Cũng như thường lệ vào ngày chủ nhật, có mấy người quen thân đến ăn chiều ở nhà gia đình Roxtov. Piotr đến sớm hơn để được gặp riêng những người trong nhà.
Năm ấy Piotr béo ra đến nỗi trông sẽ xấu xí lắm nếu như thân hình chàng không cao lớn, vai chàng không rộng như vậy và nếu chàng không có một sức khoẻ phi thường cho phép chàng chịu đựng cái khối người phì nộn của mình một cách dễ dàng như vậy.
Chàng bước lên bậc thềm, vừa thở hổn hển vừa nói lẩm bẩm cái gì trong mồm không rõ. Người đánh xe của chàng cũng chẳng hỏi xem có cần đợi nữa không. Anh ta biết rằng bá tước đã đến nhà Roxtov thì phải đến mười hai giờ mới về. Mấy người nô bộc nhà Roxtov vui mừng đến cởi áo khoác và cất gậy mũ cho chàng. Theo thói quen ở câu lạc bộ, gậy và mũ chàng đều để lại ở phòng ngoài.
Người đầu tiên trong gia đình Roxtov mà chàng gặp là Natasa. Từ nãy, chưa trông thấy nàng, khi đang cởi áo khoác ở phòng ngoài, chàng đã nghe tiếng nàng. Nàng đang hát một bài luyện giọng trong phòng lớn. Chàng biết rằng từ ngày nàng ốm đến nay Natasa không hát, cho nên tiếng hát của nàng làm cho chàng ngạc nhiên và mừng rỡ.
Chàng khe khẽ mở của và trông thấy Natasa trong chiếc áo dài tím mà nàng đã mặc sáng nay khi đi xem lễ, đang đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa hát. Nàng đang quay lưng về phía chàng khi chàng mở cửa, nhưng khi nàng bỗng quay phắt người lại trong thấy khuôn mặt béo tốt ngạc nhiên của chàng, nàng đỏ mặt và đi nhanh về phía chàng.
– Tôi muốn thử hát lại xem, – nàng nói – Dù sao đây cũng là một cách tiêu khiển, – nàng nói thêm như muốn thanh minh.
– Ô như thế tốt lắm chứ.
– Anh đến tôi mừng quá! Hôm nay tôi sung sướng lắm! – Nàng nói với vẻ hồ hởi trước kia mà lâu Piotr không thấy nàng có. Anh biết không, Nikolai đã được thưởng huân chương chữ thập George. Tôi thấy hãnh diện cho anh ấy quá.
– Biết chứ, chính tôi đã gửi bản nhật lệnh đến. Thôi, tôi không muốn làm phiền cô, – Chàng nói thêm và toan đi vào phòng khách.
Natasa ngăn chàng lại.
– Bá tước ạ, tôi hát thế này có làm sao không, có cái gì không tốt không? – nàng đỏ mặt nói, nhưng mắt vẫn ngước lên nhìn thẳng vào Piotr có ý dò hỏi.
– Không sao… Sao lại không tốt? Trái lại ấy chứ… Nhưng sao cô lại hỏi tôi như thế?
– Chính tôi cũng không biết, – Natasa đáp nhanh – Nhưng tôi không muốn không làm một điều gì mà anh không thích. Việc gì tôi cũng tin anh. Anh không rõ đối với tôi anh quan trọng đến thế nào và anh đã giúp tôi nhiều đến thế nào!… – Nàng nói rất nhanh và không để ý thấy Piotr đỏ mặt khi nghe mấy lời này. – Trong bản nhật lệnh ấy tôi còn được biết là anh ấy hiện đang ở Nga và đã nhập ngũ trở lại. Anh nghĩ thế nào, – nàng nói nhanh, hẳn là vội nói cho hết vì sợ mình không đủ sức, – Sau này anh ấy có thể tha thứ cho tôi được không? Anh ấy oán ghét tôi không? Anh ấy thế nào. Anh ấy thế nào?
– Tôi nghĩ rằng… – Piotr nói, – Chẳng có chuyện gì mà anh ấy phải tha thứ cả… Giá tôi ở địa vị anh ấy… – Trong khoảnh khắc ký ức của Piotr đã lướt nhanh theo dòng kỷ niệm xưa đưa chàng trở lại ngày nào chàng an ủi nàng và nói với nàng rằng giá chàng không phải là chàng, mà là người tốt nhất trên đời và hãy còn tự do, thì chàng sẽ quỳ xuống xin kết hôn với nàng, và cũng cái cảm giác thương xót trìu mến. yêu đương ấy bao trùm lấy chàng, và cũng những lời nói ấy chỉ chực bật ra khỏi miệng chàng. Nhưng Natasa không để cho chàng kịp nói.
– Phải, anh, anh – nàng nói tiếng anh này một cách say sưa. – Anh thì khác. Tôi không biết một người nào, và không thể có một người nào tốt bụng, rộng lượng và thương người hơn anh được. Nếu không có anh dạo ấy, mà bây giờ cũng thế, thì không biết tôi sẽ ra sao, vì… – nước mắt bỗng dâng trào lên mắt nàng; nàng quay mặt đi, đưa quyển vở nhạc lên mặt, cất tiếng hát và lại đi đi lại lại trong phòng.
Vừa lúc ấy Petya từ trong phòng khách chạy ra.
Petya bấy giờ là một cậu bé mười năm tuổi hồng hào, khôi ngô, có đôi môi dày và đỏ, trông giống Natasa. Cậu ta đang chuẩn bị vào trường đại học, nhưng gần đây cậu ta với một người bạn học là Obolenxki đã bí mật quyết định với nhau là sẽ vào quân phiêu kỵ.
Petya chạy đến tìm anh bạn lớn trùng tên với mình(1) để bàn về việc này. Petya đã nhờ chàng hỏi xem liệu họ có nhận cậu vào quân phiêu kỵ không.
Piotr đi trong phòng khách, không nghe Petya nói gì. Petya kéo tay chàng để chàng chú ý đến mình.
– Kìa anh Piotr Kilyts, việc em ra sao rồi! Trời ơi, anh cho em biết đi! Chỉ còn hy vọng vào anh thôi đấy, – Petya nói.
– À việc này của cậu à! Xin vào phiêu kỵ ấy à? Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói cho. Ngay hôm sau tôi sẽ nói tất cả.
– Thế nào đấy, anh bạn, thế nào đây, kiếm được bàn tuyên cáo rồi chứ? – Lão bá tước hỏi. – bá tước phu nhân nhà tôi vừa đi xem lễ bên nhà Razumovxki, nghe một bài kinh cầu nguyện mới. Nghe nói bài kinh này hay lắm thì phải.
– Kiếm được rồi ạ. – Piotr đáp. – Ngày mai hoàng thượng sẽ về – sẽ có một cuộc họp bất thường của các giới quý tộc và nghe đâu cứ một nghìn dân thì tuyển mười người. Phải xin có lời mời bá tước.
– Phải, phải, đội ơn Chúa. Này thế có tin gì về quân đội không?
– Quân ta lại rút lui. Nghe nói đã rút về đến gần Smolensk rồi. – Piotr đáp.
– Trời ơi, Trời ơi! – bá tước nói. – Thế bản tuyên cáo đâu?
– Lời triệu tập ấy à? À, vâng! – Piotr bắt đầu lục túi tìm mấy tờ giấy nhưng chẳng thấy đâu cả. Trong khi vẫn tiếp tục nắn túi, chàng hôn tay bá tước phu nhân bấy giờ mới vào, và đưa mắt lo lắng nhìn quanh, hẳn là có ý chờ đợi Natasa, bấy giờ đã thôi hát, nhưng vẫn không thấy vào phòng khách.
– Quả tình tôi cũng chả biết tôi nhét nó vào chỗ nào nữa, – chàng nói.
– Cái anh này, suốt đời chỉ thấy mất với quên, – bá tước phu nhân nói.
Natasa bước vào, vẻ mặt xúc động và dịu hẳn lại; nàng ngồi xuống và im lặng đưa mắt nhìn Piotr. Nàng vừa vào phòng thì gương mặt rầu rĩ của Piotr bông rạng rỡ hẳn lên, và trong khi vẫn lục tìm mấy tờ giấy, chàng mấy lần đưa mắt nhìn nàng.
– Quả thật, chắc tôi để quên ở nhà mất rồi. Tôi về lấy đây. Nhất định…
– Không kịp về dự bữa ăn mất.
– Ô mà anh đánh xe lại đi mất rồi.
Nhưng Sonya đã ra phòng ngoài tìm và thấy mấy tờ giấy trong mũ của Piotr, chàng đã cẩn thận nhét vào vành nón mũ. Piotr toan mang ra đọc.
– Khoan đã, để ăn xong hẵng hay. – lão bá tước nói, – Hẳn là ông thấy trước rằng cuộc tuyên phạt này sẽ là một cái thú rất lớn.
Trong bữa ăn, họ uống sâm banh chúc mừng sức khoẻ người mới được huân chương George, Sinsin kể lại những tin tức trong thành phố: nào là một nữ công tước già người Gruzi bị ốm, nào là Netivie đi đâu biết tích, nào là có mấy người dẫn đến cho Roxtopsin một anh chàng người Đức nào đấy, và tuyên bố với ông ta rằng đây là một “săm-pi-nhông”(2) (chính bá tước Roxtopsin kể như vậy), và bá tước Roxtopsin đã cho tha cái anh săm-pi-nhông ấy và nói với dân chúng rằng đó không phải là một săm-pi-nhông, mà chỉ là một cây nấm Đức già tầm thường thôi.
– Họ bắt đầu, họ bắt đầu, – bá tước nói, – Tôi cũng nói mãi với bá tước phu nhân là nói tiếng Pháp in ít chứ. Thời buổi này nói tiếng Pháp không hợp đâu.
– Thế chú có nghe tin gì không? – Sinsin nói, – Công tước Golixyn đã rước một ông thầy về để học tiếng Nga rồi đấy; bây giờ nói tiếng Pháp ở ngoài phố đã bắt đầu thành nguy hiểm.
– Thế nào, bá tước Piotr Kirilovich, đến khi họ tuyển mộ dân binh chắc chắn bá tước cũng phải lên ngựa chứ? – Bá tước quay sang Piotr nói.
Piotr có vẻ lầm lì và trầm ngâm suốt bữa ăn hôm ấy. Nghe hỏi, Piotr ngơ ngác nhìn bá tước, như không hiểu sao cả.
– À vâng đi đánh giặc, – chàng nói. – Không! Tôi thì đánh chác gì! Kể ra cũng lạ thật, lạ thật! Chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa. Tôi không biết, tôi vốn chẳng có chút sở thích gì về quân sự, nhưng thời buổi bây giờ không ai dám chắc mình ra sao.
Sau bữa ăn bá tước ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành và với vẻ mặt nghiêm trang, ông bảo Sonya, vốn được tiếng là người đọc rất hay, đọc lời hiệu triệu lên.
“Gửi Moskva, đệ nhất kinh đô của chúng ta.
Quân thù với những lực lượng rất lớn: đã tiến vào nội địa nước Nga. Chúng đang tàn phá tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Sonya chăm chú đọc với cái giọng thanh thanh của nàng. Bá tước nhắm mắt lắng nghe, đến một vài đoàn nào đó ông lại thở dài mấy tiếng dứt quãng.
Natasa ngồi thẳng người trên ghế, khi thì nhìn cha, khi thì nhìn Piotr như có ý dò hỏi.
Piotr cảm thấy cái nhìn của nàng đặt lên người mình và cố gắng không quay mặt lại. Bá tước phu nhân chốc chốc lại lắc đầu ra vẻ chê trách và bực bội mỗi khi trong bản tuyên cáo dùng những lời lẽ long trọng. Trong tất cả những lời lẽ ấy phu nhân chỉ thấy có một điểu là những nguy cơ đe doạ con bà hãy còn lâu mới hết. Sinsin thì nhếch môi thành một nụ cười ngạo nghễ, hẳn là ông ta chỉ đợi dịp để chế giễu: Chế giễu cách đọc của Sonya, chế giễu những gì bá tước sẽ nói, thậm chí chế giễu cả lời hiệu triệu nữa nếu không có cớ gì lớn.
Sau những đoạn nói về những nguy cơ đang đe doạ nước Nga, đến những niềm hy vọng mà hoàng thượng đặt vào Armfeld, và nhất là vào giới quý tộc vẻ vang, Sonya, giọng run run, chủ yếu là vì mọi người nghe nàng chăm chú quá, đọc những lời cuối cùng: “Chính trẫm sẽ thân hành đứng giữa thần dân của trẫm ở chốn kinh đô này và những nơi khác trên đất nước chúng ta để hội đàm và để chỉ đạo tất cả các đội dân binh của ta, những đội hiện nay đang ngăn bước tiến của quân thù cũng như những đội mới thành lập, để đánh bại chúng ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Sao cho cái thảm hoạ mà chúng muốn trút lên đầu chúng ta quay lại đổ vào đầu chúng, sao cho châu Âu được giải phóng khỏi ách nô lệ và ca ngợi tên tuổi vinh quang của nước Nga!”.
– Có thế chứ – Bá tước mở to đôi mắt ướt kêu lên, rồi nói, giọng mấy lần đứt quãng vì những tiếng hít như có ai đưa sát mũi ông ta một lọ dấm cô đặc. – Hoàng thượng chỉ cần nói một tiếng là chúng ta hy sinh tất cả và không tiếc cái gì hết.
Sinsin chưa kịp buông ra một câu nói đùa đã chuẩn bị săn để giễu cợt lòng ái quốc của bá tước thì Natasa đã đứng phắt dậy chạy lại gần cha.
– Ba của con tuyệt quá! – Nàng vừa nói vừa hôn cha và đưa mắt nhì Piotr với cái kiểu làm dáng bất tự giác đã trở lại với nàng cùng với tâm trạng phân chấn của nàng.
– Chà cô này yêu nước quá nhỉ? – Sinsin nói.
– Chả yêu nước gì cả, nhưng… – Natasa giận dỗi đáp. – Bác thì cái gì cũng cho là buồn cười, nhưng đây hoàn toàn, không phải là chuyện đùa…
– Đùa thế nào được! – Bá tước nhắc lại. – Ngài chỉ cần nói một tiếng, là tất cả chúng ta sẽ đi… Chúng ta có phải là người Đức đâu…
– Thế các vị có để ý Piotr nói, – trong lời hiệu triệu có viết: “để bàn bạc” không? Thì để làm gì thế…
Trong khi đó Petya mà chẳng ai chú ý đã lại gần cha và, mặt đỏ gay, cất cái giong mới vỡ khi thì ồ ồ khi thì the thé lên nói:
– Ba ạ bây giờ thì con xin nói quả quyết – nhân có cả mẹ đây con cũng xin nói một thể, – con xin quả quyết rằng ba và mẹ phải để cho con nhập ngũ, vì con không thể chịu được nữa… Thế thôi.
Bá tước phu nhân sợ hãi ngước mắt lên trời, chắp tay lên ngực và tức giận bảo chồng:
– Đấy đã thấy chưa!
Nhưng ngay lúc đó bá tước đã trấn át được nỗi xúc động.
– Chà chà, – Ông nói, – Mày thì đánh chác gì! Đừng có nói vớ vẩn! Phải học chứ.
– Đây không phải là chuyện vớ vẩn đâu cha ạ. Thằng Fedya Obolenxki còn ít tuổi hơn con mà nó cũng đi đấy, và cái chính là bây giờ con không thể học hành được khi… – Petya ngừng lại, đỏ mặt đến toát cả mồ hôi ra nhưng vẫn nói – Khi tổ quốc đang lâm nguy.
– Thôi đi thôi đi, chỉ vớ vẩn.
– Thì chính ba vừa nói rằng chúng ta sẽ hy sinh tất cả kia mà.
– Petya! Tao bảo mày im ngay. – bá tước vừa quát vừa đảo mặt nhìn vợ. Bây giờ bá tước phu nhân tái mặt đi, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào đứa con út.
– Nhưng con cũng xin nói với ba rằng… Đây có cả Piotr Kirilyts cũng sẽ nói…
– Tao bảo mày – vớ vẩn miệng chưa ráo sữa mà đã muốn tòng quân! Thôi, thôi, tao bảo mày, – và bá tước cầm lấy mấy tờ giấy, chắc là để đọc lại một lần nữa trong phòng giấy trước khi đi nghỉ, rồi bước ra khỏi phòng. – Piotr Kirilovich, thôi ta vào đây hút thuốc…
Piotr lúng túng và hoang mang không biết nên nói gì. Sở dĩ chàng lâm vào tình trạng ấy là vì đôi mắt sáng một cách khác thường và đầỷ vẻ phấn chấn của Natasa luôn luôn nhìn chàng một cách dịu dàng âu yếm.
– Không tôi, có lẽ tôi xin về…
– Sao lại về, anh đã định ở lại chơi buổi tối kia mà… Dạo này anh lại ít đến chơi đấy. Thế mà cái con này… – Bá tước chỉ vào Natasa nói một cách vui vẻ, – chỉ khi nào có anh nó mới vui được…
– Vâng, nhưng tôi quên… Tôi nhất định phải về… Có việc bận… – Piotr nói vội.
– Thôi thế thì chào anh vậy – Bá tước nói đoạn đi thẳng ra khỏi phòng.
– Tại sao anh lại bỏ về? Tại sao anh có vẻ bối rối thế? Tại sao? – Natasa hỏi Piotr, mắt nhìn thẳng vào mắt Piotr như muốn thách thức.
“Tại vì anh yêu em!” – Chàng muốn nói thế, nhưng chàng không nói, đỏ mặt lên đến ứa nước mắt và nhìn xuống đất.
– Vì tôi bớt đến chơi nhà thì tốt hơn… Vì… Không, chẳng qua vì tôi có việc.
– Vì sao? Không, anh nói đi, – Natasa bắt đầu hỏi vặn, vẻ cương quyết nhưng rồi bỗng im bặt.
Hai người sợ hãi và e thẹn nhìn nhau. Chàng cố gắng mỉm cười nhưng không được: Nụ cười của chàng để lộ vẻ đau khổ. Chàng im lặng hôn tay nàng và đi ra.
Piotr tự nhủ lòng nhất định sẽ không đến chơi nhà Roxtov nữa.
Chú thích:
(1) Pie và Petya đều là những cách gọi tên Piotr
(2) săm-pi-nhông (tiếng Pháp: champignon) là cây nấm. Ở đây dân chúng nhầm chữ này với chữ Spion (gốc tiếng Đức) có nghĩa là mật thám, gián điệp