Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 3 – Chương 3

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Tháng chạp năm 1805 lão công tước Nikolai Andreyevich nhận được một bức thư của công tước Vaxili báo tin rằng mình sẽ cùng con trai ghé thăm ông. “Tôi đang đi kinh lý, và dĩ nhiên là không ngại dường xa trăm dặm đến thăm ngài: người ân nhân tôi rất mực tôn kính, – Công tước Vaxili viết, – Cháu Anatol cùng đi với tôi, rồi sau đó sẽ đến doanh trại; và tôi hy vọng rằng ngài sẽ cho phép cháu nó được bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc đối với ngài, lòng tôn kính mà nó đã học được ở tôi”.

Nghe tin này, công tước phu nhân Liza buột miệng nói:

– Đấy thế là chẳng cần đem Maria đi đâu các chú rể tự dấn thân đến nhà ta đấy thôi.

Công tước Nikolai Andreyevich cau mày im lặng.

Hai tuần sau hôm nhận được bức thư, một buổi tối có người nhà của công tước Vaxili đến trước, và hôm sau đến lượt công tước Vaxili cùng đến với con trai.

Lão công tước Bolkonxki xưa nay vốn không bao giờ trọng nể cái nhân cách của công tước Vaxili, nhất là gần đây dưới hai triều Pavel và Alekxandr công tước đã được thăng trật và ngày càng tiến bước trên con đường quyền cao chức trọng, thì lão công tước Bolkonxki lại càng kém trọng nể ông ta. Nay, theo những lời ám chỉ trong bức thư và câu nói của công tước phu nhân nhỏ nhắn, lão công tước đã hiểu mục đích cuộc thăm hỏi này, và tâm hồn ông từ chỗ ít trọng nể đã chuyển sang thái độ khinh thị đầy ác cảm. Ông cứ thở phì phì mỗi khi nói đến công tước Vaxili.

Hôm công tước Vaxili đến, ông có vẻ bực mình và cáu gắt lạ thường. Không biết ông cáu gắt như vậy là vì sắp có công tước Vaxili đến, hay là vì ông đang cáu gắt, chỉ biết là ông đang cáu gắt thôi, và Tikhôn từ sáng đã khuyên ông kiến trúc sư đừng vào gặp lão công tước để báo cáo công việc nữa.

– Đấy ông có nghe thấy công tước đi không? – Tikhôn nói, nhắc viên kiến trúc sư lưu ý đến tiếng chân bước của công tước trong phòng làm việc. – Ngài đang nện gót chân xuống sàn đấy; Chúng tôi biết ngay là có chuyện.

Song cũng như thường lệ, đến tám giờ công tước lại mặc áo khoác nhung cổ lông chồn và đội mũ lông chồn ra đi bách bộ ngoài vườn. Hôm qua có mưa tuyết. Con đường nhỏ công tước Nikolai Andreyevich vẫn thường dùng để đi ra vườn ủ cây đã được quét sạch, còn trông thấy vết chổi trên tuyết xốp ở bên đường. Lão công tước im lặng đi qua các lồng kính ủ cây, qua khoảng sân, qua các dãy nhà phụ đang xây dở, vẻ mặt lầm bầm.

– Xe trượt tuyết có qua chỗ này được không? – Công tước hỏi người quản lý già oai vệ, mặt mũi và dáng điệu hao hao giống ông chủ, bấy giờ đang đưa chân công tước về nhà.

– Bẩm công tước, tuyết sâu lắm. Con đã cho quét sạch tuyết trên đường.

Công tước gật đầu và bước lại gần thêm. “Lạy Chúa, – viên quản lý nghĩ thầm – Cơn giông tố đã qua rồi”.

– Bẩm công tước, trước khi quét khó đi xe lắm ạ – Viên quản lý nói thêm, – Bẩm công tước nghe nói có quan thượng thư đến thăm ngài phải không ạ?

Công tước quay lại phía viên quản lý và cau mày nhìn hắn:

– Cái gì? Quan thượng thư à? Thượng thư nào? Ai bảo quét? – Công tước nói với cái giọng đanh và sắc của ông. – Công tước tiểu thư con gái ta đi thì không quét, mà thượng thư đến thì lại quét! – Nhà tao không có thượng thư!

– Bẩm công tước con tưởng…

– Mày tưởng! – Công tước quát lên, rồi nói tiếp, mỗi lúc một thêm dồn dập và kém mạch lạc. – Mày tưởng à!… Đồ kẻ cướp! Đồ ăn mày! Rồi tao sẽ dạy cho mày tưởng. – Nói đoạn ông giơ gậy lên, định giáng lên đầu Alpatyts, và nếu viên quản lý không bất giác né sang một bên thì ông đã đánh thật rồi.

– Mày tưởng à? Đồ kẻ cắp! – Công tước quát thêm mấy tiếng vội vã.

Bấy giờ Alpatyts cũng sợ cuống lên vì mình đã dám hỗn xược tránh đòn nên đã nhích lại gần công tước, nhẫn nhục cúi mái đầu hói xuống cho công tước đánh; nhưng tuy vậy, hay có lẽ chính vì vậy, công tước vẫn tiếp tục quát:

– Đồ kẻ cắp? Cào tuyết lấp đường lại như cũ ngay! – Công tước không giơ gậy lên nữa, chạy vào nhà.

Trước bữa ăn trưa, công tước tiểu thư và cô Burien biết rằng công tước đang gắt nên khi công tước vào thì đứng dón chứ không dám ngồi; cô Burien có một vẻ mặt rạng rỡ như muốn nói: “Tôi không biết gì đâu ạ, tôi vẫn như mọi khi thôi”; công tước tiểu thư Maria thì nhợt nhạt, sợ hãi, mắt nhìn xuống. Điều khổ tâm nhất đối với công tước tiểu thư Maria là nàng biết rằng trong những trường hợp như thế này nên làm như cô Buria, nhưng nàng không thể nào làm nổi. Nàng nghĩ: “Nếu mình làm như không nhận thấy gì, thì cha sẽ nghĩ rằng mình không cảm thông vớì cha; Nếu mình làm như thế mình cũng bực và cáu bẳn thì cha sẽ nói (mà quả cũng đã có lần nói) rằng mình có bộ mặt đưa đám” v.v…

Công tước đưa mắt nhìn gương mặt sợ hãi của con gái và khịt mũi:

– Đồ rởm… đồ ngốc! – công tước nói!

“Còn con kia thì không thấy đâu cả! Chắc nó cũng nghe nói rồi đấy” – Công tước nghĩ thầm về công tước phu nhân Liza bấy giờ không có mặt trong phòng ăn.

– Thế công tước phu nhân đâu? – Lão công tước hỏi – Trốn à?

– Dạ phu nhân hơi khó ở ạ, – cô Burien mỉm cười vui vẻ đáp. – Phu nhân không ra được ạ. Đang có mang như phu nhân thì thường khó ở như thế đấy ạ.

– Hừm! Hừm! Khịt! Khịt! – công tước nói, rồi ngồi xuống trước bàn ăn.

Ông có cảm giác là cái đĩa ăn không được sạch; ông chỉ một cái vết trên đĩa và quẳng cái đĩa đi. Tikhôn chộp lấy và chuyển cho người dọn bát đĩa. Công tước phu nhân Liza không khó ở; nhưng nàng sợ lão công tước quá chừng, đến nỗi nghe lão công tước đang bực mình, nàng không dám ra nữa. Nàng bảo cô Burien:

– Tôi sợ là sợ cho đứa con trong bụng, có khi vì sợ quá mà sinh nguy cũng nên.

Nói chung thì công tước phu nhân từ ngày về Lưxye Gorư luôn luôn thấy sợ hãi và có ác cảm đối với lão công tước, một mối ác cảm mà nàng không ý thức được, và vì sợ quá cho nên nàng không thể cảm thấy. Về phía công tước thì ông cũng thấy có ác cảm, nhưng cái ác cảm đó đã bị lòng khinh miệt lấn át đi. Công tước phu nhân ở Lưxye Gorư được ít lâu thì đặc biệt thấy mến cô Burien, nàng thường ngồi suốt ngày với cô ta, mời cô ta ngủ chung buồng với mình, thường ngồi bàn bạc với cô ta về âm nhạc và phê phán ông ta.

– Bẩm công tước, ta sắp có khách đấy ạ! – Cô Burien nói, trong khi hai bàn tay hồng hào của cô giở chiếc khăn ăn trắng tinh – Nghe nói có công tước đại nhân Kuraghin với con trai của ngài thì phải! – Cô nói, có ý dò hỏi.

– Hừm… Công tước đại nhân ấy chỉ là một thằng nhãi… Ngày trước ta đưa hắn vào hoan lộ đấy – Lão công tước bực bộỉ nói. – Còn thằng con trai thì đến để làm cái gì, ta không hiểu được. Công tước phu nhân Lizaveta Karlovan và công tước tiểu thư Maria thì chắc có biết còn ta thì chịu, không biết tại sao hắn lại mang cái thằng con trai ấy đến đây làm gì. Ta không cần – Rồi công tước nhìn sang con gái, lúc bấy giờ đang đỏ mặt lên.

– Khó ở hay sao thế hả? Chắc là vì sợ quan thượng thư như cái thằng Alpatys nói chứ gì.

– Thưa cha, không ạ.

Mặc dầu cô Burien đã chọn phải một đề tài nói chuyện rất không đúng lúc cô ta vẫn không ngớt miệng nói về khu vườn ủ cây, về vẻ đẹp của một bông hoa mới nở, và sau khi ăn món xúp, lão công tước bắt đầu nguôi nguôi.

Ăn trưa xong, công tước đến phòng con dâu. Công tước phu nhân nhỏ nhắn đang ngồi bên chiếc bàn con nói chuyện suông với Masa, một cô hầu gái. Thấy ông nhạc vào, nàng tái mặt đi.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ trông nàng xấu nhiều hơn là xinh. Hai má hóp lại, môi cong lên, mắt thì có quầng thâm ở mi dưới.

Công tước hỏi nàng thấy trong mình ra sao.

– Vâng ạ, có cái gì nằng nặng ấy. Công tước phu nhân đáp.

– Có cần gì không?

– Không ạ, cảm ơn cha ạ.

– Thôi được, thôi được.

Lão công tước ra và đi đến phòng gia nhân Alpatyts đang đứng đấy, đầu cúi gầm.

– Đã cào tuyết lại rồi đấy chứ?

– Bẩm công tước cào lại rồi ạ. Xin công tước tha lỗi cho, chỉ vì ngu ngốc nên con trót dại…

Công tước ngắt lời viên quản lý và bật lên tiếng cười gượng gạo.

– Thôi được, thôi được.

Công tước giơ tay cho Alpatys hôn và đi vào phòng làm việc.

Đến tối công tước Vaxili đến. Bọn xà ích và gia nhân ra đón ông ta ngoài đường chính và vừa hò hét vừa dẫn các xe cộ của công tước về toà nhà dọc theo con đường đã cố ý phủ tuyết lại rất dày.

Công tước Vaxili và Anatol được đưa về hai phòng cách riêng.

Anatol cởi áo ngoài ngồi chống nạnh trước bàn, mỉm cười đưa đôi mắt lo rất đẹp nhìn trừng trừng và lơ đễnh về phía góc bàn. Chàng vốn coi cả cuộc đời mình như một cuộc vui không dứt mà không hiểu sao có người nào đã tự nguyện đứng ra tổ chức cho chàng hưởng. Bây giờ cũng thế, chàng xem cuộc đi thăm hỏi ông già bẳn tính với cô gái giàu có và xấu xí này cũng là một cuộc vui như vậy. Chàng dự đoán rằng chuyến này có thể sinh ra nhiều điều rất thú vị và ngộ nghĩnh. “Mà việc gì lại không lấy, nếu cô ta nhiều của? Tiền của bao giờ cũng hay” – Antol nghĩ.

Chàng cạo mặt, xức nước hoa một cách cẩn thận và cầu kỳ – việc này đã thành một thói quen của chàng – và với cải vẻ đắc thắng mà hiền lành bẩm sinh của chàng, Anatol cất cao cái đầu đẹp dẽ bước vào phòng cha. Hai tên hầu của công tước Vaxili đang xắng xở mặc áo cho chủ: Công tước linh lợi ngoái lại nhìn và vui vẻ gật đầu chào Anatol khi chàng bước vào dường như muốn nói: “Thế, chính là ba đang cần con phải như thế đấy!”

– Ba ạ, con hỏi thật nhé, cô ấy xấu lắm à? – Anatol nói bằng tiếng Pháp, dường như để tiếp tục câu chuyện đã nhiều lần bàn đến trong khi đi đường.

– Thôi đi toàn chuyện vơ vẩn! Cái chính là con phải cố tỏ ra lễ phép và biết điều trước mặt lão công tước.

– Nếu lão ấy gắt gỏng thì con đi thôi, – Anatol nói – Con không chịu nổi những lão già như thế đâu.

– Con phải nhớ rằng cả cuộc đời con là lệ thuộc vào việc này đấy.

Trong khi đó ở phòng gia nhân không những người ta đã biết có quan thượng thư và con trai của ngài vừa đến, mà ngay đến dung mạo của hai người cũng đã được miêu tà rất tỉ mỉ nữa. Nữ công tước Maria ngồi một mình trong phòng riêng, cố trấn áp nỗi xúc động trong tâm hồn nhưng không sao nổi.

“Sao họ lại viết thư nhỉ, sao Liza lại nói với mình việc này làm gì? Vì không thể như thế được kia mà? – nàng nhìn vào gương tự nhủ – Ta sẽ trang điểm thế nào để ra phòng khách đây? Dù mình có thích người ấy đi nữa, thì bản thân mình bây giờ cũng không thể tự nhiên trước mặt người ta được”. – Chỉ nghĩ đến cái nhìn của cha thôi nàng cũng đã thấy khiếp sợ.

Công tước phu nhân Liza và cô Burien đã được cô hầu gái Masa cung cấp cho đủ mọi tài liệu cần thiết về hai cha con công tước Vaxili, nào là cậu con hồng hào, tuấn tú, có đôi lông mày đen rậm như thế nào, rồi nào là cha cậu ta chật vật lắm mới lê chân nổi lên thang gác, còn cậu ta thì như một con đại bàng, cứ như ba bậc một chạy theo cha. Sau khi biết được những điều này, công tước phu nhân nhỏ nhắn và cô Burien vào phòng công tước tiểu thư Maria (trước mặt khi họ vào đã nghe tiếng nói chuyện rôm rả của họ ngoài hành lang).

– Họ đến rồi đấy Maria ạ, cô có biết không? – công tước phu nhân nói, đung đưa cái bụng chửa và ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành.

Nàng không còn mặc chiếc áo thụng ban sáng. Trên người nàng bây giờ mặc một trong những chiếc áo dài nhất, đầu nàng chải chuốt rất cẩn thận, gương mặt nàng có vẻ phấn chấn nhưng vẫn không giấu được những đường nét nặng nề, mệt mỏi. Trong cách phục sức này mà nàng thường dùng khi xuất hiện trong các dạ hội ở Peterburg, người ta càng thấy rõ nàng xấu đi nhiều lắm. Cô Burien cũng diện một bộ áo khá cầu kỳ nhưng kín đáo, khiến cho khuôn mặt xinh tươi của cô càng thêm duyên dáng dễ yêu.

– Thế nào, công tước tiểu thư vẫn để thế mà ra sao? – cô Burien nói – Họ sắp đến báo là ông ấy đã ra phòng khách rồi đấy, lúc đó phải xuống thôi, tiểu thư không tô điểm đôi chút sao tiện?

Công tước phu nhân Liza rời ghế bành đứng dậy, rung chuông gọi cô hầu phòng và vui vẻ bắt đầu nghĩ cách trang điểm cho công tước tiểu thư và bắt tay vào thực hiện việc đó. Tiểu thư Maria thấy tủi cực cho lòng tự trọng của mình vì việc một người đến dạm hỏi nàng đã làm cho nàng xúc động, vả lại càng tủi cực hơn nữa vì hai người bạn gái của nàng không hề thoáng có ý nghĩ rằng có thể nào khác đi được. Nói với họ rằng nàng thấy xấu hổ cho mình và cho họ nữa, thì chỉ càng tỏ rõ mình xúc động; còn từ chối không chịu trang điểm theo ý họ thì chỉ làm cho họ đùa đai và nài ép mãi. Nàng đỏ mặt, đôi mắt đẹp đẽ đờ ra trên mặt nàng hiện lên những vết đo đỏ, và với cái vẻ nhẫn nhục rất khó coi thường thấy trên khuôn mặt nàng, công tước tiểu thư Maria phó mặc cho cô Burien và Liza muốn làm gì mình thì làm, hai người hoàn toàn thành thật cố gắng làm sao cho nàng đẹp lên. Nàng xấu đến nỗi trong hai người không có ai có thể thoáng có ý nghĩ ganh đua với nàng, vì vậy họ hoàn toàn thành tâm bắt tay sửa sang cho nàng, với cái ý nghĩ ngây thơ mà vững chắc của giới phụ nữ, vốn tin rằng trang sức có thể làm cho mặt mũi người ta đẹp lên được.

– Không, thật đấy Maria ạ, mặc áo này không được đâu, – Liza vừa nói vừa đứng né ra xa nghiêng đầu ngắm nghía: công tước tiểu thư, – cô bảo đem chiếc áo màu huyết dụ ra đây? – Phải đấy! Vì rất có thể là cả cuộc đời sẽ định đoạt lúc này đây! Chứ áo này thì màu tươi quá, không được đâu, thật đấy, không ổn đâu!

– Cái không ổn không phải là chiếc áo, mà chính là khuôn mặt và cả thân hình của công tước tiểu thư Maria, nhưng cô Burien và công tước phu nhân Liza không nhận thấy điều đó, họ cứ tưởng rằng nếu thắt một dải thanh thiên trên mái tóc chải ngược lên và vắt tấm khăn choàng thanh thiên trên chiếc áo dài nâu là sẽ ổn ngay. Họ quên mất rằng cái gương mặt sợ hãi và cái dáng người của Maria thì không thể nào thay đổi được, thành thử dù họ có thay đổi cái khung ngoài và những đồ trang sức cho khuôn mặt này đến thế nào đi nữa, khuôn mặt ấy văn thiểu não và xấu xí như thường. Sau hai ba lần thay đi đổi lại mà công tước tiểu thư Maria nhẫn nhục chịu dựng, đến lúc họ đã chải ngược mái tóc của nàng lên phía trên (cách chải này làm cho mặt nàng thay đổi hẳn và trông không còn ra thế nào nữa). Rồi mặc cho nàng chiếc áo màu huyết dụ và khoác cho nàng chiếc khăn choàng màu thanh thiên, công tước phu nhân Liza đi vòng quanh nàng hai lần, đưa bàn tay nhỏ nhắn sửa lại một nếp áo ở chỗ này, vuốt một múi khăn ở chỗ kia, nghiêng đầu bên này, rồi lại nghiêng bên kia đề ngắm nghía.

Không, thế này không được, – Liza chắp tay nói – Không được Maria ạ, mặc thế này không hợp với cô đâu! Cô mặc cái áo dài màu xám như mọi ngày trông xinh hơn nhiều. Thôi, tôi lạy Maria, mặc áo ấy cho tôi vui lòng đi! – Katya – nàng quay lại nói với người hầu gái – chị đem cho tiểu thư cái áo màu xam xám, rồi cô Burien thử xem tôi thu xếp nhé – Liza nói, miệng mỉm cười sung sướng như đang thưởng thức trước niềm vui nghệ thuật.

Nhưng khi Katya đã mang chiếc áo dài lại, thì công tước tiểu thư Maria vẫn ngồi thừ người ra trước tấm gương nhìn vào mặt mình, và trong gương, nàng thấy nước mắt đang rưng rưng trên mi và môi nàng run run chỉ chực bật ra tiếng khóc.

– Kìa, tiểu thư Mari – cô Burien nói – Cô lên một tý nữa thôi mà!

Công tước phu nhân Liza lấy chiếc áo người hầu gái đang cầm vào và bước lại gần tiểu thư Maria.

– Thôi bây giờ ta sẽ mặc cho thật giản dị, dễ thương – nàng nói.

Tiếng nói của nàng, của cô Burien và của Katya bấy giờ đang cười khúc khích hoà lẫn với nhau thành một tiếng ríu rít vui vẻ nghe như tiếng chim hót.

– Không, các chị để mặc tôi! – công tước tiểu thư nói.

Và giọng nói của nàng nghe nghiêm trang và đau đớn đến nỗi tiếng ríu rít như chim lập tức im bặt. Họ nhìn đôi mắt to trong trẻo và đẹp một cách huỵền diệu của tiểu thư Maria, tràn đầy nước mắt và tâm hồn đang nhìn họ như van lơn cầu khẩn, và họ hiểu ra rằng bây giờ mà nài thêm thì chẳng ích gì mà lại tàn nhẫn nữa là khác.

– Ít nhất cô cũng sửa cách chải đầu lại? – công tước phu nhân Liza nói đoạn quay sang phía cô Burien có ý trách móc – Tôi đã nói khuôn mặt như Mari không thể nào hợp với lối chải tóc này được, không hợp ít nào hết. Thôi chải lại đi Mari, tôi van cô!

– Thôi mặc tôi, mặc tôi, những thứ đó đối với tôi hoàn toàn không có nghĩa lý gì hết! – công tước tiểu thư Maria đáp, khó nhọc lắm mới cầm được nước mắt.

Cô Burien và công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng phải thừa nhận rằng tiểu thư Maria phục sức như thế này rất xấu, xấu hơn ngày thường rất nhiều; nhưng đã muộn quá rồi. Nàng nhìn họ với vẻ mặt mà họ đã từng biết, vẻ mặt đăm chiêu và buồn bã vô hạn. Vẻ này không làm cho họ sợ Maria (nàng không hề làm cho ai sợ mình cả). Nhưng họ biết rằng khi trên gương mặt nàng hiện lên cái vẻ buồn rầu và tư lự ấy thì nàng rất trầm lặng và không ai có thể lay chuyển được ý nàng đã quyết.

– Cô chải lại nhé? – Liza nói, nhưng không thấy công tước tiểu thư Maria đáp, Liza đành ra khỏi phòng. Tiểu thư Maria ngồi lại một mình. Nàng không chiều theo ý Liza, không những không chải lại mái tóc, mà thậm chí cũng không buồn nhìn vào gương nữa.

Nàng uể oải buông thõng hai tay, mắt nhìn xuống đất. im lặng ngồi suy nghĩ. Nàng hình dung ra một người chồng: một người đàn ông, một con người cường tráng, ưu việt và có một cái gì hâp dẫn một cách khó hiểu, đột nhiên đến đưa nàng về thế giới riêng của mình, một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới tràn đầy hạnh phúc. Nàng tưởng tượng thấy một đứa con của mình, giống như đứa cháu ngoại của u già mà nàng vừa trông thấy hôm qua, đang nằm trên lòng mình. Người chồng âu yếm đứng nhìn mẹ con nàng. Rồi nàng lại nghĩ: “Nhưng không, không thể như thế được, mình xấu quá”.

– Xin mời tiểu thư xuống dùng trà. Công tước sắp ra ngay. – Tiếng người hầu gái từ sau cánh cửa nói vọng ra.

Nàng sực tỉnh và thấy hoảng sợ vì những ý nghĩ vừa rồi. Và trước khi xuống, nàng đứng dậy, bước vào phòng đọc kinh, mắt ngước lên nhìn đăm đăm vào khuôn mặt của Chúa Cứu thế tối mờ mờ dưới ánh đèn chong leo lét, và vòng tay đứng trước bức tượng một lát. Trong tâm hồn công tước tiểu thư Maria thấy ngờ vực day dứt. Nàng có thể nào hưởng được niềm vui của tình yêu, của tình yêu trần tục với một người đàn ông không? Những lúc nghĩ đến hôn nhân, tiểu thư Maria cũng có mơ ước đến hạnh phúc gia đình; đến con cái, những ước mơ mạnh nhất và thầm kín nhất của nàng là tình yêu trần tục. Nàng cố che giấu cảm giác này trước những người khác và ngay cả trước mình nữa, nhưng càng che giấu bao nhiêu thì nó lại càng mãnh liệt bấy nhiêu.

“Lạy Chúa – nàng nói – Con làm thế nào trấn áp được ý nghĩ ma quái này bây giờ. Làm thế nào từ bỏ vĩnh viễn được những ý nghĩ xấu xa để có thể yên tĩnh mà làm tròn ý Chúa?” Và nàng vừa mới hỏi như vậy thì tự trong lòng nàng Chúa đã đáp lại: “Đừng ước muốn điều gì cho bản thân mình cả, đừng tìm biết, đừng hoảng hốt, đừng ganh tị. Không thể biết được tương lai của con và số phận của mình rồi sẽ ra sao, nhưng hãy sống sao cho sẵn sàng đón lấy mọi sự. Nếu Thượng đế muốn thử thách mình trong những hốn phận của hôn nhân, hãy sẵn sàng làm trọn ý Người. Ý nghĩ này làm cho tâm hồn nàng yên tĩnh lại (đồng thời cả niềm hy vọng thực hiện được điều mơ ước trần tục bị cấm đoán), tiểu thư Maria thở dài, làm dấu thánh giá và xuống phòng khách. Nàng không nghĩ đến chiếc áo mình đang mặc, cũng không hề nghĩ đến mái tóc của mình, không hề nghĩ xem mình sẽ vào phòng khách như thế nào và sẽ nói những gì. Tất cả những thứ đó có ý nghĩ gì so với ý muốn của Thượng đế, Không có một sợi tóc nào trên dầu chúng sinh rơi xuống mà lại không do ý muốn của Người.

Chọn tập
Bình luận