Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 13 – Chương 10

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Nhưng lạ thay, tất cả những mệnh lệnh, những biện pháp và những kế hoạch này, là những cái tuyệt nhiên không thua kém gì những cách thức mà người ta thường làm trong những trường hợp tương tự, đều không động chạm đến thực chất của vấn đề, và như đôi kim trên một cái mặt đồng hồ bị tách rời ra khỏi bộ máy, nó quay lung tung, không có mục đích, không dính dáng gì đến bộ bánh xe trong máy.

Về phương diện quân sự, bản kế hoạch tác chiến thiên tài mà Tyer có nói là: thiên tài của Người chưa bao giờ tưởng tượng ra được một cái gì thâm thuý hơn, khôn khéo hơn và đáng khâm phục hơn, và trong khi bút chiến với ông Phan, Tyer lại còn chứng minh rằng kế hoạch này soạn ra ngày mười lăm tháng mười chứ không phải ngày mồng bốn, bản kế hoạch thiên tài ấy không bao giờ và không thể nào được thực hiện, vì nó không có chút gì sát với thực tế.

Việc củng cố thành Kreml mà muốn thực hiên cần phải phá huỷ cái đền Hồi giáo. (Napoléon gọi nhà thờ Vaxili Blazenny như vậy) hoàn toàn không có ích lợi gì cả. Việc đặt mìn dưới thành Kreml chỉ góp phần thực hiện ý muốn của hoàng đế khi rút ra khỏi Moskva, tức là muốn cho thành Kreml nổ tung, nghĩa là làm cái việc đánh vào nền nhà để dỗ đứa trẻ vừa bị ngã xuống đấy. Việc truy kích quân đội Nga, một việc khiến Napoléon bận tâm rất nhiều, là một hiện tượng lạ kỳ chưa từng có: các tướng lĩnh Pháp đã mất hút bóng đạo quân sáu vạn người này, và theo lời Tyer, may mà nhờ sự khéo léo và thậm chí cái thiên tài của Mura cho nên mới tìm lại được đạo quân Nga sáu vạn người này, chẳng khác nào tìm một cái kim găm.

Về phương diện ngoại giao, tất cả những lời biện luận của Napoléon về lòng đại độ và sự công minh của mình, trước mặt Tatolmin cũng như trước mặt Yokovlev, mà mối lo chủ yếu lúc bấy giờ là làm sao kiếm được một chiếc áo khoác và một cái xe tải, những lời biện luận ấy đều tỏ ra vô hiệu: Alekxandr không tiếp các sứ giả này và không phúc đáp.

Về phương diện hành chính, cơ quan thị chính không ngăn chặn được các vụ cướp bóc và, chỉ đem lại lợi ích cho một vài nhân vật có tham gia vào các cơ quan thị chính này: họ lấy cớ giữ gìn an ninh để cướp bóc dân Moskva hay để bảo vệ cho tài sản riêng của họ khỏi bị cướp bóc.

Về phương diện tư pháp, sau khi hành hình những người bị gán tội đốt nhà, phần nửa còn lại của Moskva cũng bốc cháy nốt.

Về phương diện tôn giáo, cái phương sách thăm viếng các đền thờ đã dùng ở Ai Cập này chẳng đem lại kết quả gì. Hai giáo sĩ tìm được ở Moskva cũng có thử thi hành ý muốn của Napoléon, nhưng một người trong bọn họ đã bị một tên lính Pháp tát tai trong khi làm lễ, còn về người kia thì một viên quan chức Pháp có báo cáo như sau:

“Người linh mục mà tôi tìm ra được và mới làm lễ lại như cũ đã quét dọn và đóng cửa nhà thờ. Nhưng đêm hôm qua lại có kẻ đến phá cửa lớn, bẻ khoá, xé sách và gây nhiều việc lộn xộn khác”

Về phương diện thương mại, tờ tuyên cáo kêu gọi “các nhà tiểu công nghệ cần cù và tất cả các nông dân” không thể thu được một tiếng vang nào. Nhà tiểu công nghệ cần cù thì không có, còn như nông dân thì những tên phái viên nào dám đi quá xa để phát tờ tuyên cáo này đều bị họ bắt hoặc giết đi.

Rồi phương diện giải trí cho dân chúng và quân đội bằng kịch viện, công việc cũng chẳng khả quan hơn. Những nhà hát tổ chức trong thành Krem và trong nhà Pensnyakov lập tức phải đóng cửa, vì các nam nữ diễn viên đều bị cướp hết của cải.

Rồi đến việc từ thiện cũng không đưa lại những kết quả mong muốn. Giấy bạc giả và giấy bạc thật tràn ngập khắp Moskva và không có giá trị gì hết. Đối với bọn lính Pháp đang cố vơ vét của cải thì chỉ có vàng là cần thiết. Không những giấy bạc giả mà Napoléon ban phát cho những người khốn khổ một cách nhân từ vậy đã hết giá trị, mà ngay cả bạc nén nữa cũng bị đem đổi lấy vàng với tỷ lệ rất thấp.

Nhưng hiện tượng kỳ lạ nhất về sự vô hiệu của những biện pháp của Napoléon vào thời kỳ ấy là sự thất bại của ông ta trong việc cố gắng chặn các vụ cướp bóc và phục hồi kỷ luật.

“Những vụ cướp bóc vẫn diễn ra trong thành phố, tuy đã có lệnh chặn đứng nó lại. Trật tự vẫn chưa được phục hồi, và không có một nhà buôn nào trở lại buôn bán một cách hợp pháp. Chỉ có bọn bán rong là dám bán hàng, mà cũng chỉ bán những của ăn cắp”.

“Một khu vực trong quận tôi vẫn bị quân lính thuộc lữ đoàn ba cướp phá. Giành giật những đồ đạc ít ỏi còn sót lại của những người khốn khổ đang trốn tránh dưới các hầm nhà; vẫn chưa vừa lòng, quân lính còn nhẫn tâm dùng gươm chém họ bị thương, như tôi đã từng thấy nhiều trường hợp.

“Không có gì mới ngoài việc quân lính vẫn tự tiện trộm cướp. Ngày mười chín tháng mười”.

“Trộm cướp vẫn hoành hoành. Trong quận chúng tôi có một toán kẻ trộm, rồi đây cần phải đưa những đội quân hùng hậu đến bắt. Ngày mười một tháng mười”.

“Hoàng đế rất đỗi bất bình khi thấy rằng tuy đã ra lệnh chặn đứng những vụ cướp bóc, nhưng lúc nào cũng chỉ thấy những toán quân vệ binh đi ăn cướp trở về điện Krem. Trong đạo quân vệ binh kỳ cựu, tình trạng hỗn loạn và việc cướp bóc lại tái diễn vào ngày hôm qua, đêm qua và ngày hôm nay một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hoàng đế rất phiền lòng khi thấy những binh sĩ tinh nhuệ được chọn để hộ vệ ngài, lẽ ra phải nêu gương kỷ luật, thì lại lăng loàn đến mức xông vào đập phá các hầm rượu và các kho lương dành cho quân đội. Một số khác lại tồi tệ đến nỗi không chịu nghe những người lính canh và những sĩ quan đi tuần, lại còn chửi bới và đánh đập họ nữa.

“Quan lễ nghi đại thần của hoàng cung hết sức than phiền – viên tổng đốc viết – rằng tuy đã nhiều lần ra lệnh cấm mà quân lính vẫn đại tiện ở khắp các sân và thậm chí ngay cả dưới cửa sổ của hoàng đế”.

Cái quân đội ấy như một đàn súc vật thả rông, giẫm nát dám có lẽ ra có thể cứu chúng khỏi chết đói, cứ tan rã dần, và càng ở Moskva thêm ngày nào nó lại càng đi dần vào cõi chết ngày ấy.

Nhưng nó vẫn không nhúc nhích.

Mãi đến khi quân Nga cướp những xe lương trên con đường Smolensk và khi nhận được tin trận Tarutino nó mới phát hoảng lên mà bỏ chạy. Napoléon được tin này một cách đột ngột khi đang duyệt binh. Như Tyer có nói, tin này khiến cho ông ta nóng lòng muốn trừng phạt bọn Nga, và ông ta liền ra lệnh dời quân, một mệnh lệnh mà toàn quân đều nức lòng mong đợi.

Ở Moskva chạy chốn, binh sĩ trong đạo quân này vơ theo tất cả những gì họ đã cướp được. Napoléon cũng chở theo một kho tàng riêng. Trông thấy đoàn xe kềnh càng trẩy theo đoàn quân, Napoléon rất kinh hãi (như Tyer có nói). Nhưng vì đã có nhiều đồ như ông đã từng làm với các xe chở đồ của một viên thống chế trong khi quân tiến về phía Moskva. Ông ta nhìn những cỗ xe kiệu và xe hòm chở lính đi và nói rằng sau này dùng những chiếc xe kia để chở lương thực và chở thương binh, bệnh binh thì rất tốt.

Tình cảnh của toàn thể quân đội giống như tình cảnh của một con vật bị thương đang cảm thấy mình chết và không biết mình đang làm gì. Nghiên cứu những hành động khôn khéo và những mục đích của Napoléon và của quân đội ông ta từ khi tiến vào Moskva cho đến khi bị tiêu diệt cũng chẳng khác gì nghiên cứu ý nghĩa của những sự giãy giụa của một con vật bị thương đang hấp hối. Nhiều khi con vật bị thương nghe thấy tiếng sột soạt, lao mình về phía trước khiến cho người đi săn có dịp bắn nhanh hơn.

Napoléon cũng làm như vậy dưới sức ép của toàn thể quân đội ông ta. Tiếng vang của trận Tarutino khiến con thú hoảng sợ, nó trốn về phía trước, chạy đến tận mũi súng người đi săn, rồi lại quay đi, và cuối cùng, cũng như bất cứ con thú nào, nó chạy lùi trở lại theo con đường bất lợi, nguy hiểm nhất, nhưng là con đường quen thuộc, còn in vết chân cũ của nó.

Napoléon, mà ta tưởng là kẻ chi huy toàn bộ cuộc vận chuyển này (cũng như một người mông muội tưởng rằng cái hình khắc ở mũi thuyền chính là cái sức mạnh chỉ huy con thuyền), Napoléon trong suốt thời gian hoạt động của ông ta cũng giống như một đứa trẻ ngồi cầm những cái dải dính trong hòm xe mà tưởng tượng rằng mình đang đánh xe đi.

Chọn tập
Bình luận