Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 28

Tác giả: Samuel Butler

Ernest đã nghe được nhiều chuyện kinh khủng về tính khí của ông Skinner, và cả chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở Roughborough. Lúc này nó đã quá khổ rồi, và thấy thật khó chịu nổi nếu như những gánh nặng mới lại đè thêm trên nó. Nó không khóc vì phải xa nhà, nhưng tôi sợ là nó đã khóc khi gần đến Roughborough. Theobald và Christina cùng đi với nó trên chiếc xe nhà; ở Roughborough không có xe lửa, và từ đó đến Battersby chỉ có bốn mươi dặm, nên xe ngựa là thuận tiện nhất.

Khi thấy nó khóc, mẹ nó âu yếm và dỗ dành. Cô bảo là cô biết nó sẽ thấy buồn lắm vì phải xa rời gia đình hạnh phúc mà bước vào giữa đời, dù cho người ta sẽ rất tốt với nó, nhưng chẳng bao giờ tốt bằng bố mẹ yêu dấu của nó được, và nếu nó hiểu được, thì mẹ nó mới là người khốn khổ hơn, vì sự chia lìa này khiến cô đau lòng hơn là nó,… V.v, và Ernest, khi được mẹ bảo rằng nó chỉ khóc vì phải xa nhà, đã hoàn toàn tin như thế và chẳng bận tâm thêm về nguyên nhân thực sự khiến nó buồn là gì nữa. Khi cả ba đến Roughborough, nó đã định thần lại, rồi trong thời gian họ đến nhà tiến sỹ Skinner, nó đã dịu đi nhiều. Họ dùng bữa trưa với tiến sỹ và vợ ông, rồi bà Skinner đưa Christina xem qua các phòng ngủ, và chỉ cho cô thấy nơi ở mới dành cho đứa con yêu dấu của cô.

Không biết đàn ông nghĩ gì về những nghiên cứu về đàn ông, nhưng phụ nữ thì thực sự tin vào những nghiên cứu cao đẹp nhất về phụ nữ, và Christina đang quá mải mê để ý bà Skinner đến nỗi không chú tâm được vào điều gì khác nữa; tôi dám nói rằng, bà Skinner cũng vậy, đang khá tập trung để học hỏi những nét của cô. Christina đã thật sự bị lôi cuốn với những hiểu biết mới lạ, bởi cô tìm thấy trong đó (và tất cả chúng ta hẳn cũng vậy) một điều gì đó về bản chất của sự pha tạp; còn về phần bà Skinner, tôi hình dung rằng bà đã gặp quá nhiều người như Christina và giờ đây trong cô, bà tái hiện lại những hình ảnh đó; tôi tin rằng quan điểm riêng của bà có gì đó giống với câu châm ngôn của một hiệu trưởng lừng danh đã tuyên bố rằng tất cả mọi bậc cha mẹ đều là kẻ ngốc, đặc biệt là các bà mẹ, tuy vậy, bà vẫn tươi cười và dịu dàng, còn Christina thì hăm hở đón lấy chúng thật nhiệt tình như thể chúng chỉ dành riêng cho cô và chẳng có bà mẹ nào đáng được ưu ái như cô bây giờ vậy.

Trong lúc đó, Theobald và Ernest đang ở cùng tiến sỹ Skinner trong thư viện, nơi những cậu bé được sát hạch còn người lớn thì trách mắng hay phạt chúng. Nếu những bức tường trong căn phòng này biết nói, chắc hẳn chúng sẽ không từ chối làm chứng về một sự độc ác thất thường và ngu ngốc vốn hay xảy ra trong đó đâu!

Như mọi ngôi nhà khác, nhà của ngài tiến sỹ cũng có một mùi đặc trưng riêng. Trong nhà này chủ yếu là mùi da thuộc từ Nga, nhưng cũng có mùi như một cửa hàng hóa chất. Mùi này phát xuất từ khu thí nghiệm nhỏ nằm ở góc phòng. Có được khu thí nghiệm này cộng với việc dùng tràn lan vài từ lõm bõm như ‘carbonate,’ ‘hyposulphite,’ ‘phosphate,’ và ‘ái lực,’ là đã đủ để thuyết phục những kẻ hoài nghi nhất rằng tiến sỹ Skinner có một kiến thức uyên thâm về hóa học.

Tôi nên nói qua là ngài Skinner học đòi rất nhiều thứ khác chứ không chỉ hóa học. Ông là người biết chút ít về rất nhiều thứ, và thứ nào cũng nguy hiểm. Tôi còn nhớ Alethea đã từng dùng cái giọng kể tinh quái của mình mà cho tôi biết rằng tiến sỹ Skinner khiến cô nhớ về các công vương Bourbon lúc trở về từ xứ lưu đày sau trận Waterloo, chỉ như vậy mới có được một so sánh ngược chính xác dành cho ông, bởi trong khi các công vương chẳng học được điều gì và như thế chẳng quên điều gì, còn tiến sỹ Skinner của chúng ta học tất cả mọi thứ và rồi quên hết tất cả. Điều này khiến tôi nhớ đến một lời sâu cay nữa mà cô dành cho ông. Có lần, cô nói với tôi rằng ông có sự hiền lành của con rắn và sự khôn ngoan của con bồ câu[16].

Lại nói về thư viện, trên mặt lò sưởi có treo bức họa bán thân một vị giám mục với khuôn mặt của chính tiến sỹ Skinner, đây là tác phẩm của Pickersgill anh, một trong số những người đầu tiên mà ông đã phát hiện và nâng đỡ. Không còn bức tranh nào khác trong thư viện, nhưng ở phòng ăn có treo một bộ sưu tập khá giá trị, mà tiến sỹ vốn coi là biểu tượng cho khiếu thẩm mỹ tuyệt vời thường thấy của mình. Về sau, ông bổ sung thêm khá nhiều cho bộ sưu tập này, và khi nó được đem ra bán đấu giá ở sàn Christine không lâu về sau, người ta mới thấy ra đó là một bộ sưu tập với những tác phẩm mới nhất và điêu luyện nhất của Solomon Hart, O’Neil, Charles Landseer, cùng nhiều Viện sỹ đương thời khác nữa mà tôi không nhớ hết được. Tại sảnh đấu giá, người ta treo chung tất cả những bức tranh vốn từng gây chú ý tại Triển lãm hàn lâm trên cùng một bức tường độc nhất và nhờ đó thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem. Số tiền bán tranh gây thất vọng nhiều cho người chủ trì cuộc đấu giá, nhưng chuyện này vốn phụ thuộc nhiều vào may rủi. Một tay nhà báo vô lương tâm của tờ nhật báo có tiếng nọ đã hạ giá bộ sưu tập này. Hơn nữa, trước lúc ngài tiến sỹ qua đời, cũng vừa có một hai cuộc đấu giá lớn, nên người ta phần nào chùn tay hơn, do vậy việc bán không được giá cao là chuyện thường.

Chiếc bàn trong thư viện chất đầy những tập sách dày cộm, trộn chung với đủ loại bản thảo, là các bài tập, cũng có thể là bài kiểm tra của các cậu bé nữa, nhưng tất cả đều bị vứt bừa bãi lộn xộn. Căn phòng thật sự khiến người ta chán ngán bởi sự bừa bãi và bởi cả bầu không khí bác học của nó nữa. Theobald và Ernest bước vào, móc chân phải một cái lỗ trên tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ, bụi từ đó bốc lên cho thấy đã lâu lăm rồi chẳng ai rũ thảm cả. Tôi có thể nói điều này không phải do lỗi của bà Skinner, mà chính là do ông tiến sỹ, bởi ông đã tuyên bố rằng ông sẽ chết mất nếu có ai đó làm xáo trộn giấy tờ làm việc của ông. Gần cửa sổ là một cái hốc màu xanh chứa đôi cu gáy với tiếng gù gù rầu rĩ tăng thêm sự ão não cho nơi này. Các kệ sách lấp kín từ sàn nhà lên đến trần, và trên mỗi kệ, sách đều được xếp thành hai lớp. Thật là kinh khủng. Thứ nổi bật nhất trong những thứ nổi bật, và nằm trên một giá sách nổi bật nhất, chính là một loạt tuyển tập được bao bọc vô cùng bắt mắt, với tựa đề ‘Những tác phẩm của Skinner.’

Đáng buồn thay, các cậu bé lại có khuynh hướng vội vàng đi đến kết luận, và Ernest của chúng ta cũng vậy, nó tin rằng tiến sỹ Skinner hiểu tất cả những quyển sách có trong cái thư viện kinh khủng này, và như vậy, nếu nó muốn giỏi, cũng sẽ phải đọc hết chúng. Nghĩ như thế, trong lòng nó đã nản lắm rồi.

Ernest được bảo ngồi vào chiếc ghế dựa lưng vào tường, và nó ngồi yên ở đó trong lúc tiến sỹ Skinner nói chuyện với Theobald về những vấn đề thời sự. Ông nói về cuộc luận bút hampden đang dữ dội, và đàm luận một cách uyên bác về ‘Praemunire’, tội xúc phạm vì xem quyền lực Giáo hoàng cao hơn vương quyền anh, rồi ông nói về cuộc cách mạng vừa bị đập tan ở đảo Sicily, và vui mừng vì Giáo hoàng đã không cho phép các binh đoàn kị binh nước ngoài xâm nhập lãnh địa của ngài để tiêu diệt quân phiến loạn. Tiến sỹ Skinner và những giáo sư khác đều đọc báo The Times, và họ nói lại quan điểm của những đầu não tờ báo đó. Thời đó giá báo còn rất cao và Theobald chỉ đọc báo Spectator bởi anh theo phái Whig[17], và anh còn được nhận Công báo Giáo hội mỗi tháng một lần, nhưng ngoài chúng ra anh chẳng đọc thêm tờ báo nào khác, do đó anh thật sự ngạc nhiên trước những lời thao thao bất tuyệt của tiến sỹ Skinner.

Hành động của Giáo hoàng trong vụ nổi loạn ở đảo Sicily đã tự nhiên dẫn dắt tiến sỹ Skinner nói sang những cải cách mà Giáo hoàng vừa thực hiện trong lãnh địa của mình, và sau một lần cười ngất trong giờ tiệc rượu, bây giờ ông lại tái diễn thêm một lần nữa vì một lời bông đùa khi ông bảo biệt danh của Giáo hoàng vốn là Pio ‘Không, Không’ đáng ra phải đổi thành Pio ‘Có, Có’, bởi theo tiết lộ của bác sỹ riêng của Giáo hoàng, thì ngài đồng ý với tất cả những đòi hỏi mà bác sỹ đề ra. Xưa nay, tiến sỹ Skinner vốn cực kỳ thích dùng lối chơi chữ. Rồi ông lại nói về những cuộc cải cách. Chúng mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Kitô giáo, và có thể gây nên những hệ quả quan trọng và sâu rộng, thậm chí có thể dẫn đến sự hòa giải giữa các Giáo hội anh giáo với Giáo hội Roma. Cách đây không lâu, tiến sỹ Skinner vừa xuất bản một tập nhỏ luận bàn chính trị về vấn đề này, thể hiện được một kiến thức uyên bác, và công kích Giáo hội Roma kịch liệt như thể chẳng mong chờ gì sự hòa giải mà ông vừa mới nói trên. Nền tảng cho những gì ông công kích là những chữ A.M.D.G., mà ông đã thấy bên ngoài một nhà nguyện Công giáo La Mã, và ông cho đó hẳn là chữ viết tắt cho Ad Mariam Dei Genetricem. Những chữ này thật là biểu lộ cho lòng sùng đạo quá thể?

Có điều, tôi nghĩ là có thể tôi nhớ nhầm, khi tôi nói là tôi đã nghe ngài tiến sỹ cho rằng Ad Mariam Dei Genetricem có thể nói là cách diễn dịch chuẩn mực nhất, được chuyển ra từ cụm từ viết tắt A.M.D.G.[18], và nếu như ông nhầm, có thể thực sự giáo sư đã đọc nó thành: Ave Maria Dei Genetrix. Chắc hẳn là ông phải đúng về diễn dịch chữ Latin. Tôi đã quên mất chút vốn Latin ít ỏi của mình, và tôi không có ý muốn dò xét vấn đề diễn dịch những chữ trên đúng hay sai, nhưng tôi tin là ngài tiến sỹ đã nói là Ad Mariam Dei Genetricem, và nếu như thế chúng ta nên tin đó là cụm từ Ad Mariam Dei Genetricem, có vậy mới đủ chuẩn theo tiếng Latin để phù hợp với câu chuyện đang bàn về Giáo hội này.

Theobald, vị mục sư xứ quê của chúng ta chưa lên tiếng gì, và ngài tiến sỹ có vẻ rất hớn hở, nhưng rồi anh dõng dạc quả quyết rằng A.M.D.G. Chẳng thể là viết tắt của chữ nào ngoài cụm từ Ad Majorem Dei Gloriam đầy nguy hiểm, dù có vẻ luận điệu này chẳng có tác dụng gì với những quý ông người anh đầy khôn ngoan, nhưng vẫn thật đáng tiếc khi tiến sỹ Skinner dùng nó để làm nền tảng cho công kích của mình, bởi như thế là ông đã trao cho kẻ thù của ông thế chủ động rồi. Bởi khi một ai đó được nắm thế chủ động, thì người đọc thường bối rối nghĩ rằng đối thủ của người đó sẽ chẳng dám xuất đầu lộ diện nữa.

Tiến sỹ Skinner tiếp tục kể cho Theobald nghe về quyển luận chính trị của ông, và tôi cho rằng anh cũng đang thấy thật khó chịu không thua gì Ernest. Anh chán ngán chuyện này, bởi trong thâm tâm, anh ghét cay ghét đắng phái Tự do, dù cho không dám nói ra và cũng không dám tự nhận mình là người ủng hộ phái Whig. Anh không muốn hòa giải với Giáo hội Roma, mà muốn cải đạo hết thảy dân Công giáo Roma qua đạo phái Kháng cách, và anh chẳng hiểu nổi tại sao người ta lại không làm như thế. Vậy mà tiến sỹ lại cứ mải nói chuyện hoàn toàn theo đúng tinh thần của phái Tự do, và còn khóa miệng anh mỗi khi anh chớm lên tiếng xen vào, câu chuyện hoàn toàn đi theo dẫn dắt của ông, và Theobald không quen bị đặt vào tình trạng như thế này chút nào. Anh đang tìm cách để chấm dứt buổi nói chuyện này, thì đột nhiên Ernest khóc òa lên, chắc chắn là do một cảm nhận không rõ ràng nhưng vô cùng mạnh mẽ về sự chán ngán vượt quá sức chịu đựng của nó. Ernest đang rất căng thẳng, và rất buồn do tình hình hiện giờ tương phản quá nhiều so với sự háo hức ban sáng của nó. Rồi bà Skinner cùng Christina bước vào gặp ngay việc này, và bà cho rằng chiều nay, nên để nó ở với bà Jay, người quản lý, còn việc giới thiệu với các bạn học sẽ để đến sáng mai. Theobald và Christina âu yếm chào tạm biệt nó, rồi giao lại cho bà Jay.

Ôi thôi, các ngài hiệu trưởng, các ngài nghĩ rằng thật bình thường khi một đứa trẻ thò lò mũi xanh được bố mẹ chúng đem đến xin học, và các ngài đối xử với nó bằng sự khinh thường mà nó đáng nhận, rồi những năm sau lại tiếp tục khiến cho cuộc sống của chúng thêm nặng nề. Nhưng nếu có đọc quyển sách này, các ngài sẽ thấy rõ ràng được rằng một đứa trẻ như thế trong tương lai sẽ là một người ghi lại hết những gì mà các ngài đã làm. Đừng bao giờ nhìn một đứa nhỏ tội nghiệp sợ sệt đang ngồi khép nép bên cạnh ghế dựa sát lưng vào bức tường phòng học, mà quên nhắc nhớ với mình rằng, ‘có lẽ thằng nhóc này, nếu mình không cẩn thận, một ngày nào đó, nó sẽ nói cho cả thế giới biết hết về con người thật của mình mất.’ Nếu có vài hiệu trưởng thấm thía được bài học này và ghi nhớ nó, thì những chương trước trong quyển sách này đã chẳng phải viết trong một nỗi thất vọng vô bờ như thế đâu.

Bình luận