Cùng lúc ấy, trong một sự kiện còn quan trọng hơn việc rút quân không chiến đấu, là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva.
Raxtovsin, mà chúng ta xem là người chỉ đạo sự việc này, đã hành động trái hẳn với Kutuzov.
Sự việc ấy – bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva – cũng tất yếu như việc rút quân về phía sau Moskva, không đánh trận nào.
Mỗi người Nga, không phải trên cơ sở suy luận, mà trên cơ sở cái tình cảm vẫn sống trong lòng chúng ta và trong lòng cha ông chúng ta, chắc cũng đã tiên đoán được những điều ấy diễn ra.
Bắt đầu từ Smolensk trong tất cả các thành phố và làng mạc của đất nước Nga, không hề có sự tham dự của bá tước Raxtovsin và những lời tuyên cáo của ông ta, thế mà sự việc đều diễn ra đúng như ở Moskva. Nhân dân điềm tĩnh đợi quân thù đến, không nổi loạn, không nhốn nháo, không hành hung người nào cả. Họ bình tĩnh chờ đợi vận mệnh, cảm thấy rằng đến giờ phút khó khăn nhất họ sẽ có thể biết rõ mình phải làm gì, và hễ quân địch gần đến nơi, là những người giàu có nhất trong dân cư bỏ đi, để của cải lại; những người nghèo nhất thì ở lại, phá huỷ và đốt cháy những gì còn sót.
Trong tâm hồn của người Nga, xưa kia cũng như bây giờ, đều có ý thức rằng sự thể sẽ như thế nào, và bao giờ cũng vẫn như thế. Và cả xã hội Nga ở Moskva năm 1812 đều có ý thức đó, hơn nữa, còn có cái tình cảm rằng Moskva bị chiếm. Những người đang lục tục rời bỏ Moskva ngay từ tháng bảy và đầu tháng tám đã chứng tỏ rằng họ đã đoán trước việc đó. Khi ra đi với những thứ có thể vơ theo, bỏ nhà cửa và một nửa tài sản, họ hoạt động theo một lòng yêu nước tiềm tàng, một lòng yêu nước không biểu lộ bằng lời nói, bằng việc hy sinh con cái để dâng lên bàn thờ tổ quốc hay những hoạt động giả tạo tương tự thế, mà là một lòng yêu nước bộc lộ ra một cách thầm lặng, đơn giản hữu cơ và vì vậy bao giờ cũng có những kết quả rất mạnh.
“Chạy trốn trước nguy cơ là một điều đáng hổ thẹn: chỉ có những kẻ hèn nhát mới bỏ Moskva và chạy trốn” – người ta bảo vậy. Trong các tờ tuyên cáo, Raxtovsin cũng gợi ý cho họ thấy rằng rời bỏ Moskva là nhục nhã. Họ rất hổ thẹn khi phải nhận cái danh hiệu là kẻ hèn nhát, họ rất hổ thẹn khi phải ra đi, nhưng họ vẫn cứ ra đi, vì biết rằng cần phải làm như vậy. Tại sao họ phải ra di? Không thể nói rằng họ khiếp sợ vì tin lời Raxtovsin kể lại về những chuyện kinh khủng mà Napoléon đã làm trong các vùng bị chinh phục. Họ ra đi, và những người ra đi trước nhất là những người giàu sang, có học thức, vốn biết rất rõ ràng Viên và Berlin vẫn nguyên vẹn và khi Napoléon chiếm đóng hai thành này thì dân cư ở đây sống rất vui vẻ với người Pháp, những con người rất có duyên mà thời ấy người Nga rất thích, nhất là phụ nữ Nga.
Họ ra đi vì đối với người Nga không thể có vấn đề: dưới quyền cai trị của Pháp thì ở lại Moskva sướng hay khổ. Dưới quyền cai trị của Pháp thì không thể nào sống được: đó là điều tệ hơn cả. Trước trận Borodino họ đã bỏ đi, và sau trận Borodino họ còn bỏ đi nhanh chóng hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi phòng thủ, bất chấp những lời tuyên bố của quan tư lệnh Moskva là sẽ rước ảnh Đức Bà Iverya ra đánh giặc, bất chấp những quả khinh khí cầu mà người ta định dùng để tiêu diệt quân Pháp và bất chấp tất cả những lời lẽ nhảm nhí mà Raxtovsin viết trong các bản tuyên các của ông ta.
Họ biết rằng quân đội có nhiệm vụ phải chiến đấu, và một khi quân đội đã không làm được việc đó thì không thể đem các cô tiểu thư cùng các gia nhân lên khu Trigorư đánh nhau với Napoléon được, cho nên họ đành phải bỏ đi, mặc dù rất xót xa khi phải vứt của cải lại. Họ ra đi, không hề nghĩ đến cái ý nghĩ lớn lao của việc rời bỏ chốn thủ đô giàu có, đồ sộ này, phó mặc nó cho mồi lửa (một thành phố lớn nhà cửa toàn bằng gỗ mà dân cư bỏ đi thì thế nào cũng phải cháy); mỗi người ra đi như vậy vì bản thân mình, nhưng đồng thời chỉ riêng việc họ bỏ đi thôi cũng đã làm nên cái sự kiện lớn lao mãi mãi sẽ là sự kiện vẻ vang nhất của dân tộc Nga. Một bà lớn đã cùng mấy người đầy tớ da đen và mấy anh hề rời Moskva đi về vùng quê Xaratov từ hồi tháng sáu, với một ý thức mơ hồ là mình không thể ở lại làm đầy tớ cho Bonaparte vừa đi vừa sợ bị chặn lại giữa đường theo lệnh của bá tước Raxtovsin, con người cũng có lúc thoá mạ những ai bỏ đi, đã có lúc cho các cơ quan hành chính phân tán ra ngoài thành, đã từng phát những vũ khí không còn dùng được nữa cho kẻ say rượu, đã từng cho dỡ các tượng thánh ra, đã có lúc cấm cha Auguxtin đưa các thánh tích và các ảnh tượng ra khỏi Moskva, đã từng sung công tất cả các xe tải của tư nhân, đã dùng một trăm ba mươi sáu chiếc xe tải chở quả kinh khí cầu do Leppich làm ra, lại đã từng nói bóng gió rằng mình sẽ đốt cháy Moskva, đã từng kể lại rằng mình đã đốt nhà riêng và đã thảo ra một bản tuyên cáo gửi cho quân Pháp, long trọng trách móc họ đã phá mất cái cô nhi viện của mình, đã từng đứng ra nhận lấy cái vinh quang của việc đốt Moskva, rồi lại chối rằng mình không làm việc đó, đã ra lệnh cho nhân dân bắt hết bọn do thám giải đến cho mình, rồi lại trách móc nhân dân đã làm theo lệnh ấy, đã trục xuất tất cả các Pháp kiều ra khỏi Moskva. nhưng lại để bà Ober Salme ở lại thành phố, trong khi bà ta là trung tâm của cái xã hội Pháp ở Moskva, đồng thời lại vô cớ ra lệnh bắt và đày biệt xứ viên giám đốc bưu chính Klustarev, một con người già cả và đáng kính, đã từng triệu tập dân chúng lên khu Trigorư đánh nhau với Pháp, rồi để thoát khỏi đám dân chúng này, lại ẩy ra một người để cho họ đánh chết còn mình thì chuồn ra cửa sau, đã có lúc nói rằng Moskva mà rơi vào tay giặc thì mình cũng không sống sót lại làm gì, đã từng viết vào album những câu thơ bằng tiếng Pháp để chứng tỏ rằng mình tham gia vào việc này – con người đó không hiểu được ý nghĩa của sự việc xảy ra, lại cứ muốn tự mình làm một việc gì, muốn tự làm cho mọi người ngạc nhiên, muốn hoàn thành một cái gì cho thật xứng đáng với một trang anh hùng cứu quốc, và như một đứa trẻ con, người đó chơi đùa với những biến cố lớn iao và tất yếu là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva, và cứ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra, khi thì thúc dẩy, khi thì ngăn chặn luồng nước lũ ồ ạt của nhân dân đang cuốn mình theo.