Chúng ta được bảo rằng Tài lộc là một người mẹ nuôi con một cách mù quáng và thất thường, những tặng vật của bà được trao cho con cái một cách ngẫu nhiên. Nhưng nếu chúng ta tin như vậy thì thật là bất công vô cùng đối với bà. Hãy theo dấu sự nghiệp của một người từ lúc anh ta mới khởi nghiệp cho đến tận khi xuống mồ, và chú ý xem Tài lộc đã xử thế nào với anh ta, bạn sẽ thấy được rằng một khi anh ta đã chết thì Tài lộc có thể được bào chữa khỏi tội thất thường hời hợt mà người ta gán cho bà. Sự mù quáng của bà chỉ là chuyện bịa đặt, bà có thể nhìn ra được những người bà yêu quý, trước cả khi họ được sinh ra. Chúng ta ngày hôm nay và ông cha chúng ta thời trước, đều bình đẳng với nhau trong đôi mắt trong sáng đầy tình mẫu tử của bà mẹ Tài lộc, bà có thể nhìn ra được hết những giông tố đang kéo đến. Bà mỉm cười khi đặt những kẻ bà yêu quý nơi một con hẻm của London và đặt kẻ bà quyết định loại bỏ nơi chốn cung điện vua chúa. Hiếm khi bà động lòng đối với những kẻ mà bà đã nuôi nấng trong tàn nhẫn và cũng hiếm khi bà hoàn toàn bỏ rơi một đứa trẻ mà bà đã chiếu cố.
Vậy George Pontifex là một đứa trẻ được bà mẹ Tài lộc chiếu cố hay là không? Tóm lại toàn bộ, tôi có thể nói là không, bởi ông không tự cho mình là một người như vậy, ông quá đậm chất tôn giáo để tôn thờ bà mẹ Tài lộc; ông nhận lấy tất cả những gì bà cho và không bao giờ tạ ơn bà, ông tin chắc rằng bất cứ thứ gì ông có được là do tay ông mà ra. Nhưng tất cả những thứ ông có được chính là bởi thần Tài lộc đã cho ông có thể có được như vậy.
‘Nos te, nos facimus, Fortuna, deam,’ một nhà thơ đã từng tuyên bố như thế. ‘hỡi thần Tài, chính chúng ta đã tôn người làm thần.’ Và như thế thần Tài đã cho chúng ta có thể tạo ra bà. Nhà thơ đó đã chẳng nói gì về việc tạo nên cái ‘chúng ta.’ Có thể một số người không lệ thuộc vào quá khứ, hoàn cảnh và đã có được một sức mạnh nội tại tuyệt đối không dính dáng gì với quan hệ nhân quả; nhưng điều này được xem là một vấn đề nan giải, và nên tránh xa nó. Chúng ta chỉ cần cho rằng George Pontifex không xem mình là một người may mắn, và cũng không xem vận thế của mình là vận rủi.
Ông quả thật là một người giàu có, được hết thảy mọi người tôn trọng và có một bản tính nổi trội. Nếu ông ăn nhậu ít hơn, thì hẳn không bao giờ bị xem là một kẻ sống về đêm. Có lẽ sức mạnh chính yếu của ông nằm ở việc dù có hơn mức trung bình một chút, nhưng năng lực của ông vẫn không quá cách xa với mọi người. Rất nhiều người khôn ngoan đã bất đồng ý kiến về điểm này. Một người thành đạt sẽ nhìn ra nhiều điều hơn hẳn những gì mà các đồng bạn của anh nhìn ra, nhưng những điều đó nếu được chỉ ra thì các đồng bạn của anh phải có khả năng hiểu được nó. Biết quá ít vẫn tốt hơn biết quá nhiều. Người ta sẽ chê bai người biết quá ít, nhưng sẽ phẫn uất khi phải cố gắng nỗ lực chạy theo người biết quá nhiều. Lúc này ví dụ khá nhất mà tôi có thể chỉ ra về sự khôn ngoan của ông Pontifex trong các vấn đề kinh doanh là cuộc cách mạng mà nhờ đó ông đã tác động đến phong cách quảng cáo các sản phẩm của công ty mình. Lúc ông mới vào làm thì các mẩu quảng cáo của công ty như sau:
‘Những quyển sách đáng mua mùa này…
‘Giáo Dân Ngoan Đạo, là những đường hướng một Kitô hữu nên sống mỗi ngày để trọn cuộc sống được bảo đảm và thành công; sống ngày Sabbath như thế nào; sách Kinh Thánh nào nên đọc trước hết; toàn bộ phương pháp giáo dục; tập hợp những đức hạnh quan trọng nhất để làm đẹp linh hồn; một bài viết về Buổi Tiệc ly; những nguyên tắc để cứu chữa linh hồn đang yếu đuối; bởi thế trong tập này có đủ tất cả những nguyên tắc cần thiết cho ơn cứu độ. Xuất bản lần thứ tám, kèm theo phụ lục. Giá 10đ.
Sẽ có chiết khấu cho người mua sách để bán hoặc tặng.’> Vài năm sau, quảng cáo đó thành như thế này:
‘Giáo Dân Ngoan Đạo. Một tập sách đầy đủ cho Ơn gọi Kitô hữu. Giá 10đ.
Sẽ giảm giá cho những người mua với mục đích phân phát rộng rãi cho người khác.’
Thật là một bước tiến dài từ mẫu quảng cáo trước đến mẫu sau này, và khi người khác không nhận ra sự khiếm nhã trong mẫu quảng cáo cũ, thì ông Pontifex thật thông minh khi biết loại bỏ nó.
Vậy điểm yếu của George nằm ở đâu? Tôi cho rằng điểm yếu của ông chính là việc ông đã phất lên quá nhanh. Gần như cần thiết phải có một sự giáo dục truyền qua nhiều thế hệ để người ta có thể thoải mái hưởng dùng một khối tài sản lớn. Người đời dễ dàng thoải mái chấp nhận sự vươn lên dần dần qua nhiều thế hệ hơn là chấp nhận việc một người chỉ cần một đời nỗ lực là đã có được giàu sang tột bậc. Tuy nhiên, một sự may mắn nào đó thường sẽ song hành với một người tự lập đến tận cùng. Chính con hay cháu của họ mới là những kẻ chịu nhiều mối nguy hại, bởi dòng dõi đó có thể sẽ không còn lặp lại những thành quả ấn tượng đột ngột và những triều sóng thành công như cá nhân người khởi nghiệp đã từng làm, và người thành đạt bước đầu đó càng khôn ngoan bao nhiêu, thì sự suy sụp của thế hệ nối tiếp càng lớn bấy nhiêu, sự tàn lụi đó cứ tiếp diễn cho đến khi mọi thứ trở lại như thuở ban đầu. Do đó, thường là đứa cháu của người thành đạt đó sẽ thành công hơn người con – hạt giống tinh thần của người cha đã bị người con bỏ mặc, và nó được nghỉ ngơi để làm tươi mới hầu sẵn sàng bùng nổ mới mẻ nơi người cháu. Hơn nữa, một người cực kỳ thành đạt mang trong mình một sự lai tạp, ông ta là một giống vật mới, thoát thai từ tập hợp những yếu tố lạ lẫm và ai ai cũng biết là một lứa cây trồng hay thú vật dị thường là một thứ bất thường và không đáng tin, cho dẫu chúng tuyệt đối không vô dụng.
Và tôi chắc rằng thành công của ông Pontifex đến cực kỳ nhanh chóng. Chỉ vài năm sau khi gia nhập công ty, dượng và dì của ông đều qua đời trong vòng vài tháng và để lại cho ông quyền thừa kế gia sản của họ. Ông không chỉ là cổ đông duy nhất trong công ty, mà hơn nữa còn có được một gia tư 30.000 bảng, một khối tiền lớn vào thời đó. Tiền đổ vào túi ông, và tiền vào càng nhiều ông lại càng say mê nó, mặc dù ông thường nói rằng ông xem trọng đồng tiền không phải vì nó là tiền, mà chỉ vì nó là phương tiện để ông chăm lo cho con cái của mình.
Nhưng khi một người say mê tiền của mình quá đỗi, thì không dễ dành hết thời gian chăm chút cho con cái.
Tiền và con cái giống như Phú quý và Chúa Trời. Ngài Macaulay có viết một đoạn so sánh những thích thú của việc đọc sách với sự phiền phức do đồng bạn của người đó gây nên. ‘Platon không bao giờ ủ rũ. Cervantes chẳng đời nào hờn dỗi. Demosthenes có bao giờ lỗi nhịp đâu. Dante chẳng ở nơi nào quá lâu. Bất đồng chính kiến không thể làm Cicero nên khó ưa. Chẳng một dị giáo nào khiến nổi Bossuet tỏ ra ghê tởm.’ Tôi dám nói là có lẽ tôi không tán thành ngài Macaulay trong đánh giá về những nhân vật ngài vừa kể ra, nhưng không thể bác được ý chính của ông, đó là chúng ta không được để những vấn đề của người khác vượt ngoài tầm mức suy nghĩ của bản thân mình, cho dù đám bạn bè không phải lúc nào cũng dễ dàng tha cho chúng ta. George cảm nhận được điều này khi suy xét về con cái và tiền bạc. Tiền của ông không bao giờ quấy ông, chúng không bao giờ làm ầm ĩ hay bày bừa ra đó, chúng không đổ đồ ăn ra khăn trải bàn, hay không để mặc cửa mở toang lúc ra ngoài. Những lợi tức của ông không tranh cãi nhau, và những khoản thế chấp của ông cũng không khiến ông phải lo lắng xem liệu đến tuổi trưởng thành nó có tiêu hoang rồi bắt ông phải gánh nợ hay không. Ông thấy John có những chiều hướng khiến ông rất lo lắng, còn đứa con thứ hai Theobald thì biếng nhác và nhiều lần không trung thực. Có lẽ những đứa con của ông biết cha chúng xem trọng điều gì, biết rằng cha chúng thường khó khăn với chúng nhưng chẳng bao giờ khó dễ với tiền. Ông chưa bao giờ hấp tấp hay bực bội với tiền của mình, và có lẽ nhờ đó mà ông và tiền bạc chung sống thật tốt đẹp với nhau.
Phải nhớ rằng vào đầu thế kỷ xIx, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vẫn còn rất tệ. Như những mẩu quảng cáo kiểu cũ của hãng Messrs. Fairlie & Pontifex một thời đã bị loại bỏ, giờ đây trong văn học cũng hiếm có hình ảnh một người cha bạo hành như thường thấy trong mô tả của Fielding, Richardson, Smollett và Sheridan, nhưng về bản chất thì dạng người cha độc đoán đó vẫn chưa biến mất hẳn. Hình ảnh cha mẹ trong những tiểu thuyết của Austen không còn là những quái vật man rợ như thời trước, nhưng rõ ràng trong phần lớn các tác phẩm của mình, cô nhìn cha mẹ với một sự ngờ vực, và cảm thấy khó chịu về việc người cha có quyền làm tất cả mọi thứ. Vào thời nữ hoàng Elizabeth, mối liên hệ cha mẹ con cái này nói chung đã êm đềm hơn nhiều. Trong phần lớn truyện của Shakespeare, cha và con là những người bạn với nhau, thói xấu cũng không xuất hiện và vươn lên đến đỉnh điểm xấu xa của nó cho đến thời kỳ mà Thanh giáo khiến người ta quen với những tư tưởng Do Thái mà chúng ta phải cố gắng làm theo mỗi ngày. Những tiền lệ nào mà Abraham, Jephthah và Jonadab con của Rechab đã không làm? Trong thời mà hiếm người có lý trí biết nghi ngờ về việc liệu mỗi một lời trong Cựu Ước có thật là lời được truyền từ miệng Thiên Chúa hay không, thì quá dễ để trích dẫn sách và tuân theo những luật đó. Hơn nữa, Thanh giáo cấm tiệt những khoái cảm tự nhiên; nó lấy ai ca thay cho Khải hoàn ca, và nó quên mất rằng những hủ tục của mọi thời luôn muốn được tiếp tục duy trì.
Ông Pontifex có thể nghiêm khắc với con cái hơn người ngoài một ít, nhưng chỉ một ít mà thôi. Ông đánh đòn các cậu nhỏ hai hay ba lần mỗi tuần và có lúc còn nhiều hơn nữa, nhưng thời đó các bậc làm cha vẫn thường luôn làm vậy. Sẽ dễ dàng thấy hợp lý hơn nếu những người khác cũng làm vậy, nhưng may thay mà cũng có thể bất hạnh thay, kết quả của những trận đòn chẳng có giá trị gì để xác định là đám con có lỗi hay không có lỗi, mà chúng chỉ là một việc làm cho có, bất kể kết quả là gì đi nữa. Có lỗi hay không có lỗi chẳng thay đổi gì được kết quả; việc này đặt ra một vấn đề là liệu những người biết lý lẽ có hành động theo kiểu quá máy móc như thể đó là một nhiệm vụ được giao hay không. Vào thời đó, ai ai cũng cho rằng không dùng đến roi vọt là làm hư con trẻ, và thánh Phaolo đã xem việc không vâng lời cha mẹ là một điều vô cùng xấu xa. Nếu con cái làm điều gì đó mà ông Pontifex không thích, có nghĩa là rõ ràng chúng đã không vâng lời ông. Và như thế chỉ có một lối duy nhất mà một người biết lý lẽ buộc phải làm. Điểm mấu chốt trong việc trừng phạt này chính là để kiểm soát những dấu hiệu đầu tiên của thói tự tung tự tác trong những đứa con của ông, lúc chúng vẫn còn chưa đủ lớn để phản ứng lại một cách nghiêm trọng hơn. Nói theo lối thịnh hành, là nếu ý muốn của chúng được ‘đập tan một cách tốt đẹp’ từ thuở nhỏ, thì chúng sẽ có được những thói quen vâng lời mà chúng sẽ không dám liều lĩnh phá vỡ cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Rồi có lẽ chúng sẽ tự chiều theo ý mình; còn ông phải biết cách để tự bảo vệ mình; như thế, cho đến lúc đó chúng sẽ biết cảm kích ông và tiền của ông hơn.
Chúng ta biết quá ít về những suy nghĩ của mình, hành động phản chiếu chính chúng ta, tất nhiên là vậy, nhưng chính suy nghĩ cũng vậy! Quả thật, con người tự tôn là nhờ vào ý thức. Chúng ta tự hào rằng chúng ta khác với những cơn gió, con sóng, những hòn đá rơi cũng như cây cối, những thứ chẳng biết vì sao chúng lớn lên, và chúng ta cũng khác với những sinh vật lang thang rình mò săn mồi. Liệu chúng ta có thỏa chí nói được như thế nếu không nhờ có lý luận? Chúng ta biết rõ rằng chúng ta đang làm gì, và tại sao chúng ta làm như thế, hoặc không làm như thế. Thời này có một quan điểm đang lên, và tôi cho rằng nó đúng phần nào, đó là ý kiến cho rằng những suy nghĩ và hành động thiếu ý thức của chúng ta là nét định hình chính cho đời sống của chúng ta và của những kẻ hậu sinh của chúng ta.