Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 1 – Chương 11

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Bá tước phu nhân đã quá mệt vì những cuộc thăm hỏi, cho nên đã ra lệnh không tiếp ai nữa, và dặn người đầy tớ đứng chực ở cửa là hễ có ai đến mừng thì cứ mời đến dự tiệc tất. Bá tước phu nhân muốn nói chuyện riêng với những người bạn cũ từ thời thơ ấu là công tước phu nhân Anna Mikhailovna mà từ ngày bà ta rời Peterburg cho đến nay phu nhân chưa có một lần nào được gặp.

Anna Mikhailovna với vẻ mặt tiều tuỵ và dễ có thiện cảm của một người đã khóc quá nhiều, ngồi nhích lại gần ghế bành của bà bá tước phu nhân.

– Với chị tôi xin nói thật – Anna Pavlovna Mikhailovna nói – Ngày nay bạn cũ có còn được mấy người nữa đâu! Cho nên tôi càng quý tình bạn của chị.

Anna Mikhailovna đưa mắt nhìn Vera và ngừng lại. Bá tước phu nhân nắm chặt tay bạn.

– Vera, – bá tước phu nhân quay sang nói với cô con gái lớn (người ta có thể thấy rõ là phu nhân không quý Vera cho lắm) – Con không có ý tứ gì sao? Con không thấy ngồi đây là thừa ư? Con ra ngoài kia với các em, nếu không…

Cô Vera xinh đẹp nở một nụ cười khinh khỉnh, hình như cô ta không thấy bẽ mặt tí nào.

– Giá mẹ bảo con sớm hơn có phải con đã đi ngay rồi không – Vera nói đoạn bỏ về phòng mình.

Nhưng khi đi ngang qua phòng đi-văng, cô ta thấy hai cặp thanh niên ngồi cạnh hai cửa sổ đối diện nhau. Vera dừng lại và mỉm cười khinh bỉ. Sonya đang ngồi nép vào người Nikolai xem anh ta chép cho mình bài thơ đầu tiên của anh ta sáng tác. Boris và Natasa đang ngồi nói chuyện cạnh cửa sổ trước mặt, thấy Vera vào thì im bặt. Sonya và Natasa đưa mắt nhìn Vera, vẻ mặt ngượng ngùng và sung sướng.

Ai trông thấy hai cô gái mới biết yêu đương này chắc chắn cũng phải thấy vui và cảm động, nhưng Vera thì tỏ ra không vừa lòng. Cô nói:

– Đã bao lần tôi xin các cô chú đừng có lấy đồ đạc của tôi ra dùng. Sao không về phòng mình mà lấy. – Nói đoạn Vera giằng lấy bình mực Nikolai đang cầm.

– Tí nữa thôi, tí nữa thôi mà, – Nikolai vừa nói vừa chấm thêm một ngòi mực.

– Cái gì cũng tìm cách làm không đúng lúc – Vera nói. – Ai lại tự dưng chạy ùa vào phòng khách, làm cho mọi người phát ngượng lên.

Những điều Vera nói hoàn toàn có lý. Tuy vậy – hay chính vì vậy – mà không ai đáp lại cả; bốn người chỉ đưa mặt nhìn nhau.

Vera, tay cầm lọ mực, vẫn đứng chần chừ ở trong phòng. Cô ta nói:

– Giữa Natasa với Boris lại còn chuyện gì bí mật nữa thế? Cả Sonya với Nikolai nữa. Vào tuổi các cô các chú thì có những chuyện bí mật gì? Toàn là chuyện vớ vẩn cả!

– Kìa, Vera việc gì đến chị nào? – Natasa nói khẽ như muốn giảng hoà. Hẳn là hôm nay đối với mọi người cô ta còn hiền hoà và thân mật hơn bao giờ hết.

– Thật là vớ vẩn – Vera nói tiếp – Tôi thấy ngượng cho các cô quá Những chuyện gì bí mật thế hả?

Natasa phát cáu lên nói:

– Mỗi người đều có những chuyện riêng. Chúng tôi có động chạm gì đến chuyện chị với Berg đâu nào?

– Tôi nghĩ các cô các chú không đả động là vì trong những việc tôi làm không bao giờ có điều gì xấu cả. Rồi tôi sẽ nói cho mẹ biết cô đối với Boris như thế nào.

– Natalia Ilynisna đối với tôi rất tốt. – Boris nói – Tôi không có gì phải than phiền cả.

Natasa nói giọng run lên vì tức giận:

– Thôi đừng nói nữa Boris, anh thì cứ ngoại giao) thôi (thiếu niên rất thích dùng chữ “ngoại giao” theo cái nghĩa riêng của họ gán cho chữ này). Thật phát chán lên được! Tại sao chị ấy cứ ám lấy tôi? Natasa nói tiếp với Vera – Chị chẳng bao giờ hiểu được cái đó đâu, vì chị không bao giờ biết yêu ai hết: Chị không có tim, chị chỉ là mađam đờ Giănglix(1) thôi (biệt hiệu này là do Nikolai đặt cho Vera, và được xem như là một biệt hiệu rất nhục nhã), và chị chỉ thích làm cho người khác khó chịu. Chị cứ đi mà làm duyên làm dáng với Berg đi, muốn lả lơi bao nhiêu cũng được kia mà, – câu này Natasa nói rất nhanh.

– Dù sao thì trước mặt khách khứa tôi cũng không xoắn lấy một người con trai nào…

– Thôi thế là chị đạt được mục đích rồi đấy, chị ạ – Nikolai nói xen – chị kiếm chuyện phá đám như vậy cũng đủ làm cho mọi người khó chịu lắm rồi. Thôi ta sang phòng trẻ đi.

Và cả bốn người, như một bầy chim hoảng sợ, đứng dậy ra khỏi phòng.

Vera nói:

– Người ta kiếm chuyện nói những câu khó chịu với tôi, chứ nào tôi có kiếm chuyện với ai đâu.

“Madam đờ Giănglix. Madam đờ Giănglix?” – những câu chuyện nói chen lẫn tiếng cười từ sau cánh cửa đưa ra.

Cô Vera xinh đẹp, sau khi đã làm cho mọi người khó chịu và bực bội như vậy, liền mỉm cười có vẻ như không hề mảy may động lòng vì những điều người ta nói về mình, đến đứng trước gương sửa lại chiếc khăn choàng và mái tóc. Ngắm khuôn mặt xinh đẹp của mình trong gương, Vera hình như càng trở nên lạnh nhạt và điềm tĩnh hơn.

Trong phòng khách, những câu trò chuyện vẫn tiếp tục. Bá tước phu nhân nói:

– Chà, bà chị ạ, trong đời tôi có phải cái gì cũng màu hồng cả đâu. Tôi cũng thấy cứ cái đà này, tài sản chúng tôi cũng chẳng kéo dài được bao lâu nữa! Cơ sự chẳng qua cũng vì cái câu lạc bộ và lòng tốt của nhà tôi. Chúng tôi ở nông thôn, mà có được nghỉ ngơi gì đâu? Hết diễn kịch lại đến săn bắn, và còn bao nhiêu thứ nữa.

– Thôi nói chuyện tôi làm gì!… Nào, thế chị dàn xếp công việc ra sao? Annet ạ, tôi thường phục chị không hiểu tại sao chị ngần ấy tuổi mà còn đi đi về về được một mình hết Moskva lại đến Petersburg, ông thượng thư nào chị cũng đến yết kiến, khắp cả giới quyền quý chị đều đến thăm hỏi, với ai chị cũng biết lấy lòng, thật tôi cũng lấy làm lạ? Thế công việc sao rồi? Như tôi thì cũng đến chịu, không sao làm được như chị.

Công tước phu nhân Anna Mikhailovna nói:

– Ối dào? Chỉ mong sao chị đừng bao giờ phải nếm cái cảnh goá bụa không có nơi nương tựa, một thân một mình với một đứa con mà mình yêu như điên như dại. Cái gì rồi cũng quen đi cả, – phu nhân nói tiếp, giọng không khỏi có phần kiêu hãnh, – cái vụ kiện ấy đã dạy khôn cho tôi nhiều. Cứ mỗi khi cần gặp một ông to nào là tôi lại viết: “Công tước phu nhân mỗ” mong được gặp vị nọ vị kia” – rồi thân hành đi xe đến, hai lần, ba lần hay bốn lần cũng không từ – cho đến khi nào được việc mới thôi. Họ muốn nghĩ gì, họ cho tôi là người thế nào cũng mặc, tôi có cần gì đâu.

– Thế việc cháu Boris thì chị xin ai? – bá tước phu nhân hỏi – Con chị thế là đã được làm sĩ quan ngự lâm, còn thằng Nikolai nhà tôi thì chỉ được làm hạ sĩ quan thôi. Chả biết xin xỏ ai. Chị xin ai thế?

– Xin công tước Vaxili. Ông ấy tốt lắm, bằng lòng ngay; công tước đã trình việc này lên hoàng thượng rồi. – Anna Mikhailova nói giọng hân hoan, quên hẳn những nỗi tủi nhục mà mình đã phải trải qua để đạt được mục đích.

– Thế công tước Vaxili độ này có già đi không? – Bá tước phu nhân hỏi. – Từ dạo tổ chức diễn kịch ở nhà ông Rumiantxev lôi không gặp công tước lần nào. Tôi chắc bây giờ ông ta quên tôi rồi. Dạo trước ông ta theo tán tỉnh tôi mãi đấy! – bá tước phu nhân mỉm cười nhớ lại thời xưa.

– Vẫn thế thôi, vẫn lịch sự, hoà nhã – Anna Mikhailova đáp – Quyền cao chức trọng không hề cho ông ta choáng váng, ông ấy nói với tôi thế này: “Tiếc rằng tôi giúp phu nhân được ít quá, công tước phu nhân ạ, xin cứ truyền bảo”. Quả công tước là một người rất tốt, một người bà con rất có tình. Nhưng Natalia, chắc chị cũng biết tôi quý con thế nào. Vì hạnh phúc của nó thật tôi không từ một việc gì. Mà gia cảnh của tôi thì nay thật chẳng ra gì, – Anna Mikhailova hạ thấp giọng, buồn rầu nói tiếp – đề tôi đang lâm vào một tình cảnh hết sức khốn đốn. Cái vụ kiện tai hại của tôi đã ngốn hết cả số tài sản tôi còn để dành lại, mà vẫn không nhích thêm được một bước nào. Chị thử tưởng tượng, nay tôi không còn lấy một đồng nào, thật thế đấy, thật tôi không còn biết lấy đâu ra tiền mà may quân phục cho thằng Boris nữa – Anna Mikhailovna rút chiếc khăn tay và khóc. – Tôi cần năm trăm rup, mà trong túi tôi vẻn vẹn chỉ có một tờ giấy hai mươi lăm. Tình cảnh của tôi thật… Tôi chỉ còn biết hy vọng vào bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov nữa thôi. Nếu bá tước không muốn giúp đứa con đỡ đầu – vì chính bá tước đã đỡ đầu cho thằng Boris – và trợ cấp cho nó ít nhiều, thì bao nhiêu công sức của tôi đều hoá ra công cốc cả: Tôi sẽ không còn biết lấy gì mà may mặc cho nó nữa.

Công tước phu nhân khóc và im lặng ngẫm nghĩ một lát rồi nói.

– Tôi thường nghĩ, có lẽ nghĩ như thế là có tội, nhưng nhiều khi tôi vẫn nghĩ: bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov sống một mình, với một gia tài kếch xù, như vậy thì sống để làm gì? Đối với bá tước sống đã thành một cái nợ, còn thằng Boris thì lại đang bước vào cuộc sống.

– Chắc bá tước sẽ để lại ít nhiều cho cháu Boris, – bá tước phu nhân nói.

– Có trời mới biết được bạn ạ! Các ông lớn nhà giàu ấy thường ích kỷ lắm kia. Tuy vậy tôi cũng sẽ đưa thằng Boris đến nhà bá tước và sẽ nói thẳng việc này ra với bá tước. Người ta muốn nghĩ tôi là người thế nào thì nghĩ, quả tình một khi cả vận mệnh của con tôi đã phụ thuộc vào đấy thì tôi có ngại gì đâu. – Công tước phu nhân đứng dậy – Bây giờ là hai giờ, đến bốn giờ chị mới dùng bữa chiều.

– Tôi sẽ có đủ thì giờ trở lại.

Và với những cách thức của một người đàn bà quý tộc bận rộn ở Petersburg luôn luôn biết tận dụng thời gian, Anna Mikhailovna cho người đi gọi Boris, rồi cùng cậu con trai đi ra phòng ngoài.

Bà nói với bá tước phu nhân bấy giờ đang tiễn bạn ra cửa:

– Thôi chào chị nhé, Natalia thân mến, – và nói thêm, giọng thì thào rất khẽ để con khỏi nghe thấy – Chị cầu mong cho tôi may mắn nhé.

Bá tước Roxtov đứng ở trong phòng ăn cũng vừa đi ra phòng ngoài vừa nói:

– Bà sang nhà bá tước Kiril Vladimirovich đấy à? Nếu bá tước đỡ rồi thì bảo cậu Piotr sang tôi ăn bữa chiều nhé. Cậu ấy trước đây thỉnh thoảng vẫn đến chỗ tôi chơi khiêu vũ với các cháu luôn đấy mà. Thế nào bà cũng bảo cậu ấy sang đây nhé. Nào, để rồi xem chú Tarax hôm nay có những cao lương mỹ vị gì. Chú ta bảo là ở nhà bá tước Orlov(2) cũng chưa có bữa tiệc nào như bữa tiệc chiều nay ở nhà tôi đấy.

Chú thích:

(1) Bà Đờ Gianglix, nữ văn sĩ Pháp, viết những tiểu thuyết giáo dục.

(2) Bá tước Orlov tham dự cuộc chinh biến trong cung đình năm 1762 đưa Ekaterina lên ngôi đầu thế kỷ XlX. Ông nổi tiếng là người hào phóng quảng giao, hiếu khách.

Chọn tập
Bình luận