó đập mạnh khi nghĩ đến việc gặp cha mẹ, ‘và mình sẽ phải,’ nó ớn lạnh tự nhủ, ‘hôn Charlotte nữa.’ liệu cha có đến đón nó ở nhà ga hay không? Liệu ông sẽ chào đón nó như thể chưa có gì xảy ra, hay ông sẽ lạnh lùng và xa cách với nó? Và một lần nữa, liệu ông sẽ đón nhận vận may của con trai mình như thế nào? Khi chuyến tàu vừa cập đến bãi chờ, Ernest đảo mắt nhìn một vài người đang đứng trên sân ga. Nó chẳng thấy cái dáng quen thuộc của cha, nhưng phía bên kia hàng rào ngăn bãi chờ với sân ga là cỗ xe độc mã mà theo nó thì trông khá tồi tàn, và trên xe là người xà ích của cha nó. Chỉ vài phút sau, cỗ xe ngựa chở nó đã thẳng hướng về Battersby. Nó chẳng thể ngăn được nụ cười khi thấy người xà ích trông rất ngạc nhiên lúc thấy vẻ bề ngoài của nó đã đổi khác quá nhiều. Ông ấy còn ngạc nhiên hơn, bởi lần cuối cùng nó về đây trong bộ đồ giáo sỹ, còn bây giờ, không những nó ăn vận như giáo dân bình thường, mà còn có vẻ là một người cực kỳ dư dật nữa. Ernest đã thay đổi quá nhiều khiến người xà ích chẳng thể nhận ra, cho đến tận khi nó cất tiếng gọi ông.
‘Cha mẹ tôi thế nào?’ nó vội vã hỏi dồn ngay khi vừa bước chân lên xe. ‘Thưa cậu, ông rất khỏe, nhưng bà rất buồn,’ người xà ích đáp lời nó. Con ngựa biết là nó đang trên đường về nhà nên hăng hái kéo căng dây cương, phi thật nhanh. Tiết trời hôm đó lạnh căm căm, đúng kiểu không khí một ngày tháng mười một, trên đường có vài vũng nước vừa khô, rồi cỗ xe ngựa băng qua một vài người cưỡi ngựa đi kèm đám chó, bởi sáng hôm đó có phường săn tụ tập nhau tại một nơi gần Battersby. Ernest gặp thấy một vài người quen cũ, nhưng họ đều gần như không nhận ra nó, và cũng chẳng hay biết về vận may của nó. Khi đã gần đến tháp chuông nhà thờ Battersby, và Ernest cũng đã nhìn thấy nhà mục sư hiện ra trên đỉnh đồi với những ống khói vươn mình lên trên đám cây trụi lá, nó rúc sâu vào trong cỗ xe và lấy hai tay ôm mặt.
Rồi điều gì đến cũng phải đến, cái thời khắc khó khăn nhất lúc Ernest đứng trước thềm nhà. Cha nó, nghe tiếng xe ngựa về, đã ra tận bậc cửa đón nó. Cũng hệt như người xà ích, ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh đã thấy Ernest ăn vận như một người dư dật tiền bạc, và như thế trông nó thật hào sảng cả về sức khỏe lẫn khí lực.
Đây không phải là điều anh mong đợi. Anh muốn Ernest trở về, nhưng là phải trở về như một đứa con hoang đàng đúng kiểu, nghĩa là khốn khổ, thương tâm, xin sự tha thứ từ người cha ân cần nhất và cũng đã phải chịu đau khổ nhất thế gian này. Nếu nó có mang giày, vớ và áo quần đầy đủ, thì chúng cũng phải rách nát tả tơi và như thế nó mới được anh độ lượng bỏ quá cho, trong khi đó nó lại đang vênh vang trong chiếc áo choàng xám cùng cà vạt xanh trắng, mà thậm chí ngay cả anh cũng chưa bao giờ được ăn vận đẹp đến thế trong đời. Thật là vô luân. Anh đã đủ rộng rãi cho Ernest áo quần chỉnh tề mà về nhà thăm mẹ trên giường bệnh, để rồi nó làm đến mức này sao? Còn có kiểu lợi dụng bẩn thỉu nào hơn thế này nữa. Được thôi, anh sẽ không trả thêm một xu nào ngoài tám hay chín xu mà anh đã hứa. Thật may khi anh đã ra một giới hạn cho khoản này. Mà tại sao, anh, Theobald này, suốt cả đời lại chưa bao giờ mua nổi một cái vali như thế này. Anh vẫn đang phải dùng cái vali cũ mà cha anh cho lúc nhập trường Cambridge. Nhưng, không chỉ chiếc vali, mà anh cũng cảm nhận thế về áo quần Ernest nữa.
Ernest thấy được cha mình đang nghĩ gì, và giờ mới nhận ra là đáng ra nó nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho những việc như thế này, nhưng ngay khi nhận được thư, nó đã tức tốc điện báo, và quá gấp rút để về nhà đến nỗi thật khó để nó bận tâm đến chuyện này. Nó chìa tay ra và vui vẻ nói, ‘Ôi, tất cả những thứ này đã được thanh toán rồi, con e là bố chưa biết rằng ông Overton đã giao lại cho con toàn bộ tài sản của cô Alethea.’
Theobald đỏ bừng mặt khi nghe như thế. ‘Nhưng tại sao,’ anh nói, và đây là những lời đầu tiên anh thốt ra với Ernest, ‘nếu đó không phải là tiền của ông ấy, thì sao lại không giao cho ta và bác John giữ cơ chứ?’ anh có vẻ lúng túng và lắp bắp, nhưng cũng nói được thành lời.
‘Cha yêu quý của con, bởi vì,’ Ernest vẫn nói với giọng vui vẻ, ‘cô Alethea ủy thác cho ông ấy giữ chúng cho con, chứ không phải cho bố hay bác John, và bây giờ số đó đã tích lũy lên đến hơn bảy mươi ngàn bảng. Nhưng giờ bố hãy cho con biết tình hình mẹ ra sao rồi?’
‘Không, Ernest,’ Theobald nóng nảy nói, ‘không thể gác vấn đề lại đây được, ta buộc phải được biết rõ hết toàn bộ chuyện này.’
Câu nói này làm lộ ra bản chất thực của Theobald và đánh động Ernest ngay lập tức. Cảnh vật Battersby này vẫn như cũ, nhưng bên trong lòng người thì đã biến đổi khủng khiếp đến mức chẳng thể nhận ra. Ernest buột miệng buông vài lời gay gắt về phía cha mình. Tôi sẽ không viết lại những lời này, bởi chúng tuôn ra trước khi nó kịp suy nghĩ, và có lẽ chúng sẽ khiến các bạn thấy khó chịu. Nó không nói nhiều, nhưng vài tiếng thôi cũng đã khiến đổi thay nhiều thứ. Theobald không đáp lại lời nào, nhưng mặt anh tái xám lại, anh sẽ không bao giờ nói với con trai mình theo cách đó nữa để khỏi phải nhận thêm những lời mà nó vừa buông ra. Ernest nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và hỏi thăm về mẹ mình. Theobald đủ cởi mở để bắt đầu lại cuộc trao đổi này, và ngay lập tức, với một giọng mà anh vốn thường dùng với những ai cần phải lấy lòng, anh kể rằng dù anh đã cố hết sức, Christina vẫn suy sụp nhanh chóng, và kết rằng cô đã là niềm vui và mỏ neo cho cuộc đời anh trong suốt hơn ba mươi năm, nhưng e là sẽ chẳng thêm được bao lâu nữa.
Hai người vào nhà và đến phòng của Chritina, nơi Ernest đã được sinh ra. Theobald vào trước để chuẩn bị tâm lý cho mẹ nó. Và khi Ernest bước vào, cô ngồi dậy ôm lấy nó mà khóc, ‘Ôi, mẹ biết là con sẽ về, mẹ biết, mẹ biết là con sẽ về mà.’ Ernest quá xúc động không kìm nén được và khóc tràn như chưa từng được khóc vậy.
‘Ôi, con tôi, con tôi,’ cô nói liền một mạch ngay khi lấy lại được giọng. ‘Trong suốt những năm qua có lúc nào con ghé về nhìn chúng ta hay không? Con không biết là cả cha và mẹ thương con và xót cho con đến mức nào đâu. Con biết là cha con ít bộc lộ tình cảm ra ngoài, nhưng sẽ chẳng bao giờ mẹ nói được cho hết tình cảm vô cùng, cực kỳ sâu đậm mà cha dành cho con. Có nhiều đêm mẹ tưởng như nghe thấy tiếng bước chân ngoài vườn và lặng lẽ bước dậy để cha con khỏi thức giấc, rồi đến bên cửa sổ mà nhìn ra, nhưng chẳng thấy được gì ngoài đêm đen hoặc buổi ban mai mờ xám, và mẹ lại phải lên giường mà khóc thầm. Đến bây giờ, mẹ vẫn nghĩ là con có về dù con quá kiêu hãnh để cho chúng ta biết là con đã làm như thế, và giờ đây, cuối cùng mẹ cũng được ôm con trong tay một lần nữa, ôi con trai yêu dấu, vô cùng yêu dấu của mẹ.’
Ernest cảm thấy mình thật đã vô cảm đến tàn nhẫn và bỉ ổi quá độ.
‘Mẹ,’ nó nói, ‘xin tha thứ cho con, lỗi là ở con, đáng ra con không nên quá khắc nghiệt như vậy. Con đã sai, vô cùng sai lầm’ với đôi mắt đỏ au vì nước mắt, nó thực tâm muốn nói như vậy, và lòng nó thấy thương mẹ hơn bao giờ hết. ‘Nhưng,’ Christina nói tiếp, ‘con có về thăm nhà khi trời tối mà chúng ta không biết hay không, ôi con, hãy để mẹ nghĩ rằng con không đến nỗi vô cảm như những gì chúng ta từng nghĩ về con. Hãy nói là con có về đi, để cho mẹ được nhẹ lòng vui sướng hơn.’
Ernest nói ngay, ‘Con không có tiền để về, mãi cho đến tận gần đây mới có.’
Lời biện bạch này Christina có thể hiểu và thông cảm được, ‘Ôi, vậy là nếu có thể thì con đã về phải không, với mẹ vậy là được rồi, và giờ đây mẹ lại được có con bình yên về bên mẹ, hãy nói với mẹ rằng con sẽ không bao giờ, không bao giờ rời xa mẹ nữa, cho đến tận khi, tận lúc…, ôi, con trai, có phải người ta bảo con là mẹ đang bệnh gần chết, có phải không?’ Cô khóc nấc lên đau đớn, và vùi mặt vào gối.