Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 15 – Chương 10

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Quân đội Pháp cứ tuần tự tan rã theo một cấp số toán học đều đặn, và cuộc hành quân qua sông Berezina mà người ta bàn rất nhiều trong các sách vở, chẳng qua chỉ là một trong những cái mốc chuyển tiếp trong quá trình tiêu diệt của quân đội Pháp, chứ tuyệt nhiên không phải là một giai đoạn quyết định của chiến dịch. Sở dĩ trước kia cũng như hiện nay người ta viết nhiều về trận Berezina như vậy, nếu xét về phía người Pháp, chẳng qua là vì trên cầu Berezina sụp đổ, những tai ương mà quân Pháp đã lần lượt chịu đựng bấy lâu nay bỗng dồn vào một lúc làm thành một cảnh tượng thảm khốc khắc sâu vào trí nhớ người ta. Còn về phía người Nga, thì sở dĩ người ta nói và viết về Berezina nhiều như vậy cũng chỉ vì cách xa nơi diễn ra chiến sự, ở Petersburg, người ta đã vạch ra một kế hoạch (chính phủ là người đề xướng) bắt sống Napoléon trong một cuộc phục kích chiến lược trên sông Berezina. Ai nấy đều tin chắc rằng mọi việc trong thực tế sẽ xảy ra đúng như trong kế hoạch, cho nên họ đều một mực nói rằng chính cuộc chuyển quân qua sông Berezina đã đưa quân Pháp đến diệt vong. Nhưng thật ra những hậu quả của cuộc vượt sông này, về số đại bác và quân lính bị bãt còn ít tai hại hơn trận Kraxnoye, như những con số thống kê đã cho thấy.

Ý nghĩa duy nhất của cuộc vượt sông Berezina là ở chỗ cuộc hành quân ấy chứng tỏ một cách hiển nhiên và không còn nghi ngờ gì được nữa rằng tất cả những kế hoạch nhằm cắt đứt quân địch đều sai lầm và cách hành động do Kutuzov yêu cầu – chỉ theo sau quân địch – là cách hành quân duy nhất có thể thực hiện được vì duy nhất đúng. Đám quân Pháp bỏ chạy với tốc độ tăng lên không ngừng, bao nhiêu tinh lực của chúng đều hướng vào việc đạt đến mục tiêu.

Quân Pháp chạy như một con thú bị thương, và nó không thể dừng lại ở giữa đường được. Chứng tỏ điều đó rõ ràng hơn cả không phải là việc tổ chức qua sông mà là cách di chuyển trên các cầu. Khi mấy cái cầu sập, những người lính mất vũ khí, những người dân Moskva, những người đàn bà có con mọn ngồi trên các xe tải của Pháp, tất cả, do ảnh hưởng của quán tính, đều không chịu hàng mà lại ùa xuống thuyền, xuống nước.

Xu hướng ấy là hợp lý. Tình cảnh của kẻ chạy trốn cũng như người đuổi theo đều gian khổ như nhau. Ở lại với quân mình, mỗi người trong cơn hoạn nạn đều hy vọng vào sự giúp đỡ của đồng đội, vào cái vị trí nhất định của mình trong quân ngũ. Còn nếu đầu hàng quân Nga, thì tình cảnh vẫn bi đát như thế, nhưng mình thì lại bị đưa xuống ngạch thấp nhất về mặt thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt. Binh sĩ Pháp cần phải có những tài liệu đích xác mới biết rằng trong số tù binh mà quân Nga chẳng biết xử trí ra sao thì một nửa đã chết đói và chết rét mặc dầu quân Nga rất muốn cứu vớt họ; lính Pháp, cảm thấy không thể nào khác được. Những viên chỉ huy Nga có lòng thương người nhất hoặc ưa thích người Pháp nhất, và ngay cả những người Pháp tòng sự Nga hoàng nữa, cũng đều không thể làm gì để giúp đỡ tù binh cả. Chính cái tình cảm bi đát của quân đội Nga đã hãm hại tù binh Pháp. Không thể nào tước bớt bánh mì và áo choàng của những binh sĩ đói khổ mà người ta đang cần để cấp cho những tù binh Pháp bấy giờ không còn nguy hiểm gì nữa, cũng không ai thù ghét, cũng chẳng có tội gì, nhưng vẫn là những con người vô dụng. Cũng có đôi người làm như vậy; nhưng đó chỉ là ngoại lệ.

Sau lưng là cái chết chắc chắn; phía trước là hy vọng. Chiến thuyền đã bị tiêu huỷ(1), không còn có lối thoát nào ngoài cách cùng nhau chạy trốn, và tất cả tàn lực quân Pháp đều tập trung vào việc cùng nhau chạy trốn.

Quân Pháp càng chạy thì tàn quân của họ càng thảm hại, nhất là sau Berezina là trận mà kế hoạch Petersburg đã khiến cho người ta đặc biệt hy vọng, và các tướng tá Nga lại càng hằn học đổ lỗi cho nhau, nhất là đổ lỗi cho Kutuzov. Họ cho rằng người ta sẽ bắt Kutuzov chịu trách nhiệm về sự thất bại ở Berezina cho nên sự bất mãn, khinh miệt và thái độ nhạo báng đối với ông càng ngày càng lộ rõ. Thái độ nhạo báng và khinh miệt ấy dĩ nhiên là biểu lộ ra dưới một hình thức kính cẩn, một hình thức khiến cho Kutuzov cũng không thể hỏi xem họ buộc cho ông tội gì và nhân việc gì mà buộc tội. Người ta nói với Kutuzov một cách không nghiêm túc; khi báo cáo hoặc xin phép ông một việc gì, họ làm ra vẻ như đang thi hành một nghi thức rầu rĩ, còn sau lưng ông thì họ nháy nhau và lúc nào cũng cố tìm cách lừa ông.

Tất cả những con người ấy, chính họ vì không hiểu ông, đều công nhận với nhau rằng chẳng việc gì phải bàn bạc với cái lão già ấy rằng không bao giờ ông ta hiểu biết được cái sâu sắc của những kế hoạch họ vạch ra, rằng ông sẽ trả lời những câu đã nhàm tai (họ tưởng đó chỉ là những câu nói rỗng tuếch) về cái cầu bằng vàng, về việc không thể nào vượt biên giới với một lũ thân tàn ma dại v.v. Những câu đó họ đều đã được nghe ông nói. Và tất cả những điều Kutuzov nói ra: chẳng hạn như cần phải đợi tiếp tế, quân lính không có giày, tất cả những điều đó đều đơn giản, còn tất cả những điều họ đề nghị đều phức tạp và thông minh đến nôi họ thấy rõ như ban ngày rằng Kutuzov ngu ngốc và lẩm cẩm, còn họ thì lại là những danh tướng thiên tài nhưng không có quyền hành.

Đặc biệt sau khi Vitghenstain, một độ đốc hải quân xuất sắc và là vị anh hùng của Petersburg, bắt liên lạc với quân đội, tâm trạng khinh miệt và những chuyện ngồi lê đôi mách ở bộ tham mưu lại càng gay gắt hơn bao giờ hết. Kutuzov thấy thế chỉ thở dài và so vai. Duy có một lần, sau vụ Berezina, ông nổi giận lên viết thư cho Benrigxen, người vẫn báo cáo riêng với hoàng thượng, như sau:

“Xét tình trạng sức khoẻ của Quan lớn, nay xin Quan lớn vui lòng đi Kaluga nhận được thư này. Ở đấy Quan lớn sẽ đợi lệnh của Hoàng thượng bổ nhiệm công vụ mới”.

Nhưng sau khi Benrigxen bị huyền chức, đại công tước Konxtantin Pavlovich, người đã tham gia giai đoạn đầu của chiến dịch và đã bị Kutuzov gạt ra ngoài, lại trở lại quân đội. Bây giờ đại công tước cho Kutuzov hay rằng Hoàng đế bất bình về những thắng lợi xoàng xĩnh và cách di chuyển chậm chạp của quân ta. Hoàng đế có ý định nay mai sẽ thân hành đến quân doanh.

Kutuzov, con người già cả đã giàu kinh nghiệm trong triều đình cũng như trong việc quân, con người đã được chọn làm tổng tư lệnh trái với ý muốn của nhà vua vào tháng tám năm ấy, đã gạt thái tử ra khỏi quân đội, đã dùng quyền quyết định bỏ Moskva trái với ý muốn nhà vua, – con người ấy bây giờ hiểu ngay rằng mình đã hết thời, rằng vai trò của mình đã kết thúc và cái hư quyền của mình cũng không còn nữa. Vả chăng ông ta hiểu điều đó không phải chỉ về phương diện triều thần. Một mặt ông thấy rằng chiến sự – trong đó ông có một vai trò riêng – đã chấm dứt, và cảm thấy sứ mệnh của mình đã làm tròn. Mặt khác cái thân hình già nua của ông cũng bắt đầu thấy mệt mỏi về thể xác và cần phải được nghỉ ngơi.

Ngày hai mươi chín tháng một Kutuzov đi Vilna – thành Vilna tốt lành của ông, như ông thường nói. Trong cuộc đời làm quan, Kutuzov đã hai lần giữ chức tổng đốc Vilna. Trong thành phố Vilna trù phú vẫn còn nguyên vẹn, ngoài những tiện nghi sinh hoạt mà bấy lâu nay ông phải chịu thiếu thốn, Kutuzov còn tìm thấy lại những người bạn cũ và những kỷ niệm xưa. Và, đột nhiên quay lưng lại với những nỗi lo âu về quân sự và triều chính, ông buông mình vào cuộc sống bình lặng, quen thuộc, trong chừng mực những dục vọng sôi sục ở xung quanh để cho ông yên, dường như tất cả những việc gì đang diễn ra và sắp diễn ra trên đài lịch sử chẳng còn dính dáng gì đến ông nữa…

Tsitsigov, một trong những những say sưa nhất chủ trương cắt đứt và đánh bạt quân địch, Tsitsigov, người đã muốn tiến hành những công cuộc biệt kích lúc đầu thì sang Hy Lạp, sau thì sang Varsava, nhưng nhất định không chịu đến nơi mình được lệnh đến, Tsitsigov, người đã có tiếng là dám nói năng mạnh dạn với hoàng đế, Tsitsigov, người vẫn xem Kutuzov như kẻ chịu ơn mình vì năm 1811, khi ông được phái sang ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh Kutuzov, và nghe tin hoà ước đã ký kết xong xuôi, ông đã thừa nhận trước mặt hoàng đế rằng việc ký kết này là công lao của Kutuzov; chính cái ông Tsitsigov ấy là người đầu tiên ra đón Kutuzov ở Vilna, trước toà lâu đài mà Kutuzov sẽ ghé lại. Tsitsigov mặc quân phục hải quân độ đốc, đoản kiếm đeo bên sườn, mũ lưỡi trai cắp nách, trao cho Kutuzov bản báo cáo nghi thức và chùm chìa khoá của thành phố. Cái thái độ kính cẩn đầy ý khinh miệt của bọn tướng tá trẻ tuổi đối với ông già lẩm cẩm được phản ánh trọn vẹn trong thái độ của Tsitsigov, là người đã biết rõ những lời buộc tội Kutuzov.

Trong khi nói chuyện với Tsitsigov, Kutuzov có nói rằng những cỗ xe chở đĩa bát của ông ta bị cướp ở Borixovo vẫn còn nguyên và sẽ được trao trả cho chủ nhân. Tsitsigov đỏ mặt nói:

– Ý ngài nói rằng tôi chẳng còn đã mà dọn ăn… Trái lại tôi có thể cung cấp cho ngài đầy đủ, dù khi ngài có muốn mở tiệc cũng vậy – mỗi chữ của Tsitsigov nói ra đều có ý nhằm chứng minh rằng ông ta phải, cho nên Tsitsigov tưởng Kutuzov cũng có ý như vậy.

Kutuzov mỉm cười, nụ cười tế nhị, thâm thuý của ông, rồi nhún vai đáp:

– Ý tôi chỉ muốn nói những điều tôi vừa nói với ông thôi!

Ở Vilna, Kutuzov, trái với ý muốn của hoàng đế đã cho đại quân dừng lại. Như những người thân cận Kutuzov vẫn nói, ông đã suy yếu rất nhiều và sức khoẻ sút hẳn trong thời gian ở lại Vinla. Ông miễn cưỡng lo những công việc trong quân đội, việc gì cũng giao cho các thuộc tướng làm thay và, trong khi chờ đợi hoàng đế, ông sống một cách phóng túng.

Nhà vua cùng với đoàn tuỳ giá gồm bá tướng Tolxtoy, công tước Bolkonxki, Arakrseyev v.v. từ Petersburg ra đi ngày mồng bảy tháng chạp, và đến ngày mười một thì đến Vilna. Chiếc xe trượt tuyết đi đường của nhà vua đến thẳng toà lâu đài. Trước toà lâu đài mặc dầu trời giá căm căm, có chừng một trăm viên tướng và sĩ quan tham mưu mặc đại quân phục và đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki.

Viên sĩ quan liên lạc phóng chiếc xe trượt tuyết thắng ba con ngựa ướt đẫm mồ hôi đến báo: “Ngài ngự!” Konovntxyn liền chạy vào tiền sảnh báo tin cho Kutuzov bấy giờ đang ngồi đợi trong phòng nhỏ của người gác cổng.

Một phút sau, bóng dáng to béo của vị tướng già, mình mặc đại quân phục ngày lễ, bao nhiêu huân chương đều đeo hết lên ngực, bỗng thắt chiếc đai thao, khệnh khạng bước ra thềm. Kutuzov đội mũ thăng bằng, tay cầm găng, khó nhọc nghiêng người sang một bên bước xuống các bậc và cầm lấy bản báo cáo nghi thức đã chuẩn bị sẵn để trao cho hoàng đế.

Các tướng tá chạy đi chạy lại, nói thì thầm, thêm một chiếc xe tam mã lao vụt qua, vài mắt mọi người đều đổ dồn vào cỗ xe trượt tuyết đang lao tới; trên xe đã thấy rõ bóng dáng hoàng đế và Bolkonxki.

Tất cả những điều đó, do một thói quen cũ hàng năm mươi năm nay, khiến vị tướng già bồi hồi xúc động, ông hấp tấp sờ nắn mình một cách lo lắng, sửa lại chiếc mũ và ngay khi nhà vua xuống xe và ngước mắt lên nhìn ông, Kutuzov rướn thẳng người đứng nghiêm trao bản báo cáo rồi cất tiếng nói thong thả và lễ độ.

Nhà vua đưa mắt rất nhanh nhìn Kutuzov từ đầu đến chân, cau mày trong giây lát, nhưng rồi tự chủ được ngay, đến gần và dang tay ra ôm lấy vị tướng già. Một lần nữa, do một ấn tượng quen thuộc và do một ý nghĩ thầm kín của ông, cử chỉ này của nhà vua lại tác động đến Kutuzov như thường lệ: ông khóc nấc lên một tiếng.

Nhà vua chào hỏi các sĩ quan, đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki; bắt tay vị tướng già lần nữa rồi cùng ông ta đi vào lâu đài.

Ngồi lại một mình với vị nguyên soái, nhà vua nói rõ sự bất bình của mình đối với cuộc truy kích chậm chạp, đối với những lỗi lầm ở Kraxnoye và ở Berezina, rồi cho ông ta biết những ý định của mình về cuộc hành quân sau này ở nước ngoài. Kutuzov không phản bác hay nhận xét gì cả. Cái vẻ nhẫn nhục và đờ dẫn của ông bảy năm về trước khi đứng nghe lệnh hoàng đế trên chiến trường Auxteritx nay lại hiện lên trên gương mặt ông.

Khi Kutuzov ra khỏi phòng làm việc và cúi đầu bước qua phòng với dáng đi nặng nề, thân hình chúc về phía trước, có tiếng ai gọi ông dừng lại.

– Thưa điện hạ.

Kutuzov ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt bá tước Tolxtôi hồi lâu; bây giờ bá tước đứng trước mặt ông, tay cầm một chiếc đĩa bạc trên có đặt một vật gì nho nhỏ. Kutuzov có vẻ như không hiểu người ta muốn gì mình.

Bỗng ông như chợt hiểu: một nụ cười hầu như không thể thấy được thoáng hiện trên gương mặt béo phị, và ông kính cẩn nghiêng mình cầm lấy cái vật nhỏ đặt trên đĩa. Đó là chiếc huân chương Georges hạng nhất.

Chú thích:

(1) Thành ngữ: “tiêu huỷ chiến thuyền” có nghĩa là đánh nước cờ liều nếu không thành thì không còn lối thoát nào nữa

Chọn tập
Bình luận