Bá tước phu nhân Roxtova đang cùng các con gái và số tân khách đến đã khá đông ngồi trong phòng khách. Bá tước dẫn các khách nam giới vào phòng làm việc, mời họ hút thuốc bằng những chiếc tẩu Thổ Nhĩ kỳ do ông sưu tập. Chốc chốc lại ra phòng khách hỏi: Bà ấy đến chưa? Họ đang đợi bà Maria Dmitrievna Akhoxrimova đến. Trong giới thượng lưu bà được coi là con rồng hung dữ, bà nổi tiếng không phải vì của cải hay địa vị, mà vì tâm hồn thẳng thắn và phong độ giản dị, ăn nói thật thà. Bà Maria Dmitrievna được cả hoàng tộc và khắp hai thành phố Moskva và Peterburg biết tiếng, ai cũng lấy làm lạ về bà ta, họ thường cười thầm với nhau về tình hình lỗ mãng của bà, khác nhau những mẩu giai thoại quanh bà, tuy vậy ai cũng nể sợ bà Maria Dmitrievna.
Trong căn phòng làm việc mù mịt khói thuốc lá, câu chuyện đang xoay quanh bản tuyên chiến mới công bố, quanh việc tuyển quân. Chưa ai được đọc bản tuyên chiến, nhưng ai cũng biết rằng nó đã được công bố. Bá tước ngồi trên một chiếc trường kỷ, hai bên có người khách đang hút thuốc và nói chuyện với nhau. Bản thân bá tước không hút thuốc và không nói chuyện, nhưng khi nghiêng đầu sang phái, khi nghiên đầu sang trái, vẻ thích thú rõ rệt nhìn hai người hút thuốc và lắng nghe họ nói chuyện với nhau quanh một vấn đề mà ông ta đã nêu lên để cho hai người cãi vã.
Một trong hai người khách ngồi cạnh bá tước mặc thường phục mặt cạo nhẵn gầy và nhăn nheo, nước da mai mái, một người tuy đã luống tuổi, nhưng vẫn ăn mặc như một cậu công tử hợp thời trang nhất. Ông ta ngồi xếp bằng tròn trên trường kỷ, vẻ như người nhà, ống điếu đặt lệch một bên mép ngậm sâu vào miệng, rít khói thuốc từng đợt ngắn, mắt nheo lại. Đó là Sinsin, anh họ của bá tước phu nhân, đã luống tuổi nhưng vẫn sống độc thân, một người nổi tiếng ác khẩu trong các phòng khách Moskva, ông ta có vẻ như đang hạ mình xuống nói với người tiếp chuyện. Người kia là một sĩ quan cận vệ tươi tắn hồng hào, mặt mày, tóc tai và áo quần trau chuốt hết sức cẩn thận, ống điếu ngậm thẳng vào chính giữa đôi môi đỏ hồng và rít nhè nhẹ khói thuốc vào rồi lại nhả từ cái miệng xinh xắn ra thành từng vòng tròn. Đó chính là viên trung uý Berg, sĩ quan của trung đoàn Xemionovxk sẽ cùng với Boris lên đường đến trung đoàn, người mà Natasa gọi là vị hôn phu của Vera để trêu chị.
Bá tước ngồi giữa hai người lắng nghe rất chăm chú. Ngoài việc đánh bài Boston ra thì công việc mà bá tước thích nhất là ngồi nghe người khác nói chuyện, nhất là khi đã khích cho hai ông khách bẻm mép cãi nhau thì bá tước lại càng thú lắm.
– Thế nào đấy, Alphônx Kakryts tiên sinh – Sinsin vừa cười vừa nói, pha lẫn những thành ngữ Nga rất bình dân với những câu tiếng Pháp cầu kỳ, đó là một đặc điểm trong lối nói của ông ta – Cậu định hưởng lợi tức của nhà nước à? Cậu mới ăn lãi của đại đội hay sao đấy?
– Không đâu ông Piotr Nikolaievich, tôi chỉ muốn chứng minh rằng kỵ binh không có lợi bằng bộ binh thôi. Đấy ông thử hình dung cảnh tôi mà xem.
Berg bao giờ nói năng cũng rất chính xác, bình tĩnh và lễ độ. Bao giờ anh ta cũng nói những chuyện có dính dáng đến mình. Khi nào xung quanh nói đến những chuyện không liên quan trực tiếp tới anh, bao giờ Berg cũng im lặng. Và anh có thể im lặng như vậy đến mấy tiếng đồng hồ liền, không hề thấy khó chịu và cũng không làm cho ai khó chịu chút nào. Nhưng hễ câu chuyện động chạm tới bản thân là Berg bắt đầu nói thao thao và lộ vẻ thích thú rõ rệt.
– Ông Piotr Nilolaievich ạ, ông thử tưởng tượng tình cảnh của tôi mà xem: giá tôi ở trong kỵ binh thì dù làm chức trung uý, lương mỗi quý cũng không quá hai trăm rúp, còn bây giờ thì tôi được lĩnh tới hai trăm ba mươi rúp kia, – Berg nói, miệng nở một nụ cười hớn hở và dễ ưa, mắt nhìn Sinsin rồi lại nhìn sang bá tước, dường như anh ta nghĩ rằng dĩ nhiên mọi người đều chỉ mong sao cho anh ta thành công.
– Ông Piotr Nikolaievich ạ, – Berg nói tiếp, – ngoài ra chuyển sang quân cận vệ tôi lại được chú ý nhiều hơn, mà bộ binh cận vệ lại được thăng chức nhiều. Ngoài ra, ngài thử tưởng tượng xem với hai trăm ba mươi rúp tôi đã thu xếp như thế nào. Tôi để dành được kha khá và còn lại gửi cho cha tôi nữa. – Berg nói tiếp, mồm nhả ra một vòng tròn thuốc lá.
Sinsin chuyển ống điếu sang mép bên kia, nói:
– Quả đúng thật… Người Đức bao giờ cũng tài xoay xở như câu tục ngữ vẫn nói – rồi Sinsin nháy mắt với bá tước một cái.
Bá tước phá lên cười. Mấy người khách khác, thấy Sinsin đang cầm trịch câu chuyện, liền lại gần để nghe. Berg không để ý thấy vẻ chế giêu hoặc dửng dưng của những người xung quanh, tiếp tục kế lại nào là chuyển sang quân cận vệ là anh ta đã được lãi một cấp bậc so với các bạn cùng lứa ở trường võ bị ra, nào là trong thời chiến, đại đội trưởng có thể tử trận và anh ta sẽ thành người có cấp bậc cao nhất trong đại đội, do đó rất dễ được thăng lên chức đại uý, nào là trong trung đoàn ai cũng mến anh, nào là ông bố anh rất lấy làm hài lòng về anh. Trong khi kể lể như vậy, Berg xem ra rất khoái chí cho nên có vẻ không hề thoáng có ý nghĩ rằng những người khác cũng có thể thích thú riêng của họ. Nhưng tất cả những điều Berg nói ra đều dễ nghe, và cái vị kỷ trẻ trung của anh ta nó ngây thơ một cách hiển nhiên đến nỗi người nghe không nỡ nào có ác ý gì với anh.
– Cậu ạ, ở kỵ binh hay là ở bộ binh cậu cũng vẫn có cách làm ăn phát đạt như thường, cái đó thì tôi xin nói chắc với cậu – Sinsin vỗ vai Berg nói, và bỏ hai chân trên trường kỷ xuống. Berg sung sướng mỉm cười. Bá tước đứng dậy đi ra phòng khách, và các tân khách đều ra theo. Lúc bấy giờ, cũng như trước bất cứ một bữa tiệc lớn nào khác, các tân khách không bắt vào những câu chuyện dài vì còn đợi được mời vào dùng các món khai vị, nhưng đồng thời cũng thấy cần phải hoạt động đôi chút và nói dăm ba câu để tỏ rằng mình đây không hề có ý sốt ruột chờ đến lúc ngồi vào bàn ăn. Ông chủ, bà chủ chốc chốc lại nhìn về phía cửa và đưa mắt nhìn nhau. Các tân khách thì có gắng căn cứ vào những cái nhìn đó để đoán xem họ còn chờ ai hay đợi cái gì: một người họ hàng quan trọng nào đến muộn hay bữa ăn chưa dọn xong.
Piotr đến đúng vào lúc mọi người sắp ngồi vào bàn và lúng túng ngồi xuống một chiếc ghế bành ở chính giữa phòng khách làm vướng hết cả lối đi. Bá tước phu nhân muốn gợi chuyện cho Piotr nói nhưng chàng cứ giương mắt ngơ ngác nhìn quanh qua đôi kính trắng như muốn tìm ai, bá tước phu nhân hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời gióng một. Chàng làm cho mọi người thấy vướng, và chỉ mỗi mình chàng là không nhận thấy điều đó. Một số lớn khách khứa vốn đã biết chuyện Piotr với con gấu, tò mò nhìn cái chàng to béo hiền lành kia, băn khoăn không hiểu làm sao một con người vụng về và nhút nhát như vậy lại có thể chơi ông quận trưởng một vốn điếng người đến thế.
– Cậu vừa mới đến đấy à? – Bá tước phu nhân hỏi Piotr.
– Thưa bà vâng ạ! – Piotr vừa đáp vừa nhìn quanh.
– Cậu chưa gặp nhà tôi à?
– Thưa bà chưa ạ! – Piotr mỉm cười không đúng lúc một tí nào cả.
– Hình như cậu mới ở Paris về thì phải? Tôi chắc ở đấy thú vị lắm nhỉ?
– Vâng, thú lắm.
Bá tước phu nhân đưa mắt với bà Anna Mikhailovna, bà Anna Mikhailovna hiểu rằng người ta nhờ mình tiếp hộ chàng thanh niên kia liền nhích ghế lại gần và bắt đầu nói chuyện về bá tước Bezukhov, nhưng cũng như lúc nãy khi nói chuyện với bá tước phu nhân. Piotr chỉ trả lời gióng một. Các vị khách khác thì mải nói chuyện với nhau mỗi nhóm một khách, bốn phía đều nghe loáng thoáng:
Ông bà Razumovxki… Thật tuyệt quá, bà tốt quá… Nữ bá tước Apraksin…
Bá tước phu nhân đứng dậy và đi ra phòng ngoài. Giọng nói của phu nhân từ phòng ngoài vẳng lại:
– Có phải bà Maria Dmitrievna Đmitrevna không?
– Chính phải, – một giọng đàn bà thô thô đáp lại, và tiếp theo sau, bà Maria Dmitrievna bước vào phòng.
Tất cả các tiểu thư và cả các bà mệnh phụ nữa đều đứng dậy, chỉ trừ những người già nhất. Bà Maria Dmitrievna dừng lại ở ngưỡng cửa và cất cao mái đầu bạc của người đàn bà năm mươi tuổi trên tấm thân phốp pháp, đưa mắt nhìn qua khách khứa một lượt và thong thả sửa lại hai ống tay áo, dường như muốn xắn tay lên vậy.
Bà Maria Dmitrieva bao giờ cũng nói bằng tiếng Nga. Bà ta cất cái giọng sang sảng át hết cả mọi âm thanh khác, nói:
– Xin mừng lễ thánh bạn Natalia và các cháu – Đoạn bà ta quay về phía bá tước đang đến hôn tay bà, nói – Còn cái ông trời đánh này, chắc ở Moskva ông thấy chán lắm hả ông tướng? Khi mấy con chim con kia lớn lên – bà giơ tay chỉ mấy cô con gái – thì dù muốn dù không cũng phải liệu mà kiếm chồng cho chúng nó.
Rồi bà nói tiếp, tay vuốt tóc Natasa lúc bấy giờ đang đến hôn tay bà, dáng vui vẻ và không chút sợ hãi:
– Thế nào đấy chú Cô-đắc của tôi? (bà Maria Dmitrievna vẫn thường gọi Natasa là Cô-đắc). Tôi biết con bé này tệ lắm, nhưng tôi vẫn thích.
Bà Maria Dmitrieva móc trong cái túi thêu to tướng lấy ra một đôi hoa tai bằng ngọc bích hình quả lê trao cho Natasa lúc bấy giờ mặt ửng hồng và rạng rỡ như một cô bé được ăn mừng lễ thánh, rồi iập tức quay ngoắt sang phía Piotr nói:
– Ê, ê! Anh bạn! Lại gần đây nào, – bà Maria Dmitrievna vờ lấy giọng khe khẽ và thanh thanh nói – Lại đây anh bạn. Và bà ta xắn tay áo lên, vẻ dữ tợn.
Piotr lại gần, ngây ngô nhìn bà khách qua đôi kính trắng.
– Lại đây, lại gần đây anh bạn! Với cha anh thì những khi có dịp tôi cũng đã nói sự thật, còn với anh thì Đức Chúa Trời cũng ra lệnh cho tôi phải làm như vậy.
Bà Maria Dmitrievna im lặng một lát. Mọi người cũng đều im lặng chờ đợi xem cơ sự sẽ ra sao, và cảm thấy đây chỉ là môt đoạn giáo đầu.
– Chả phải nói, con cái hiếu thảo nhỉ? Cha thì ốm liệt gường, mà con thì cứ chơi bời thả cửa, đi bắt một ông cảnh sát cưỡi gấu, có ghê không! Xấu hổ lắm cậu ạ, thật là xấu hổ! Đi ra trận mà đánh có phải hơn không?
Nói đoạn bà quay đi và đưa tay cho bá tước bấy giờ đang nhịn cười không được.
Thế nào đấy, chắc đã đến lúc ngồi vào ăn rồi đấy nhỉ – bà Maria Dmitrievna nói.
Bá tước và bà Maria Dmitrievna đi trước; rồi đến bá tước phu nhân khoác tay ông đại tá phiêu kỵ, một con người cần phải trọng nể vì sẽ cùng Nikolai về trung đoàn, sau đó đến bà Anna Mikhailovna đi cạnh Sinsin; Berg thì khoác tay Vera. Cô Juyly Karaghina tươi cười sóng đôi với Nikolai bước tới bàn ăn. Sau họ đến những đôi khác nối tiếp nhau thành một hàng dài từ đầu đến cuối phòng, và sau cùng là bọn trẻ đi riêng từng đứa, các nam nữ gia sư.
Nhưng người hầu bàn xắng xở bày dọn, có tiếng chân ghế kéo rầm rập trên sàn; trên bao lơn, đội nhạc riêng của nhà bá tước bắt đầu cử nhạc, và các tân khách ngồi vào chỗ. Tiếng nhạc nhường chỗ cho tiếng dao rĩa lách cách, tiếng nói chuyện của các khách dự tiệc, tiếng bước chân nhè nhẹ của những người hầu bàn. Bá tước phu nhân ngồi ở ghế danh dự cuối bàn ăn. Bên phải là bà Maria Dmitrievna, bên trái là bà Anna Mikhailovna và các bà khách khác.
Ngồi ở cuối bàn là bá tước Roxtov, bên trái bá tước là ông đại tá phiêu kỵ, bên phải là Sinsin và các khách nam giới khác. Ngồi ở chiếc bàn dài, một bên là lớp thanh niên lớn tuổi; Vera bên cạnh Berg; Piotr bên cạnh Boris; bên kia là các trẻ và các gia sư. Từ phía sau những chiếc cốc pha lê những chai rượu và những chiếc bình hoa đựng hoa quả, đầu đội cái mũ vải cao quấn giải lụa xanh da trời, bá tước đưa mắt nhìn phu nhân, và chăm chỉ rót rượu mời các tân khách ngồi bên cạnh, đồng thời cũng không quên rót cho mình;
Phía sau mấy quả dứa, bá tước phu nhân, trong khi không quên nghĩa vụ của nữ chủ nhân, cũng đưa mắt nhìn chồng một cách có ý nghĩa, và có cảm giác là cái đầu hói và cái mặt của bá tước đều đỏ gay, nổi bật hẳn lên giữa đám tóc bạc của mấy vị khách ngồì cạnh.
Về phía nhóm các bà câu chuyện tiếp diễn đều đều; phía các tân khách nam giới thì tiếng nói chuyện ngày càng to thêm, nhất là giọng nói của ông đại tá phiêu kỵ; ông này ăn rất nhiều và uống cũng rất nhiều, mặt mỗi lúc một đỏ thêm, nên bá tước đã có lần nêu ông ta làm gương cho các vị khách khác. Berg mỉm cười âu yếm nói với Vera rằng tình yêu không phải là tình cảm trần gian, mà là một tình cảm thượng giới. Boris nói cho anh bạn mới của mình là Piotr biết tên các tân khách có mặt ở bàn tiệc và chốc chốc lại đưa mắt nhìn Natasa đang ngồi trước mặt. Piotr nói rất ít, luôn luôn đưa mắt nhìn qua các khuôn mặt mới lạ, và ăn rất nhiều. Bắt đầu từ hai món xúp, trong đó Piotr đã chọn món xúp ba ba từ món chả cá cho đến món chim rán, chàng không bỏ qua một món nào và một tuần rượu nào. Cứ mỗi lần người hầu bàn cầm chai rượu bọc khăn bông từ sau vai của người ngồi cạnh chìa ra, vẻ bí mật, vừa đưa vừa nói: “Rượu Made thuần chất” hay “rượu Hung”, hay rượu sông Ranh” là Piotr lại với lấy một trong bốn chiếc cốc pha lê có in tộc huy của bá tước đặt trước mỗi bộ đĩa, chìa ra hứng rượu và uống một cách thích thú, vừa uống vừa nhìn khách khứa với đôi mắt mỗi lúc một thêm ân cần. Natasa ngồi trước mặt chốc chốc lại nhìn Boris với đôi mắt của những cô gái mười ba tuổi nhìn người con trai mình yêu và mới hôn lần đầu. Thỉnh thoảng cũng đôi mắt ấy lại nhìn sang Piotr, và khi thấy người con gái ngộ nghĩnh và hoạt bát kia nhìn mình, Piotr tự dưng muốn cười, nhưng chẳng hiểu tại sao.
Nikolai ngồi xa Sonya, bên cạnh Juyly Karaghina, và lại bất giác mỉm cười như bận trước, nói chuyện với cô ta. Sonya bề ngoài mỉm cười tươi tắn, nhưng vẫn không giấu nổi sự ghen tuông đang giày vò tâm can: khi thì cô ta tái mặt đi, khi thì lại đỏ mặt lên, và hết sức bình sinh ra cố lắng nghe xem Nikolai và Juyly nới với nhau những gì. Bà gia sư lo lắng nhìn quanh, dường như hễ có ai dám trêu chọc gì bọn trẻ là lập tức đối phó. Ông gia sư người Đức cố gắng nhớ cho hết các món ăn, các món tráng miệng và các thứ rượu để viết thư về Đức kể lại cho người ta biết trong bức thư sau. Ông ta rất đỗi phật lòng khi người hầu bàn cầm chai rượu bọc khăn bông đi qua chỗ ông ngồi mà cứ lờ đi, không rót rượu. Ông gia sư người Đức cau mày, cố làm ra vẻ mình đây chẳng thiết uống thứ rượu kia làm gì, và có vẻ giận chẳng qua vì không ai chịu hiểu cho rằng sở dĩ ông ta muốn uống thứ rượu ấy không phải vì khát hay tham lam, mà chỉ vì thật bụng muốn mở mang kiến thức.