Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 86

Tác giả: Samuel Butler

Và lúc này tôi buộc phải đưa câu chuyện của mình đến hồi kết.

Những chương trước được tôi viết ngay sau khi sự việc vừa xảy ra, nghĩa là vào mùa xuân năm 1867. Trong thời gian đó, tôi đã dần viết thêm câu chuyện câu chuyện của mình rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải sửa đổi chỗ này chỗ khác. Còn bây giờ là mùa thu năm 1882, và nếu tôi không chóng hoàn tất quyển này, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó nữa, bởi tôi đã tám mươi hai tuổi và dù sức khỏe vẫn tốt nhưng vẫn chẳng thể giấu đi sự thật rằng tôi đã già mất rồi. Bản thân Ernest cũng đã được bốn mươi bảy tuổi, dù trông nó có vẻ trẻ hơn nhiều.

Ernest đang giàu hơn bao giờ hết, bởi nó vẫn chẳng kết hôn và khối cổ phiếu London and North-Western của nó đã tăng lên gần gấp đôi. Do hoàn toàn không có năng lực để tái đầu tư khoản thu nhập của mình, nó đành phải tích lũy chúng. Kể từ lúc bỏ cửa hàng đến giờ, nó vẫn sống trong căn hộ ở khu Thánh Đường mà tôi đã chọn cho nó, bởi chẳng ai có thể khuyên được nó bỏ tiền mua một ngôi nhà cả. Nó bảo rằng nhà của mình là bất cứ nơi nào có một khách sạn tốt, vậy là tuyệt vời. Những lúc ở London, nó thích làm việc một cách kín tiếng. Còn khi rời thành phố, nó chẳng thấy luyến tiếc gì mấy, và nó không thích bị ràng buộc vào một nơi cố định. ‘Con chẳng có khái niệm về cái luật là mua sữa thì rẻ hơn nuôi một con bò.’ Nó bảo tôi vậy.

Trước đây tôi đã nói với các bạn về bà Jubb, bây giờ tôi nghĩ mình nên nói thêm chút ít còn lại nữa. Bây giờ bà ta đã rất già, nhưng như lời hãnh diện của bà, thì chẳng ai còn sống có thể nói được bà đã bao nhiêu tuổi rồi, bởi cái bà ở phố Old Kent đã chết và có lẽ đã mang theo xuống mồ bí mật này. Tuy nhiên, dù đã già, bà vẫn ở trong căn nhà cũ và vẫn phải chật vật xoay xở để sống, tôi không biết là bà phải vất vả với tiền bạc như vậy, nhưng dù gì như thế khiến cho bà chẳng có đủ tiền để uống rượu nhiều hơn mức cần thiết. Chẳng ích gì khi cố giúp bà ngoại trừ việc trợ cấp mỗi tuần và đừng bao giờ cho bà được ứng trước đồng nào hết. Ngày thứ bảy nào, bà ta cũng đem cái bàn là đi cầm lấy bốn xu, và đến sáng thứ hai lúc được nhận trợ cấp lại đi lấy về với giá bốn xu rưỡi, và cứ làm thế mãi suốt mười năm gần đây. Chúng tôi biết rằng, bao lâu bà vẫn chưa bán đứt cái bàn là, thì bà vẫn còn có thể giải quyết được vấn đề tiền bạc của mình theo cái cách vụng trộm đó, nên chúng tôi cứ để như vậy. Nếu đến lúc bà ta không thể chuộc lại nổi cái bàn là, chúng tôi mới bắt đầu can thiệp. Chẳng biết tại sao, nhưng có điều gì đó ở bà ta cứ luôn gợi cho tôi nhớ đến một người vốn chẳng có gì giống bà ta cả, ý tôi là Christina, mẹ của Ernest. Lần cuối cùng tôi ngồi buôn chuyện dài giờ với bà Jubb là cách đây hai năm trước, khi bà ta đến thăm tôi thay vì ghé nhà Ernest. Bà nói rằng bà gặp một chiếc xe ngựa đi ra ngay khi bà vừa đến cầu thang, và đã thấy cha của cậu Pontifex thò cái đầu xấu xí của ông ta ra khỏi cửa, nên bà phải đến tìm gặp tôi, bởi bà chẳng dễ gì chịu khó cúi chào cái loại người như ông ấy. Bà thú nhận là đang rất xui xẻo, các khách trọ đối xử với bà quá bạc, họ bỏ đi mà chẳng trả tiền trọ và cũng không để lại gì có giá, nhưng hôm nay bà lại đang thấy rất hạnh phúc. Bà đã được một bữa tối ngon miệng với món thịt heo nấu với đậu xanh. Bà đã khóc mừng vì món đó, nhưng rồi bà lại bắt đầu ngờ nghệch, mà với tuổi của bà thì đúng là phải vậy.

‘Và còn Bell nữa,’ bà ta tiếp tục, dù tôi chẳng thấy cả đống chuyện này có chút liên hệ gì với nhau, ‘ai ai cũng sẽ thấy thật đáng chán khi giờ này nó đang đến nhà nguyện, mẹ nó đang chuẩn bị đi gặp Chúa Giêsu và với tôi thế là hết, nhưng mà bà ta sẽ chẳng chết đâu, mỗi ngày bà ấy còn uống được nửa chai sâm banh, và còn Grigg với đống bài giảng của anh ta, ông biết đó, anh ta hỏi Bell xem tôi có thực sự trụy lạc hay không, mà không, tôi không như vậy, ngoại trừ lúc còn trẻ, lúc nào tôi cũng sẵn sàng ‘bay đêm’ ở Holborn, và nếu tôi có áo quần để diện và còn đủ răng thì thế nào tôi cũng sẽ làm thế ngay bây giờ. Tôi đã mất Watkins yêu dấu của mình rồi, nhưng tất nhiên không thể không mất được, rồi tôi còn mất Rose yêu quý nữa. Những tên bóng ngu ngốc đến và đi trên xe ngựa rồi lãnh lấy bệnh viêm phổi. Khi tôi hôn Rose yêu quý ở hành lang Pullen rồi cô ấy cho tôi miếng sườn, tôi chẳng bao giờ nghĩ là sẽ không bao giờ được gặp lại cô nữa, và các ông bạn của cô cũng mến cô nhiều như vậy, dù họ đã có vợ hết rồi. Tôi dám cá là giờ này cô ấy đang ngà ngà say đó. Nếu cô có thể gặp tôi lần nữa, và thấy những ngón tay xấu xí của tôi, thì thế nào cô ấy cũng sẽ khóc, và tôi sẽ bảo rằng, ‘Đừng có lo, con yêu, ta ổn mà.’ Ôi! Ông ơi, trời đang chuẩn bị mưa. Tôi ghét đêm thứ bảy ẩm ướt, các cô mang vớ trắng[43] tội nghiệp còn phải kiếm ăn nữa mà,’… v.v.

Người ta bảo đáng ra tuổi tác phải bào mòn bà già tội lỗi vô thần này, nhưng không phải vậy. Dù bà ta đã sống thế nào đi nữa, thì đúng là bà đã sống rất hợp với nó. Nhiều lần bà bắt chúng tôi phải hiểu rằng bà còn rất hấp dẫn với đàn ông, rồi những lúc sau lại nói bằng giọng điệu hơi khác đi một chút. Bà không cho phép bất kỳ ai kể cả Joe King được phép chạm vào môi bà suốt mười năm qua. Và ngày nào bà cũng phải ăn một miếng sườn cừu. ‘À, nhưng mà, đáng ra ông phải được thấy thời xuân sắc lúc tôi mới mười bảy tuổi. Tôi giống hệt người mẹ tội nghiệp của tôi, bà ấy rất đẹp, dù tôi không nên nói như thế. Bà có làn môi và hàm răng rất đẹp. Thật là tội lỗi khi đem chôn chung hàm răng đó với bà.’

Tôi chỉ biết có một điều, mà theo bà tự nhận, có thể khiến cho bà thấy choáng. Đó là việc con trai bà Tom và vợ nó Topsy đang dạy cho con cái chửi thề. ‘Ôi, thật kinh khủng, bực mình quá đáng,’ bà kêu lên, ‘dù chẳng rõ nghĩa nhưng tôi đã bảo nó là một con sâu ngu vì rượu.’ Tôi tin là ngược với lời vừa nói, thực sự bà ta rất thích cái việc dạy chửi thề này.

‘Nhưng mà, bà Jubb à,’ tôi bảo, ‘vợ của Tom không phải là Topsy. Bà thường gọi cô ấy là Pheeb mà.’

‘À, đúng rồi,’ bà ta trả lời, ‘nhưng Pheeb cư xử quá tệ, nên bây giờ là Topsy.’

Cách đây một năm, con gái Alice của Ernest đã kết hôn cùng cậu bạn thuở nhỏ của mình. Ernest cho chúng tất cả những gì chúng xin, và thậm chí còn hơn thế nữa. Chúng đã sinh được cho nó một đứa cháu, và tôi tin là sẽ còn thêm nhiều nữa. Còn Georgie, con trai Ernest, dù chỉ mới hai mươi mốt tuổi đã làm chủ một tàu hơi nước loại tốt nhờ được cha nó mua cho. Từ năm mười ba tuổi nó đã bắt đầu đi xà lan chở gạch cùng với hai vợ chồng Rolling và Jack, chồng của Alice, từ Rochester đến thượng nguồn sông Thames, rồi cha nó mua cho nó và Jack mỗi đứa một chiếc xà lan riêng, rồi đến thuyền, và cuối cùng là mỗi đứa một chiếc thuyền hơi nước. Tôi chẳng biết chính xác cách người ta kiếm tiền từ thuyền hơi nước như thế nào, nhưng đó là một cách kiếm tiền bình thường, và nghĩ lui nghĩ tới tôi thấy rằng việc này kiếm được rất khá. Georgie có khuôn mặt rất giống cha nó, nhưng theo những gì tôi thấy được, thì nó không có nét sắc sảo thể hiện thiên hướng văn chương nào, nó có tính khôi hài tương đối và nền tảng thường thức tốt, nhưng rõ ràng trong nó là một bản năng theo thiên hướng thực dụng. Tôi cho rằng nơi nó là hình ảnh của Theobald trong bộ đồ đi thuyền, hơn là của Ernest. Còn nhân vật chính của chúng ta vẫn thường hai lần một năm, xuống Battersby và ở lại với cha mình vài ngày cho đến tận khi anh qua đời, cả hai vẫn giữ mối giao hảo tuyệt vời, dù cho các giáo sỹ bạn của Theobald cứ mở miệng ra là nói đến ‘những quyển sách tồi tệ của ông Ernest Pontifex’. Có lẽ sự hòa hợp, hay đúng hơn là không gây hấn, giữa hai bên là nhờ Theobald chưa bao giờ đọc bất kỳ một quyển sách nào của con mình, và Ernest tất nhiên cũng chẳng bao giờ nói chút gì về chúng trước mặt anh. Như tôi đã nói, cả hai sống rất tốt với nhau, nhưng chắc chắn đó cũng là nhờ Ernest không thường xuyên về nhà và mỗi lần về cũng chẳng ở lại nhà quá lâu. Có một lần Theobald muốn Ernest đưa cháu về cho anh gặp mặt, nhưng nó biết là chúng sẽ chẳng thích việc này, nên đã không làm vậy.

Đôi khi Theobald lên London vì vài việc lặt vặt và ghé thăm phòng làm việc của Ernest, anh thường đem cho nó hai bó rau diếp, hay bó cải bắp, hoặc năm sáu cây cải bó trong một mảnh giấy gói hàng, và nói với nó rằng anh biết ở London này khó mà tìm được rau tươi nên anh đem lên cho nó một ít. Ernest thường phải giải thích với anh rằng nó không cần rau làm gì, và anh không cần phải đem cho nó nữa, nhưng Theobald cương quyết không chịu, tôi tin là do anh cực kỳ muốn làm những gì con trai mình không thích, nhưng dù gì thì việc này cũng quá nhỏ không cần phải để ý.

Anh vừa mất cách đây một năm, khi một sáng nọ, người ta phát hiện ra anh đã yên nghỉ trên giường sau khi viết cho con trai mình lá thư sau:

‘Ernest yêu quý,

Ta chẳng có gì đặc biệt để viết, nhưng lá thư của con đã nằm dưới đáy hỏa lò của những lá thư chưa được trả lời, nghĩa là nơi túi áo của ta quá lâu rồi, và ta thấy đã đến lúc cần phải hồi đáp cho con.

Ta vẫn cực kỳ khỏe mạnh và có thể tự mình đi bộ năm hay sáu dặm một cách thoải mái, vào tuổi này ta chẳng biết sẽ trụ được bao lâu nữa, mà thời gian thì cứ vụt qua như chim bay. Buổi sáng ta bận rộn với việc chăm cây cối, nhưng đến chiều nay thì rất chán.

Cái chính phủ tệ hại này làm gì với Ireland vậy không biết? Chính xác thì ta chẳng mong họ sẽ nổi cơn tam bành với ông Gladstone, nhưng nếu có con bò điên nào cứ truy đuổi ông ấy, thì thế nào ông sẽ chẳng thể trở lại nữa đâu, ta chẳng lấy làm tiếc cho ông ta chút nào. Ngài nghị Hartington không hoàn toàn là người mà ta muốn đảm đương chức vị đó, nhưng dù gì ông ta cũng hơn xa Gladstone.

Ta nhớ Charlotte, em gái con rất nhiều. Con bé chăm lo việc nhà cho ta, và ta có thể kể với nó bất kỳ ưu phiền nhỏ nhặt nào, còn giờ đây Joey cũng đã kết hôn rồi, ta chẳng biết mình sẽ ra sao nếu một trong số chúng không thỉnh thoảng về thăm và chăm sóc cho ta. Niềm an ủi duy nhất bây giờ là Charlotte có thể khiến cho chồng nó hạnh phúc, và anh ta cũng gần xứng đáng làm chồng của nó.

Hãy tin tưởng ở ta, Cha yêu quý của con,

THEOBALD PONTIFEX’

Tôi nên nói thêm là dù Theobald nói như thể Charlotte vừa mới kết hôn đây, nhưng thực sự việc này đã được sáu năm rồi, bây giờ con bé được ba mươi tám tuổi và sống với người chồng kém nó đến bảy tuổi.

Chắc chắn Theobald đã qua đời yên bình trong giấc ngủ. Liệu một người đã chết có bị xem là đã chết hoàn toàn hay không? Người ta thấy nơi anh những triệu chứng của cái chết, nhưng về phần mình, anh không những chưa chết mà thậm chí còn không nghĩ là mình đang chết nữa. Như thế có gì đó giống như sống dở chết dở. Anh cho thấy quá nhiều biểu hiện sự sống đến nỗi tôi cho rằng xét cho cùng thì nghĩ rằng anh đang sống sẽ dễ hơn là nghĩ rằng anh chưa từng sinh ra, nhưng chỉ có thể được như vậy khi không suy xét mọi sự quá khắt khe mà thôi.

Tuy nhiên, đây không phải là nhận định chung về anh, mà nhận định chung thường là những gì chân thực nhất.

Ernest đã nhận quá nhiều lời chia buồn và thương tiếc dành cho cha nó. ‘Ông ấy không bao giờ,’ lời của bác sỹ Martin, người đã giúp Ernest chào đời, ‘nói dù chỉ một lời ác khẩu với bất kỳ ai. Bất cứ ai từng được tiếp xúc với ông đều không chỉ thích, mà còn cực kỳ quý mến ông nữa.’

‘Một con người làm việc với sự công chính và công bằng trên mức hoàn hảo,’ vị luật sư gia đình thêm vào, ‘Tôi chưa bao giờ phải vất vả, cũng như chưa từng phải xử lý bất kỳ giao dịch chậm trễ nào vì ông ấy.’

‘Chúng ta sẽ tiếc nhớ ông ấy,’ giám mục viết thư chia buồn đến Joey với những lời lẽ ấm áp nhất. Còn những người nghèo thì bàng hoàng. ‘Giếng nước luôn có sẵn cho mọi người,’ một bà già nói, ‘cho đến khi nó cạn khô,’ và bà ta cũng chỉ nói những lời hệt như cảm nghĩ của mọi người khác. Ernest biết rằng những cảm giác thương tiếc chung này là thật bởi đây là một mất mát không dễ gì bù đắp. Nó thấy rằng trên thế giới này chỉ có ba người không thật tâm tán dương cha nó, và đó đáng ra phải là ba người cuối cùng có thể hờ hững với chuyện này, chính là Joey, Charlotte và bản thân Ernest. Nó ghét cay ghét đắng bản thân mình mỗi khi nhận ra nó đang cùng suy nghĩ với Joey và Charlotte trong bất kỳ vấn đề nào, nhưng may thay, nó buộc phải che giấu mối thương cảm dành cho Theobald hết mức có thể, không phải bởi những gì anh đã gây cho nó, đó chỉ là những chuyện quá lâu rồi nên chẳng còn nhớ làm gì nữa, nhưng là bởi anh sẽ chẳng bao giờ cho phép nó nghĩ về anh bằng cái cảm giác thương mến mà nó luôn cố dành cho anh. Bao lâu hai cha con còn dùng những lời sáo rỗng với nhau thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng nếu chỉ cần chệch ra ngoài lối mòn rách nát này một chút mà thôi, thì Ernest luôn luôn cảm thấy những bản năng của cha nó bắt đầu lộ ra và đối đầu với nó ngay lập tức. Khi công kích, cha nó bắt bẻ hết sức có thể mọi lời miệng nó phát ra và thể hiện sự thỏa mãn rõ ràng mỗi khi nó bị lúng túng và rụt lại. Những lời của ông bác sỹ già khi nói Theobald chẳng nói phạm đến ai là hoàn toàn đúng với mọi người, ngoại trừ nó, và nó còn biết rất rõ là chẳng một ai ngấm ngầm bôi xấu thanh danh của nó hơn là chính cha nó. Đây là một chuyện thường tình và rất tự nhiên, thường xảy ra khi người con đúng, người cha sai, và ông ta không chấp nhận như thế nếu như vẫn còn cách gì đó, dù không tốt, để thay đổi nó.

Tuy nhiên, thật khó để nói xem liệu đâu mới là căn nguyên của mối bất hòa này. Nguyên nhân không phải do Ernest đã từng ở trong tù, bởi Theobald cũng nhanh chóng quên hết chuyện này hệt như chín phần mười các ông bố khác mà thôi. Chắc chắn một phần chuyện này là do bởi tính khí của hai cha con không hợp nhau, nhưng tôi tin rằng nguyên do chính yếu là bởi Ernest đã sống quá sức độc lập và giàu có ngay khi nó còn quá trẻ, và như thế người cha già Theobald đã bị tước đi quyền hạn được bươi móc tung hứng chọc giỡn nó, mà anh thấy là đáng ra mình phải có. Cái thú được làm khổ người khác một cách vụn vặt và an toàn đã có sẵn trong máu anh kể từ ngày anh bảo bà vú nuôi rằng anh sẽ giữ bà lại đó để hành hạ bà. Tôi cho rằng tất cả chúng ta cũng có tính đó. Và tôi tin chắc hầu hết các ông bố, đặc biệt là những mục sư đều giống như Theobald vậy.

Trong thực tế, Theobald cũng chẳng ưa gì Joey hay Charlotte hơn Ernest chút nào đâu. Tôi tin rằng, anh chẳng thích ai hay bất kỳ cái gì, hoặc giả anh có thích được một ai đó, thì chỉ có thể là người quản gia của anh, vốn chăm sóc cho anh lúc anh không khỏe, và quan tâm nhiều cũng như tin tưởng rằng anh là người tốt nhất và giỏi giang nhất trên đời. Tôi chẳng biết liệu sau khi được nghe di chúc của Theobald, người hầu tin cẩn và gắn bó này còn tiếp tục nghĩ về anh được như thế nữa hay không. Còn trong số con cái, đứa con duy nhất anh cho là đã cư xử hiếu thảo với anh chính là đứa con đã bị chết ngay khi vừa mới sinh được một ngày. Và anh gần như chẳng bao giờ tỏ vẻ nhớ Christina cũng như không bao giờ nhắc đến tên cô, nhưng người ta lại cho là anh làm vậy bởi quá đau lòng khi mất cô. Cũng có thể là vậy, nhưng tôi nghĩ là không.

Những đồ dùng của Theobald đều được đem đi bán đấu giá, trong đó có cả quyển Tân Cựu Ước hòa hợp mà anh đã biên soạn sưu tầm suốt nhiều năm rất rõ ràng và tỉ mỉ, cùng với một bộ sưu tập lớn các bài giảng mà anh đã tự tay viết nên. Và hai vật này mỗi thứ đem về được chín xu. Tôi ngạc nhiên khi nghe biết Joey đã không chịu bỏ ra khoảng ba hay bốn shilling vốn có thể mua lại hết đống đồ này, nhưng Ernest cho tôi biết rằng Jeoy thậm chí còn ghét cha mình hơn cả nó nữa, và chỉ muốn vứt bỏ hết tất cả những gì có liên quan đến Theobald mà thôi.

Lúc này cả Joey và Charlotte đều đã lập gia đình rồi. Và hai đứa con trai của Theobald hiếm khi gặp gỡ nói chuyện với nhau. Tất nhiên, theo di chúc của cha, Ernest chẳng nhận được thứ gì, và chuyện này từ lâu đã được hai người ngầm hiểu với nhau rồi.

Charlotte vẫn tinh ranh như thường, thỉnh thoảng nó mời Ernest đến thăm và ở lại nhà vợ chồng nó gần Dover, tôi cho rằng con bé làm vậy bởi nó biết những lời mời của nó sẽ khiến Ernest thấy khó chịu. Mọi lá thư con bé viết đều mang giọng điệu kiêu kỳ kẻ cả, thật khó để nói thẳng nhưng lúc nào nhận thư của con bé Ernest đều có cảm giác như chúng được viết bởi một người đã được trực tiếp chuyện trò với thiên thần vậy. ‘Thật là lạ đời,’ Ernest từng bảo tôi, ‘vị thiên thần đã khiến cho Charlotte trở nên như thế này hẳn phải thật quái đản.’

‘Anh có thích ý tưởng về một vùng biển nhỏ biến động không?’ lời trong thư Charlotte gởi Ernest cách đây không lâu, ‘mỏm vách đá sẽ sớm sáng lên nhờ những cây thạch nam, cây kim tước đã không còn nữa, và khi đã xem qua ngọn đồi ở Ewell, em nghĩ là cây thạch nam sẽ nảy nở ở đây, nhưng dù có chúng hay không, vách đá vẫn luôn đẹp tuyệt vời, và nếu anh đến, em sẽ chuẩn bị sẵn một phòng ấm cúng để anh có góc nghỉ ngơi cho riêng mình. Mười chín shilling và sáu xu là giá cho vé khứ hồi với chuyến về trong vòng một tháng. Anh nên quyết định đến hay không tùy vào ý thích của anh, chỉ như thế chúng em mới có thể hy vọng sẽ cố gắng khiến cho anh vui được, và anh đừng để chuyện này làm nặng lòng mình nếu anh thấy bị ép buộc phải đến thăm chúng em như thế này.’

‘Lúc gặp ác mộng,’ Ernest nói với tôi lúc nó cười và chỉ tôi xem lá thư của em nó, ‘con mơ thấy mình đang ở trong nhà Charlotte.’

Những lá thư của con bé được cho là viết rất tốt, và tôi tin là gia đình Theobald cho rằng Charlotte có năng khiếu văn học thực sự vượt xa Ernest. Đôi lúc, chúng tôi nghĩ rằng con bé viết thư cho anh nó chỉ để nói, ‘Đây này, anh nghĩ rằng mình là người duy nhất trong nhà có thể viết văn hay sao, hãy đọc đi! Và nếu anh cần bổ sung bút pháp cho quyển sách mới của mình, thì cứ rút ra từ lá thư này tùy thích.’ Tôi dám nói rằng con bé viết rất tốt, nhưng lại bị sa vào việc lạm dụng quá nhiều những từ ‘hy vọng,’ ‘cảm thấy,’ ‘nỗ lực,’ ‘rạng rỡ,’ và ‘một ít,’ con bé gần như không thể viết một trang mà không có những từ này, thậm chí có từ được lặp lại nhiều lần. Như thế khiến cho văn phong của nó trở nên nhàm chán, đơn điệu.

Ernest vẫn đam mê âm nhạc như xưa, thậm chí còn hơn nữa, và những năm gần đây nó lấn sân qua cả mảng soạn nhạc. Nó vẫn thấy việc này khá khó khăn, và luôn gặp vấn đề khi chuyển từ cung Đô sang cung Đô thăng và không thể trở về lại cung cũ được.

‘Chuyển sang cung Đô thăng,’ nó bảo, ‘giống như thể một cô gái yếu đuối đang đi xe điện ngầm, và thấy mình bị lạc ở quận Shepherd’s Bush, mà chẳng biết nên đi về đâu. Làm sao để cô ấy an toàn về lại được nhà ga Clapham Junction? Mà kể cả nhà ga Clapham Junction cũng không đúng, bởi nó vẫn giống như quãng giáng bảy, rất dễ dẫn đến trùng âm, và rồi sẽ khiến con phải chuyển sang bất kỳ nốt kết nào có thể.’

Nói chuyện về âm nhạc khiến tôi nhớ đến một cuộc nói chuyện cách đây không lâu giữa Ernest với bà Skinner và con gái đầu của họ. Tiến sỹ Skinner đã rời Roughborough và đảm nhậm chức vụ trưởng một nhà thờ chính tòa ở miền Trung, một vị trí hợp nhất đối với ông. Khi biết ông đang ở gần nhà mình, Ernest đến thăm như một người quen cũ, và được niềm nở mời ở lại dùng bữa trưa.

Ba mươi năm trôi qua đã nhuộm trắng đôi lông mày rậm của ông, dù đầu tóc giả của ông không trắng đi nổi. Tôi tin rằng nếu không có đầu tóc đó thì thế nào ông cũng được chỉ định làm giám mục rồi.

Giọng nói và cử chỉ của ông vẫn hệt như trước, và khi Ernest chú ý thấy có một tấm bản đồ Roma treo trong phòng lớn, và buộc miệng nói về chính phủ Ý, ngài tiến sỹ đáp lại với giọng phô trương thường thấy của mình, ‘Đúng rồi, chính phủ Í[44] quốc, hay nói theo kiểu của ta là, chính phủ Í quốc.’ Sau khi thể hiện được mình, ông rít một hơi thuốc dài qua kẽ miệng và phà khói thanh thản vào hư không, đúng hệt phong cách của ông thời còn làm hiệu trưởng. Trong bữa ăn, đúng là ông có nói rằng mình ‘gần như không thể nghĩ đến bất kỳ chuyện gì khác,’ nhưng rồi ông đính chính ngay và thay bằng, ‘gần như không thể nuôi dưỡng những ý tưởng vô ích,’ có vẻ ông rất hài lòng thoải mái sau khi đã kịp chữa lời. Ernest vẫn thấy tiến sỹ đặt những tập tác phẩm quen thuộc của trên kệ sách phòng ăn, nhưng lại chẳng thấy quyển ‘Roma hay Kinh Thánh?’ ở đâu cả.

‘Và anh vẫn thích âm nhạc như trước chứ, anh Pontifex?’ cô Skinner hỏi Ernest trong bữa ăn.

‘Một số thể loại nhạc thì đúng, cô Skinner ạ, nhưng cô biết đó tôi chưa bao giờ thích nhạc hiện đại.’

‘Chẳng lẽ nó khủng khiếp lắm à? Anh không nghĩ là chính anh mới thế hay sao?’ cô còn định nói tiếp, ‘đáng ra,’ nhưng lại bỏ lửng, thấy là mình nói vậy cũng đủ rồi.

‘Tôi hẳn sẽ thích nhạc hiện đại, nếu tôi có thể, tôi đã cố cả đời để thích nó, nhưng càng thêm tuổi tôi càng thấy khó hợp với nó.’

‘Xin hỏi, anh nghĩ nhạc hiện đại bắt nguồn từ đâu’

‘Từ Sebastian Bach.’

‘Và anh không thích Beethoven à?’

‘Không, lúc còn trẻ tôi từng nghĩ là tôi thích ông ấy, nhưng bây giờ tôi biết mình chưa bao giờ thực sự thích Beethoven cả.’

‘À! Làm sao anh có thể nói vậy được chứ? Anh không thể hiểu nổi ông ấy, anh sẽ chẳng nói như thế nếu hiểu được ông. Đối với tôi chỉ cần có một bản nhạc của Beethoven là đã quá đủ. Chỉ cần như thế là tôi thấy hạnh phúc rồi.’

Ernest rất thích cái tính mạnh mẽ vốn được truyền từ cha của cô, mà cô càng lớn tuổi thì sự giống nhau di truyền này càng mạnh hơn nữa và thể hiện ra cả nơi giọng điệu nói chuyện của cô. Nó vẫn còn nhớ lời tôi kể về ván cờ tôi từng chơi với ông tiến sỹ, và giờ đây nó tưởng như đang nghe cô Skinner nói với một giọng nghe sao mà giống hệt như lời mộ chí vậy:

‘Xin phép

Có lẽ tôi sẽ lấy ngay một bản nhạc của Beethoven hay một nốt móc đôi

Từ một trong những Bài không tên của Mendelssohn’

Sau bữa ăn trưa, khi chỉ còn nó ngồi tiếp chuyện khoảng nửa giờ với tiến sỹ, Ernest đã dùng những lời tán dương hết mực khiến ông vô cùng hài lòng và khoái trá. Ông bật dậy và gật gù. ‘Những lời này,’ ông nói, với giọng điệu riêng của mình, ‘rất có giá trị với ta.’ Ernest đáp lại ngay, ‘Thưa thầy, đó chỉ là một phần nhỏ thôi trong vô vàn tình cảm mà những học sinh cũ dành cho thầy,’ và cả hai nhảy lên vui vẻ với nhau ở cuối dãy bàn ăn phía trước cánh cửa sổ màu hồng nhìn ra khu vườn nhỏ trơ trụi. Lúc này cũng đã đến giờ Ernest phải ra về, rồi vài ngày sau, tiến sỹ viết thư bảo nó rằng những nhà phê bình của nó là một σκληροι και αντιτυποι, và cũng là một ανεκπληκτοι. Ernest còn nhớ được từ σκληροι, và cũng biết những chữ còn lại có lẽ có nghĩa là tự nhiên, nên nó thấy không có gì phải thắc mắc thêm. Khoảng một hai tháng sau, tiến sỹ Skinner cũng về trời.

‘Ông ta là một ông già ngớ ngẩn, Ernest ạ,’ tôi bảo nó, ‘và con không nên động lòng vì người như thế.’

‘Con không thể cầm lòng được,’ nó đáp lại, ‘ông ấy quá già nên con thấy giống như mình đang chơi với một đứa trẻ vậy.’

Đôi khi Ernest giống hệt như những người suy nghĩ tích cực, và bắt mình làm việc quá sức, rồi lúc mệt nhoài có vài lần nó gặp thấy tiến sỹ Skinner và Theobald trách móc mắng nhiếc nó trong mơ, nhưng ngoài điều này ra thì hai người này chẳng còn làm phiền gì nó được nữa.

Đối với tôi, Ernest hệt như một đứa con trai, và thậm chí còn hơn nữa. Đôi khi, ví dụ như lúc nói chuyện về những quyển sách của nó, tôi hơi lo rằng tôi đã cư xử với nó quá giống một người cha, và như thế là hơi quá so với vai trò của mình, nhưng nếu có như vậy thì tôi tin là nó sẽ bỏ quá cho tôi. Những quyển sách của nó là thứ duy nhất mà hai chúng tôi không đồng thuận với nhau. Tôi muốn nó viết giống như những người khác, và đừng xúc phạm quá nhiều độc giả, nhưng nó bảo rằng văn phong cũng hệt như màu tóc của nó, không thể đổi được, và nó phải viết như thế hoặc chẳng viết gì cả.

Với toàn thể cộng đồng, nó không được ưa thích cho lắm. Người ta thừa nhận nó có tài năng nhưng lại thường xem đó là một dạng tài năng lạ thường không thiết thực, và dù nó có viết nghiêm túc đến thế nào đi nữa, vẫn cứ bị xem là đang nói đùa mà thôi. Quyển sách đầu tiên của nó đã thành công nhờ những nguyên do mà tôi đã nói ở trên, nhưng những quyển sau lại hoàn toàn thất bại. Nó là một trong số những kẻ mang vận rủi, cứ mỗi quyển sách trình làng, ngay lập tức bị các nhà phê bình châm chích và chế nhạo, nhưng lại trở thành một ‘tác phẩm tuyệt vời’ ngay khi một quyển sách khác xuất hiện và thay thế vào vị trí tội nghiệp của quyển sách trước.

Suốt cả đời nó chẳng bao giờ mời một nhà phê bình nào dùng bữa với mình. Tôi đã nói mãi với nó rằng làm vậy là rất dại dột, nhưng rồi tôi nhận thấy đây lại là những lời duy nhất từ miệng tôi có thể khiến nó nổi cơn tam bành.

‘Thứ có thể có giá trị với con là,’ nó nói, ‘liệu người ta có đọc sách của con hay không? Người ta có thể phải bận tâm đến chuyện thăng tiến danh vọng, nhưng con có quá nhiều tiền rồi nên chẳng cần thêm nữa, và nếu sách của con có gì đó thì dần dần nó sẽ tự bộc lộ ra. Con không biết và cũng chẳng bận tâm nhiều xem thử chúng hay dở thế nào. Liệu một người đúng mực sẽ nghĩ thế nào về tác phẩm của chính mình đây? Có một số người viết những tác phẩm ngu ngốc nằm trong số những kẻ mới cầm bút và những kẻ xoàng xĩnh hạng ba. Tại sao con lại phải phàn nàn vì bị xếp chung với hạng xoàng đó? Nếu một người hoàn toàn không tầm thường, thì hãy cứ mừng vì như vậy đi, ngoài ra, một ngày nào đó, những quyển sách sẽ phải tự thân khẳng định giá trị của chúng, và ngày đó đến càng sớm càng tốt.’

Cách đây không lâu, tôi đã nói chuyện với nhà xuất bản của nó. ‘anh Pontifex,’ ông ta nói, ‘là một homo unius libri, người cả đời chỉ có được một quyển, nhưng chẳng ích gì khi nói với anh ta chuyện này.’

Tôi có thể thấy được nhà xuất bản này đã không còn tin tưởng vào vị thế văn đàn của Ernest nữa, và ông xem nó là một kẻ chỉ có thất bại mà thôi bởi đã dám làm một hành động quá bạo gan. ‘anh ấy rất đơn độc, ông Overton ạ,’ nhà xuất bản nói tiếp. ‘anh ấy chẳng có đồng bạn gì hết, và lại gây thù chuốc oán không chỉ với giới tôn giáo, mà còn với cả giới văn học và khoa học. Ngày nay chẳng ai làm thế cả. Nếu một người muốn thăng tiến, thì anh ta phải thuộc một nhóm nào đó, mà anh Pontifex chẳng thuộc nhóm nào, thậm chí cũng chẳng tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào nữa.’

Tôi đáp lời ông ta rằng, ‘anh Pontifex rất giống Othello, chỉ có một điểm khác, đó là kiểu căm ghét của anh ấy không khôn ngoan nhưng rất đúng đắn. Và nếu như có quen biết với những người tai to mặt lớn trong ngành văn học và khoa học, hẳn anh ấy cũng chẳng thích thú gì họ, giữa anh Pontifex và họ chẳng mối liên kết tự nhiên nào cả, và nếu như anh ấy có quan hệ với họ thì kết cục sẽ còn tệ hại cho anh ấy hơn lúc đầu nữa. Bản năng mách bảo anh ấy làm như thế, cho nên anh tránh xa hết thảy bọn họ, và công kích bất cứ lúc nào thấy họ đáng phải chịu như thế. Tôi vẫn hy vọng rằng có lẽ thế hệ trẻ sẽ lắng nghe anh ấy hơn thế hệ này.’

‘Tôi chẳng biết liệu có ý nghĩ nào khinh suất và bất khả thi hơn những gì ông vừa nói hay không nữa.’ nhà xuất bản bảo với tôi như thế.

Còn lời đáp của Ernest cho tất cả những chuyện này chỉ có một – ‘Chờ xem.’

Đó là bước tiến mới nhất anh bạn nhỏ của tôi vừa đạt được. Thật sự thì lúc này nó sẽ chẳng cố gắng để lập một cái trường Đại học Bệnh học Phần hồn nữa đâu, nhưng tôi phải để cho các bạn quyết định xem liệu có sự tương đồng nào giữa một Ernest của cái Đại học Bệnh học Phần hồn đó với một Ernest cương quyết nhắm đến thế hệ kế tiếp hơn thế hệ hiện tại này hay không. Nó bảo rằng nó tin chắc không có mối tương đồng nào đâu, và mỗi năm nó rước mình Thánh chỉ một lần để vừa đủ tránh rắc rối, bởi nó e sợ nếu đi nhiều thì sẽ lại bốc đồng lao vào một ý tưởng nào đó khác nữa. Làm như thế khiến nó mệt mỏi, nhưng đôi lúc nó bảo tôi, ‘chẳng người nào có được một ý tưởng đáng để được người ta giữ lấy trừ phi anh ta biết cách chối bỏ chúng dễ dàng và nhẹ nhàng vì đức mến.’ Về chính trị, nó quá thiên về phái Bảo thủ, và ủng hộ cả về lá phiếu lẫn quyền lợi. Còn về tất cả những mặt khác, nó là một người cấp tiến hàng đầu. Cha và ông nội của nó đúng là sẽ chẳng thể hiểu nổi chút suy nghĩ nào của nó đâu, nhưng chính những người thân thiết với nó cũng không hề biết rằng trong thâm tâm họ đang mong nó sống thật khác đi so với bản chất thực sự của chính nó.

Bình luận