Suốt ngày hai mươi lăm tháng Tám hôm ấy, theo lời các sử gia của Napoléon, ông ta cưỡi ngựa đi quan sát trận địa, thảo luận về những kế hoạch do các thống chế đệ trình và thân hành ra mệnh lệnh cho các tướng.
Chiến tuyến đầu tiên của quân đội Nga chạy dọc theo con sông Kolotsa đã bị phá vỡ, và một bộ phận của chiến tuyến này, tức là cánh trái, bị kéo lui về phíá sau vì cứ điểm Sevardino đã bị chiếm ngày hai mươi lăm tháng tám. Bộ phận này của chiến tuyến không có công sự, không được con sông yểm hộ, trước mặt nó chỉ có một khoảng đất trống và bằng phẳng. Một điều hiển nhiên đối với mọi người bất luận có là quân nhân hay không, là thế nào quân Pháp cũng phải tấn công vào bộ phận này của chiến tuyến. Hình như không cần phải suy nghĩ nhiều mới hiểu được điều này, không cần hoàng đế và các vị thống chế phải lo lắng, phải đi về nhiều như vậy và càng không cần phải có một bản lĩnh đặc biệt cao cường mà người ta gọi là thiên tài, như thiên hạ thường gán cho Napoléon nhưng các sử gia về sau kể lại biến cố này, những người lúc bấy giờ ở xung quanh Napoléon và bản thân ông ta, thì lại nghĩ khác.
Napoléon cưỡi ngựa đi trên trận địa đưa mắt nhìn lại địa, hình, trầm ngâm suy nghĩ, gật đầu tỏ ý tán thành hay ngờ vực, không nói cho các tướng biết quá trình suy nghĩ sâu sắc đã chỉ đạo những quyết định của ông, mà chỉ đưa ra những kết luận cuối cùng dưới hình thức những mệnh lệnh. Sau khi nghe Davu bây giờ là quận công Ekmuyn, bàn là cần phải bao vây cánh trái quân Nga, Napoléon bảo không nên làm như vậy, nhưng cũng không cắt nghĩa tại sao lại không nên như vậy khi nghe tướng công Compăng (ông ta có nhiệm vụ tấn công vào các công sự hình mũi tên) đề nghị cho sư đoàn của mình đi xuyên qua rừng, Napoléon tán thành, mặc dù thống chế Ney, bây giờ gọi là quận công Elkhingen, đã dám có ý kiến rằng cuộc hành quân qua rừng có thể nguy htểm và làm cho sư đoàn bị tan rã.
Sau khi đã quan sát trận địa trước mặt cứ điểm Sevardino, Napoléon im lặng suy nghĩ một lát rồi chỉ những nơi mà ngày mai cần phải đặt hai đội pháo bắn vào các công sự và những nơi cần phải bố trí đã pháo ở bên cạnh. Sau khi ra những mệnh lệnh này và thêm mấy mệnh lệnh khác nữa, ông quay trở về doanh trường và đọc cho sĩ quan hành dinh viết bản kế hoạch tác chiến.
Bản kế hoạch đã được các sử gia Pháp nói đến một cách hân hoan và những sử gia khác nói đến với một lòng sùng kính sâu sắc ấy như sau:
“Từ tảng sáng, hai đội pháo mới đã được bố trí từ lúc ban đêm trên cánh đồng do công tước Ekmuyl chiếm giữ sẽ bắt đầu nã súng vào hai đội pháo đối diện của quân địch.
Đồng thời, tướng Pernetly chỉ huy pháo binh của quân đoàn thứ nhất với ba mươi khẩu pháo của sư đoàn Compăng và tất cả những khẩu lựu pháo của sư đoàn Dexer và Friăng sẽ tiến về phía trước và nã tạc đạn vào pháo của địch.
Như thế quân địch sẽ phải chống lại với:
Hai mươi bốn khẩu của đội pháo binh cận vệ.
Ba mươi khẩu của sư đoàn Compăng
Tám khẩu của các sư đoàn Friăng và Dexxe.
Tổng cộng sáu mươi hai khẩu.
Tướng Fuse tư lệnh pháo binh của quân đoàn thứ ba sẽ bố trí tất cả những khẩu lựu pháo của quân đoàn thứ ba và thứ tư, cả thảy có mười sáu khẩu xung quanh đội pháo nhằm đánh vào đồn luỹ bên trái, như thế là tổng cộng có bốn mươi khẩu pháo bắn vào trận địa pháo này.
Tướng Xobie cần phải sẵn sàng hễ khi có lệnh là chuyển ngay tất cả những khẩu lựu pháo của đội pháo binh cận vệ công kích vào cứ điểm này hay cứ điểm khác của địch.
Trong khi pháo kích, công tước Ponyatovxki sẽ tiến về phía làng, xuyên qua rừng vây bọc trận địa của địch.
Tướng Compăng sẽ đem quân ra rừng để chiếm lấy công sự đầu tiên. Trong khi khởi chiến theo cách thức nói trên, sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ra mệnh lệnh.
Pháo ở sườn trái sẽ khai hoả khi nghe tiếng pháo nã vào cánh phải. Sư đoàn xạ thủ của Morăng và sư đoàn của phó vương sẽ khai hoả dữ dội khi thấy cuộc tấn công vào cánh phải đã bắt đầu.
Phó vương sẽ chiếm làng và vượt qua sông, qua ba cái cầu, đến một cao điểm cùng với các sư đoàn của Morăng và Zerar, dưới quyền chỉ huy của phó vương những sư đoàn này sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập của địch và làm thành một tuyến với những đạo quân khác của toàn quân.
Tất cả những điều này cần phải được thực hiện một cách có trật tự có quy củ trong khi vẫn hết sức duy trì quân dự bị.
Viết tại doanh trướng của hoàng đế.
Mozaisk ngày mồng sáu tháng chín năm 1812″.
Bản kế hoạch tác chiến viết một cách mập mờ và rắc rối – nếu chúng ta được phép phát biểu về những mệnh lệnh của Napoléon mà không có cái tâm lý sợ hãi đầy tính chất tôn giáo đối với thiên tài của ông ta. Nó gồm bốn điểm, bốn điều khoản, nhưng không có điều khoản nào có thể thực hiện và thực hiện được.
Trong bản kế hoạch tác chiến trước hết có nói rằng: Những đội pháo bố trí ở những điểm do Napoléon chỉ định cùng với những khẩu pháo của Perrtt và Fuse có nhiệm vụ bố trí bên cạnh nó, thành một hàng, tất cả là một trăm linh hai khẩu, phải khai hoả và nã tạc đạn vào các công sự hình mũi tên và các hoả điểm biệt lập hình ngũ giác của Nga. Điều đó không thực hiện được bởi vì từ những địa điểm do Napoléon chỉ định tạc đạn không bắn tới những công sự Nga được và một trăm linh hai khẩu này sẽ bắn vu vơ cho đến khi một viên chỉ huy cấp dưới, trái với lệnh của Napoléon sẽ ra lệnh đưa nó về phía trước.
Điều khoản thứ hai là: Ponyatovxki sẽ xuyên qua rừng tiến về phía làng để bao vây cánh trái của quân Nga. Mệnh lệnh này không thể thực hiện và cũng không hề được thực hiện, bởi vì khi Ponyatovxki đi qua rừng, bao vây làng thì gặp phải Tutskov chặn đường nên không thể vây bọc, và thực tế đã không vây bọc trận địa quân Nga.
Điều khoản thứ ba là: Tướng Compăng sẽ liên vào rừng để chiếm lĩnh công sự đầu tiên. Sư đoàn của Compăng không chiếm được công sự đầu tiên, trái lại đã bị đánh lùi, bởi vì khi ra khỏi rừng nó phải đứng lại trước làn đạn ria của quân Nga, điều mà Napoléon không đoán trước được.
Điều khoản thứ tư là: Phó vương sẽ chiếm lấy làng (Borodino) và vượt qua ba cái cầu để qua sông rồi lên cao điểm cùng với hai sư đoàn của Morăng là Friăng (đây không thấy nói gì về khoản hai sư đoàn này tiến về phía nào và lúc nào Những sư đoàn này dưới quvền chỉ huy của phó vương sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập và lập thành một tuyến với các đạo quân khác.
Như người ta có thể hiểu nếu căn cứ vào những cố gắng phó vương để thực hiện những mệnh lệnh được giao phó, chứ không phải căn cứ vào câu văn dài dòng vô nghĩa ở trong văn bản, thì ông ta có nhiệm vụ tiến quân qua Borodino đánh vào phía trái cứ điểm biệt lập trong khi hai sư đoàn của Morăng và Friăng sẽ phải đồng thời tiến đánh vào phía trước mặt. Cũng giống như các điều khoản khác của bản kế hoạch, tất cả những điều trên đây đều không hề được thực hiện mà cũng không thể thực hiện được.
Sau khi vượt qua Borodino, phó vương bị đánh bật lại trên sông Kolotsa và không tiến được nữa. Còn hai sư đoàn Morăng và Friăng thì cũng bị đánh lui mà không chiếm được hoả điểm. Trái lại, khi trận đánh kết thức, hoả điểm này lại do kỵ binh chiếm lĩnh, điều này hình như Napoléon không hề dự kiến và không hề có ai ngờ được.
Như vậy, trong tất cả các điều khoản không có điều khoản nào được thực hiện. Trong bản kế hoạch tác chiến lại nói rằng sau khi khai hoả sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ban bố mệnh lệnh, vì vậy người ta có thể tưởng rằng trong lúc chiến đấu tất cả những mệnh lệnh cần thiết đều do Napoléon ban bố, nhưng điều đó không hề xảy ra và không thể xảy ra được, vì trong suốt thời gian chiến đấu Napoléon ở xa chiến trường đến nỗi không thể biết quá trình diễn biến của trận đánh ra sao (điều này sau sẽ thấy rõ) và không có mệnh lệnh nào của ông được thực hiện trong thời gian tác chiến.