Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 9 – Chương 19

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Sau khi bị khước từ dứt khoát như vậy, Petya lui về phòng riêng và khoá trái cửa lại ngồi khóc chua xót một mình. Mọi người đều làm ra vẻ như không để ý thấy gì khi cậu ra uống nước trà với một vẻ mặt lầm lì ủ dột, đôi mắt sưng húp.

Ngày hôm sau hoàng thượng đến. Mấy người trong gia đình nhà Roxtov liền xin phép đi xem Sa hoàng. Sáng hôm ấy Petya mặc áo quần rất lâu; cậu ta chải đầu và bẻ cổ áo như người lớn. Cậu đứng trước gương, cau mày, hoa tay, nhún vai, và cuối cùng, chẳng nói gì với ai, cậu đội mũ lưỡi trai và đi ra cổng sau, cố sao dừng ai trong thấy. Petya quyết định đi thẳng đến nơi hoàng thượng sẽ tới, và nói thẳng với một viên thị thần nào đấy (Petya cho rằng chung quanh hoàng thượng lúc nào cũng có những viên thị thần) rằng tuổi trẻ không thể là một trở ngại cho lòng tận trung với nước, và với cậu sẵn sàng… Trong khi sửa soạn, Petya đã sắp sẵn nhiều câu rất hay để nói với viên thị thần.

Petya hy vọng rằng mình ra mắt hoàng thượng sẽ có kết quả chính vì mình hãy còn nhỏ tuổi (Petya còn tưởng tượng thấy mọi người ngạc nhiên đến nhường nào khi thấy cậu ta trẻ tuổi như vậy), nhưng đồng thời trong cách bẻ cổ áo, cách chải đầu và dáng đi ung dung chững chạc cậu lại muốn làm ra vẻ một người lớn. Nhưng Petya càng đi, càng mải mê nhìn những đám người lũ lượt kéo đến điện Kreml thì lại càng quên giữ vẻ ung dung chững chạc đặc biệt của người lớn. Đến gần điện Kreml cậu đã bắt đầu lo lắng mình sẽ bị xô lấn, bèn làm ra vẻ quả quyết và dữ tợn khuỳnh hai khuỷu tay ra hai bên: nhưng đến cửa Troijxki, mặc dầu quả quyết như vậy, đám người, chàc hắn là không biết rô cậu đến diện Kreml với một mục đích ái quốc như thế nào, cứ dồn ép cậu vào tường đến nỗi cậu đành phải đứng lại, trong khi một dãy xe ngựa tiến vào, tiếng bánh xe lăn ầm ầm vang dội dưới vòm, cổng. Cạnh Petya, có một người đàn bà với một người gia đình quý tộc, hai người lái buôn và một người lính về hưu. Đứng ở cổng được một lúc, Petya không đợi cho xe cộ qua hết đã muốn vào trước mọi người, bèn ra sức vận dụng hai khuỷu tay, nhưng người đàn bà đứng cạnh cũng là người đâu tiên tiếp xúc với khuỷu tay của cậu, tức giận quát lên:

– Này, cậu kia, đi đâu mà xô đẩy người ta thế. Cậu xem người ta đứng cả đây. Xô lấn làm gì!

– Thế này thì ai cũng muốn xô ra trước, – người gia đình quý tộc nói và cũng bắt đầu cho hai khuỷu tay hoạt động, đẩy Petya vào một cái xó hôi hám ở trong cổng.

Petya đưa tay lên quệt mồ hôi trên mặt, xốc lại cái cổ áo thấm; ướt mồ hôi mà ở nhà cậu đã ra công bẻ nắn cho giống cổ áo người lớn.

Petya cảm thấy bộ dạng của mình chẳng tươm tất chút nào và sợ rằng nếu cứ thế này mà ra mắt các thị thần thì họ sẽ không để cho cậu đến gặp hoàng thượng mất. Nhưng bây giờ không tài nào nắn sửa được gì nữa, hay tìm cách chuyển sang chỗ khác cũng thế.

Trong số các vị tướng đi xe qua cổng, Petya thấy có một người quen với nhà mình, Petya đã toan cầu cứu ông ta, nhưng lại nghĩ rằng mình làm như vậy chẳng trượng phu tí nào. Khi xe cộ đã qua hết, đám đông ùa tới và dồn Petya vào quảng trường bấy giờ đã chật ních những người là người. Không phải chỉ có trên quảng trường mà ngay cả trên vỉa hè, trên các mái nhà, đâu đâu cũng có người.

Petya vừa thấy mình đứng trên quảng trường đã nghe rõ mồn một tiếng chuông vang khắp thành Kreml và tiếng nói chuyện ồn ào vui vẻ của đám đông.

Được một lát, trên quảng trường thấy bớt xô lấn, nhưng bỗng nhiên mọi người đều cất mũ, ai nấy đều xô về phía trước, không hiểu đi đâu. Họ xô lấn Petya đến nỗi cậu không thể thở được nữa.

Mọi người đều hô: “Ura! Ura! Ura!”, Petya kiễng chân lên, huých người này, véo người nọ, nhưng chẳng trông thấy gì ngoài những người đứng quanh cậu ta.

Trên khuôn mặt đều thấy phản ánh một niềm cảm khích và cổ vũ giống nhau. Một bà lái buôn đứng gần Petya khóc nức nở, nước mắt chảy ròng ròng.

– Cha của chúng tôi, vị thiên thần của chúng tôi! – Bà ta vừa nói vừa lấy ngón tay quẹt nước mắt.

– Ura! – khắp bốn phía có tiếng hô.

Trong khoảng một phút đám đông đứng yên một chỗ; rồi lại ùa ra phía trước.

Petya không còn biết gì nữa; cậu nghiến răng, mắt long lên sòng sọc, xông lên phía trước, vừa huých khuỷu tay vừa hô: “Ura!”, tưởng chừng như cậu ta sẵn sàng giết hết mọi người và giết luôn cả mình nữa trong phút này, nhưng bên cạnh sườn Petya lại thấy nhô ra những vẻ mặt cũng hung hãn như thế và cũng hô: “Ura!”.

“Đấy hoàng thượng là thế đấy, Petya nghĩ – Không ta không thể đưa đơn tận tay hoàng thượng được, như thế táo bạo quá!”. Tuy vậy, Petya cũng vẫn cố sống cố chết lần về phía trước, và từ sau mấy cái lưng ở trước mặt, Petya thoáng trông thấy một khoảng trống có trải tấm thảm đỏ làm lối đi: nhưng vừa lúc ấy đám đông lại dồn lại phía sau (vì cảnh binh đẩy lùi những người đến quá gần lối đi của hoàng thượng đang từ cung điện đi ra nhà thờ Đức Bà lên trên Trời), và bỗng nhiên Petya bị huých vào sườn một cái rất mạnh và bị chèn dữ dội đến nỗi cậu ta hoa mắt lên rồi ngất đi. Khi cậu ta tỉnh lại, một người giáo sĩ có một chùm tóc hoa râu sau gáy, mặc một chiếc áo chùng xanh đã sờn bạc, chắc là một ông thầy giúp lễ, đưa một tay xốc nách Petya, còn tay kia thì giơ ra cản đám đông đang lấn tới.

– Họ giẫm bẹp nát cậu bé rồi – Ông thầy giúp lễ nói – Làm sao thế này này!… Nhè nhẹ tí chứ… Họ giẫm bẹp mất cậu bé rồi, giẫm bẹp mất rồi!

Hoàng thượng bước vào nhà thờ Đức Bà. Đám đông lại giãn ra một bên, và ông thầy giúp lễ dẫn Petya lúc ấy mặt tái nhợt, thở không ra hơi, về phía khẩu súng Thần công lớn(1). Có mấy người động lòng thương hại Petya, và đột nhiên cả đám đông quay về phía cậu ta, ở xung quanh người ta lại bắt đầu xô đẩy nhau. Những người đứng gần ân cần cởi khuy áo cho Petya, đặt cậu ta ngồi lên bệ súng và lên tiếng trách móc những người đã xô cậu.

– Cứ thế này họ có thể xô người ta chết mất chứ chẳng chơi, làm sao thế không biết! Thật là đồ giết người! Chao ôi, cậu bé mặt tái nhợt cắt không ra hột máu kia kìa, – Có tiếng lao xao.

Được một lát Petya đã hoàn hồn, mặt đã có máu, cảm giác đau đã giảm bớt, và nhờ việc không may trong chốc lát này cậu đã được một chỗ ngồi trên súng thần công, có hy vọng được trông thấy hoàng thượng lúc ngài quay về. Bây giờ Petya không còn nghĩ đến việc đưa đơn nữa. Miễn sao được trông thấy hoàng thượng là Petya có thể tự xem mình là người diễm phúc rồi.

Khi trong nhà thờ Đức Bà lên Trời làm lễ – một buổi lễ cầu nguyện kết hợp, vừa là lễ mừng hoàng thượng đến vừa là lễ tạ ơn trong dịp kí hoà ước với Thổ – đám đông tản mát ra; những người bán hàng rao nào là kvax(2), nào là bánh ngọt, nào là bánh kẹo phù dung là thứ kẹo mà Petya rất thích, và những câu chuyện bình thường ngày lại nở ra rôm rả. Một bà lái buôn đưa cho bạn bè xem chiếc khăn san vừa bị rách và nói cho mọi người biết mình đã mua chiếc khăn này hết bào nhiêu tiền, một bà khác bảo hàng tơ lụa lúc bấy giờ rất đắt đỏ. Ông thầy giúp lễ người đã cứu Petya, nói chuyện với một ông viên chức về những vị lịnh mục hôm nay cùng làm lễ với đức cha tổng giám mục. Ông thầy giúp lễ mấy lần nhắc đến chữ Xobornie(3), mà Petya không hiểu là cái gì. Hai người thị dân trẻ tuổi đùa cợt với mấy chị thị nữ đang cắn hạt dẻ. Đối với lứa tuổi của Petya, những câu chuyện này, nhất là những lời đùa cợt với mấy người con gái là có một sức hấp dân đặc biệt, nhưng bây giờ Petya không hề để ý đến; cậu ta ngồi trên cao điểm của mình đối với ngài. Cái cảm giác đau và sợ khi bị lấn pha lẫn nhau với mềm phấn khởi lại càng làm cho cậu có ý thức rõ rệt hơn về tầm quan trọng của giờ phút này.

Bỗng từ phía bờ sông vọng lại những tiếng súng đại bác (bắn để mừng việc ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ). Đám đông liền xô nhau chạy ùa ra bờ sông để xem bắn súng. Petya cũng muốn chạy ra đấy, nhưng ông thầy giúp lễ đã đảm nhiệm việc che chở cho cậu không để cho cậu đi. Tiếng súng hãy còn tiếp tục nổ, thì thấy từ nhà thờ Đức Bà lên Trời chạy ra như những viên sĩ quan, những vị tướng, những viên thị thần, rồi sau đó có mấy người nữa đi ra, nhưng vội vàng như những người kia. Đám đông lại cất mũ, và những người chạy ra xem bắn súng vội quay trở lại. Cuối cùng có bốn người đàn ông mặc quân phục và đeo dây thao từ trong nhà thờ bước ra. Đám đông lại hô: “Ura! Ura!”.

– Người nào thế? Người nào thế? Petya hỏi những người đứng xung quanh với một giọng gần như khóc, nhưng không ai trả lời cậu cả; ai nấy đều đang mải nhìn. Petya bèn chọn lấy một trong bốn người ấy, một người mà cậu trông thấy rõ vì những giọt nước mắt vui mừng đã trào lên mờ cả mắt cậu ta dồn hết vào người ấy tấi cả tấm lòng hâm mộ của mình, tuy đó không phải là hoàng thượng, và gào lên như điên: “Ura!” định tâm là ngay ngày mai, dù có thế nào cũng mặc, nhất định sẽ trở thành một quân nhân.

Đám đông chạy sau hoàng thượng, theo ngài đến tận cung điện rồi bắt đầu giải tán. Bây giờ đã trưa lắm rồi, Petya chưa ăn gì cả, và mồ hôi cậu đổ ra như tắm. Nhưng cậu không về nhà, và cùng với đám người đã giảm bớt nhưng hãy còn khá đông đứng trước cung điện trong khi hoàng thượng dùng bữa trưa, nhìn lên các cửa sổ, chờ đợi một cái gì nữa không biết, thèm thuông địa vị những vị thân đi xe đến bến đỗ bên thềm để vào dự bữa chiều với nhà vua, cũng thèm thuồng cái địa vị những người hầu bàn cho hoàng thượng đi lại thấp thoáng trong các khung cửa sổ.

Trong bữa ăn của hoàng thượng, Valuyev nhìn ra cửa sồ nói:

– Dân chúng vẫn còn hy vọng được trông thấy bệ hạ.

Bấy giờ tiệc đã xong; nhà vua đứng dậy vừa ăn nốt chiếc bánh bích quy và đi ra bao lơn.

Đám dân chúng, trong đó có cả Petya đứng ở giữa, chồm về phía bao lơn.

– Vị thiên thần của chúng tôi, cha của chúng tôi! Ura!… – dân chúng hô to, và Petya cùng hô với họ.

Những người đàn bà và mấy người đàn ông dễ xúc cảm, trong số đó có cả Petya, khóc lên vì sung sướng. Một mảnh bánh bich quy khá to mà nhà vua đang cầm trên trong tay rã ra và rơi xuống lan can bao lơn rồi từ lan can rơi xuống đất. Người đứng gần hơn cả là một người đánh xe mặc áo lúp lao người về phía miếng bánh và chộp lấy. Trông thấy thế, nhà vua bảo đem ra một đĩa bánh bich quy và bắt đầu ném bánh từ trên bao lơn xuống. Mắt Petya đỏ ngầu; mối nguy cơ bị giẫm đạp lại càng kích thích cậu thêm. Cậu ta lao đến cướp bánh. Cậu cũng chẳng biết làm như vậy để làm gì, chỉ biết rằng thế nào cũng phải lấy cho kỳ được một chiếc bánh từ tay nhà vua ném xuống, phải cố giành cho được, không chịu thua ai. Cậu chồm tới và xô ngã một bà già sắp bắt được một chiếc bánh bích quy. Nhưng bà già vẫn chưa chịu thua tuy đã nằm dưới đất: bà ta vẫn giơ tay ra bắt bánh.

Petya dùng đầu gối chặn tay bà ta, chộp lấy chiếc bánh và dường như sợ chậm trễ mất, cậu cất tiếng hô “Ura!” với một giọng đã khàn đặc.

Nhà vua trở vào phòng, và sau đó phần lớn dân chúng bắt đầu ra về.

– Đấy tôi đã bảo là đợi một chút mà – thấy chưa, y như rằng! – bốn phía có tiếng nói vui vẻ.

Tuy lòng Petya vô cùng sung sướng, nhưng cậu cũng vẫn thấy buồn buồn khi phải về nhà, biết rằng tất cả những nỗi vui thú của ngày hôm nay thế là đã hết. Từ điện Kreml, Petya không về nhà mà lại đến nhà Obolenxki năm ấy mười lăm tuổi và cũng đã nhập ngũ. Về đến nhà, Petya tuyên bố một cách dứt khoát và rắn rói rằng nếu không cho cậu ta đi, cậu sẽ bỏ nhà trốn đi. Và mấy ngày hôm sau, tuy vẫn chưa nhượng bộ hoàn toàn, bá tước Ilya Andrevich cũng đi đò hỏi xem có nơi nào an toàn nhất để xin cho Petya nhập ngũ.

Chú thích:

(1) Một di tích lịch sử của thế kỷ 16 để ở điện Kreml. Nòng súng dài 5m34, cỡ nòng 890mm: nặng 40 tấn. Một vài mẫu đáng chú ý của nghệ thuật đúc đồng Nga.

(2) Nước giải khát làm bằng lên men bột mỳ, vị hơi chua.

(3). Buổi lễ nhiều linh mục cùng hành lễ

Chọn tập
Bình luận