Ngày mồng năm tháng mười một là ngày đầu tiên của cái gọi là trận Kraxnoye. Chiều hôm ấy, sau nhiều cuộc cãi vã và nhiều lầm lỗi của các tướng (họ đã đem quân đi sai hẳn kế hoạch) sau những cuộc sai phái sĩ quan phụ tá đi truyền những mệnh lệnh trái ngược với mệnh lệnh cũ, khi đã thấy rõ rằng đâu đâu quân địch cũng bỏ chạy và trận đánh không thể diễn ra được và sẽ không diễn ra, Kutuzov rời Kraxnoye đến Dobroye, nơi đại bản doanh vừa chuyển đến trong ngày hôm ấy.
Ngày hôm ấy trời quang đãng và giá lạnh, Kutuzov cưỡi con ngựa bạch béo phị cùng với một đoàn tuỳ tùng đông đúc gồm những viên tướng bất mãn với ông đang xì xào sau lưng ông, đi về phía Dobroye. Sụốt dọc đường, đâu đâu cũng thấy những toán tù binh vừa bắt được ngày hôm ấy đang sưởi quanh những đống lửa trại (ngày hôm ấy số tù binh bắt được là bảy nghìn). Cách Dobroye không xa, có một lũ tù binh rất đông, áo quần rách rưới, mình quấn và trùm bất cứ thứ gì có thể vớ được, đang đứng nói chuyện ồn ào trên đường cái cạnh một dãy dài súng đại bác Pháp đã tháo ra khỏi xe. Khi vị tổng tư lệnh đến gần, tiếng nói chuyện im bặt và mọi con mắt đều đổ dồn về phía Kutuzov đầu đội mũ trắng vành đỏ và mình mặc chiếc áo khoác bông cộm lên trên đôi vai gù, đang chậm rãi đi trên đường cái. Một trong các viên tướng báo cáo cho Kutuzov rõ những khẩu pháo và những đám quân lính này bắt được ở đâu.
Kutuzov hình như đang mải suy nghĩ điều gì nên không nghe những lời viên tướng nói. Ông nheo mắt có vẻ không bằng lòng và chăm chú nhìn bóng dáng lũ tù binh – một cảnh tượng thật là thảm hại. Mặt bọn lính Pháp phần lớn đều trông không ra mặt người nữa vì mũi và má đều bị chết cóng, mắt thì hầu hết đỏ gay, sưng húp và ghèn rử nhầy nhụa. Một tốp lính Pháp đứng sát mé đường, có hai người – mặt một trong hai người đầy những vết lở loét – đang lấy tay xé một miếng thịt sống. Có một cái gì thú vật và khủng khiếp trong khoé mắt của họ, khi họ liếc nhìn những người qua đường và trong cái vẻ hẳn học của những lính mặt lở loét khi hắn gườm gườm nhìn Kutuzov rồi lập tức quay đi tiếp tục nốt công việc đang làm.
Kutuzov chăm chú nhìn hai người lính này một hồi lâu, mặt ông càng nhăn nhó thêm. Ông nheo mắt và lắc đầu ra dáng trầm ngâm. Ở một chỗ khác, ông để ý đến một người lính Nga đang vỗ vai một người lính Pháp vừa cười nói với hắn một câu gì đó thân mật. Kutuzov lại lắc đầu với cái vẻ tư lự như ban nãy.
– Anh nói gì? – ông hỏi viên tướng đang tiếp tục báo cáo và xin tổng tư lệnh lưu ý đến những ngọn quân kỳ vừa mới cướp được, bây giờ xếp trước mặt hàng ngũ trung đoàn Preobrazenxki.
– À! Cờ! – Kutuzov nói, vẻ như đang chật vật bứt ra khỏi những vấn đề khiến ông bận tâm suy nghĩ. Ông lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Từ khắp bốn phía, hàng nghìn cặp mắt nhìn vào ông, chờ nghe ông nói.
Đến trước trung đoàn Preobrazenxki, ông dừng lại, buông một tiếng thở dài nặng trĩu và nhắm mắt. Một người nào đấy trong đoàn tuỳ tùng vẫy tay ra hiệu cho các binh sĩ đang cầm cờ đến đứng quanh vị tổng tư lệnh và trình cờ cho ngài xem. Kutuzov im lặng mấy phút, rồi vẻ miễn cưỡng rõ rệt, chẳng qua vì cương vị bắt buộc, ông ngẩng đầu lên và bắt đầu nói. Từng đám sĩ quan vây quanh ông ta. Ông đưa mắt chăm chú nhìn qua các sĩ quan một lượt, nhận mặt một vài người trong đám đông.
– Xin cảm ơn mọi người – ông nói với các binh sĩ rồi lại nói với các sĩ quan.
Trong bầu không khí im phăng phắc ở chung quanh, người ta nghe rõ mồn một những lời nói của ông thong thả buông ra:
– Xin cảm ơn mọi người đã phục vụ trung thành trong cảnh khó khăn. Quân ta đã toàn thắng, và nước Nga sẽ không quên các người. Vinh quang thay cho các người trong ngàn muôn thế kỷ! – ông im lặng một lát, mắt nhìn quanh.
Hạ thấp đầu nó xuống, hạ thấp xuống, – ông bảo một người lính đang cầm một quân hiệu phượng hoàng của Pháp và vô tình chúc nó xuống trước mặt ngọn quân kỳ của trung đoàn Preobrazenxki – Thấp nữa, thấp nữa, thế, thế. Anh em ơi, Ura? Ông hất cằm quay phắt về phía các binh sĩ hô to.
Ura – ra – ra – ra! – hàng nghìn tiếng hô vang lên như sấm.
Trong khi quân lính reo hò, Kutuzov ngồi khom lưng trên yên cúi đầu xuống và con mắt ánh lên một tia sáng dịu hiền, hầu như giễu cợt.
– Bây giờ thế này anh em ạ!
Ông nói khi tiếng hò reo đã ngớt. Và bỗng nhiên giọng nói và vẻ mặt ông thay đổi: đây không còn là một vị tổng tư lệnh nữa, mà là một ông già bình dị, hẳn là đang muốn nói một điều gì rất cần với các bạn đồng ngũ của mình. Đám quân sĩ và các hàng ngũ quân lính lao xao xê dịch một lát để nghe cho rõ những điều ông sắp nói.
– Anh em ạ. Tôi biết các anh em khổ lắm, nhưng biết làm thế nào được? Cố kiên nhẫn một chút: chẳng còn lâu nữa đâu. Khi nào tiễn hết các ông khách ta sẽ nghỉ ngơi cho bõ. Sa hoàng sẽ không quên công lao của anh em. Anh em khổ thật, nhưng dù sao anh em cũng đang ở trên đất nhà, chứ như bọn chúng – anh em xem nông nỗi chúng nó đến thế nào, – ông chỉ đám tù binh nói – Còn tệ hơn lũ ăn mày cùng khốn nhất. Khi chúng còn mạnh, chúng ta không thương xót gì chúng hết, còn bây giờ thì có thể thương hại chúng. Chúng cũng là người. Có phải thế không anh em? Nhưng nói cho phải, ai khiến chúng đến đất chúng ta? Đáng đời quân chó đẻ, đ. mẹ chúng nó! – ông bỗng ngẩng đầu lên nói.
Rồi khua roi ngựa một cái, lần đầu tiên trong suốt chiến dịch, ông cho ngựa phi nước đại rời khỏi những đội ngũ rối loạn hẳn đi của những quân lính đang vui sướng cười rộ lên và reo hò “ura”.
Có lẽ những lời Kutuzov nói quân lính cũng chẳng hiểu gì mấy.
Chắc không ai có thể truyền đạt lại nội dung những lời lẽ lúc đầu thì long trọng mà về cuối thì xuề xoà của vị thống soái già; nhưng ý nghĩa rất sâu kín của những lời nói thì không những họ hiểu, mà ngay cả cái cảm xúc đắc thắng trang trọng kết hợp với lòng thương xót kẻ thù và ý thức về chính nghĩa của mình, biểu hiện ra bằng câu chửi chất phác của một ông già, – ngay cả cái cảm xúc đó cũng ở trong lòng mỗi người lính và được biểu lộ ra bằng một tiếng reo hò vui sướng kéo dài một hồi lâu. Sau đó, khi một viên tướng hỏi xem vị tổng tư lệnh có cần cái xe ngựa đến không, Kutuzov trong khi trả lời bỗng nấc lên một tiếng: chắc là ông đang xúc động mạnh.