Piotr ngồi trước mặt Dolokhov và Nikolai Roxtov. Chàng uống nhiều và ăn ngốn ngấu, cũng như mọi khi. Nhưng ai quen thân chàng cũng có thể thấy rằng hôm ấy chàng có một sự thay đổi gì to lớn. Từ đầu đến cuối bữa tiệc, chàng chỉ làm thinh nheo mắt và cau mày nhìn quanh, vẻ mặt ngơ ngác, chàng lấy tay dụi dụi nơi chân mũi. Gương mặt chàng có vẻ phiền muộn và u uất. Hình như chàng không trông thấy mà cũng không nghe thấy những điều đang diễn ra xung quanh mình và chỉ đăm đăm nghĩ đến một vấn đề duy nhất, một vấn đề khổ tâm mà chàng chưa giải quyết được. Cái vấn đề làm cho chàng khổ não đó là những lời bóng gió của công tước tiểu thư khi chàng về đến Moskva, ám chỉ những quan hệ thân mật giữa Dolokhov với vợ chàng, và bức thư nặc danh chàng mới tiếp được ngay sáng hôm nay. Với cái giọng bỡn cợt bỉ ổi mà tất cả các bức thư nặc danh đều có, bức thư này nói rằng chàng đeo mục kính mà cũng chẳng thấy rõ tí nào, chứ việc vợ chàng tư thông với Dolokhov thì chỉ có một mình chàng là không biết nữa mà thôi. Piotr dứt khoát không tin những lời ám chỉ của công tước tiểu thư cũng như bức thư nặc danh, nhưng bây giờ chàng vẫn không dám nhìn Dolokhov đang ngồi trước mặt chàng. Mỗi lần chàng bắt gặp đôi mắt đẹp mà xấc của Dolokhov, chàng lại thấy có cái gì kinh khủng, xấu xa đang nổi dậy trong mình, và phải vội vàng ngoảnh mặt đi.
Chàng bất giác hồi tưởng lại quá khứ của vợ và những mối liên hệ giữa nàng với Dolokhov, chàng thấy rõ là nếu như không phải là việc của vợ chàng, thì câu chuyện trong thư có thể là chuyện thật, hay ít ra cũng có vẻ giống chuyện thật. Chàng bất giác nhớ lại dạo Dolokhov sau khi được khôi phục quân hàm sau chiến dịch, trở lại Peterburg và đến nhà chàng. Lợi dụng những quan hệ bạn bè do những cuộc chơi bời phóng đãng giữa hai người, hắn đã đến thẳng nhà chàng, và Piotr đã cho hắn ở đậu, lại cho hắn mượn tiền. Chàng còn nhớ lại Êlen mỉm cười nói với chàng rằng nàng không hài lòng về việc Dolokhov trú ngụ trong nhà, còn Dolokhov thì ngợi khen nhan sắc vợ chàng một cách trâng tráo và từ đó cho đến lúc trở về Moskva, hắn chưa hề rời khỏi hai vợ chồng lấy một phút.
“Phải, hắn đẹp trai lắm – Piotr nghĩ – Còn ta thì biết hắn lắm. Chắc hắn phải khoái trá đặc biệt nếu làm ô nhục được tên họ ta, và đem ta ra làm trò cười, chính vì ta là người đã lo lắng chạy chọt cho hắn, đã bao cho hắn ở trong nhà, đã giúp đỡ hắn. Ta biết, ta hiểu cái đó sẽ đem lại cho sự phản bội của hắn một thi vị thêm đậm đà, thêm nồng đượm biết chừng nào, nếu việc ấy có thật. Phải, nếu việc ấy có thật, nhưng ta không tin như vậy, ta không có quyền tin mà cũng không thể tin được”. Chàng nhớ lại sắc mặt của Dolokhov trong những phút tàn nhẫn của hắn, như khi hắn trói viên quận trưởng vào con gấu và ném xuống nước, hay khi hắn vô cớ khiêu khích người ta đấu súng, hay khi hắn bắn chết một con ngựa trạm bằng một phát súng ngắn. Sắc mặt của Dolokhov vẫn thường hay như thế khi hắn nhìn chàng. “Phải, hắn là một thằng ưa gây sự đánh nhau. – Piotr nghĩ – Hắn giết người không biết ghê tay, chắc hắn tưởng ai cũng sợ hắn cả, và hắn lấy thế làm thú. Chắc hắn tưởng ta cũng sợ lắm – Mà quả tình ta có sợ hắn thật”, – và khi nghĩ như vậy càng lại cảm thấy một cái gì ghê tởm và xấu xa đang đấy lên trong lòng.
Dolokhov, Denixov và Roxtov bấy giờ ngồi trước mặt Piotr đều có vẻ rất vui. Roxtov chuyện trò hoan hỷ với hai người bạn, một người là viên sĩ quan phiêu kỵ dũng cảm, một người là tên anh chị khét tiếng, chuyên gây sự đánh nhau, và thỉnh thoảng Nikolai lại đưa mắt giễu cợt nhìn về phía Piotr với dáng người to béo, vẻ mặt đăm chiêu tư lự, không quan tâm đến ai cả khác hắn mọi người trong hữa tiệc này. Roxtov nhìn chàng một cách thiếu thiện cảm, trước hết là vì dưới con mắt một sĩ quan phiêu kỵ, chàng chỉ là một anh nhà giàu không ở quân đội, làm chồng một người đàn bà đẹp, tóm lại chỉ là một hạng đàn bà mà thôi; sau nữa là vì Piotr đang đăm chiêu suy nghĩ và hờ hững với ngoại cảnh, không nhìn thấy Roxtov và không đáp lại cái chào của chàng. Khi mọi người nâng cốc chúc thọ Hoàng đế thì Piotr đang mải nghĩ ngợi, không đứng dậy và không nâng cốc.
– Ông làm sao thế? – Roxtov quát to, trong khi nhìn chàng với đôi mắt đang cảm kích lại có vẻ bực tức. – Ông không nghe à: người ta đang chúc thọ Hoàng đế đấy!
Piotr thở dài, ngoan ngoãn đứng dậy uống cạn cốc rượu, và trong khi đợi mọi người đều ngồi xuống, chàng ngoảnh mặt về phía Roxtov với nụ cười hiền hậu:
– Thế mà tôi không nhận ra anh – chàng nói. Nhưng tâm trí Roxtov còn ở chỗ khác, anh ta đang mải hô “Ura!”.
– Tại sao cậu không làm quen với hắn ta? – Dolokhov hỏi Roxtov.
– Ai hoài công, đó là một thằng ngốc – Roxtov đáp.
– Cần phải chiều chuộng những ông chồng có vợ đẹp chứ – Dolokhov nói.
Piotr không nghe họ nói gì nhưng chàng biết họ đang nói chuyện về mình. Chàng đỏ mặt và ngoảnh đi.
– Và bây giờ thì xin chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp – Dolokhov nói, rồi vẻ nghiêm trang nhưng với một nụ cười bên khoé môi, hắn cầm cốc rượu ngoảnh mặt về phía Piotr, nói
– Chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp, Petrusa ạ, và cả tình nhân của họ nữa.
Piotr uống cạn ly rượu của chàng, mắt nhìn xuống đất. Chàng không nhìn Dolokhov mà cũng không đáp lại. Người hầu tiệc đang đi phân phát bài tụng thi của Kutuzov đến trước mặt Piotr đặt một bản, vì Piotr được liệt vào hàng quý khách. Chàng đang muốn cầm lấy bài thơ thì Dolokhov chồm ra phía trước, giật lấy tờ giấy và bắt đầu đọc. Piotr nhìn hắn, đôi con ngươi của chàng thắt lại: Cái vật gì rất ghê tởm và xấu xa đã khiến chàng khổ não trong suốt bữa tiệc, giờ đây lại đấy lên và tràn ngập lòng chàng. Chàng chồm tới, cả cái thân hình to lớn của chàng cúi sấp trên bàn tiệc.
– Ông không được lấy! – Chàng quát to.
Nexvitxki và người ngồi bên phải Piotr, nghe tiếng quát và biết là chàng đang quát Dolokhov, vội vàng ngoảnh lại nhìn chàng, vẻ sợ hãi.
– Thôi! Thôi! Ông làm sao thế – Hai người nói nhỏ, vẻ hoảng hốt.
Dolokhov nhìn Piotr với đôi mắt trong sáng, vui vẻ mà tàn nhẫn, với một nụ cười như muốn nói: “À, chính là tao thích như thế đấy”.
– Tôi không trả – Hắn nói rõ từng tiếng.
Mặt tái nhợt, đôi môi run lên, Piotr giật lại tờ giấy.
– Mày… mày là… một thằng khốn nạn… tao thách đấu súng với mày đấy – chàng nói, đoạn xô ghế đứng dậy, ra khỏi bàn ăn. Ngay trong giây phút ấy, chàng cảm thấy vấn đề tội trạng của vợ chàng, vấn đề làm chàng khổ não suốt hai hôm nay, đã được giải quyết xong xuôi, theo hướng khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa.
Chàng thù ghét con đàn bà ấy và cảm thấy lòng mình đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với nàng. Tuy Denixov đã hết lời can ngăn, không muốn cho Roxtov nhúng tay vào việc ấy, Roxtov cũng nhận làm nhân chứng cho Dolokhov và sau bữa tiệc, chàng thảo luận với Nexvitxki, nhân chứng của Bezukhov để ấn định các điều khoản của cuộc đấu súng. Piotr trở về nhà trong khi Roxtov, Dolokhov và Denixov còn ở lại Câu lạc bộ mãi đến khuya, ngồi nghe bọn Di-gan và bọn con hát.
– Cứ thế nhé, ngày mai ở Xokolniki – Dolokhov nói trong khi chia tay với Roxtov trên thềm câu lạc bộ.
– Thế cậu vẫn bình tĩnh à? – Roxtov hỏi.
– Đây này, tớ sẽ vắn tắt vạch rõ cho cậu thấy cái bí quyết của thuật đấu súng. Nếu đêm hôm trước cuộc đấu cậu viết di chúc hoặc viết những bức thư lâm ly để lại cho cha mẹ, nếu cậu nghĩ rằng mình có thể bị giết, thì cậu là một thằng ngốc và thế nào cậu cũng sẽ bỏ mạng, nhưng nếu đến đấu trường với cái quyết tâm giết chết đối phương cho thật mau lẹ và chắc chắn, nếu thế thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Anh bạn thợ săn gấu của chúng ta ở Koxtroma có nói với tôi: “Gấu thì ai mà chẳng sợ? Nhưng khi thấy nó thì cái sợ biến đi đâu hết, vì người ta chỉ lo con gấu sổng mất?”. Ấy đấy, mình cũng thế. Đến mai, cậu nhé.
Tám giờ sáng hôm sau, Piotr cùng đi với Nexvitxki đến rừng Xokolniki. Dolokhov, Denixov và Roxtov đã đợi chàng ở đấy.
Chàng có vẻ như một người đang mải suy nghĩ những điều gì hoàn toàn không liên quan với sự việc trước mắt. Mặt chàng phờ phạc. Nước da vàng vọt. Hẳn là suốt đêm qua chàng không ngủ. Chàng lơ đễnh nhìn quanh và nheo mắt như bị chói nắng. Hai việc đang choán hết tâm trí chàng: Sau một đêm không ngủ, chàng thấy tội trạng của vợ chàng không còn gì phải nghi hoặc nữa; và Dolokhov không có tội vì hắn chẳng việc gì phải giữ gìn danh dự của một người dưng cả. “Có lẽ ở địa vị hắn, ta cũng sẽ làm như hắn; thế thì đấu súng làm gì? Ta sẽ bắn chết hắn, hay là hắn sẽ bắn trúng vào đầu, vào khuỷu tay, vào đầu gối ta. Thôi, đi quách, trốn biệt, kiếm một cái xó nào mà chui vào”. Nhưng cũng trong khi những ý nghĩ ấy hiện ra trong óc, chàng hỏi lại, với một vẻ mặt đặc biệt bình tĩnh và thờ ơ, khiến cho những người nhìn chàng đều phải thấy kính trọng: “Còn lâu nữa không, mọi thứ đã sẵn sàng chưa?”.
Khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, hai thanh kiếm đã được cắm vào tuyết để đánh dấu giới hạn không được vượt qua, và hai khẩu súng ngắn đã nạp đạn, Nexvitxki đến gặp Piotr.
– Bá tước ạ, – Anh ta nói, giọng rụt rè – Nếu trong một lúc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như thế này, mà tôi không nói hết sự thực với ông, thì tôi sẽ không làm tròn nhiệm vụ của tôi, không xứng đáng với sự tín nhiệm và cái vinh dự mà ông đã ban cho tôi khi chọn tôi làm nhân chứng. Tôi cho rằng việc này không có đủ lý do, và nó không đáng gây ra một vụ đổ máu. Ông đã lầm, ông nóng nảy quá…
– À, phải, thật là ngu xuẩn hết sức… – Piotr nói.
– Đã thế thì xin ông cho phép tôi chuyển đạt những lời hối tiếc của ông và tôi chắc rằng dối phương sẽ tiếp nhận những lời ấy. – Nexvitxki nói (cũng như những người nhân chứng khác và nói chung tất cả những người dính líu đến việc như thế, anh ta vẫn không tin rằng sự tình có thể đưa đến một cuộc đấu súng thật sự). Bá tước cũng biết rằng thừa nhận lỗi lầm của mình vẫn cao quý hơn là đẩy sự việc đến chỗ không thể cứu vãn được. Quả thật không có bên nào lăng nhục bên nào. Ông cho phép tôi điều đình.
– Không, có gì mà phải điều đình? – Piotr nói – Chẳng sao cả…
– Thế đã sẵn sàng rồi chứ?
– Chỉ xin ông nói cho tôi biết tôi phải bước đến chỗ nào và bắn vào đâu – Chàng nói thêm, miệng mỉm một, nụ cười dịu dàng và gượng gạo. Chàng cầm lấy khẩu súng ngắn và hỏi cách bóp cò như thế nào, vì chàng chưa từng cầm súng trong tay bao giờ, nhưng chàng không muốn thú nhận điều đó. – À phải, bóp như thế, tôi biết rồi, thế mà quên mất.
Trong khi ấy, bên phía dối phương, Denixov cũng ướm thử mấy lời khuyên Dolokhov giảng hoà, nhưng hắn đáp:
– Tôi không nhận một lời xin lỗi nào cả, nhất định như thế – nói đoạn. Dolokhov cũng đứng lên ở chỗ đã ấn định.
Chỗ được chọn làm địa điểm đấu súng cách đường cái tám bước (xe trượt tuyết đều để lại ở ngoài đường), trên một khoảng đất trống trong cánh rừng thông phủ một lớp tuyết đang tan sau những ngày tan giá vừa qua. Hai đối thủ đứng cách nhau bốn mươi bước, ở đầu và cuối khoảng đất trống. Các nhân chứng khi do khoảng cách đã để lại dấu chân trên lớp tuyết dày và ẩm, từ chỗ hai người đối thủ đứng đến chỗ cắm hai thanh gươm của Nexvitxki và Denixov cách nhau mười bước để làm giới hạn cho đấu trường. Thời tiết tan giá và mù vẫn kéo dài; cách bốn mươi bước đã không trông thấy gì hết.
Chuẩn bị xong xuôi đã được hai ba phút rồi mà