Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 12 – Chương 14

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Được Nikolai cho biết tin anh nàng đang ở với gia đình Roxtov ở Yaroxlavl, công tước tiểu thư Maria, bất chấp những lời can ngăn của bà dì, lập tức sửa soạn ra đi, không những thế, nàng lại còn đem cả đứa cháu trai cùng đi nữa. Đi như vậy có khó khăn gì không, liệu có đi được không, nàng không hề hỏi và không muốn biết; bổn phận của nàng không những là phải ở bên cạnh anh nàng, có lẽ bây giờ đang hấp hối cũng nên, mà còn phải làm đủ cách để đưa con trai đến cho anh nàng gặp mặt. Và nàng đã nhất quyết ra đi. Nàng tự nhủ rằng sở dĩ công tước Andrey không cho nàng biết tin này là vì hoặc chàng yếu quá không viết thư được, hoặc chàng cho rằng nàng và đứa con trai của chàng đi một quãng đường xa xôi như vậy thì quá gian nan và nguy hiểm.

Chỉ vài ngày tiểu thư Maria đã sửa soạn xong để lên đường. Xe cộ của nàng gồm có cỗ xe kiệu to tướng của lão công tước – chiếc xe mà nàng đã dùng để đến Voronez, mấy chiếc xe britska và mấy chiếc xe chở đồ. Cùng đi với nàng có cô Burien, Nikoluska với ông gia sư, bà u già, ba người nữ tỳ, Tikhon, một người nội bộc trẻ tuổi và một người hành bộc của bà dì phải đi theo nàng.

Không thể không nghĩ đến chuyện đi theo con đường Moskva như thường lệ được, công tước tiểu thư Maria phải đi theo một con đường vòng qua Lipetxki, Ryazan, Vladimir. Con đường này rất dài, rất khó đi vì nhiều nơi không có trạm đổi ngựa, và qua vùng Ryazan lại còn nguy hiểm nữa là khác, vì nghe đâu quân Pháp đã xuất hiện ở vùng này.

Trong cuộc hành trình vất vả, cô Burien, Dexal và những người tôi tớ của công tước tiểu thư Maria đều phải lấy làm lạ vì sự cương nghị và sức hoạt động của nàng. Nàng bao giờ cũng đi ngủ sau cùng và dậy trước mọi người, và không có khó khăn trở ngại nào có thể ngăn cản nàng được. Nhờ sức hoạt động và nghị lực của nàng cổ vũ các bạn đồng hành, cuối tuần lễ thứ hai họ đã gần đến Yaroxlav.

Trong thời gian vừa qua ở Voronez, tiểu thư Maria đã được hưởng cái hạnh phúc êm đẹp nhất trong đời nàng. Tình yêu của nàng đối với Roxtov không còn làm cho nàng bứt rứt và khích động nữa. Tình yêu đó đã tràn ngập lòng nàng, đã trở thành một bộ phận khăng khít của bản thân nàng và nàng không còn đấu tranh với tình cảm nữa. Trong thời gian gần đây, công tước tiểu thư Maria đã thấy rõ tuy nàng chưa bao giờ tự nói với mình điều đó bằng những từ ngữ rõ ràng minh xác – rằng mình yêu và được yêu. Nàng đã thấy rõ như vậy trong lần gặp gỡ sau cùng với Nikolai khi chàng đến báo cho nàng biết rằng anh nàng hiện ở với gia đình Roxtov. Nikolai không hề có một lời nào ám chỉ rằng bây giờ những quan hệ trước kia giữa công tước Andrey và Natasa (nếu công tước Andrey qua khỏi) sẽ được nối lại, nhưng cứ nhìn gương mặt chàng, tiểu thư Maria cũng thấy rằng chàng biết và có nghĩ đến điều đó. Ấy thế mà không những thái độ của chàng đối với nàng một thái độ trân trọng, dịu dàng và chan chứa tình yêu – vẫn không thay đổi, mà chàng còn có vẻ như lấy làm mừng rằng quan hệ thân thuộc giữa chàng đối với tiểu thư Maria cho phép chàng tỏ bày một cách tự do hơn mối tình bạn và tình yêu của chàng, tiểu thư Maria có đôi khi nghĩ như vậy. Tiểu thư Maria biết rằng nàng yêu lần này là lần đầu tiên và là lần cuối cùng trong đời, và cảm thấy mình được yêu, nàng thấy vui sướng và điềm tĩnh về phương diện này.

Nhưng niềm vui này không những không làm mờ nhạt bớt tình thương xót của nàng đối với người anh, mà ngược lại, trạng thái yên tâm về mặt này lại khiến nàng có thể hoàn toàn buông mình theo tình thương ấy. Khi mới lên được ở Voronez, cảm xúc ấy mạnh đến nỗi khi nhìn gương mặt bơ phờ, tuyệt vọng của nàng, những người cùng đi yên trí rằng nàng nhất định sẽ ốm dọc đường; nhưng chính những nỗi khó khăn và những nỗi lo lắng trong cuộc hành trình, mà nàng đã dốc toàn lực vào để giải quyết, đã giúp nàng tạm thời khuây khoả và cho nàng có thêm sức mạnh.

Cũng như thường lệ những khi người ta đi đường trường công tước tiểu thư Maria chỉ nghĩ đến cuộc hành trình mà quên bẵng cả mục đích của nó. Nhưng khi đến gần Yaroxlav, khi lại sực nhớ đến những sự việc có thể đang chờ đón mình, không phải sau mấy ngày nữa, mà chỉ ngay tối nay thôi, nỗi xúc động của tiểu thư Maria dâng lên đến cực điểm.

Khi người hành bộc, được phái đến Yaroxlav trước để hỏi xem gia đình Roxtov ở đâu và hiện tình công tước Andrey ra sao, quay trở về và gặp chiếc xe kiệu lớn đang tiến vào thành phố ở gần trạm kiểm soát, anh ta hoảng sợ vì thấy khuôn mặt xanh xao một cách khủng khiếp của công tước tiểu thư Maria ló ra ngoài cửa xe.

– Thưa tiểu thư, con đã hỏi đủ cả: gia đình Roxtov hiện đang ở cạnh quảng trường, ở nhà một người lái buôn tên là Bronniko. Gần đây thôi ạ, ngay sát bờ sông Volga – người hành bộc nói.

Công tước tiểu thư Maria đưa đôi mắt hoảng sợ và băn khoăn nhìn vào mắt người hành bộc, không hiểu tại sao anh ta lại không trả lờt câu hỏi quan trọng nhất: Anh ta hiện ra sao? Cô Burien hỏi hộ nàng:

– Công tước thế nào?

Công tước đại nhân cùng ở với gia đình Roxtov trong ngôi nhà ấy.

“Thế nghĩa là anh ấy còn sống” – công tước tiểu thư nghĩ thầm và hỏi khẽ:

– Anh tôi ra sao?

– Nghe người ta nói là vẫn thế ạ.

“Vẫn thế” nghĩa là thế nào thì công tước tiểu thư Maria không hỏi. Nàng liếc mắt nhanh sang nhìn thằng Nikoluska lên bảy đang ngồi trước mặt nàng, vui mừng ngắm cảnh phố phường, rồi nàng cúi đầu xuống và không ngẩng lên nữa mãi cho đến khi chiếc xe nặng nề đang vừa lắc lư vừa lăn ầm ầm bỗng dừng lại. Cái bậc xe bỏ xuống đất nghe đánh xịch một tiếng loảng xoảng.

Cửa xe mở ra. Bên trái là sông Volga bát ngát, bên phải là một cái thềm nhà; trên thềm có nhiều người gia nô và một người con gái nào da dẻ hồng hào, làn tóc đen tết thành một chiếc bím dày, đang mỉm một nụ cười vờ vĩnh trông đến khó chịu, công tước tiểu thư Maria có cảm tưởng như vậy (người đó là Sonya). Công tước tiểu thư chạy lên mấy bậc thềm, người con gái có nụ cười vờ vĩnh nói: “Đây ạ đây ạ!” và công tước tiểu thư thấy mình đứng trong một gian tiền phòng, trước mặt một người đàn bà đã có tuổi, kiểu mặt như người phương Đông, đi ra đón nàng, vẻ cảm động. Đó là bá tước phu nhân. Bà ôm lấy tiểu thư Maria và hôn nàng.

– Con ơi! – bà nói. – Ta yêu con và đã biết con từ lâu.

Tuy đang bồi hồi xúc động, công tước tiểu thư Maria cũng hiểu rằng đó là bá tước phu nhân, và cần phải nói với phu nhân một câu gì mới được. Nàng ấp úng nói mấy câu tiếng Pháp đáp lễ (nàng cũng chẳng biết mình làm thế nào mà nói được như vậy), với cái giọng mà người ta đã dùng để nói với nàng, rồi hỏi: “Anh ấy thế nào rồi ạ?”

– Bác sĩ bảo là không có gì nguy hiểm, – bá tước phu nhân nói, nhưng trong khi nói như vậy, bà lại thở dài ngước mắt nhìn lên trời, và trong cử chỉ đó có một cái gì trái hẳn với câu nói của bà.

– Anh ấy ở đâu? Có thể gặp anh ấy được không ạ? – Công tước tiểu thư hỏi.

– Được chứ, được chứ, cô bạn ạ, cô sẽ gặp ngay. Con anh ấy đây à? – bá tước phu nhân quay về phía Nikoluska bấy giờ đang đi với Dexal vào phòng. – Sẽ có đủ chỗ, nhà này rộng lắm. Ồ, cậu bé xinh quá!

Bá tước phu nhân đưa công tước tiểu thư vào phòng khách.

Sonya nói chuyện với Burien. Bá tước phu nhân vuốt ve cậu bé.

Lão bá tước bước vào phòng chào hai công tước tiểu thư. Lão bá tước đã thay đổi nhiều từ dạo ông gặp công tước tiểu thư lần cuối cùng. Dạo ấy ông hãy còn là một ông già linh hoạt, vui vẻ đầy lòng tự tin, bây giờ ông là một con người lạc lõng, thảm hại. Trong khi nói chuyện với công tước tiểu thư, ông luôn luôn đưa mắt nhìn quanh như thể muốn hỏi mọi người xem mình làm như thế có được không. Sau khi Moskva bị thiêu huỷ và tài sản bị thất tán, còn mình thì bị tách ra khỏi nếp sống quen thuộc, bá tước hình như đã mất ý thức về lẽ sống của mình và cảm thấy mình bây giờ không còn chỗ đứng trong cuộc đời nữa.

Tuy chỉ mong sao được gặp anh ngay, và bực bội trong khi chỉ mong được thấy mặt anh mà người ta lại cứ ám lấy nàng và vờ vĩnh khen ngợi đứa cháu của nàng, công tước tiểu thư như Maria cũng để ý thấy tất cả những việc đang diễn ra quanh nàng, và thấy cần phải tạm khuất phục cái trật tự mới của nơi nàng vừa đến. Nàng biết rằng tất cả những cái đó đều không thể tráoh được và không lấy làm bực mình vì họ.

– Đây là cháu gái tôi, – Bá tước giới thiệu Sonya, công tước tiểu thư chưa biết nó à?

Công tước tiểu thư quay về phía Sonya, và cố nén cái cảm giác thù địch đang nổi dậy trong lòng, nàng hôn Sonya. Nhưng nàng thấy khổ tâm vì tâm trạng của tất cả những người ở chung quanh sao khác xa những điều đang xôn xao trong lòng nàng quá.

– Anh ấy ở đâu? – nàng lại hỏi lại tất cả mọi người một lần nữa.

– Anh ấy ở dưới nhà ạ! Natasa đang ngồi với anh ấy, – Sonya đỏ mặt nói, – Đã cho người đi hỏi rồi ạ. Chắc tiểu thư mệt lắm, phải không ạ?

Công tước tiểu thư ứa nước mắt vì tức bực. Nàng quay mặt đi và toan hỏi lại. Bá tước phu nhân một lần nữa xem phải đi lối nào để đến phòng công tước Andrey thì ngoài cửa có những tiếng bước nhẹ nhàng, rất nhanh, nghe như vui vẻ. Công tước tiểu thư quay lại nhìn và thấy Natasa đi như chạy vào phòng, Natasa, người mà hồi nào gặp ở Moskva đã gây cho nàng nhiều ác cảm như vậy.

Nhưng công tước tiểu thư vừa thoáng nhìn lên gương mặt Natasa thì đã hiểu rằng đây là một người thật sự cùng chung nỗi buồn với nàng, và do đó là bạn của nàng. Nàng lao người ra đón Natasa, ôm lấy nàng, và úp mặt lên vai Natasa mà khóc.

Đang ngồi trên đầu giường công tước Andrey, Natasa được tin công tước tiểu thư đến, nàng lặng lẽ đi ra khỏi phòng với những bước chân nhanh nhẹn mà công tước tiểu thư Maria nghe như vui vẻ đón, để chạy tới gặp nàng.

Khi nàng chạy vào phòng, trên gương mặt khích động của nàng chỉ biểu lộ tình cảm – tình yêu thương đối với chàng, đối với tiểu thư Maria, đối với tất cả những gì gần gũi với người mà nàng yêu, niếm trắc ẩn, nỗi đau xót vì những người khác và lòng mong muốn thiết tha quên tất cả đời mình để giúp họ. – Có thể thấy rõ rằng giây phút ấy trong tâm trí Natasa không hề có một ý nghĩ nào về mình, về những mối quan hệ của mình với công tước Andrey.

Vốn có một trực giác nhạy bén, công tước tiểu thư Maria thoạt nhìn gương mặt Natasa đã hiểu ngay tất cả điều đó. Nàng khóc trên vai Natasa với một nỗi buồn pha lẫn một cảm giác vui sướng.

– Đi đi ta vào với anh ấy đi, Maria, – Natasa nói đoạn dẫn nàng sang phòng bên.

Công tước tiểu thư Maria ngẩng đầu lên, lau nước mắt và quay mặt về phía Natasa nàng sẽ biết hết sự tình.

– Anh ấy. – nàng bắt đầu hỏi, nhưng lại ngừng bặt. Nàng thấy không thể nào dùng ngôn ngữ để hỏi han hay để trả lời được.

Gương mặt và đôi mắt của Natasa tất phải nói hết với nàng, rõ hơn và sâu hơn.

Natasa nhìn nàng, nhưng hình như Natasa đang lo sợ và phân vân – có nên nói tất cả những điều mà nàng biết với công tước tiểu thư hay không: nàng dường như cảm thấy rằng trước đôi mắt trong sáng này, đang dọi suốt vào đáy lòng nàng, không thể không nói hết, nói hết sự thật đúng như nàng đã thấy. Môi Natasa bỗng run lên, miệng chúm lại thành những nếp nhăn xấu xí, rồi nàng bật lên tiếng khóc thổn thức và lấy tay bưng mặt.

Công tước tiểu thư hỏi Natasa.

– Nhưng vết thương của anh ấy ra sao? – Nói chung tình trạng anh ấy thế nào?

– Tiểu thư… tiểu thư sẽ thấy, – Natasa chỉ nói được như vậy.

Họ ngồi một lát ở nhà dưới, cạnh phòng chàng, để đủ thì giờ nín khóc mà vào phòng chàng với vẻ mặt điềm tĩnh.

– Bệnh trạng diễn biến từ đầu ra sao? Bệnh tăng đã lâu chưa?

– Cái đó xảy ra từ bao giờ? – công tước tiểu thư Maria hỏi.

Natasa kể rằng thời gian đầu bệnh tình có nguy kịch vì trạng thái sốt nóng và những cơn đau, nhưng đến Troisk thì đỡ, và bác sĩ chỉ còn lo một điều là chứng hoại thư, nhưng rồi nguy cơ này cũng qua khỏi. Khi đến Yaroxlav, vết thương bắt đầu mưng mủ (Natasa biết tất cả những điều gì có dính dáng đến hiện tượng mưng mủ v.v.) và bác sĩ nói rằng quá trình mưng mủ có thể diễn biến tốt. Rồi công tước Andrey lại sốt. Bác sĩ nói rằng cơn sốt này không lấy gì làm nguy hiểm. Nhưng cách đây hai ngày, – Natasa bắt đầu nói. – bỗng dưng cái đó xảy ra… nàng nén những tiếng thổn thức. – Tôi không hiểu tại sao, nhưng tiểu thư sẽ thấy rõ anh ấy như thế nào.

– Yếu đi! Gầy đi à?… – công tước tiểu thư hỏi.

– Không, không phải thế, còn tệ hơn nữa. Chị sẽ biết. Ôi Maria anh ấy tốt quá, anh ấy không thể… anh ấy không thể sống bởi vì…

Chọn tập
Bình luận
× sticky