Sau tất cả những điều Napoléon đã nói với ông ta, sau những cơn giận dữ và sau cái câu rất xẵng nói lúc từ biệt: “Thôi xin chào các tướng quân, tướng quân sẽ nhận được bức thư của tôi gửi hoàng để, Balasov đinh ninh rằng Napoléon bây giờ không những không muốn gặp ông ta, mà sẽ còn cố gắng tránh mặt ông ta, một sứ giả vừa bị lăng nhục và hơn nữa đã chứng kiến cơn nóng nảy khiếm nhã của mình. Nhưng Balasov rất lấy làm lạ vì ngay hôm ấy Duyroc đã chuyển lời mời ông đến dự bữa ăn của Hoàng đế.
Bữa ăn này có Bexer, Colanhcur và Beltie dự. Napoléon tiếp Balasov vui vẻ nhã nhặn, không những ông không có vẻ gì ngượng nghịu hay ân hận về cơn giận sáng nay, mà trái lại còn ra sức tìm cách khích lệ Balasov nữa là khác. Có thể thấy rõ là đã từ lâu Napoléon tin chắc rằng mình không thể làm điều gì sai lầm và trong quan niệm của ông ta thì mọi việc ông ta làm đều hay, không phải là vì những việc đó phù hợp với khái niệm tốt xấu là vì chính ông ta đã làm làm.
Hoàng đế lúc bấy giờ rất vui vẻ vì vừa đi dạo trong thành phố Vilna trở về: trong cuộc du lắm này những đám đông dân chúng đã nô nức ra đón chào và đi theo ông ta, ở các phố mà ông ta đi qua, tất cả các cửa sổ đều có treo thảm, cờ, phù hiệu của ông ta, và phụ nữ Ba Lan đã vẫy khăn tay chào mừng ông.
Đến bữa ăn, ông ta cho Balasov ngồi bên cạnh, và không những nói năng với viên sứ thần Nga một cách ôn tồn thân mật mà lại còn đối xử như thể Balasov cũng là một triều thần của mình, cũng là một trong số những người tán thưởng các kế hoạch của mình và chắc chắn phải lấy làm mừng về những thành công của mình sau khi nói chuyện này chuyện nọ một lúc, Napoléon quay ra nói chuyện về Moskva và hỏi Balasov về thủ đô nước Nga, không phải như một người du lịch tò mò hỏi về một địa phương mới lạ mà mình định đến thăm, mà lại có vẻ tin chắc rằng Balasov là người Nga tất phải lấy làm vinh hạnh khi được hỏi han như vậy.
Ở Moskva có bao nhiêu cư dân, có bao nhiêu nhà? Có đúng là người ta gọi “Moscou thần thánh” không? Có bao nhiêu nhà thờ ở Moscou? – Napoléon hỏi.
Nghe nói là có hơn hai trăm ngôi nhà thờ, Napoléon nói:
– Sao lại lắm nhà thờ như thế?
– Người Nga rất mộ đạo. – Balasov đáp – Vả chăng, có nhiều tu viện và nhà thờ bao giờ cũng là một dấu hiệu chứng tỏ rằng một dân tộc còn lạc hậu, – Napoléon vừa nói vừa đưa mắt nhìn Colanhcur đợi ông tán thưởng.
Balasov kính cẩn tỏ ý không tán thành ý kiến của hoàng đế Pháp.
– Mỗi nước có phong tục riêng, – Ông ta nói. – Nhưng hiện nay ở châu Âu không còn một nước nào như vậy cả, – Napoléon nói.
– Xin hoàng thượng xá lỗi cho – Balasov nói – Ngoài nước Nga ra còn có nước Tây Ban Nha: ở đấy tu viện và nhà thờ cũng nhiều không kém.
Câu trả lời của Balasov nhằm ám chỉ cuộc thất trận gần đây của quân đội pháp ở Tây Ban Nha, và về sau, khi ông ta đem ra kể lại ở triều đình hoàng đế Alekxandr, nó đã được đánh giá rất cao; còn bây giờ, trong bữa tiệc của Napoléon thì câu trả lời đó lại ít được thưởng thức và chẳng ai chú ý đến.
Cứ trông vẻ mặt hững hờ và ngơ ngác của các vị nguyên soái cũng có vẻ thấy rằng họ không hiểu câu nói đó có ý vị gì mà Balasov lại phải nói bằng cái giọng đặc biệt như vậy. Vẻ mặt của họ như muốn nói “Cho là có ngụ ý gì đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng chẳng hiểu, hoặc giả nó chẳng có gì là hóm hỉnh hết”. Câu trả lời ít được thưởng thức đến nỗi Napoléon chẳng hề mảy may để ý đến và ra vẻ ngây thơ hỏi Balasov xem từ đây đi đường thẳng đến Moskva thì phải đi qua những thành phố nào, Balasov suốt bữa tiệc không lúc nào ngừng giữ miếng, đáp lại rằng cũng như mọi nẻo đường dẫn đến La Mã, thì mọi nẻo đường cùng đều dẫn đến Moskva, nghĩa là có rất nhiều đường, và trong số những con đường đó có con đường đi qua Poltava(1), con đường mà Charles XII đã chọn,
Balasov nói, bất giác đỏ mặt lên vì đắc ý với câu đối đáp sắc sảo của mình. Balasov chưa kịp nói hết chữ “Poltava”, thì Colanhcur đã quay ra nói về những sự bất tiện trên con đường từ Petersburg đến Moskva và nhắc nhở những kỷ niệm ở Petersburg của mình.
Sau bữa ăn, họ sang uống cà phê trong phòng giấy của Napoléon, căn phòng mà bốn ngày trước đây còn được dùng làm phòng giấy của hoàng đế Alekxandr. Napoléon ngồi xuống lấy thìa khuấy cà phê trong cái tách băng xứ Xevr(2), và chỉ cho Balasov một chiếc ghế ở bên cạnh mình.
Sau bữa tiệc, người ta vẫn thường có khuynh hướng hài lòng với bản thân và xem mọi người như bạn của mình, mặc dù không có lý do gì chính đáng hơn để làm như vậy. Napoléon bấy giờ đang ở trong trạng thái đó. Ông cứ có cảm tưởng là chung quanh mình toàn những người sùng bái mình cả. Ông cư yên trí rằng Balasov, sau bữa ăn với ông, cũng là người bạn và là một người sùng bái mình như thế. Napoléon nói chuyện với Balasov, trên môi nở một nụ cười thân mật và hơi nhuốm vẻ giễu cợt.
– Nghe nói phòng này trước kia chính là phòng của hoàng đế Alekxandr. Kể cũng lạ, có phải không tướng quân? – Napoléon nói, hẳn là tin rằng những lời này không thể làm cho người đối thoại với mình thích thú, vì nó chứng tỏ rằng ông ta, Napoléon hơn hẳn Alekxandr.
Balasov không biết trả lời ra sao, chỉ im lặng cúi đầu.
– Phải, trong căn phòng này, bốn ngày trước đây Vintxinghenrat và Stain đã hội bàn với nhau, – Napoléon nói tiếp, vẫn với nụ cười giễu cợt và tự tin trên môi. – Có một điều mà tôi không hiểu được, là hoàng đế Alekxandr đã dung nạp tất cả những kẻ thù riêng của tôi. Điều đó, tôi không hiểu sao được. Thế hoàng đế không nghĩ rằng tôi cũng có thể làm như vậy hay sao? – Ông ta hỏi Balasov, và hình như hồi ức này gợi lên những dấu vết của cơn giận ban sáng, hãy còn tươi rói trong tâm trí ông ta.
– Và hoàng đế Alekxandr cũng nên biết rằng tôi sẽ làm như vậy. – Napoléon vừa nói vừa đứng dậy và gạt chén cà phê ra. – Tôi sẽ đuổi ra khỏi nước Đức tất cả những người thân thuộc với ông ta, những Vuyrtemberg(3), những Baden, những Vaimar… phải, tôi sẽ đuổi tất cả. Ông ta hãy liệu mà sắp sẵn chỗ trú thân cho họ ở nước Nga đi!
Balasov cúi đầu, vẻ như muốn ngụ ý rằng mình cũng muốn lui ra và có nghe chăng cũng chỉ vì không thể nào không nghe được mà thôi. Napoléon không để ý thấy vẻ mặt của Balasov, ông nói năng với Balavos không phải như một sứ thần của kẻ địch, mà như với một người hoàn toàn phục tùng ông ta và tất phải lấy làm vui mừng khi thấy ông chủ cũ của mình bị khuất phục.
– Thế tại sao vua Alekxandr lại nắm quyền chỉ huy quân đội? Như thế để làm gì? Chiến tranh là nghề nghiệp của tôi, còn việc của ông là làm vua, chứ không phải chỉ huy quân đội. Tại sao ông ta lại lĩnh lấy một trách nhiệm như thế?
Napoléon lại rút hộp thuốc lá ra, im lặng đi đi lại lại mấy lượt trong phòng và bỗng đến gần Balasov rồi nói với một cử chỉ nhanh nhẹn, quả quyết, như đang làm một việc gì không có tầm quan trọng mà lại còn làm cho Balasov hài lòng nữa, ông ta đột nhiên giơ tay lên nắm lấy tai viên tướng Nga đã ngoại tứ tuần ấy, khẽ kéo một cái, vừa kéo vừa mỉm cười, nhưng chỉ mỉm cười bằng môi thôi.
Được hoàng đế kéo tai là một điều ở triều đình nước Pháp người ta xem là vinh dự tối cao và là ân sủng lớn nhất.
– Thế nào, sao ông không nói gì cả, ông hiền thần ngưỡng mộ hoàng đế Alekxandr kia?- Napoléon nói, tựa hồ lấy làm buồn cười rằng sao trước mặt ông ta mà lại còn có thể ngưỡng mộ một người nào khác ngoài ông ta, Napoléon.
– Ngựa của tướng quân đã thắng xong chưa? – Ông ta nói thêm, khẽ nghiêng đầu đáp lại cái chào của Balasov. – Đưa ngựa của ta cho tướng quân dùng nhé, tướng quân phải đi xa lắm đấy…
Bức thư do Balasov mang về là bức thư cuối cùng của Napoléon gửi Alekxandr. Tất cả các chi tiết trong cuộc nói chuyện này đều được truyền đạt cho hoàng đế Nga, và chiến tranh bắt đầu.
Chú thích:(1) Trận đánh lớn ở thế kỷ 17, trong đó Piotr đại đế đánh tan quân Thuỵ Điển do vua Charle XII chỉ huy.
(2) Loại sứ quý do thủ công xưởng nổi tiếng từ xưa ở Xevrơ (thị trấn gần Paris) sản xuất.
(3) Tên những công quốc ở Đức và cũng là tên những dòng họ vương công quan hệ thân thuộc với Alekxandr.