Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 8 – Chương 12

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Vodvizenka dò xem chàng đã về chưa. Công tước Andrey vẫn chưa về. Bây giờ nàng còn thấy khổ hơn những ngày mới đến nữa. Thêm vào nỗi khổ sốt ruột và buồn rầu của nàng lại có những hồi ức khó chịu về cuộc gặp gỡ nữ công tước Maria và lão công tước, và một cảm giác sợ hãi lo lắng mà nàng không rõ nguyên nhân. Nàng cứ có cảm tưởng rằng một là chàng sẽ không bao giờ trở về, hai là trước khi chàng về thì nàng đã gặp phải một việc gì không hay xảy ra rồi. Nàng không còn điềm tĩnh như trước ngồi một mình suy nghĩ liên miên về chàng. Hễ nàng bắt đầu nghĩ đến công tước Andrey thì những kỷ niệm về lão công tước, về nữ công tước Maria, về cả những kỷ niệm về tối kịch vừa rồi vâ về cả Kuraghin nữa. Trong trí óc nàng lại hiện lên câu hỏi là nàng có lỗi gì không, nàng làm như vậy có phải là xâm phạm vào lòng chung thuỷ của nàng đối với công tước Andrey không; và nàng lại bắt chợt mình đang nhớ lại một cách chí lý, từng lời nói, từng cử chỉ, từng sắc thái mơ hồ trên vẻ mặt của người ấy, người đã thức tỉnh ở nàng một cảm giác gì khủng khiếp mà nàng không hiểu được… Người nhà nhận thấy Natasa có vẻ hồ hởi hơn thường ngày, nhưng thật ra nàng đã mất hẳn sự thanh thản và vui sướng trước kia.

Đến sáng chủ nhật, bà Maria Dmitrievna mời các vị khách ở nhà mình đi xem lễ ở nhà thờ Đức Bà lên trời.

– Tôi không ưa những nhà thờ kiểu kia đâu, – Bà nói, lộ rõ ý kiêu hãnh về tư tưởng độc lập của mình. – Ở đâu cũng chỉ có một đức Chúa trời. Ông cố đạo ở xứ tôi rất tốt, làm lễ rất tươm tất, rất trang nghiêm, và thầy giúp lễ cũng vậy. Chả nhẽ đem phường hát vào trong nhà thờ thì thêm thiêng hay sao? Tôi không ưa cái lối ấy, chỉ là một lối chơi bời thôi.

Bà Maria Dmitrievna vốn rất yêu thích các ngày chủ nhật và biết cách ăn mừng những ngày ấy. Ngày thứ bảy, nhà bà đã được lau chùi rất sạch; và ngày chủ nhật người nhà cũng như bà Maria Dmitrievna đều không làm việc, họ ăn mặc như ngày hội kéo nhau đi xem lễ hết.

Đến bữa ăn, trên bàn chủ nhân có thêm nhiều món, còn gia nhân thì được uống vodka và được thết một con ngỗng hay một con lợn sữa.

Nhưng trong nhà không có cái gì là có vẻ tưng bừng, hội hè cho bằng khuôn mặt rộng và nghiêm của bà Maria Dmitrievna, suốt ngày hôm ấy lúc nào cũng có một vẻ long trọng khác thường.

Sau buổi lễ nhà thờ, khi mọi người đã uống cà phê trong gian phòng khách ở đấy bàn ghế đã được tháo bỏ vải phủ ngoài, người nhà vào báo cáo với bà Maria Dmitrievna là xe song mã đã thắng xong. Bấy giờ, mình khoác tấm khăn sau ngày lễ mà thường dùng những khi đi thăm viếng, vẻ nghiêm nghị, bà đứng dậy và nói với mọi người rằng mình đến nhà công tước Nikolai AndreyevichBolkonxki để nói chuyện với ông ta về việc của Natasa.

Sau khi Maria Dmitrievna đi khỏi có một cô thợ khâu của bà Salme đến hỏi gia đình Roxtov, Natasa rất bằng lòng là đã có cách giải khuây, bèn vào gian phòng sát phòng khách đóng cửa lại bắt đầu thử áo mới. Trong khi nàng mặc chiếc thân áo mới lược chỉ, chưa có ống tay và ngoái cổ lại ngắm mình trong gương xem lưng áo có vừa không, nàng bỗng nghe trong phòng khách có tiếng người nói rộn rã, tiếng nói của cha nàng và của một người nào khác, một giọng đàn bà mà khi nhận ra nàng bỗng đỏ mặt. Đó là giọng nói của Elen. Natasa chưa kịp cởi cái thân áo ướm thử thì cánh cửa đã mở và bá tước phu nhân Bezukhov bước vào phòng, trên gương mặt sáng bừng lên một nụ cười hiền lành và âu yếm, mình mặc chiếc áo nhung cổ cao màu tím thẫm.

– Ô cô em đáng yêu của tôi! – Elen nói với Natasa bấy giờ đang đỏ mặt – Trông yêu quá! Không, như vậy thật chẳng ra làm sao cả bá tước thân mến ạ. – nàng nói với Ilya Andreyevich bấy giờ cũng theo sau nàng vào phòng. – Làm sao đã ở Moskva mà lại không đi đâu cả thế nhỉ? Không, tôi không buông các vị ra đâu! Tối nay ở nhà tôi cô Georges sẽ ngâm thơ, sẽ có mấy người đến chơi, và hễ bá tước không đưa hai vị tiểu thư lại – Hai người còn hơn cô Georges nhiều – Thì tôi giận đấy. Chồng tôi đi Tver vắng, chứ không tôi đã bảo anh ấy lại mời rồi. Đến tám giờ thế nào cũng mời bá tước và hai tiểu thư đến, thế nào cũng đến đấy nhé!

Nàng gật đầu chào cô thợ may quen biết bấy giờ đang lễ phép nhún người xuống chào nàng, và ngồi lên chiếc ghế bành bên cạnh tấm gương, để cho những nếp áo nhung toả ra chung quanh trông rất đẹp. Nàng không ngớt miệng nói chuyện, vui vẻ và xuề xoà, luôn mồm khen ngợi vẻ đẹp của Natasa. Nàng ngắm nghía mấy chiếc áo mới của Natasa và tấm tắc khen đẹp, khen luôn cả chiếc áo của mình bằng nhiễu kim từ Paris mới gửi về, và khuyên Natasa cũng nên gửi mua một chiếc như thế, và nàng nói thêm:

– Vả lại cô thì mặc gì cũng đẹp cả, cô tiểu thư xinh xắn của tôi ạ.

Nụ cười sung sướng không rời khỏi gương mặt của Natasa. Nàng cảm thấy mình sung sướng như nở rộ ra trước những lời khen của bá tước phu nhân Bezukhov đáng mến, người mà trước kia nàng có cảm tưởng là một phu nhân oai vệ và khó gần gũi, nhưng nay lại tỏ ra tử tế với nàng như vậy. Natasa thấy vui hẳn lên, và cảm thấy mình gần như phải lòng người đàn bà diễm lệ mà tốt bụng này. Về phía Elen, nàng thành thực thán phục Natasa và muốn cho nàng vui.

Anatol đã nhờ Elen giúp chàng làm quen với Natasa, và nàng đến thăm gia đình Roxtov cũng vì mục đích ấy. Ý nghĩ ghép đôi em trai với Natasa, nàng thấy cũng ngộ nghĩnh hay hay. Mặc dầu trước đây Elen đã từng căm tức Natasa vì dạo ở Petersburg. Natasa đã tranh mất Boris của nàng nhưng bây giờ nàng không nghĩ đến việc đó nữa và hết lòng muốn điều tốt cho Natasa, theo lối riêng của mình. Khi từ giã gia đình Roxtov, nàng gọi riêng cô gái được nàng che chở ra một bên.

– Hôm qua em tôi ăn bữa chiều ở nhà tôi, chúng tôi ai nấy đều cười đến chết đi được: cậu ta chẳng ăn uống gì cả, chỉ ngồi thở dài than vãn về cô thôi, cô em đáng yêu của tôi ạ. Cậu ta mê cô như điên như dại rồi đấy, thật quả là như điên như dại đấy, cô bạn ạ!

Natasa nghe nói câu này, mặt đỏ bừng lên.

– Cô em đáng yêu của tôi đỏ mặt chưa kìa, đỏ mặt chưa kìa! – Elen nói. – Thế nào cũng đến nhé. Cô em đáng yêu của tôi ạ; dù cô có yêu người nào, thì đó không phải là một lý do để cô cấm cung. Cho là cô đã có hứa hôn đi nữa, thì tôi cũng tin chắc rằng người chồng chưa cưới của cô sẽ thích cho cô đi chơi đây đó trong khi mình vắng mặt còn hơn là để cô chết rũ vì buồn chán.

“Thế tức là chị ấy cũng biết mình đã đính hôn; thế tức là hai vợ chồng anh Piotr, anh Piotr hiền hậu ấy, đã từng nói chuyện và cười với nhau về chuyện này. Thế tức là chuyện ấy chẳng có can hệ gì cả” – Natasa nghĩ thầm. Và lần này cũng vậy, do ảnh hưởng của Elen, những điều trước đây có vẻ ghê gớm đáng sợ thì bây giờ lại có vẻ đơn giản tự nhiên. “Mà chị ấy lại là một bậc mệnh phu nhân quyền quý, chị ấy rõ ràng là mến ta rất chân thành, – Natasa tự nhủ. – Vả chăng việc gì lại không vui chơi một chút”. – Natasa nghĩ thầm trong khi hai mắt mở to ngạc nhiên nhìn Elen.

Đến bữa ăn trưa bà Maria Dmitrievna trở về, trầm lặng, nghiêm trang, hẳn là đã bị bại trận ở nhà lão công tước. Bà đang xúc động mạnh về cuộc chạm trán vừa rồi nên không thể bình tĩnh kể lại sự tình được. Bá tước hỏi thì bà trả lời rằng mọi việc đều ổn thoả và đến mai bà sẽ kể. Nghe nói bá tước phu nhân Bezukhov đến thăm và mời gia đình Roxtov đến dự tối tiếp tân, Maria Dmitrevna nói:

– Tôi không thích giao du với Bezukhov và theo tôi gia đình bác cũng không nên giao du với ngữ ấy làm gì – rồi bà thêm với Natasa – nhưng thôi đã chót hứa rồi thì cứ đi cho vui.

Chọn tập
Bình luận