Năm 1812 và năm 1813 người ta công khai tố cáo những sai lầm của Kutuzov. Hoàng thượng bất bình về ông. Và trong pho sử viết ra gần đây theo lệnh trên có nói rằng Kutuzov là một lão nịnh thần giảo quyệt vốn sợ Napoléon đã phạm những sai lầm ở Kraxnoye và ở Berezine khiến cho quân đội Nga không được cái vinh quang toàn thắng quân Pháp(1).
Số phận của những con người không phải là vĩ nhân, không phải là grand homme – một thứ người mà trí tuệ của dân Nga không thừa nhận – nhưng lại là những con người hiếm có, bao giờ cũng cô độc, hiểu được ý Trời và hướng ý chí của mình theo ý Trời, – số phận của những con người ấy là như vậy. Lòng thù ghét và khinh miệt đám đông trừng phạt họ về tội đã hiểu thấu các quy luật tối cao.
Đối với các sử gia Nga (nói ra thật kỳ quặc và khủng khiếp!) thì Napoléon – cái ông cụ hết sức vô nghĩa của lịch sử kia, con người chưa bao giờ, dù là trong cảnh tù đày, tỏ ra có nhân cách, – lại được họ khâm phục và ngưỡng mộ; ông ta là vĩ đại. Còn Kutuzov, con người từ đầu chí cuối chiến dịch 1812, từ Moskva đến Vilna, chưa hề lần nào có một hành động hay một lời nói tự mâu thuẫn với mình, con người đã nêu lên một tấm gương hy sinh hiếm có và tỏ rõ một khả năng tiên đoán phi thường trong lịch sử, – lại bị họ coi như một kẻ mù mờ và thảm hại, và mỗi khi nói đến Kutuzov và đến năm 1812, bao giờ họ cũng dường như cố ý ngượng ngùng.
Song thật khó lòng tưởng tượng ra một nhân vật lịch sử nào mà hoạt động lại nhất quán và thường xuyên hướng về một mục đích như vậy. Khó lòng tưởng tượng ra một mục đích xứng đáng và phù hợp với ý chí của toàn dân hơn. Càng khó tìm ra một trường hợp khác trong lịch sử mà mục đích do nhản vật lịch sử đặt ra lại đạt được trọn vẹn như mục đích của toàn bộ hoạt động của Kutuzov năm 1812 đều hướng tới.
Kutuzov không bao giờ nói bốn mươi thế kỷ đứng ngắm từ trên đỉnh Kim tự tháp(2), đến những vật hy sinh mà ông ta dâng lên bàn thờ tổ quốc, đến những việc mà ông định thực hiện hay đã thực hiện; nói chung ông không nói gì về bản thân, không đóng một vai tuồng gì, bao giờ cũng là một con người hết sức giản dị và bình thường. Ông viết thư cho các con gái và cho bà Stael(3), đọc tiểu thuyết, thích giao du với đàn bà đẹp, đùa cợt với tướng sĩ và binh lính, và không bao giờ bác lại những người muốn chứng minh với ông một điều gì. Khi bá tước Raxtovsin cưỡi ngựa đến cạnh Kutuzov ở cầu Yauxki trách ông đã làm cho Moskva phải thất thủ, và bảo rằng: “Sao ông hứa sẽ không bỏ ngỏ Moskva mà không chiến đấu? Thì Kutuzov đáp: “Tôi sẽ không bỏ ngỏ rồi”. Khi Arakseyev nhân danh Hoàng đế đến nói với ông rằng cần chỉ định Yermolov làm tư lệnh pháo binh, Kutuzov đáp: “Vâng, chính tôi cũng vừa nói thế” – mặc dầu trước đấy một phút ông nói khác hẳn.
Vì lẽ gì Kutuzov, con người duy nhất hiểu biết được ý nghĩa lớn lao của những sự việc đang diễn ra, ở giữa đám người ngu xuẩn đang đứng quanh ông, lại phải chú ý đến chuyện bá tước Raxtovsin nhận trách nhiệm để Moskva thất thủ hay đổ lên đầu ông ta? Còn như vấn đề chỉ định ai làm tư lệnh pháo binh thì ông còn ít quan tâm hơn nữa.
Không phải chỉ có những trường hợp nói trên mà trong rất nhiều trường hợp khác nữa, con người già cả ấy đã được kinh nghiệm sống cho thấy rõ rằng những ý nghĩ và những từ ngữ dùng để biểu đạt những ý nghĩ đó không phải là yếu tố thúc đẩy con người, cho nên ông nói ra những lời lẽ hoàn toàn vô nghĩa, – nghĩ ra câu gì thì nói ra câu ấy.
Nhưng chính con người ấy; kẻ coi thường lời nói của mình như vậy suốt thời gian hoạt dộng vẫn chưa lần nào nói một câu gì không phù hợp với cái mục đích duy nhất mà mình đã tìm cách đạt đến trong suốt cuộc chiến tranh. Đã mấy lần trong những hoàn cảnh hết sức khác nhau, ông đã nói ý nghĩ của mình ra, rõ ràng là một cách miễn cưỡng, biết chắc rằng người ta sẽ không hiểu mình. Kể từ trận Borodino là sự kiện mở đầu cho sự bất đồng ý kiến giữa Kutuzov với những người chung quanh, chỉ có một mình ông nói rằng trận Borodino là một trận thắng, và ông đã nhắc đi nhắc lại điều đó trong khi nói chuyện, trong các bản báo cáo, trong các tờ trình, mãi cho đến khi chết. Chỉ có một mình ông nói rằng mất Moskva không phải là mất nước Nga. Đáp lại lời đề nghị giảng hoà của Lorixton ông đã nói rằng không thể có đề nghị giảng hoà được, vì ý nguyện của nhân dân là như vậy; – chỉ có một mình ông trong thời gian quân Pháp rút lui đã nói rằng tất cả những cuộc hành binh của ta đều không cần thiết, rằng mọi sự việc sẽ tự nó diễn ra còn tốt hơn là chúng ta mong ước, rằng phải có quân địch một cái cầu bằng vàng, rằng dù trận Tarutino, trận Vyazma hay trận Kraxnoye cũng đều không cần thiết, rằng khi đến biên giới phải còn đủ quân, rằng đổi một lính Nga lấy mười lính Pháp ông cũng không đổi.
Và chỉ một mình lão triều thần ấy – như người ta nói – con người đã nói đổi Aractsayep để được lòng hoàng đế, – chỉ có một mình lão triều thần ấy ở Vilna đã dám nói một câu làm cho mình thất sủng trước nhà vua; tiếp tục chiến tranh ở ngoài nước là có hại và vô ích.
Nhưng nếu chỉ xét những lời nói mà thôi không có gì chứng tỏ rằng hồi đó ông đã hiểu ý nghĩa của biến cố đang diễn ra. Tất cả các hành động của ông – không hề có một trường hợp ngoại lệ nào dù nhỏ nhặt đến đâu – đều nhằm vào một mục đích duy nhất gồm ba điểm:
1. Huy động hết lực lượng để đường đầu với quân Pháp.
2. Chiến thắng quân Pháp.
3. Đuổi chúng ra khỏi nước Nga, đồng thời, trong chừng mực có thể, giảm nhẹ những nỗi điêu đứng của nhân dân và quân đội.
Chính Kutuzov, con người chần chừ mà phương châm là kiên nhẫn và thời gian, kẻ thù của những hành động quyết liệt, chính ông ta đã mở trận Borodino sau những nghi thức chuẩn bị cực kỳ long trọng. Chính Kutuzov, con người đã nói ngay từ khi trận Austerlix chưa bắt đầu, rằng trận này sẽ thất bại, thì ở Borodino, mặc dù các tướng tá thi nhau nói rằng quân ta đã bại trận, mặc dù, trái với tất cả các trường hợp đã từng có trong lịch sử, quân đội sau khi thắng trận lại phải rút lui chỉ có một mình ông, trái với ý kiến mọi người, mãi cho đến khi chết vẫn khẳng định rằng trận Borodino là một trận thắng. Chỉ có một mình ông, trong suốt thời gian quân Pháp rút lui, một mực chủ trương không giao chiến, bây giờ làm như vậy chẳng có ích gì, không gây ra một cuộc chiến tranh mới và không vượt quá biên giới.
Ngày nay, miễn là đừng đem gán cho hoạt động của quần chúng những mục đích chỉ có trong đầu óc của mười người, thì có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của biến cố, bởi vì toàn bộ sự việc cùng với những hậu quả của nó đều đã sờ sờ ra trước mắt ta.
Nhưng làm thế nào mà con người già cả ấy, một mình chống lại ý kiến của mọi người, lại có thể tiên đoán đúng được ý nghĩa toàn dân của sự việc đến nỗi suốt thời gian hoạt động không hề có một lần nào phản lại ý nghĩa đó?
Cội nguồn của sức mạnh phi thường đã khiến cho ông ta hiểu thấu ý nghĩa của những hiện tượng đang diễn ra là cái tình cảm nhân dân mà ông mang trong lòng với tất cả sự thuần khiết và sức mạnh của nó.
Chỉ vì nhận thấy ông có tình cảm này mà nhân dân đã dùng những đường lối kỳ lạ để chọn một ông già đang thất sủng, trái với ý muốn của Sa hoàng, làm người đại diện cuộc chiến tranh nhân dân. Và chỉ có cái tình cảm ấy mới có thể đặt ông lên địa vị tối cao của con người để cho ông, với tư cách tổng tư lệnh, dốc hết sức lực ra không phải để giết chóc và tiêu diệt người ta, mà để cứu vớt và xót thương họ.
Cái nhân cách giản dị, khiêm tốn nên thật là hùng vĩ của ông không sao lắp vừa vào cái khuôn giả tạo của một bậc anh hùng châu Â, gọi là một kẻ lãnh đạo dân chúng, mà sử học đã bày đặt ra.
Đối với một người hầu buồng không thể có ai là vĩ nhân được bởi vì người hầu buồng có một quan niệm riêng về sự vĩ đại.
Chú thích:
(1) Lịch sử năm 1812 của Bogdanovich “Đặc tính của Kutuzov và bàn về những kết quả không mỹ mãn của các trận đánh ở Kraxnoye (chú thích của tác giả)
(2) Câu nói của Napoléon ở Ai Cập (xem chú thích ở phần 12)
(3) Mne de Stael (1776 – 1817) nhà văn hoá Pháp có xu hướng tự do bị Napoléon khủng bố phải lánh ra nước ngoài từ 1802, năm 1812 bà ở Nga.
(4) Ám chỉ một câu tục ngữ Pháp: “Không ai là vĩ nhân đối với người hầu buồng của mình”