Điều duy nhất đôi khi làm cho Nikolai bị dằn vặt khổ sở trong công việc điền trang của chàng là cái tính nỏng nảy kết hợp với cái thói hay đánh người ngày xưa của một sĩ quan phiêu kỵ. Lúc đầu chàng đều thấy đó chẳng có gì đáng chê trách, nhưng chàng lấy vợ được một năm thì cách nhìn của chàng đối với lối trừng phạt ấy bỗng thay đổi.
Một hôm vào mùa hạ, chàng sai gọi viên thôn trưởng đã thế chân mồ ma lão Dron từ Bogutsarovo đến. Hắn bị báo là ăn cắp và làm việc cẩu thả, Nikolai ra gặp hắn ở trước thềm, và hắn mới trả lời được mấy câu thì ngoài hiên đã nghe những tiếng kêu la và tiếng đấm huỳnh huỵch. Khi trở về nhà ăn trưa, Nikolai đến cạnh vợ đang ngồi cúi đầu bên trước khung thêu.
Chàng bắt đầu kể lại theo như thường lệ những việc chàng đã làm lúc ban sáng và nhân thể nhắc đến viên thôn trưởng ở Bogutsarovo. Bá tước phu nhân Maria mặt đỏ bừng lên rồi lại tái xanh đi, hai môi mím chặt, vẫn ngồi cúi đầu như cũ không đáp lấy một lời.
– Thằng khốn nạn thật là láo xược! – chàng nói, chỉ nhớ lại thôi mà chàng cũng đã nổi nóng – Giá nó nói với tôi là nó say rượu, là nó chẳng nhìn thấy cái gì cả. Kìa Maria em làm sao thế? – Chàng bỗng hỏi.
Bá tước phu nhân Maria ngẩng đầu lên, định nói điều gì nhưng lại vội cúi xuống, môi mím chặt.
– Việc gì thế em? Em làm sao thế? Em của anh.
Tuy không có nhan sắc, bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng đẹp hẳn lên khi nàng khóc. Nàng không bao giờ khóc vì bực dọc hay đau đớn về thể xác mà bao giờ cũng vì thương xót và buồn rầu. Và mỗi khi nàng khóc đôi mắt trong sáng của nàng bao giờ cũng có sức hẫp dẫn không sao cưỡng được.
Khi Nikolai nắm lấy tay nàng, nàng không còn đủ sức tự chủ nữa và khóc oà lên.
– Anh Nikolai, em đã thấy rõ – ông ấy có lỗi, nhưng anh – tại sao anh lại.? Nikolai! Anh Nikolai – và nàng đưa tay lên bưng mặt.
Nikolai im bặt, mặt đỏ bừng, và rời nàng ra, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, không nói nửa lời. Chàng đã hiểu tại sao nàng khóc, nhưng lòng chàng không thể nào ngay một lúc đồng ý với nàng để thừa nhận rằng cái việc chàng vẫn quen làm từ hồi còn nhỏ, cái việc mà chàng cho là hết sức bình thường kia lại là một điều đáng trách.
“Đó là những trò thương cảm vẩn vơ, những chuyện đàn bà, hay là nàng nói đúng?” – Chàng tự hỏi, trong thâm tâm, chàng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, nhưng khi liếc nhìn khuôn mặt đau khổ và đáng yêu của nàng lần thứ hai, chàng chợt hiểu ra rằng chính nàng có lý và từ lâu chàng đã có lỗi đối với bản thân mình.
– Maria! – Chàng đến cạnh nàng nói khẽ, – Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, anh cam đoan với em. Không bao giờ nữa, – chàng nhắc lại, giọng run run như một đứa trẻ xin lỗi.
Nước mắt chảy giàn giụa từ khoé mắt của bá tước phu nhân. Nàng nắm lấy bàn tay chàng mà hôn.
– Anh Nikolai, anh làm vỡ cái mặt ngọc trạm nổi lúc nào thế?
Nàng nói để chuyển sang chuyện khác, mắt nhìn bàn tay của chồng có đeo một chiếc nhẫn trạm đầu Laocoon.
– Vừa hôm nay đấy, cũng vì chuyện ấy cả. Maria, em đừng nhắc anh chuyện ấy nữa. – Chàng lại đỏ mặt. – Anh thề với em rằng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa và cái này sẽ mãi mãi nhắc nhở anh – chàng nói và chỉ cái mặt nhẫn bị vỡ.
Từ đó, trong lúc bàn bạc với những người thôn trưởng và người quản gia. Mỗi khi máu chàng đổ dồn lên mặt và bàn tay bắt đầu nắm chặt lại, Nikolai lại mâm mê cái mặt nhẫn vỡ trên ngón tay và cúi mặt trước con người làm chàng nổi giận. Tuy vậy, mỗi năm cũng có một đôi lần chàng không tự chủ nổi và mỗi lần như vậy chàng lại trở về tìm vợ để thú nhận và lại hứa lần này đúng là lần cuối cùng.
– Maria. Chắc là em khinh anh? – Chàng nói với vợ – Anh đáng thế lắm.
– Anh phải bỏ đi nơi khác, mỗi khi anh cảm thấy không đủ sức tự kiềm chế thì anh phải bỏ đi ngay, – bá tước phu nhân Maria nói, giọng buồn rầu và lựa lời an ủi chồng.
Trong giới quí tộc ở tỉnh này, Nikolai được người ta kính trọng nhưng không được người ta yêu mến. Những hứng thú của giới quí tộc không khiến chàng quan tâm. Vì vậy có người cho chàng là kiêu ngạo có người lại cho chàng là ngốc. Suốt mùa hạ, kể từ khi gieo giống mùa xuân, cho tới khi gặt hái, lúc nào chàng cũng bận túi bụi với những công việc điền trang. Mùa thu, cũng với cách làm việc chăm chỉ và chu đáo như trong việc quản lý nông nghiệp, chàng rời khỏi nhà một hai tháng đi săn với đàn chó của chàng. Mùa đông, chàng đi thăm các làng khác hay ngồi đọc sách. Sách chàng đọc phần lớn là sách lịch sử, đặt mua từng năm, với số tiền nhất định. Như chàng thường nói, chàng đã tập hợp được một tủ sách đứng đắn và nêu thành một nguyên tắc là đã mua sách về thì phải đọc cho hết. Chàng trang trọng ngồi vào phòng làm việc rồi giở sách ra đọc, lúc đầu còn xem đó là một nhiệm vụ phải làm, nhưng về sau việc này đã thành một thói quen, đưa lại cho chàng một niềm vui đặc biệt và cái ý thức là mình đang làm một việc nghiêm trang.
Trừ những lúc ra đi vì công việc, vào mùa đông chàng thường ở nhà gần gũi gia đình và dự phần nào những quan hệ nhỏ nhất giữa các con và mẹ chúng. Chàng ngày càng thấy gần gũi vợ và mỗi ngày lại tìm thấy ở nàng những giá trị tinh thần mới.
Từ khi Nikolai lấy vợ, Sonya vẫn ở trong nhà. Trước khi cưới, Nikolai đã kể lại cho vợ biết tất cả những điều xảy ra giữa chàng và Sonya, và trong lúc kể lại chàng đã tự trách mình và ca ngợi Sonya. Chàng đã xin công tước tiểu thư Maria đối xử dịu dàng và nhân hậu với cô em họ của chàng. Bá tước phu nhân Maria thấy hết lỗi của chồng và cũng thấy có lỗi của mình đối với Sonya, nàng nghĩ rằng gia sản của mình có ảnh hưởng đến việc lựa chọn của Nikolai, nàng không có điều gì phải trách Sonya, và muốn yêu Sonya, tuy vậy không những nàng không yêu Sonya mà lại thường thấy trong lòng mình có những mối ác cảm đối với Sonya mà nàng không sao khắc phục nổi.
Một hôm, nàng nói chuyện với Natasa về Sonya và về sự bất công của mình đối với nàng. Natasa nói:
– Chị đọc Phúc âm nhiều thế, chị có biết trong ấy có đoạn thật đúng với Sonya không?
– Đoạn nào? – Bá tước phu nhân Maria kinh ngạc hỏi.
“Kẻ nào có sẽ được cấp thêm, còn kẻ nào không có gì sẽ bị tước hết” chị nhớ đoạn ấy chứ? Chị ấy là con người không có gì. Tại sao? Em không biết, có lẽ vì chị ấy không ích kỷ, em cũng chẳng rõ nữa, nhưng người ta sẽ tước mất của chị ấy, và chị ấy đã bị tước hết. Đôi khi em rất thương chị ấy. Trước kia em tha thiết mong anh Nikolai lấy chị ấy, nhưng bao giờ em cũng linh cảm thấy rằng điều đó sẽ không thực hiện được. Chị ấy là một bông hoa không kết quả như chị vẫn thấy ở trên cây dâu tây. Đôi khi em rất thương chị ấy nhưng đôi khi em cảm thấy hình như chị ấy không cảm thấy tủi như chúng mình sẽ cảm thấy nếu ở vào địa vị chị ấy.
Tuy bá tước phu nhân Maria giảng giải cho Natasa rằng cần phải hiểu những câu Phúc âm thầm này là một cách khác, nhưng khi nhìn Sonya nàng cũng đồng ý với lời giải thích của Natasa.
Thật vậy nàng thấy hình như Sonya không đau khổ về hoàn cảnh của mình và hoàn toàn cam tâm chịu đựng số phận của một bông hoa không kết quả, hình như nàng quí chuộng những người trong nhà thì ít, mà quí chuộng cả gia đình thì nhiều hơn. Cũng như một con mèo, nàng không phải gắn bó với người mà gắn bó với cái nhà.
Nàng săn sóc bá tước phu nhân, nâng niu chiều chuộng bọn trẻ và bao giờ cũng sẵn sàng làm giúp những việc nhỏ mà nàng có thể làm, nhưng người ta bất giác chấp nhận những cái đó một cách quá tự nhiên, chẳng biết ơn nàng mấy đỗi.
Những ngôi nhà ở Lưxye Gorư đã được xây lại nhưng không theo quy mô của cố công tước. Các công trình kiến trúc đều bắt đầu làm lúc còn túng thiếu nên hết sức sơ sài. Toà nhà lớn dựng trên cái nền đá cũ, tường bằng gỗ chỉ trát vữa bên trong. Những căn phòng rộng rãi sàn bằng thứ gỗ bạch dương của rừng nhà và do thợ nhà đóng. Toà nhà khá rộng rãi, có những gian dành cho gia nhân và những căn phòng dành cho khách. Họ hàng thân thích của gia đình Roxtov và gia đình Bolkonxki đôi khi đến chơi Lưxye Gorư với hàng mười sáu con ngựa, hàng chục gia nhân và ở lại đây hàng tháng. Ngoài ra, mỗi năm bốn lần, nhân những ngày lễ thánh và lễ sinh nhật của các gia chủ, trong một hai ngày nhà có đến hàng trăm mâm khách. Còn những thời gian còn lại trong năm thì cuộc sống trôi qua đều đều và không thay đổi, với những công việc hàng ngày, những buổi dùng trà, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối toàn dọn những sản vật của điền trang.