Trong một căn nhà gỗ rộng rãi, căn nhà đẹp nhất của bác mu-gich Andrey Xovoxtyanov. Lúc hai giờ có phiên họp hội đồng quân sự. Bao nhiêu đàn ông đàn bà và trẻ con trong cái gia đình nông dân đông đúc ấy đều chen chúc cả trong gian nhà phụ sát phòng ngoài.
Chỉ có một mình con bé Malasa, đứa cháu gái lên sáu của bác Andrey vừa được đức ông âu yếm vuốt ve và cho một miếng đường khi dùng trà, là ở lại trong gian nhà lớn. Ngồi trên lò sưởi, Malasa bẽn lẽn và vui mừng ngắm nghía mặt mày, quân phục và huân chương của các vị tướng bấy giờ đang lần lượt bước vào nhà và ngồi lên mấy chiếc ghế dài rộng rãi đặt ở góc thờ, dưới các tượng thánh. Còn ông cụ (Malasa thầm gọi Kutuzov như vậy) thì ngồi riêng ra, trong các góc tối bên lò sưởi. Ông ngồi thụt sâu vào chiếc ghế bành xếp đằng hắng luôn mồm và xốc mãi chiếc cổ áo tuy đã mở phanh ra nhưng vẫn có vẻ như đang chẹn ngang cổ. Những người mới vào lần lượt đến chào vị thống soái, và có người thì ông bắt tay, có người thì ông gật đầu chào lại. Viên sĩ quan phụ tá Kaixarov định vén bức màn trên cửa sổ, cạnh chỗ Kutuzov ngồi, nhưng ông giận dữ khoát tay một cái, và Kaixarov hiểu rằng đức ông không muốn cho ai trông thấy mặt mình.
Chung quanh chiếc bàn gỗ mộc mạc đặt đầy những bản đồ, giấy má, bút chì, có nhiều người đứng đến nỗi những người lính hầu phải mang thêm một chiếc ghế dài đến đặt bên bàn. Ba người mới đến là Yermolov, Kaixadov và Toll ngồi xuống chiếc ghế ấy. Ngay phía dưới các bức ảnh thánh, Barclay de Tolly ngồi ở chỗ danh dự, cổ đeo huân chương Georges, khuôn mặt xanh xao ốm yếu, vầng trán cao lẫn với mái đầu hói. Đã hai ngày nay ông ta bị sốt, và lúc bấy giờ ông cứ run từng cơn. Ngồi cạnh ông ta là Uvatov, đang nói khẽ lúc bấy giờ (mọi người đều nói khẽ) với Barclay điều gì, lay hoa lên lia lịa. Tướng Dokhturov người bé nhỏ và tròn trĩnh, lông mày giương cao, hai tay đặt trong bụng, đang chăm chú lắng nghe.
Ở phía bên kia, bá tước Oxtemlan Toletoy hai tay chống đầu, khuôn mặt rộng có những đường nét táo bạo và đôi mắt sáng quắc, đang ngồi im có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Raievxki, vẻ sốt ruột, lấy tay vê mớ tóc đen láy phủ lên thái dương với một cử chỉ quen thuộc. khi thì nhìn Kutuzov, khi thì nhìn ra cửa. Khuôn mặt rắn rỏi, tuấn tú và hiền hậu của Konovnitxyn sáng bừng lên trong một nụ cười dịu dàng và ranh mãnh. Ông ta bắt gặp mắt Malasa đang nhìn lại liền nháy mắt ra hiệu, khiến cho con bé mỉm cười.
Mọi người đang chờ đợi Benrigxen, bấy giờ đang lấy cớ là đi xem xét lại địa thế để ăn nốt bữa ăn chiều ngon lành. Họ đợi ông ta, từ bốn đến sáu giờ, và suốt trong thời gian đó không thảo luận gì chỉ khe khẽ nói chuyện riêng.
Mãi đến khi Benrigxen bước vào nhà gỗ, Kutuzov mới từ trong góc nhích ghế đến gần bàn, những vẫn chú ý ngồi sao cho ánh sáng của mấy ngọn nến vừa đặt trên bàn đừng soi vào mặt.
Benrigxen khai mạc cuộc hội nghị bằng một câu hỏi: “Nên bỏ thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga hay nên cố giữ lấy?”
Tiếp theo đó mọi người đều im lặng một hồi lâu. Tất cả các gương mặt đều cau lại, và trong không khí im lặng có thể nghe rõ tiếng ho hắng và tiếng hừ hừ bọc dọc của Kutuzov. Mắt mọi người đều đổ dồn về phía ông ta. Malasa cũng nhìn ông cụ của nó. Nó ngồi gần ông hơn cả và thấy rõ mặt ông đang nhăn nhó: hệt như ông sắp khóc. Nhưng đều đó chỉ thoáng trong một lát.
– Thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga – Kutuzov bỗng nói, giọng bực tức, ông nhắc lại lời của Benrigxen, khiến cho mọi người rõ cái giọng giả dối của câu này. – Thưa đại nhân, xin đại nhân cho phép tôi thưa rằng câu hỏi đó đối với một người Nga không có nghĩa gì cả. (ông chồm cả cái thân hình nặng nề của mình ra phía trước). Đó là một câu hỏi không thể đặt ra được một câu hỏi vô nghĩa. Sở dĩ tôi mời các ngài đây đến họp là để giải quyết một vấn đề khác, một vấn đề quân sự. Vấn đề đó như sau: “Cứu tinh của nước Nga là quân đội. Khởi chiến để rồi có cơ mất cả quân đội lẫn Moskva lợi hơn, hay là bỏ Moskva không khởi chiến lợi hơn? Đây, tôi muốn biết được ý kiến của các ngài về vấn đề đấy”. (ông ngả người ra phía sau dựa vào lưng ghế).
Cuộc tranh luận bắt đầu. Benrigxen chưa chịu thua. Tuy vẫn chấp nhận ý kiến của Barclay và của một số người khác rằng không thể mở một trận chiến dấu phòng ngự ở Fili được, nhưng ông ta vì quá thấm nhuần lòng ái quốc Nga và vì quá yêu Moskva nên đề nghị đang đêm điều quân từ sườn phải sang sườn trái và đến hôm sau đánh mạnh vào cánh phải của quân Pháp. Ý kiến các tướng chia làm hai phe, phe thì bênh vực phe thì phản đối. Yermolov, Dokhturov và Raievexki đứng về phía Benrigxen.
Không biết vì họ cảm thấy phải hy sinh ít nhiều trước khi rời bỏ thủ đô, hay vì những lý do riêng nào khác, nhưng các vị tướng ấy đường như không hiểu rằng phiên họp hội đồng này không thể nào thay đổi được hướng diễn biến tất yếu của sự việc và ngay từ bây giờ Moskva đã bị bỏ ngỏ rồi. Các vị tướng khác đều hiểu rõ điều đó, nên gác vấn đề Moskva sang một bên và bàn đến hướng đi của quân đội khi rút lui. Malasa chăm chú theo dõi những việc đang diễn ra trước mắt nó: nó hiểu ý nghĩa của phiên họp hội đồng này một cách khác. Nó tưởng rằng đây chỉ là một cuộc cãi vã riêng giữa “ông cụ” và “cái ông mặc áo vạt dài kia”. Nó thấy hai người có vẻ rất hằn học khi nói với nhau, và trong khi lòng nó đứng về phía ông cụ: Giữa chừng cuộc tranh cãi, nó để ý thấy anh cụ đưa nhanh về phía Benrigxen một cái nhìn ranh mãnh, rồi nó lại vui mừng nhận thấy ông cụ nói một câu gì làm cho cái “ông mặc áo vạt dài” kia rất bẽ: Benrigxen đề nghị nhằm chuyển quân từ sườn phải sang sườn trái để tấn công cánh hữu của quân Pháp.
Giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng. Kutuzov nói:
– Thưa các ngài, tôi không thể tán thành kế hoạch của bá tước đại nhân đây được. Chuyển quân ở sát cạnh quân địch bao giờ cũng nguy hiểm, lịch sử quân sự đã xác minh điều đó. Chẳng hạn… (Kutuzov làm ra vẻ như đang ngẫm nghĩ để tìm một dẫn chứng, mắt đưa về phía Benrigxen một cái nhìn trong sáng và ngây ngô). Ta, ta hẵng cứ lấy trận Fridland chẳng hạn, tôi chắc trận này thì bá tước nhớ rõ lắm; kết quả trận này không được… mỹ mãn cho lắm chỉ vì quân ta bố trí lại trong khi đang ở gần quân địch quá… – Tiếp theo là một phút im lặng mà mọi người đều có cảm giác là rất dài.
Cuộc tranh luận lại tiếp diễn, nhưng chốc chốc lại có những khoảng im lặng, và mọi người đều cảm thấy chẳng có gì để mà nói nữa.
Trong một khoảng im lặng như thế, Kutuzov thở dài một tiếng nặng nề như sắp nói điều gì. Mọi người đều nhìn về phía ông ta.
– Ấy thế thưa các ngài! Tôi biết rằng cốc vỡ thì chính tôi phải đền – Kutuzov nói, đoạn chậm rãi đứng dậy và bước lại gần bàn. – Thưa các ngài, tôi đã được nghe ý kiến của các ngài. Trong số các ngài sẽ có những người không đồng ý với tôi. Nhưng tôi… (ông dừng lại một lúc) xin sử dụng cái quyền hạn – mà hoàng thượng và tổ chức giao cho tôi, tôi ra lệnh lui quân. – Các tướng bắt đầu giải tán với cái vẻ thận trọng, lặng lẽ và trang nghiêm như khi người ta giải tán sau một đám tang.
Vài viên tướng đến nói khẽ với vị tổng tư lệnh điều gì, giọng nói khác hẳn khi họ thảo luận trong phiên họp hội đồng.
Malasa, đáng lẽ phải về ăn tối từ lâu, thận trọng trườn từ trên giàn lò xuống, đôi chân bé nhỏ để trần bám vào những cái u trên lò sưởi và luồn qua chân các vị tướng mà chạy ra cửa.
Sau khi các tướng đã ra về, Kutuzov vẫn ngồi chống khuỷu tay lên bàn hồi lâu. Ông vẫn nghĩ tới cái vấn đề kinh khủng ấy: “Việc bỏ ngỏ Moskva đã được định đoạt từ lúc nào? Cái việc có tác dụng quyết định vấn đề này đã xảy ra từ lúc nào? Ai là người có lỗi trong việc này?”
Đêm đã khuya. Khi viên sĩ quan phụ tá Snaider bước vào phòng, Kutuzov nói với ông ta:
– Thật không ngờ, thật tôi không ngờ như vậy? Tôi không thể ngờ!
Snaider nói:
– Thưa đại nhân, ngài cần nghỉ ngơi một chút.
Kutuzov không đáp, dang nắm tay phốp pháp đặt lên bàn quát dập lên bàn quát:
– Ồ không đâu! Rồi chúng nó sẽ phải ngốn thịt ngựa như bọn Thổ Nhĩ Kỳ, chúng nó sẽ phải ăn cho mà xem, miễn là…