Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 2 – Chương 3

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Ở cuộc đi điểm binh về, Kutuzov cùng đi với viên tướng Áo vào phòng giấy của mình và gọi sĩ quan phụ tá bảo mang liền giấy tờ và tình hình các đơn vị mới đến, đồng thời với những văn thư mới nhận được của đại công tước Ferdinand, chỉ huy đạo tiền quân. Công tước Andrey Bolkonxki bước vào phòng làm việc với những giấy tờ mà chủ tướng yêu cầu. Kutuzov và viên Ngự tiền tham dự đang ngồi trước một bản đồ trải ra trên bàn.

– À! – Kutuzov ngoảnh về phía Andrey nói, như muốn bảo viên sĩ quan phụ tá hẵng chờ đã, đoạn nói tiếp câu chuyện bằng tiếng Pháp.

– Tôi chỉ có thể nói một điều, thưa lướng quân, – Kutuzov nói, lời lẽ cũng như giọng điệu đều trang nhã dễ ưa, làm cho người đối thoại phải lắng nghe, từng tiếng nói đủng dỉnh của ông buông ra. Rõ ràng Kutuzov cũng cảm thấy thú trong khi tự nghe mình nói:

– Thưa tướng quân tôi chỉ có thể nói một điều, là giả sử tôi được xử sự theo ý kiến của riêng tôi, thì ý muốn của Hoàng đế Franxt đã được thực hiện từ lâu rồi. Và xin ngài tin vào lời nói danh dự của tôi: đối với cá nhân tôi, nếu được trao lại quyền tư lệnh tối cao cho một trong những vị tướng có tài lược hơn tôi thật là một điều sở nguyện, vì tôi sẽ được thoát khỏi một trách nhiệm nặng nề. Nhưng thưa tướng quân, tình thế có thể vượt lên trên chúng ta.

Và Kutuzov cười mỉm tựa hồ như muốn nói: “Ông hoàn toàn có quyền không tin tôi, mà ông có tin hay không tôi cũng không cần, nhưng ông không có một cớ gì để nói thế. Và chính đó mới là điều quan trọng”.

Viên tướng Áo có vẻ không bằng lòng nhưng cũng không thể không trả lời: Kutuzov, cũng một kiểu như ông ta.

– Trái lại, – viên tướng Áo nói, vẻ mặt cau có bực tức, không ăn nhập với cách dùng từ ngữ tôn kính trong lời nói – trái lại đức Hoàng đế rất coi trọng sự tham gia cao cả của ngài trong sự nghiệp chung của cả hai nước, nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự trì hoãn này làm cho quân đội vinh quang của quý quốc và các vị tướng tá của quân đội ấy mất cơ hội để thu những chiến công rực rỡ mà họ vẫn thường thu đựơc ở trên các chiến trường, – câu kết thúc này hiển nhiên là đã sắp sẵn từ trước.

Kutuzov nghiêng mình, nhưng nụ cười của ông không thay đổi:

– Về phần tôi thì tôi tin chắc, và căn cứ vào bức thư mà tôi vừa có cái vinh dự được nhận của Đại công tước Ferdinand điện hạ, tôi lại được biết rằng quân đội của quý quốc, dưới sự chỉ huy tài cán như Mack, đã thu được một thắng lợi quyết định và không cần đến sự giúp sức của chúng tôi nữa – Kutuzov nói.

Viên tướng Áo cau mày, mặc dầu chưa có tin chính thức nào xác nhận rằng quân Áo đã bại trận, nhưng có rất nhiều dấu hiệu phù hợp với những tiếng đồn bất lợi đang lan đi khắp nơi, vì vậy nhận định của Kutuzov về thắng lợi của người Áo nghe hệt như lời mia mai. Nhưng Kutuzov vẫn mỉm cười điềm đạm, vẻ mặt vẫn tỏ ra rằng ông ta có lý do để nhận định như vậy. Là bức thư mới nhận được của đạo quân do Mack chỉ huy đã báo tin thắng trận và đã trình bày rằng tình thế chiến lược của đạo quân là rất thuận lợi.

– Này anh đưa bức thư ấy cho tôi, – Kutuzov quay về phía công tước Andrey nói – Xin ngài hãy xem, – Ông nói với nụ cười ngạo nghễ trên môi và đọc cho tướng Áo đoạn sau đây trong bức thư của đại công tước Ferdinand viết bằng tiếng Đức:

“Chúng tôi hiện có trong tay những lực lượng tập trung ngót 70.000 người, do đó, nếu quân địch qua sông Lech chúng tôi có thể tấn công và đánh bại nó. Vì đã làm chủ được thành Ulm, chúng tôi giữ vững được ưu thế do việc làm chủ được hai bờ sông Đonao; như vậy, nếu quân địch không qua sông Lech chúng tôi có thể, bất cứ lúc nào, vượt qua sông Đonao, công kích những con đường giao thông của nó, rồi vượt lại sông Đonao ở phía dưới, và nếu địch định huy động hết lực lượng của nó đánh thẳng vào quân đội đồng minh trung thành của chúng tôi thì sẽ phá tan mưu đồ đó của địch. Vậy chúng tôi sẽ an tâm chờ đợi quân đội hoàng gia của quý quốc trang bị xong và khi ấy hai quân chúng ta dễ dàng cùng nhau tìm được cơ hội để dành cho quân địch cái số phận thích đáng”.

Kutuzov thở dài sau khi đọc xong câu văn tràng giang đại hải ấy, rồi chãm chú và dịu dàng nhìn viên ngự liền tham nghị.

– Thế nhưng, thưa đại nhân, chắc ngài cũng biết câu cách ngôn chí lý “phải tiên liệu sự không may”, – viên tướng Áo nói, rõ ràng muốn chấm dút sự đùa bỡn và đi thẳng vào vấn đề.

Nói xong, ông ngoảnh nhìn một cách bực bội về phía viên sĩ quan phụ tá.

– Xin tướng quân cho phép, – Kutuzov ngắt lời và cùng ngoảnh nhìn về phía công tước Andrey.

– A, anh bạn, đi ra hỏi Kozlovxki cho tôi tất cả bản tình báo của thám tử. Đây, hai bức thư của bá tước Noxtitx; đây, bức thư của Đại công tước Ferdinand điện hạ; đây còn nhiều thư khác nữa – Ông ta vừa nói vừa trao đổi những giấy tờ ấy – Anh sẽ dựa theo đó mà thảo ra cho thật rành mạch, bằng tiếng Pháp, một bảng memrandum(1), một bản bị vong lục nêu rõ những tin tức mà chúng ta đã nhận được về những cuộc hành quân của bộ đội áo Anh hiểu ý tôi chứ? Xong rồi anh sẽ trình bày lên đại nhân đây.

Công tước Andrey nghiêng đầu để tỏ ý mình đã hiểu ngay từ đầu, không những hiểu những điều Kutuzov đã diễn đạt ra thành lời nói mà hiểu cả những điều Kutuzov không tiện nói ra.

Chàng thu nhặt giấy tờ và, sau một cái chào chung, trở gót ra phòng khách, bước đi im lặng trên tấm thảm.

Tuy công tước Andrey rời nước Nga chưa được bao lâu, nhưng chàng đã thay đổi nhiều. Trong vẻ mặt, trong cử chỉ, trong dáng đi của chàng, không còn dấu vết gì của vẻ cầu kỳ, uể oải và lười biếng như trước kia nữa. Chàng khiến cho mọi người có ấn tượng chàng là một người không có thì giờ để nghĩ đến cảm tưởng của người khác đối với mình, là một người đang mải làm một công việc lý thú và đáng quan tâm. Vẻ mặt của chàng tỏ ra rằng, đối với mình cũng như đối với người khác, chàng thấy hài lòng hơn trước; nụ cười và khoé nhìn của chàng đã trở nên vui vẻ và hấp dẫn hơn.

Chàng đuổi kịp Kutuzov ở Ba Lan, ông ta tiếp chàng một cách niềm nở và hứa sẽ lưu ý đến chàng; ông ta có biệt nhãn với chàng trong bọn các sĩ quan phụ tá của ông; cho chàng đi đến Viên, và giao cho chàng những sự vụ quan trọng. Từ Viên, Kutuzov đã từng gửi thư cho người bạn đồng sự thuở xưa của mình là ông thân sinh của công tước Andrey, trong thư có viết: “Con bác có thể trở thành một sĩ quan xuất chúng vì sức làm việc, tính cương nghị và cần mẫn của cậu. Tôi lấy làm sung sướng được một viên thuộc hạ như thể”.

Trong bộ tham mưu của Kutuzov, giữa bọn đồng liêu, hay là trong quân đội nói chung, cũng như trong xã hội thượng lưu ở Peterburg, đối với công tước Andrey, có hai dư luận hoàn toàn trái ngược nhau. Một số ít người thì xem chàng như một con người đặc biệt, khác hẳn họ và khác tất cả mọi người, họ kỳ vọng cho chàng những thành công rực rỡ, họ nghe lời chàng hâm mộ chàng và bắt chước chàng; khi đối xử với những người ấy chàng tỏ ra giản dị và nhã nhặn. Còn phần đông thì không ưa chàng, cho chàng là kênh kiệu lạnh lùng và khó chịu. Nhưng đối với những người ấy, chàng biết cách tự đặt mình vào một vị trí buộc họ phải kính nể chàng, thậm chí phải sợ chàng nữa.

Rời khỏi phòng của Kutuzov, công tước Andrey đã cầm giấy tờ trong tay, bước vào phòng đợi và đến gặp người đồng sự là Kozlovxki, sĩ quan phụ tá trực nhật, đang cầm cuốn sách ngồi bên cửa sổ.

– Thế nào, công tước? – Kozxlovxki hỏi.

– Tôi được sai thảo một bản vị vong lục về những lý do khiến cho chúng ta không tiến quân.

– Những lý do gì thế?

Công tước Andrey nhún vai.

– Không có tin gì về Mack à? – Kozxlovxki hỏi.

– Không.

– Nếu quả thực hắn thua trận thì đã có tin tức đưa về rồi.

– Chắc hẳn như thế – công tước Andrey nói, đoạn bước về phía cửa ra ngoài.

Nhưng cũng trong lúc ấy một viên tướng người Áo, cao vóc, mặc áo đuôi én, trên đâu quấn băng đen và đeo huân chương Mayra Therera ở cổ, rõ ràng là ở xa mới đến, bước vào và đóng cửa đánh sầm một cái.

– Tổng tư lệnh Kutuzov? – Viên tướng Áo hỏi rất nhanh với giọng nói rất nặng của người Đức, trong khi nhìn nhanh một lượt và đi thẳng đến cửa phòng làm việc.

– Tổng tư lệnh đang bận – Kozxlovxki vừa nói vừa đi nhanh đến cạnh viên tướng lạ mặt để ngăn lối đi – xin cho biết tên để tôi báo trước.

Viên tướng Áo khinh bỉ, đưa mắt nhìn Kozxlovxki từ đầu đến chân (Kozxlovxki vốn thấp người), có vẻ như lấy làm lạ không hiểu tại sao người ta lại không biết mình là ai.

– Tổng tư lệnh đang bận – Kozxlovxki điềm nhiên nhắc lại một lần nữa.

Viên tướng cau mày, hai môi mím chặt và rung rung. Ông ta rút ra một cuốn sổ tay, lấy bút chì quẹt mấy chữ, xé ra một tờ, đưa cho viên sĩ quan trực nhật rồi bước mau đến cửa sổ, ngồi phịch xuống ghế và nhìn những người ngồi xung quanh như muốn hỏi tại sao họ lại nhìn mình? Rồi ông ta ngẩng đầu lên, duỗi cổ ra như cách sắp nói gì, nhưng tức thời lại phát ra một âm thanh gì rất lạ, mới nghe có thể tưởng ông ta lơ đễnh, cất tiếng hát ư ử trong miệng một mình, nhưng vừa bắt đầu đã bị tắc giọng ngay. Vừa lúc ấy cửa phòng giấy mở ra và Kutuzov xuất hiện trong khung cửa. Cúi mình xuống để tránh một cái gì nguy hiểm, viên tướng đầu quấn băng đến trước mặt ông, với những bước rất dài và rất nhanh, bằng đôi chân gầy gò.

– Trước mặt ngài là tướng Mack bất hạnh! – viên tướng nói giọng lạc đi.

Kutuzov đứng trong khung cửa một lúc, bộ mặt hoàn toàn bất động. Rồi một nếp nhăn chạy nhanh trên khuôn mặt ấy như một làn sóng, vầng trán dãn ra; ông ta nghiêng mình cung kính, nhắm mắt lại lặng lẽ đứng nép mình cho Mack đi qua rồi đóng cửa cùng vào.

Cái tin đồn đã được truyền bá từ trước về sự bại trận của quân Áo và sự đầu hàng của toàn bộ quân đội dưới thành Ulm hoá ra là một tin xác thực. Nửa giờ sau, các viên sĩ quan phụ tá xuất phát về các ngả, mang theo những mệnh cho biết rằng bộ đội Nga, cho đến nay chưa hề tham chiến, không lâu nữa sẽ chạm trán với quân địch.

Công tước Andrey là một trong những sĩ quan hiếm có ở bộ tham mưu quan tâm chủ yếu đến đại thể của chiến cuộc. Sau khi thấy tướng Mack và được biết mọi chi tiết về trận đại bại của ông ta, công tước hiểu rằng chiến dịch này đã hỏng mất một nửa, hiểu hết cái tình thế khó khăn của các đạo quân Nga và hình dung được một cách nhanh chóng cái tình huống khó khăn sau này của quân đội và cái vai mà mình sẽ đóng trong tình cảnh đó. Mặc dù không muốn, công tước Andrey cũng cảm thấy một niềm vui khiến chàng xúc động mạnh khi nghĩ đến nỗi sỉ nhục giáng xuống đầu nước Áo kiêu căng kia, và khi nghĩ rằng, trong tám ngày nữa, mình có thể được mục kích và được tham gia cuộc giao chiến đầu tiên kể từ thời Xuvorov, giữa quân Nga và quân Pháp. Trong khi lo ngại rằng cái thiên tài của Buônapáctê có thể thắng được quân Nga anh dũng, đồng thời chàng cũng lại không thể chấp nhận rằng người anh hùng của mình lại phải thất bại.

Lòng bồi hồi xúc động vì những ý nghĩ ấy, công tước Andrey trở về phòng riêng để viết thư cho cha, như công tước hàng ngày vẫn làm. Trong hành lang, công tước bắt gặp Nexvitxki, người cùng ở một phòng với chàng, và Zerkov, anh chàng hay pha trò; cũng như thường lệ, hai người đang cười cợt với nhau.

– Sao cậu có vẻ ảm đạm thế? – Nexvitxki hỏi khi trông thấy bộ mặt xanh nhợt và đôi mắt sáng quắc của công tước Andrey.

– Có gì đáng mừng đâu! – Bolkonxki đáp.

Trong khi công tước Andrey bắt đầu gặp Nexvitxki và Zerkov thì thấy Straukh, một tướng Áo được biệt phái sang bộ tham mưu của Kutuzov để đôn đốc cho quân Nga, và một uỷ viên của viện Ngự tiền quân sự tham nghị, (cả hai đều vừa mới đến hôm trước) khách hàng đang từ phía cuối hành lang đi về phía họ. Bề rộng của dãy hành lang đủ cho hai viên tướng quân và ba viên sĩ quan gặp nhau trên một hàng; nhưng Zerkov lấy tay đẩy Nexvitxki và nói thều thào:

– Họ kia rồi… Họ kia rồi… tránh ra, để cho họ đi, tôi van các ngài, để cho họ đi!

Hai viên tướng tới gần, rõ ràng có ý muốn tránh những lễ nghi có thể làm họ ngượng ngùng. Trên gương mặt của chàng Zerkov hay bỡn cợt bỗng hiện lên một nụ cười hớn hở và ngờ nghệch mà hình như anh ta không chịu nổi.

– Kính thưa đại nhân, – anh ta lên tiếng và dùng tiếng Đức nói với viên tướng Áo. – Tôi hân hạnh chúc mừng ngài.

Anh ta cúi đầu chào hai viên tướng một cách vụng về, đập mạnh gót giầy hết chân này đến chân kia, giống như trẻ con mới học khiêu vũ.

Viên Ngự tiền tham nghị đưa mắt nhìn anh ta một cách nghiêm khắc, nhưng khi thấy vẻ thành tâm trong nụ cười ngờ nghệch của anh ta, ông thấy không thể không chú ý một phút. Ông nheo mắt lại để ra hiệu rằng mình sẵn sàng nghe chuyện.

– Tôi hân hạnh chúc mừng ngài, Mack tướng quân đã đến, tướng quân rất mạnh khoẻ, chỉ có một điều là tướng quân bị đau ở chỗ này một tí, – Zerkov nói thêm, miệng nở nụ cười tươi sáng, tay chỉ vào đầu mình.

Viên tướng cau mày, ngoảnh mặt ra phía khác rồi bỏ đi.

– Gott, wie naiv – Ông ta nói một cách cáu kỉnh sau khi đã đi xa mấy bước.

Nexvitxki ôm chầm lấy công tước Andrey và cười ha hả, nhưng Bolkonxki tái mặt đi, vẻ giận dữ hiện rõ trên mặt, chàng đẩy anh ta ra và nghoảnh về phía Zerkov. Thấy thảm trạng của Mack, nghe thấy tin bại trận của ông ta, lại nghĩ đến cái cảnh huống sau này của quân đội Nga, công tước lâm vào tình trạng thần kinh khích động rất khó chịu, lộ ra ngoài thành một nỗi căm giận đổ dồn vào trò đùa không đúng chỗ của Zerkov.

– Nếu ngài muốn làm thằng hề, thì tôi cũng không ngăn cấm được, chàng nói, giọng đanh và sắc, hàm dưới khẽ rung rung, – nhưng tôi cũng xin nói ngay với ngài rằng nếu một lần nữa ngài còn dám làm trò trước mặt tôi, tôi sẽ dạy cho ngài biết cách cư xử!

Nexvitxki và Zerkov kinh ngạc trước cơn giận dữ bất ngờ này đến nỗi cả hai cứ lặng người đi trợn tròn mắt nhìn Bolkonxki.

– Thì sao, tôi chúc mừng họ chứ sao? – Zerkov nói.

– Tôi không nói đùa, xin ông im ngay – Bolkonxki quát lên và khoác tay Nexvitxki đi ra, để mặc Zerkov đứng đực ra đấy, chẳng biết đối đáp ra làm sao nữa.

– Thôi cậu, cậu làm sao thế? – Nexvitxki nói cho công tước nguôi giận.

– Sao, tôi lam sao à? – Andrey nói đoạn dừng lại vì quá xúc động – Anh cũng lên hiểu rằng hoặc chúng ta là những viên sĩ quan để phụng sự Sa – hoàng, phụng sự Tổ quốc, thì chúng ta chỉ biết vui mừng vì những thắng lợi chung, buồn tủi vì những thất bại chung; hoặc chúng ta chỉ lam đứa gia nô chẳng biết đoái hoài gì đến công việc của chủ. Bốn vạn người bị sát ngại, quân đội của bạn đồng minh lan vỡ, thế mà anh cho đó là một câu chuyện để cười?

Chàng nói câu ấy bằng tiếng Pháp, như để làm tư tưởng của mình mạnh thêm:

– Đối với một thằng chẳng ra sao, như cái đưa mà anh ta kết làm bạn ấy, thì được, nhưng đối với anh thì không được, không thể được, chỉ có những đứa “nhãi ranh” mới chơi thế? Chàng nói thêm bằng tiếng Nga, phát âm chữ “nhãi ranh” bằng giọng Pháp, vì chàng nhận thấy Zerkov còn có thể nghe rõ tiếng chàng nói.

Chàng chờ xem viên thiếu uý có đáp lại không. Nhưng hắn quay ngoắt đi và ra khỏi hành lang

Chú thích:

(1) Bị vong lục

Chọn tập
Bình luận