Ngày mươi ba tháng sáu, hồi hai giờ đêm, hoàng thượng cho gọi Balasov đến phòng riêng và đọc cho ông ta nghe bức thư này đến trao tận tay cho hoàng đế Pháp. Khi Balasov ra đi, hoàng thượng còn nhắc lại cho ông ta nghe một lần nữa câu nói của Ngài là sẽ không giảng hoà hễ còn một tên địch vũ trang ở trên đất Nga, và ra lệnh cho ông ta thế nào cũng chuyển câu này đến tai Napoléon. Hoàng thượng không viết câu này vào bức thư gửi Napoléon là vì rất tế nhị, ngài đã cảm thấy rằng, đem dùng những lời này trong khi đang cố gắng lần cuối để tìm cách hoà giải thì không tiện; tuy vậy ngài vẫn dặn Balasov thế nào cũng nói lại cho Napoléon nghe.
Đêm mười ba rạng ngày mười bốn, Balasov lên đường, có một người lính kèn và hai người cô-dắc theo hộ tống, và đến tảng sáng thì họ tới làng Rykonty, nơi quân Pháp đóng tiền dồn ở bên này sông Neman. Balasov không đứng lại ngay cứ cho ngựa đi bước một trên con đường dẫn đến đồn quân Pháp.
Viên hạ sĩ quan cau mày, mồm lẩm bẩm một câu chửi rủa rồi thúc ngựa đến sát Balasov, tay nắm lấy đốc kiếm và quát viên tướng Nga một cách thô lỗ, hỏi ông ta điếc hay sao mà người ta bảo gì cũng không nghe thấy. Balasov xưng tên. Viên hạ sĩ quan cho một người lính gọi viên sĩ quan đến.
Không hề để ý đến Balasov, viên hạ sĩ quan bắt đầu nói chuyện với mấy người lính về những công việc trong đơn vị, và không nhìn viên tướng Nga nữa.
Xưa nay vẫn gần gũi với uy quyền và thế lực tối cao, mới cách đây ba giờ đồng hồ lại vừa được nói chuyện với hoàng thượng, và nói chung là trong công vụ đã quen được tôn kính, đến đây Balasov rất lấy làm kỳ lạ khi gặp ngay trên đất Nga này một thái độ thù địch và nhất là bất kính của vũ lực thô bạo đối với mình như vậy.
Mặt trời chỉ mới ló ra khỏi mấy lớp mây; không khí mát mẻ và dầy hơi sương. Trên con đường làng, một đàn bò đang đi ra đồng cỏ. Trên cánh đồng, mấy con sơn ca như những cái bọt tung lên mặt nước, lần lượt nối theo nhau bay vút lên và hót ríu rít.
Balasov đưa mắt nhìn quanh, chờ đợi viên sĩ quan ở trong lán ra. Hai người cô-dắc Nga, người lính kèn và mấy người lính phiêu kỵ Pháp yên lặng, thỉnh thoảng đùa mắt nhìn nhau.
Một viên đại tá phiêu kỵ khác, hình như mới ngủ dậy, cưỡi một con ngựa xám béo tốt và rất đẹp từ trong làng đi ra, có hai người lính phiêu kỵ theo sau. Viên sĩ quan, mấy người lính và mấy con ngựa đều có vẻ thoả mãn và đỏm dáng.
Lúc này là vào đầu thời kỳ của chiến dịch, khi quân đội vẫn còn sạch sẽ tươm tất gần như trong một cuộc duyệt binh thời bình, nhưng lại có thêm vẻ bảnh bao vũ dũng trong cách ăn mặc và cái ý vị vui vẻ và hăng hái vẫn thường thấy mỗi khi mở đầu một chiến dịch.
Viên đại tá Pháp chật vật nén một cái ngáp, nhưng thái độ của ông ta cũng lễ độ, hẳn là ông ta hiểu rõ địa vị quan trọng của Balasov. Ông ta dẫn Balasov muốn được yết kiến hoàng đế chắc sẽ được thực hiện ngay tức khắc, bởi vì theo chỗ ông ta biết thì đại bản doanh ngự tiền đóng cách đây không xa.
Họ cưỡi ngựa qua làng qua Rykonty, qua những trạm túc trực phiêu kỵ, những quân canh và những người lính. Lính Pháp đến chào viên đại tá của họ và tò mò ngắm nghía bộ quân phục Nga. Đoạn họ đi sang phía bên kia làng. Theo lời viên đại tá đi hai cây số nữa sẽ có một viên sư đoàn trưởng tiếp Balasov và dẫn ông ta đến đại bản doanh.
Mặt trời đã lên cao và chiếu ánh sáng vui tươi xuống cánh đồng xanh ngắt. Họ vừa đi qua cái quán trên đỉnh dốc thì thấy ở dưới chân dốc phải trước mặt có một tốp người cưỡi ngựa đang đi về phía họ.
Người đi trước cưỡi một con ngựa ô thắng yên cương rất sang trọng lấp lánh dưới ánh nắng. Đó là một người cao lớn mặc áo khoác đỏ, đội mũ cắm lông đà điểu, mớ tóc quăn đen láy để dài tận tai, hai chân giày duỗi thẳng về phía trước tư thế quen thuộc của người Pháp khi cưỡi ngựa. Người ấy phi nước đại về phía Balasov, mấy chùm lông trên mũ bay phấp phới, những hạt châu ngọc và những chiếc lon vàng trên quân phục lấp lánh dưới ánh mặt trời tháng sáu.
Khi cưỡi ngựa đeo đầy những vòng bạc xuyến bạc, những dải kim tuyến, những lông chim, vẻ đường hoàng trang trọng như ông tướng tuồng ấy đến chỉ còn Balasov dăm bước nữa thì Uylner, viên đại tá Pháp, kính cẩn thì thầm: “Quốc vương thành Napoli”, thực vậy đó là Mura, hồi đó được gọi là quốc vương thành Napoli. Mặc dầu không thể nào hiểu nổi tại sao ông ta lại là quốc vương thành Napoli, họ vẫn gọi ông ta như vậy, và chính bản thân ông ta cũng tin chắc như vậy, cho nên dạo này ông ta ra vẻ chững chạc và quan trọng hơn ts. Ông ta tin chắc rằng mình là một quốc vương thành Napoli đến nỗi trước ngày rời Napoli một hôm, đang cùng vợ đi dạo trong thành phố, khi có mấy người Ý hô to: “Viva il re” (Quốc vương vạn tuế), ông ta đã mỉm một nụ cười buồn rầu quay lại nói với vợ. “Tội nghiệp, họ không biết là ngày mai ta sẽ rời họ!”.
Nhưng mặc dầu ông ta tin chắc rằng mình là quốc vương thành Napoli thật và lấy làm phiền lòng về nỗi buồn của thần dân đang bị ông ta rời bỏ, gần đây, sau khi được lệnh trở về quân đội và nhất là sau buổi gặp gỡ với Napoléon ở Dantxig, khi ông anh vợ chí tôn của ông ta bảo ông ta rằng: “Tôi cho ông làm vua để trị vì theo cách của tôi chứ không phải theo cách của ông”, ông ta đã vui vẻ bắt tay vào cái công việc mà ông vốn quen thuộc, và như một con ngựa được nuôi béo nhưng chưa đến nỗi phì nộn, vừa cảm thấy mình được thắng vào càng xe đã bắt đầu ngứa chân muốn chạy, ông ta ăn mặc thật lòe loẹt và sang trọng, rồi vui vẻ và thoả mãn phi trên các đường trường Ba Lan tuy chẳng biết đi đâu và để làm gì.
Trông thấy viên tướng Nga, ông ta hất mái đầu có mớ tóc quăn loã xoã trên vai với một vẻ long trọng thật xứng với một bậc quốc vương, và đưa mắt nhìn viên đại tá Pháp có ý dò hỏi.
Viên đại tá kính cẩn trình cho bệ hạ biết nhiệm vụ của Balasov, nhưng không sao phát âm được cho đúng tên họ của ông ta.
– De Bal-machève”(1) – quốc vương nói với một thái độ quả quyết làm cho viên đại tá thoát được tình trạng lúng túng, – Rất hân hạnh được làm quen với tướng quân – ngài nói thêm với một cử chỉ ban ơn rất vương giả. Quốc vương vừa bắt đầu nói to và nói nhanh, thì trong khoảnh khắc, tất cả cái vẻ trang trọng đế vương của ngài vụt biến mất, và ngài bất giác chuyển sang cái giọng thân mật xuề xoà mà ngài vẫn quen dùng. Ngài đặt tay lên vai con ngựa của Balasov.
– Thế nào, tướng quân, hình như sắp chiến tranh đến nơi rồi thì phải? – Mura nói vẻ như lấy làm tiếc về một sự tình mà ông ta không có quyền phê phán.
– Thưa bệ hạ, – Balasov đáp. – Chúa thượng của tôi không muốn chiến tranh, như bệ hạ cũng rõ! – Balasov luôn mồm nói “bệ hạ” một cách quá lộ liễu như thói thường khi người ta nói với một nhân vật chưa lấy gì làm quen với chức tước này.
Mặt Mura tươi rói lên với một vẻ hả hê ngờ nghệch trong khi nghe Monsieur de Balacheff. Nhưng đã là bậc đế vương thì cũng phải xử cho ra bậc đế vương: ông ta thấy cần phải bàn bạc với sứ giả của Alekxandr về chính sự, với tư cách là một quốc vương và là một người đồng minh. Mura xuống ngựa, nắm lấy cánh tay Balasov kéo ra một bên, cách khá xa đám tuỳ tùng đang kính cẩn đứng đợi rồi bắt đầu đi đi lại lại cố nói năng cho có vẻ quan trọng.
Ông ta nhắc lại rằng hoàng đế Napoléon lấy làm bất bình về yêu sách đòi rút quân ra khỏi nước Phổ, nhất là khi yêu sách này đã được mọi người biết và như vậy là làm cho danh dự nước Pháp bị tổn thương. Balasov nói rằng trong yêu sách đó không có gì có thể khiến người ta bất bình cả vì…
Nhưng Mura đã ngắt lời ông ta:
– Thế ra ông cho rằng người gây ra xung đột không phải là hoàng đế Alekxandr à? – Mura nói, miệng bỗng nở một nụ cười hiền hậu và ngây thơ.
Balasov nói rõ tại sao ông cho rằng người gây chiến là Napoléon.
– Ấy, thưa tướng quân thân mến, – Mura lại ngắt lời, – Tôi hết sức lòng mong muốn rằng hai hoàng đế sẽ dàn xếp với nhau và cuộc chiến tranh đã nổ ra trái với ý muốn của tôi sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt, – Ông ta nói với giọng nói chuyện của những người đầy tớ muốn duy trì mối quan hệ thân thiết với nhau trong khi chủ họ có chuyên xích mích. Rồi ông ta quay ra hỏi thăm đại công tước, hỏi thăm sức khoẻ của ngài và nhắc nhở những kỷ niệm từ hồi họ cùng vui vẻ ở Napoli. Sau đó, như chợt nhớ đến cái cương vị đế vương của mình. Mura bỗng đứng thẳng người lên, vẻ long trọng, tư thế như khi làm lễ đăng quang, và hoa cánh tay phải lên nói – Thôi xin tạm biệt tướng quân; xin có lời chúc tướng quân làm nhiệm vụ thành công! – nói đoạn, chiếc áo thêu đỏ và cái ngù lông đà điểu phất phơ trước gió, châu ngọc lấp lánh trên quân phục, ông ta đi về phía đoàn tuỳ tùng đang kính cẩn đứng đợi.
Balasov tiếp tục đi, chắc mẩm là chỉ lát nữa sẽ gặp được đích thân Napoléon theo lời Mura nói. Nhưng không, đến làng bên ông lại bị lính canh thuộc quân đoàn bộ binh của Davu chặn lại, cũng như khi đi ngang tiền duyên. Viên sĩ quan phụ tá của Davu được tin báo của quân sĩ liền ra gặp viên tướng Nga và dẫn ông ta vào làng yết kiến nguyên soái Davu.
Chú thích:
(1) Mura phát âm sai. Pháp hoá tên họ Balasov và thêm chữ “De =đờ” như trong các tên họ quý tộc Pháp.