Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 83

Tác giả: Samuel Butler

Oey và Charlotte cũng đang ở trong phòng. Joey giờ đã được phong chức và đang làm phụ tá cho Theobald. Hai

Janh em nó chưa bao giờ hợp nhau, và Ernest mới thoáng qua cũng đã thấy chẳng thể có chút cơ may nào để tái lập tình thân thiết giữa chúng. Nó có đôi chút giật mình khi thấy Joey mặc đồ giáo sỹ, và trông hệt như nó vài năm về trước, bởi cùng một nhà nên cả hai khá giống nhau về ngoại hình, nhưng gương mặt của Joey lạnh lẽo và rõ ràng là chẳng có những dấu ấn của một kẻ tự do tự tại, nó đã là một giáo sỹ và sẽ sống hệt như những giáo sỹ khác không hơn không kém. Nó chào đón Ernest với bộ điệu khá khinh khỉnh, có thể nói là nó đang cố làm như vậy, nhưng rồi thấy chẳng được gì, nó cũng bớt dần đi.

Charlotte chìa má ra cho Ernest hôn. Nó ghét phải làm vậy vô cùng, nghĩ lại cái hôn đó mà nó thấy ghê người suốt cả ba tiếng đồng hồ. Em gái nó cũng một kiểu xa cách và có vẻ trách móc với nó, như thể là một người bề trên của nó vậy. Bao lâu chưa kết hôn được, thì con bé vẫn mãi phàn nàn vì nó. Con bé bảo rằng do nỗi ô nhục của Ernest mà chẳng chàng trai nào dám ngỏ lời cầu hôn, và buộc Ernest phải trả giá đắt do đã gây nên chuyện đó. Cả Charllote và Joey ngay từ những bước đầu tiên đã mang bản tính chó săn theo đàn, và bây giờ cả hai giống hệt như cha mẹ chúng, có nghĩa là hùa nhau chống lại Ernest. Lúc đối đầu với Ernest, chúng tạo nên một liên minh vừa công kích vừa đề phòng nhau, nhưng bình thường thực sự giữa chúng lại là một cuộc chiến ngấm ngầm nhưng một mất một còn.

Ít nhất đây là điều mà Ernest thấy được, một phần từ ký ức về thói chia rẽ giữa anh em chúng, và phần khác nhờ nó quan sát những cách hành xử nhỏ nhặt của chúng suốt nửa giờ vừa qua, khi cả ba cùng quây quần trong phòng mẹ chúng, và tất nhiên là cho đến tận lúc này chúng chưa biết Ernest đã có được cả một gia tài. Nó có thể nhận thấy chúng đang nhìn nó với ánh mắt ngạc nhiên và không phải là không có vẻ tức giận, từ đó nó hiểu rõ chúng đang nghĩ gì.

Christina đã thấy những vẻ thay đổi của Ernest, có vẻ như bây giờ nó thật vững vàng và mạnh mẽ hơn nhiều cả về tâm trí lẫn thể xác so với lần cuối cùng cô gặp nó. Cô cũng nhận thấy nó ăn mặc quá chỉnh tề, và dù đang dấy lên tình thương dành cho đứa con trai đầu, nhưng như những người khác, cô cũng có đôi chút lo lắng cho túi tiền của Theobald hẳn phải bị hao hụt nhiều vì những thứ sang trọng này. Nhận ra mẹ nó đang nghĩ gì, Ernest xoa dịu mẹ nó và kể về việc thừa kế từ cô nó ngay trước mặt hai em nó, những đứa dù đang dỏng tai lên, vẫn ra vẻ không chú ý hoặc chỉ nghe như thể đó chẳng phải là vấn đề hấp dẫn gì với chúng vậy.

Khi biết khoản thừa kế đã được chuyển giao cho nó, mẹ nó bật lại một chút và lỡ buột miệng, ‘qua mặt cha con sao.’ ‘Vì sao vậy, con trai,’ cô nói với giọng nài nỉ, ‘cha con cả đời cũng chưa có được chừng đó đâu,’ Nhưng Ernest lại phải xoa dịu mẹ nó với kiểu nói rằng nếu Alethea biết là khoản tiền này tích lũy được nhiều như vậy thì hẳn cô đã để lại phần lớn cho Theobald rồi. Christina chấp nhận kiểu nói xuống nước này, bởi dù còn yếu, cô vẫn ngay lập tức miên man về vị thế mới của mình, xem đó là một khởi đầu mới, để rồi bắt đầu nghĩ cách dùng tiền của Ernest mà lo cho nó.

Có lẽ tôi nên đồng ý với Christina rằng Theobald chưa bao giờ có được số tiền lớn như con trai anh đang nắm giữ bây giờ. Thứ nhất, anh chẳng có được mười bốn năm chẳng phải tiêu tốn đồng nào để tích lũy tài sản đến được mức này, thứ hai, anh, cũng như tôi và mọi người khác, phải chịu cuộc khủng hoảng năm 1846, dù không đủ để hủy hoại hay thậm chí tổn hại nghiêm trọng đến anh, nhưng cũng đã khiến anh thấy e dè và cứ giữ chặt tiền trong trái khoán đến hết đời. Anh tức giận khi thấy Ernest đột nhiên có một gia tài, nhưng chính việc đứa con trai giờ lại giàu có hơn anh, và thậm chí là giàu từ khi còn rất trẻ, mới là điều khiến Theobald thấy đau đớn cùng cực hơn nữa. Nếu nó giống như anh, sống đến tận sáu mươi hay sáu mươi lăm tuổi, và trước đó phải chịu đựng nhiều thất bại thăng trầm, thì cũng đáng để cho nó có được một tài sản vừa đủ cho nó có người hầu giúp việc, và lo cho đám tang của mình, nhưng nếu nó có đến bảy mươi ngàn bảng lúc chỉ mới hai mươi tám tuổi, và cũng chẳng phải lo cho một vợ và hai đứa con, thì thật là quá đáng không thể chấp nhận nổi. Christina quá yếu, và lại đang háo hức quá độ muốn được dùng số tiền của Ernest vào những việc kiểu như lâu nay vẫn thế, nên lẽ tự nhiên tính khí cô tốt hơn Theobald nhiều.

Vừa thoáng qua, cô đã nghĩ thế này, ‘Vận may này đã xóa bỏ đi vết nhơ tù tội của nó. Chuyện đó chẳng còn gì là tệ hại nữa. Toàn bộ việc cũ chỉ là một lỗi lầm, thực sự chỉ là một lỗi phạm không may mà thôi, và càng ít nhắc đến chuyện đó chừng nào càng tốt chừng đấy. Tất nhiên Ernest sẽ về lại sống ở Battersby cho đến khi nó kết hôn, và sẽ rộng tay trang trải bữa ăn và nhà cửa cho cha mẹ. Thật sự nếu nó có chuyển cho Theobald một phần lợi tức thì cũng là việc hoàn toàn đúng đắn, và chắc chắn bản thân Ernest cũng sẽ muốn chuyển một khoản không nhỏ đâu, điều này không khó gì và có thể thu xếp rất dễ dàng, hơn nữa nó cũng sẽ kiếm được chồng cho em gái nó, việc này nó sẽ làm tốt hơn Theobald hay Joey nhiều, rồi chắc chắn Battersby này sẽ được mở tiệc ăn mừng linh đình.’

‘Tất nhiên nó sẽ kiếm cho Joey một sinh kế, và hằng năm cũng sẽ gởi nhiều quà cho Charlotte, còn gì nữa nhỉ? Ôi! Đúng rồi, bây giờ hẳn nó đã có uy thế cả một vùng, một người với lợi tức gần bốn ngàn bảng một năm chắc chắn phải là người uy thế một phương. Có lẽ nó nên làm nghị sỹ. Nó khá có tài, dù chẳng thể sánh được với tiến sỹ Skinner, cũng không so được với Theobald, nhưng nó vẫn không phải là đứa kém cỏi, và nếu vào được Nghị viện, lúc còn quá trẻ nữa chứ, sẽ chẳng gì ngăn được nó trở thành Thủ tướng cả, và nếu như thế, mà tất nhiên phải thế, nó đã lên đến hàng khanh tướng rồi. Ôi! Tại sao nó không tiến hành như thế ngay tập tức, để mình có thể được nghe người ta gọi con trai mình là ‘Thưa quý ngài’, cái tên Ngài nghị Battersby nghe thật quá êm tai, và đến lúc đó nếu mình còn ngồi làm mẫu được, thì nó chắc chắn sẽ treo bức chân dung toàn thân của mình ở chính diện sảnh ăn của nó. Và bức tranh đó sẽ được treo tại triển lãm hoàng gia với cái tên ‘mẹ của Ngài nghị Battersby’’ cô tự nhủ với mình thế, và nhảy mừng trong lòng theo cái thói tưởng tượng nhanh nhảu lâu nay thường vẫn vậy. ‘Nếu như lúc đó mình không ngồi nổi, thì mình sẽ cho vẽ tranh từ trước đó, và bức tranh sẽ thật có hồn hệt như mọi bức tranh được họa lại một chân dung biểu cảm như mình đây. Có lẽ họa sỹ sẽ họa lại được những nét đặc biệt đó. Và thật tốt khi Ernest đã thôi không làm giáo sỹ nữa, Chúa thật quá khôn ngoan khi sắp đặt cho chúng ta mọi chuyện tốt đẹp hơn khả năng chúng ta làm được! Ngay từ lúc này, mình đã thấy trước được tương lai thế nào, Joey sẽ trở thành Tổng Giám mục Canterbury và Ernest vẫn làm một giáo dân và trở thành Thủ tướng…’ rồi bỗng mạch miên man của cô bị cắt đứt khi Charlotte bảo đã đến giờ uống thuốc.

Tôi đã giả định những mộng mơ này, đúng ra là những mảnh rời rạc lướt qua đầu Christina trong khoảng một phút rưỡi, nhưng dù gì thì đúng là những ảo tưởng này, hoặc đúng hơn là sự hiện diện của Ernest, đã là liều thuốc tinh thần tuyệt vời đối với cô. Dù đang bệnh tật, đau khổ, và thực sự là gần chết, nhưng cô bỗng rạng rỡ hơn và đã một hai lần cười nói vui vẻ trong buổi chiều hôm đó. Hôm sau bác sỹ Martin bảo rằng cô đã khá hơn nhiều và gần như ông bắt đầy thấy cô có hy vọng bình phục. Theobald, bất kỳ lúc nào nghe bảo là có thể có hy vọng, đều lắc đầu mà nói, ‘Chúng ta chẳng thể hy vọng giữ cô ấy lâu hơn nữa đâu’. Rồi Charlotte bất ngờ túm lấy Ernest, ‘anh biết đấy, Ernest, những thăng trầm xáo trộn này đã kích động cha chúng ta quá mức, ông có thể chịu đựng nổi bất kỳ điều gì, nhưng thật quá sức khi bắt ông phải nghĩ về nửa tá vấn đề khác nhau, vừa tốt vừa xấu, cứ tung lên hứng xuống chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ, và tốt hơn anh đừng có làm việc đó, ý của em là đừng nói gì với cha, cho dù bác sỹ martin bảo có hy vọng cho mẹ rồi.’

Charlotte có ý rằng Ernest là điều gây phiền lòng nhất đối với Theobald, với nó, Joey và tất cả mọi người, và con bé cũng đã nói vài lời thể hiện điều này, thực sự thì nó không dám khăng khăng nói mãi chuyện này và đã nén lại, nhưng nó có cách của mình, và đúng là cách này có hiệu quả. Bên giường bệnh của mẹ, Ernest để ý thấy Charlotte thường bất ngờ khó chịu với nó bất cứ lúc nào bác sỹ hay y tá bảo rằng mẹ cô đã khá hơn. Khi cô viết thư gởi đến nhà ngoại ở Crampsford để nhờ cộng đoàn ở đó thêm lời cầu nguyện (cô chắc rằng mẹ cô muốn như vậy lắm, và mọi người ở Crampsford cũng sẽ hài lòng khi biết cô vẫn nhớ đến họ), cô cũng gởi thêm một lá thư nữa nhưng với chủ đề hơi khác một chút, rồi bỏ hai lá thư vào nhầm phong bì. Ernest đã nhận giúp đưa những lá thư này đến bưu điện làng, nó thật quá kinh suất khi làm vậy, rồi khi thư bị đưa đến nhầm chỗ, Charlotte ngay lập tức nhảy bổ vào Ernest, bảo nó quá sức ngớ ngẩn, và đổ hết mọi chuyện lên đầu nó.

Không chỉ Joey và Charlotte đã hoàn toàn trưởng thành, mà ngôi nhà và đồ vật, cũng thay đổi đôi chút kể từ lần cuối Ernest về đây. Đồ đạc và những trang trí trên mặt lò sưởi vẫn hệt như trong trí nhớ nó. Còn trong phòng khách, ngoài hai bức tranh của Carlo Dolci và Sassoferrato treo hai bên lò sưởi treo từ lâu, bây giờ ở ngay chính giữa có thêm bức tranh màu nước vẽ cảnh Lago Maggiore được Charlotte sao lại từ bản gốc mượn của thầy dạy vẽ. Một trong những gia nhân nói rằng đây hẳn là một bức tranh đẹp bởi ông chủ đã phải mua một cái khung mười shilling để treo nó mà. Giấy dán tường vẫn không đổi, vẫn những bông hoa hồng lừa bịp lũ ong, và cả nhà vẫn đến đây mỗi tối mỗi sáng để cầu nguyện xin cho được ‘thật lòng lương thiện và tận tâm.’

Chỉ có một bức vẽ bị bỏ đi, chính là bức chân dung của nó vốn từng được treo dưới chân dung cha nó và giữa hai em nó. Ernest để ý thấy điều này khi cùng dự giờ cầu nguyện, lúc cha nó đọc về con tàu Noah và cách người ta trát tàu bằng ốc sên thế nào, vốn là một trong những chủ đề ưa thích của nó lúc còn là một đứa trẻ. Tuy nhiên sáng hôm sau, nó lại thấy chân dung mình đã được treo lên, vẫn còn bám bụi và hơi sứt mẻ nơi góc khung, nhưng chắc chắn phải thế rồi. Tôi nghĩ là họ đã treo bức tranh lên lại khi biết Ernest của chúng ta đã trở nên giàu có đến mức nào.

Trong phòng ăn, phía trên lò sưởi vẫn còn treo bức tranh đám quạ đang cố đem thức ăn cho Elijah, khi nhìn bức vẽ này biết bao nhiêu chuyện cũ lại kéo về trong Ernest. Bên ngoài cửa sổ, vẫn có một luống hoa hệt như ngày trước, và nó chợt thấy mình đang chăm chăm nhìn về cánh cửa xanh phía cuối vườn để xem thử có phải trời đang mưa hay không, hệt như lúc còn là một đứa trẻ mới được vài tuổi vậy.

Sau khi dùng xong bữa tối sớm, lúc chỉ còn lại ba người đàn ông trong phòng, Joey, Ernest và cha chúng, Theobald đứng dậy bước ra trước lò sưởi, ngay dưới bức tranh Elijah và bắt đầu huýt điệu sáo lơ đãng cũ của mình. Anh chỉ có hai điệu, một là bài ‘Trong túp lều gần rừng của tôi,’ còn bài kia là Thánh khúc Giáng sinh, suốt cả đời, anh đã cố để huýt chúng cho thạo, nhưng bất thành, tiếng sáo của anh nghe như tiếng con chim sẻ đỏ vậy, anh huýt được nhưng không đúng nhạc, cứ mỗi ba nốt là anh lại nâng lên nửa cung như thể đang cố dựng dậy những tiền bối âm nhạc xa xưa, có lẽ là từ tận phong cách Lydia và Phrygia, mà cũng có thể là bất cứ kiểu nhạc nào cho phép anh huýt sáo sai gần hết bài nhưng vẫn đủ để người ta biết đó là bài gì. Theobald cứ đứng trước lò sưởi và nhẹ nhàng huýt đi huýt lại hai điệu quen này cho đến tận khi Ernest rời phòng. Mọi chuyện giờ đây, ở nơi này, cảnh vật vẫn như xưa nhưng lòng người đã khác, khiến Ernest gần như mất thăng bằng hoàn toàn.

Nó ra ngoài tản bộ về phía đầm nước sau nhà, và tự khuây khỏa mình bằng một hơi thuốc. Chẳng bao lâu sau, nó đã thấy mình đang đứng nơi cửa nhà của người xà ích, vốn đã kết hôn với một người hầu cũng trong nhà nó tên là Susan, người đã chăm cho nó từ lúc nó mới được năm hay sáu tuổi và rất thân với nó. Nó vào nhà ngồi trước lò sưởi, còn bà thì đi ủi đồ nơi chiếc bàn trước cửa sổ, và mùi vải nóng bốc lên cả căn bếp.

Christina ngăn không cho Susan đứng về phía Ernest. Nó biết rõ như thế, và đã không nhờ bà giúp đỡ gì, thậm chí cả về tinh thần cũng vậy. Nó đến gặp, là vì nó thích bà, và cũng bởi vì nó biết nói chuyện với bà sẽ cho nó biết nhiều điều mà nó chẳng thế kiếm được từ người nào khác.

‘Ôi, cậu chủ Ernest,’ Susan nói, ‘tại sao cậu không trở về khi cha mẹ tội nghiệp của cậu mong mỏi? Tôi chắc rằng mẹ cậu đã hàng trăm lần như một nói với tôi rằng muốn mọi chuyện được trở lại hệt như thời trước đây.’

Ernest cười thầm, và thấy có giải thích cho Susan vì sao nó cười cũng vô ích, nên nó chẳng nói gì.

‘Trong một hai ngày đầu, tôi tưởng như bà ấy chẳng bao giờ qua nổi, bà nói đó là án phạt dành cho bà về những gì bà đã từng làm và từng nói trong suốt những năm về trước, trước cả khi gặp cha cậu, và nếu tôi không ngăn lại thì chẳng biết bà ấy còn nói thêm gì nữa, bà giống như người mất hồn vậy, và bảo rằng sẽ chẳng một ai lân cận còn được nói chuyện với bà nữa. Rồi ngày hôm sau, có bà Bushby đến thăm (chính là bà Cowey), mẹ cậu luôn quý bà ấy, và dường như cuộc gặp này đã tăng sức cho bà, bởi hôm sau bà đã bán hết áo quần của mình, mà chúng tôi cứ tưởng là bà đem chúng đi sửa lại, rồi người ta từ xa hàng dặm cũng đều đến thăm bà, và bà nói là mình đã phải băng qua dòng sông đau khổ, nhưng

Chúa đã biến mọi chuyện thành tốt lành cho bà.’

‘Ôi, đúng vậy, Susan ạ,’ bà chủ nói với tôi, ‘chắc chắn như vậy. Những ai được Chúa thương, Người sẽ uốn nắn họ, Susan ạ,’ và rồi bà ấy lại bắt đầu khóc. ‘Còn về con tôi,’ bà chủ tiếp tục nói, ‘hoàn cảnh đó tự nó tạo ra, nó phải nhận lấy, khi nó ra khỏi tù cha nó sẽ biết phải làm gì tốt nhất, và cậu chủ Ernest phải thấy biết ơn khi có được một người cha quá tử tế và cũng đã phải chịu đựng quá nhiều như vậy.’ rồi việc cậu không chịu gặp họ đã khiến mẹ cậu đau khổ khủng khiếp. Cha cậu thì chẳng nói gì cả, cậu biết là cha cậu không bao giờ nói nhiều trừ khi cực kỳ nổi nóng mà thôi, nhưng mẹ cậu cứ dằn vặt suốt mấy ngày, và tôi cũng chưa bao giờ thấy ông chủ ảm đạm đến vậy, nhưng nhờ Chúa, sau vài ngày nó cũng qua, và tôi đã chẳng thấy được là cha và mẹ cậu đã đổi khác đi nhiều từ dạo đó, cho đến tận khi mẹ cậu đổ bệnh tôi mới hay.’

Đêm hôm đó, lúc về nhà Ernest tham dự giờ kinh rất nghiêm túc, và sáng hôm sau cũng vậy. Cha nó đọc bài về di nguyện của David truyền cho Salonmon về việc phải xử thế nào với Simey, nhưng nó chẳng chú ý lắng nghe làm gì. Nhưng rồi suốt ngày hôm đó, nó đã bị làm mếch lòng nhiều lần nên đến tối lại thấy thật khó chịu bức bối. Nó quỳ sát Charlotte và đáp những lời kinh một cách chiếu lệ, dù không qua loa quá mức để con bé khỏi nghĩ là nó cố ý làm thế, nhưng cũng đủ để khiến nó không chắc Ernest có ác ý gì khi làm vậy hay không, và đến khi, như thường lệ, buộc phải cầu nguyện xin được ơn thật lòng lương thiện và tận tâm, nó cố ý nhấn mạnh chữ ‘thật lòng.’ Tôi không biết liệu Charlotte có để ý gì hay không, nhưng kể từ hôm đó, con bé đều giữ một khoảng cách với nó khi quỳ cầu nguyện. Ernest cam đoan với tôi đó là điều hằn học duy nhất nó làm trong suốt thời gian ở lại Battersby. Lúc đi lên phòng mình, vốn đã được nhóm lửa lò sưởi để nó vừa lòng, Ernest chú ý đến điều mà nó đã nhận thấy ngay khi vừa về đến nhà, đó là có một tấm bảng chữ vàng được đóng khung và treo trên giường nó với dòng chữ ‘Ngày dài hay ngày chán nản, cuối cùng cũng xong khi tiếng chuông nguyện buổi chiều vang lên.’ Nó tự hỏi những người như nhà nó sao có thể để một tấm bảng như thế này trong phòng dành cho khách được cơ chứ, nhưng nó cho qua việc này và nghĩ: ‘Giữa ‘chán nản’ và ‘dài’ không đủ khác nghĩa để dùng từ ‘hay’ nhưng mình cho là cũng được, không sao.’ Tôi tin là Christina đã mua tấm bảng này ở buổi bán hàng từ thiện để quyên góp xây một nhà thờ nào gần đó, và đã mua thì phải dùng, ý nghĩa câu đó quá đánh động và tấm bảng thực sự rất đẹp nữa. Nhưng dù thế nào đi nữa, chẳng có gì mỉa mai hơn khi đặt nó trong phòng ngủ của Ernest, dù chắc chắn chẳng ai chủ tâm sắp xếp như vậy.

Đến hôm sau, ngày thứ ba Ernest về nhà, bệnh tình Christina lại tái phát. Suốt hai ngày vừa qua, cô không đau đớn gì và ngủ rất ngon, sự hiện diện của đứa con trai đầu dường như đã nâng đỡ cô, và cô thường nói mãi rằng mình thật có phúc khi trong giờ chết được bao quanh bởi một gia đình quá hạnh phúc, quá kính sợ Thiên Chúa, và quá gắn bó, nhưng lúc này cô bắt đầu nghĩ vẩn vơ và cảm nhận rõ hơn cái chết đang đến dần, và dường như đối với cô, nó đang gióng lên một hồi chuông báo động hơn cả ngày Tận thế nữa.

Nhiều lần cô đánh liều trở lại vấn đề tội lỗi của mình, và nài xin Theobald bảo đảm chút gì đó rằng cô sẽ được tha tội. Cô ám chỉ rằng danh tiếng mục sư của anh đang xuống thấp, và như thế anh chẳng thể bảo đảm cho vợ mình sẽ được lên Thiên Đàng. Điều này đã đánh đúng điểm kích động, khiến anh rụt lại và đáp lời với cái hất hàm rõ ràng là do mất kiên nhẫn, ‘Nhưng, Christina, em được tha tội,’ và rồi dứt khoát tránh nói chuyện tiếp khi dùng đến một thứ rất nghiêm trang là đọc kinh lạy Cha. Lúc đọc xong, anh rời khỏi phòng và gọi Ernest lại bảo rằng anh không thể mong Christina sẽ trụ thêm lâu hơn nữa đâu.

Joey cũng chẳng thể xoa dịu những dằn vặt của Christina hơn gì Theobald, thực sự nó cũng chỉ là bản sao thứ cấp của anh mà thôi. Cuối cùng đến lượt Ernest, người vốn không thích can thiệp vào chuyện gì, phải ra tay. Và nó đến ngồi cạnh mẹ, để cô tuôn ra những đau khổ của mình với nó, mà chẳng cần phải khuyến khích hay ngăn cản gì.

Christina nói rằng cô biết mình chưa từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô, và đó là điều đang đè nặng trong lòng cô. Cô đã từ bỏ rất nhiều, và cứ mỗi năm trôi qua, cô luôn cố để từ bỏ hơn nữa, nhưng đến bây giờ cô biết rất rõ rằng cô không có được sự hướng thượng đáng phải có. Nếu như cô có được mức độ như vậy thì hẳn cô đã được có những thị kiến trực tiếp với Chúa rồi, trong khi đó dù Chúa đã thương tình viếng thăm một cách trực tiếp và rõ mặt với một trong những đứa con yêu dấu của cô, nhưng lại chưa bao giờ cho cô được như thế, kể cả Theobald cũng vậy.

Những lời này vốn là cô tự nói với mình hơn là nhắm đến Ernest, nhưng chúng khiến nó tò mò. Nó muốn biết liệu thiên thần đã hiện ra với Joey hay Charlotte. Nó hỏi cô, nhưng cô lại có vẻ ngạc nhiên như thể cô cho là đáng ra nó phải biết hết mọi chuyện này, rồi cô nhớ lại, ‘À, đúng rồi, con chẳng biết gì về chuyện này, và có lẽ thế là tốt.’ Ernest tất nhiên không thể gây áp lực để bắt cô nói, nên chẳng bao giờ nó biết được ai trong số máu mủ của nó đã được mặt đối mặt với một thiên thần bất tử cả. Những người khác chẳng bao giờ nhắc gì về chuyện này với nói, có lẽ do họ xấu hổ hay do họ sợ nó sẽ không tin chuyện này và rồi sẽ phạm thượng hơn, nó cũng chẳng biết nữa.

Từ lúc đó, Ernest thường nghĩ về chuyện này. Nó cố để tìm hiểu chuyện từ Susan, người nó nghĩ chắc chắn sẽ biết, nhưng Charlotte đã ra tay trước nó mất rồi. ‘Không, cậu chủ Ernest à,’ Susan trả lời khi nó vừa chớm hỏi, ‘mẹ cậu đã nhờ cô Charlotte nhắn với tôi là tôi không được nói gì về chuyện đó, và tôi sẽ làm theo lời bà ấy.’ Tất nhiên đã như thế thì chẳng mong hỏi được gì thêm. Nhiều lần Ernest thấy rằng trong thực tế, niềm tin của Charlotte chẳng hơn gì nó, và điều này chỉ khiến tăng thêm những phỏng đoán của nó, nhưng khi nhớ lại cách con bé đã bỏ nhầm lá thư xin cộng đoàn Crampsford cầu nguyện, nó thấy có gì đó không đúng. ‘mình cho rằng,’ nó ão não tự nhủ, ‘xét đến cùng thì đúng là con bé có đức tin.’

Rồi Christina lại bắt đầu trở lại nói mãi về chuyện cô thiếu ý thức tâm linh, thậm chí cô còn lải nhải về chuyện cô từng thích ăn dồi lợn, thật sự là cô đã bỏ thói quen này nhiều năm về trước, nhưng suốt bao nhiêu năm ròng trước đó chẳng phải cô đã cố chấp ăn chúng mãi dù đã biết là không được phép đó hay sao. Xa hơn, cô còn than trách hoài về những lỗi phạm gì đó trước lúc cô kết hôn nữa.

Ernest ngắt lời cô, ‘mẹ yêu quý của con,’ nó nói, ‘mẹ đang yếu sức còn trí óc cũng đã suy nhược, bây giờ, những người khác có thể đánh giá về mẹ tốt hơn mẹ tự đánh giá nhiều. Con bảo đảm rằng, có lẽ đối với con, mẹ là người vợ và người mẹ biết từ bỏ nhất và tận tâm nhất trên đời này. Thậm chí nếu xét trên lý thuyết, mẹ đã không thực sự từ bỏ tất cả mọi sự vì Chúa Kitô, thì trong thực tế mẹ đã làm hết sức có thể rồi, và còn làm tốt hơn bất kỳ ai khác. Con tin rằng mẹ sẽ không chỉ là một vị thánh, mà còn là một vị thánh xuất chúng nữa.’

Christina mừng rỡ khi nghe những lời này. ‘Con đã cho mẹ hy vọng, con đã cho mẹ được hy vọng,’ cô kêu lên và thôi khóc lóc. Cô bắt Ernest phải cam đoan với cô hết lần này đến lần khác rằng nó trang trọng tin chắc những gì nó vừa nói, lúc này vấn đề cô quan tâm không phải là việc làm một vị thánh xuất chúng, chỉ cần được là kẻ nhỏ mọn nhất trong nước trời cũng đủ khiến cô thỏa mãn rồi, miễn sao đừng phải vào hỏa ngục khủng khiếp là được. Nỗi sợ hỏa ngục đó cứ bao trùm lấy cô, và dù Ernest có nói gì vẫn không hoàn toàn xua tan nó đi được. Tôi phải thừa nhận là cô thật vô ơn bởi sau hơn một giờ được Ernest an ủi, cô lại cầu nguyện cho nó được mọi ơn lành trong cuộc đời này, bởi cô luôn sợ rằng nó là người duy nhất trong gia đình sẽ chẳng được lên thiên đàng gặp mặt cô, nhưng lúc này trí óc cô vẩn vơ và gần như không ý thức được Ernest đang ở với mình, thực sự thì trí lực của cô đã trở lại nguyên trạng như trước lúc cô đổ bệnh rồi.

Vào ngày Chủ nhật, Ernest đến dự lễ nhà thờ, tất nhiên phải vậy rồi, và nó để ý thấy trong suốt thời gian nó vắng mặt, làn thoái triều của phái Phúc âm đã suy sụp và rút xuống xa hơn nữa. Như thường lệ, cha nó vẫn đến nhà thờ bằng lối băng qua vườn nhà và thêm một cánh đồng lúa. Lúc trước, anh vẫn thường đội chiếc mũ cao, mang áo choàng lễ và dải băng giáo sỹ, nhưng bây giờ, Ernest để ý thấy cha nó không còn đeo dải băng nữa và ôi trời, thật quá kinh ngạc, thay vì chiếc áo choàng lễ bây giờ cha nó mang một cái áo surplice. Toàn bộ phụng vụ cũng đã thay đổi, chẳng thể gọi nó là theo kiểu thượng phái, bởi Theobald dù thế nào đi nữa sẽ chẳng bao giờ chịu như vậy, nhưng dù gì thì cái vẻ lộn xộn nhếch nhác cũ, tôi có thể gọi như vậy, đã hoàn toàn biến mất. Dàn nhạc đệm đã bị dọn đi khi Ernest còn là một đứa trẻ, nhưng suốt nhiều năm sau khi đưa cây đàn phong cầm về, Theobald vẫn không cho người ta hát thánh ca. Khi Ernest còn học ở Cambridge, Charlotte và Christina đã thuyết phục được Theobald cho hát thánh ca trở lại, và thậm chí còn trở lại quá đỗi lỗi thời với nhạc của lord Mornington, Dr Dupuis và một số người khác. Theobald không thích như vậy, nhưng anh đã cho làm vậy, hoặc cho phép người ta làm như vậy.

Rồi Christina nói với anh, ‘anh yêu dấu, anh có biết không, em thực sự nghĩ là,’ (nghĩ bất kỳ cái gì Christina cũng luôn ‘thực sự’) ‘người ta rất thích hát thánh ca, và đó sẽ là cách để đưa nhiều người vốn lâu nay xa cách trở về với Giáo hội. Ngày hôm qua, em vừa nói chuyện này với bà Goodhew và bà cô Wright, và họ khá là đồng ý với em, họ luôn miệng nói rằng chúng ta nên hát câu ‘Vinh Danh Cha’ vào cuối mỗi Thánh vịnh thay vì chỉ đọc nó.’

Theobald có vẻ buồn, anh cảm thấy những lời hát như đang dâng lên và nuốt dần lấy anh, nhưng chẳng hiểu vì sao anh cũng lại thấy khao khát hơn là đối đầu với nó. Vậy nên anh cho mọi người từ đây trở đi được hát câu ‘Vinh Danh Cha’, dù anh không thích chuyện này.

‘Thực sự mà nói, mẹ yêu à,’ Charlotte nói khi cả hai đã thuyết phục được Theobald, ‘mẹ không nên gọi bài đó là ‘Vinh Danh Cha’ mà phải gọi là ‘Vinh danh’ thôi.’

‘Tất nhiên rồi, con yêu,’ và từ đó Christina chỉ dùng từ ‘Vinh danh’ để gọi kinh đó. Rồi cô nghĩ rằng Charlotte thật là một cô gái thông minh, và con bé phải được kết hôn với một giám mục trở lên mới xứng. Có lần Theobald đi nghỉ hè dài ngày bất thường, và anh chẳng tìm được ai để tạm đảm nhiệm xứ của mình ngoài một mục sư Thượng phái. Đây là một người có tiếng nói trong vùng, và làm chủ một gia sản riêng đáng kể, nhưng lại không được đề bạt. Vào độ hè, ông ta thường đến giúp các mục sư bạn khác, và nhờ vậy mà Theobald có thể đi xa được vài tuần. Tuy nhiên, lúc trở về, anh thấy không chỉ kinh Vinh Danh, mà toàn bộ các Thánh vịnh đều đã được hát thay vì đọc. Ngay khi Theobald vừa về, vị mục sự bạn thế giá, Christina và Charlotte đã dám đứng ra nhận chuyện này và cười trừ, ông mục sư kia vừa cười vừa huênh hoang, Christina vừa cười vừa dỗ ngọt Theobald, còn Charlotte thì dùng những lời tình cảm quá độ, hơn nữa, mọi chuyện cũng đã rồi, và chẳng thể hoàn lại được, nên bực tức cũng chẳng được ích gì, do vậy, từ đó các Thánh vịnh đều được hát lên, nhưng trong lòng Theobald chẳng chút thích thú mà thậm chí còn ghét cay ghét đắng chuyện này nữa.

Suốt thời gian anh vắng nhà, cái gì đã cho phép bà Goodhew và bà cô Wright hướng về phía Đông khi đọc kinh Tin cơ chứ? Theobald còn ghét việc này hơn cả chuyện hát thánh ca nữa. Khi anh rón rén mở miệng nói đôi chút về chuyện này trong buổi tối sau giờ lễ, Charlotte bảo, ‘Thực ra mà nói, cha phải gọi đó là ‘Kinh Tin kính’ chứ không phải ‘kinh Tin’’, và Theobald rùng mình bực bội, khịt mũi tỏ vẻ khinh thường, nhưng Charlotte vốn lỳ lợm giống các dì Jane và Eliza của nó, hơn nữa việc này cũng quá nhỏ nhặt, nên cuối cùng Theobald cười phá lên và cho qua. ‘Về phần Charlotte,’ Christina nghĩ, ‘mình tin là nó biết tất cả mọi thứ.’ rồi như vậy, bà Goodhew và bà cô Wright vẫn tiếp tục quay về phía đông khi đọc kinh Tin Kính, và dần dần những người khác cũng làm theo như thế, chẳng bao lâu số còn lại cũng đành làm theo họ, và cả Theobald cũng phải làm thế như thể từ đầu anh đã xem chuyện này là đúng đắn hợp lý vậy, nhưng dù gì anh vẫn không thích nó. Charlotte dần dần cố bắt anh đọc ‘alleluia’ thay vì ‘hallelujah’, nhưng như thế là đi quá xa, và Theobald nhất quyết không chịu, nên con bé sợ và thôi không dám nữa.

Rồi Christina, Charlotte và những người khác dần dần thay đổi hết mọi thứ, bây giờ một câu trong Thánh vịnh được hát hai lần, và giữa các Thánh vịnh họ đổi từ cung trưởng qua cung thứ và ngược lại, (mà tôi nghĩ các bạn đọc cũng như tôi sẽ chẳng thấy có lý gì để họ phải làm vậy cả), rồi họ hát thêm bài ‘Thánh ca xưa và nay,’ và như tôi đã nói, họ không cho Theobald mang dải băng yêu thích của anh nữa, rồi còn buộc anh phải giảng trong bộ áo surplice, và phải làm Bí tích Thánh Thể mỗi tháng một lần thay vì năm lần một năm như trước đây. Theobald chống đỡ trong vô vọng những tác động vô hình đang chống lại tất cả những gì quen thuộc với anh, và cũng là những gì định hình rõ nhất lập trường vốn có của anh. Chuyện này là gì, ra làm sao, anh chẳng rõ, và cũng chẳng biết chính xác phải làm gì, nhưng có một điều anh hoàn toàn nhận thức được là dù anh làm gì rồi chuyện này cũng sẽ xóa mòn anh, bởi nó quá mạnh và Christina cùng Charlotte hăng máu hơn anh nhiều, rồi cuối cùng đích đến của mọi chuyện này sẽ là gì ngoài đồng hóa với Roma chứ? Rồi còn việc trang trí lễ Phục sinh nữa! Trang trí lễ Giáng sinh thì hợp lý, nhưng trang trí cho cả lễ Phục sinh nữa ư! Thôi, thôi, không phải trong thời của anh.

Những gì vừa kể trên cũng chính là thực trạng của Giáo hội anh giáo suốt bốn mươi năm qua. Toàn bộ đều được quy theo chỉ một hướng. Một vài người biết rõ họ muốn gì, và chi phối những người như Christina và Charlotte, rồi những kẻ như hai người họ lại chi phối những người như bà Goodhew và bà cô Wright, và rồi hai người này lại bảo cho những người như ông chồng Goodhew và những cô Wright khác nên làm gì, rồi từ đó những đứa con nhà Goodhew và rồi cả cộng đoàn đều làm theo họ, cứ như thế những người như Theobald chẳng thể làm được gì nữa. Từng bước một, từng ngày, từng năm, từng giáo xứ, và từng giáo phận đã biến đổi như thế. Cũng bởi vậy mà Giáo hội anh giáo bây giờ chẳng còn thiện cảm gì với thuyết Tiến hóa hay thuyết Di truyền biến đổi.

Ernest nghĩ về những việc này, rồi nhớ lại những mưu mẹo của Christina và Charlotte, cũng như chi tiết hành động của họ mà tôi chẳng muốn nêu ra để khỏi làm xấu đi câu chuyện của mình, nó cũng nhớ lại lời phản đối thường thấy trên miệng cha nó rằng mọi chuyện sẽ chỉ dẫn đến cái kết là đồng hóa với Roma mà thôi. Khi còn là một đứa trẻ, nó tin tưởng chắc chắn điều này, nhưng giờ đây nó chỉ mỉm cười khi thấy rằng rõ ràng đó là chuyện tất yếu phải xảy ra, nhưng tệ hai thay chưa bao giờ Theobald nghĩ được như thế, ý tôi là nghĩ đến sự sụp đổ hoàn toàn của cả một hệ thống cũ. Và lúc này, Ernest vui mừng khi thấy được niềm hy vọng rằng một ngày nào đó sự vô lý và vô thực của Giáo hội sẽ chấm hết cùng sự sụp đổ của nó. Từ đó, Ernest bắt đầu nghĩ khác đi, không chỉ bởi nó thấy rõ hơn rằng những niềm tin lâu nay đều là giả dối, hay đúng ra là hơn chín phần mười các giáo sỹ, những người, giống như nó, cũng nhận thức được rằng những dấu chỉ hữu hình bên ngoài của họ đang lỗi thời, mà còn bởi nó biết vấn đề này rất phức tạp và xáo trộn đến nỗi chẳng thể quyết định được thực sự cần phải xử lý như thế nào. Cũng vậy, bây giờ khi đã thấy mọi thứ rõ ràng hơn, nó biết rõ hơn bản chất của những con sói đội lốt chiên non, những kẻ thèm khát máu tươi, và nhảy mừng hoan hỉ khi thấy thế nào con mồi cũng sẽ nằm trong vuốt chúng. Giáo hội vẫn mang tinh thần đúng đắn, nhưng những thông điệp của nó thì không còn được như vậy. Còn vị Thượng tế của Khoa học lại họa được đúng tinh thần xác thực trong những thông điệp của mình. Những người như Theobald, vốn chỉ làm những gì họ đang làm bởi xem đó có vẻ là điều đúng đắn, nhưng trong lòng lại không thích mà cũng chẳng tin, thật sự thì chính họ, trong tất cả mọi lớp người, là những người ít gây hại nhất cho sự hòa bình và tự do của nhân loại. Một người đang sợ hãi sẽ làm mọi chuyện với sự kiêu căng đến mức thô bỉ và tự đại. Xét một cách công tâm, chúng ta không thể kể những tính xấu này cho hàng giáo sỹ anh quốc được.

Khi buổi lễ kết thúc, nhiều nông dân trong làng đến chào và bắt tay Ernest. Nó nhận thấy tất cả mọi người đều đã biết về vận may của nó. Sự thật là Theobald khi vừa biết chuyện đã kể ngay với hai, ba người ngồi lê đôi mách nhất làng, và cứ thế câu chuyện nhanh chóng lan rộng ra. ‘Như thế này lại đơn giản hóa mọi chuyện,’ Ernest tự nhủ, ‘và thế là tốt.’ Nó lịch sự với bà Goodhew vì tôn trọng chồng bà, nhưng làm ngơ ra mặt với bà cô Wright bởi biết bà ta cũng chỉ là một phiên bản của Charlotte mà thôi. Một tuần trôi qua trong lặng lẽ, trong đó có hai, ba lần cả nhà cùng cử hành bí tích với nhau quanh giường bệnh của Christina. Theobald ngày càng lộ rõ sự mất kiên nhẫn của mình, nhưng may thay Christina (người thậm chí nếu có khỏe cũng sẽ sẵn sàng không thừa nhận như vậy) ngày càng yếu hơn và ý thức cũng rời rạc hơn, nên cô khó lòng nhận ra được điều đó. Sau khi Ernest đã về nhà được khoảng một tuần thì mẹ nó rơi vào cơn hôn mê suốt hai ngày, và cuối cùng đã ra đi rất yên bình hệt như mặt biển hòa vào bầu trời giữa chốn đại dương mênh mông vào một ngày mù sương và chẳng ai nói được đâu là điểm giao nhau giữa biển và trời. Thật sự, cô đã chết đi với hiện thực cuộc sống và như thế sẽ bớt đau đớn hơn là tỉnh dậy với đầy những ảo tưởng vô ích trong đời.

‘Bà ấy đã là niềm an ủi và mỏ neo cho cuộc đời ta suốt ba mươi năm,’ Theobald nói, ngay khi mọi chuyện vừa qua, ‘nhưng chẳng thể mong giữ được lâu hơn nữa,’ và rồi anh vùi vào chiếc khăn tay để giấu đi khuôn mặt thiếu cảm xúc của mình.

Ernest về lại London ngay sau ngày mẹ nó mất, và trở lại dự tang lễ với sự hộ tống của tôi. Nó muốn tôi gặp cha nó để tránh bất kỳ hiểu lầm nào về di chúc của cô Alethea, và tôi cũng là một người bạn cũ của gia đình nên việc tôi đến đó chẳng có gì lạ cả. Dù Christina có nhiều sai lầm nhưng nói cho đúng thì tôi vẫn thích cô ấy. Cô sẽ băm vằm Ernest hay bất kỳ ai thành từng mảnh vụn chỉ để làm vừa lòng những mong muốn nhỏ nhặt nhất của chồng mình, nhưng ngoài Theobald ra cô sẽ chẳng làm thế vì bất kỳ ai khác, và bao lâu Ernest chưa cản đường cô thì cô vẫn hết mực yêu quý nó. Tự bản chất, thậm chí cô là người có tâm tính tốt, sẵn sàng dễ chịu với mọi người hơn là làm mếch lòng họ, và rất sẵn lòng làm những việc tốt, miễn là nó đừng bắt cô phải quá cố gắng, cũng như không gây tổn hại gì cho Theobald. Việc chỉ có ít tiền không thành vấn đề với cô, bất kỳ ai nếu biết dè sẻn đủ cho những áo quần tối cần thiết thì chừng đó tiền là đủ rồi. Khi nghe Ernest kể về giờ phút cuối đời của cô, tôi không thể không động lòng, thực sự đứa con trai của chính cô cũng khó có thể động lòng được hơn thế, bởi vậy, ngay lập tức, tôi bằng lòng xuống dự tang lễ, có lẽ tôi cũng bị tác động bởi mong muốn gặp Charlotte và Joey, do tôi thấy tò mò khi nghe con đỡ đầu của tôi kể về chúng.

Tôi thấy Theobald có vẻ cực kỳ ổn. Tất cả mọi người đều nói rằng anh đã rất vững vàng trước biến cố này. Thực sự có một hai lần anh lắc đầu và nói rằng Christina là nguồn an ủi và là mỏ neo cho cuộc đời anh suốt hơn ba mươi năm nhưng bây giờ đã thôi không còn nữa. Tôi ở lại đó qua ngày hôm sau, cũng là ngày Chủ nhật, và lên đường về nhà vào sáng thứ hai sau khi đã nói với Theobald tất cả những gì con trai anh muốn tôi nói ra. Theobald nhờ tôi giúp anh viết giùm mộ bia cho Christina.

‘Tôi sẽ nói,’ anh bảo, ‘càng ít càng tốt, những lời tán dương người đã khuất gần như là vừa không cần thiết và không thật. Mộ bia của Christina sẽ chẳng nên có những thứ như thế. Tôi sẽ ghi tên cô ấy, ngày sinh và ngày mất, và tất nhiên phải viết rằng cô ấy là vợ tôi, rồi tôi nghĩ là nên thêm một vài chữ đơn giản, những dòng cô ấy yêu thích chẳng hạn, và tôi cho rằng chẳng gì phù hợp hơn dòng này, ‘Phúc cho những ai trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.’’

Tôi bảo là tôi thấy ý tưởng của anh rất hay, và quyết định sẽ làm vậy. Nên Ernest được nhờ đi thuê ông Prosser, người thợ khắc đá ở ngôi làng gần nhất, và ông ta bảo câu mà Theobald đã chọn ở trên nằm trong ‘Tám mối Phúc thật.’

Bình luận