Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 10 – Chương 17

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Khi Piotr trở về nhà, gia nhân trao chàng cho hai bản tuyên cáo của Roxtopsin vừa đưa đến ngày hôm ấy.

Trong khi bản thứ nhất nói rằng tin đồn bá tước Roxtopsin cấm ra khỏi Moskva là một tin đồn không đúng, và trái lại bá tước Roxtopsin rất mừng khi thấy các phu nhân và các bà vợ nhà buôn rời Moskva ra đi. “Càng ít sợ thì càng ít tin tức, – trong bản tuyên cáo có nói, – Nhưng tôi xin lấy tính mạng ra cam đoan rằng tên gian tặc sẽ không vào Moskva”.

Những lời này lần đầu tiên đã cho Piotr hiểu rõ rằng quân Pháp, nhưng vì nhiều cư dân muốn vũ trang, cho nên trong kho đã dành sẵn vũ khí để bán rẻ cho họ, gươm, súng tay, súng trường. Trong bản tuyên cáo không còn có cái giọng đùa bỡn như trong những câu chuyện của chàng Tsighirin trước kia nữa. Piotr vẫn ngăm nghĩ về hai bản tuyên cáo này. Hiển nhiên là đám mây đen đáng sợ, mà trong thâm tâm chàng thiết tha mong đợi, và đồng thời khiến cho chàng bất giác kinh hãi, – hiển nhiên là đám mây đen này đang tiến đến gần.

“Tòng quân và lên đường đến đơn vị hay là chờ đợi xem đã?” – Piotr tự hỏi lần thứ một trăm như vậy chàng vớ lấy một cỗ bài đặt lên bàn và bắt đầu xếp bài.

Sau khi trang bài, chàng cầm cỗ bài trong tay, ngước mắt nhìn lên phía trên tự nhủ: “Nếu xếp được, thì… Thì thế nào?”

Chàng chưa kịp quyết định, thì sau cánh cửa phòng làm việc đã nghe tiếng nói của cô nữ công tước lớn tuổi nhất đang hỏi xem có vào được không.

– Thì như thế có nghĩa là ta phải vào quân đội, – Piotr nói tiếp. – Mời vào, mời tiểu thư vào. – chàng nói thêm với nữ công tước.

(Chỉ còn một mình cô chị, cô nữ công tước có cái lưng quá dài và khuôn mặt như hoá đá là hãy còn ở trong nhà Piotr; hai cô em đã lấy chồng).

– Xin anh tha tôi cho, anh ạl, tôi đường đột vào đây, – cô ta nói với giọng xúc động và có ý trách móc – Thì cuối cùng cũng phải quyết định thế nào chứ! Chứ thế này thì còn ra làm sao nữa? Mọi người đều bỏ Moskva đi hết, dân chúng thì đang nổi loạn, sao chúng ta vẫn ở lại.

– Trái lại, hình như mọi việc đều ổn cả đấy chứ, cô ạ! – Piotr nói với cái giọng bông đùa quen thuộc mà chàng vẫn dùng khi nói với cô ta, mặc dù xưa nay chàng vẫn ngượng nghịu khi phải đóng vai trò ân nhân trước mặt nữ công tước.

– Phải, ổn cả đấy… ổn lắm đấy! Hôm nay bà Varvara Ivanovna vừa kề cho tôi nghe chuyện quân ta đã chiến đấu oanh liệt ra sao. Thật đáng cho ta tự hào. Còn dân thì nổi loạn hẳn hoi rồi, họ không còn chịu nghe ai nữa; ngay cả bọn đầy tớ gái của tôi cũng đâm ra ngang bướng rồi. Cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ đánh đập chúng ta cho mà xem. Không đi ra được nữa. Và cái chính là chỉ nay mai quân Pháp sẽ vào đây, thế thì ta còn đợi cái gì nữa cơ chứ! Tôi chỉ xin một điều thôi anh ạ, – nữ công tước nói, – Xin anh cho xe đưa tôi về Petersburg. Dù sao tôi cũng không thể sống dưới quyền Bonaparte được đâu.

– Thôi cô ạ cô lấy những tin tức ấy ở đâu ra thế? Trái lại…

– Tôi sẽ không chịu khuất phục cái gã Napoléon của các anh đâu Những người khác muốn làm gì thì cứ làm… Nếu anh mà không chịu đưa tôi đi thì…

– Tôi chịu mà, tôi sẽ bảo chuẩn bị ngay.

Bây giờ nữ công tước hình như lại đâm ra bực mình vì không còn biết trút cơn giận vào ai nữa. Cô ta càu nhàu cái gì trong miệng và ngồi xuống ghế.

– Nhưng những tin tức họ nói với cô không đúng đâu, – Piotr nói. – Trong thành phố yên tĩnh cả, không hề có gì nguy hicm hết. Đây tôi vừa mới đọc… – Piotr đưa cho nữ công tước xem hai tờ tuyên cáo Bá tước có viết là ngài lấy tính mạng ra cam đoan rằng quân địch sẽ không vào được Moskva.

Chính lão ta viết trong những bản tuyên cáo ngu xuẩn ấy rằng bất kể ai cũng cứ túm lấy bờm tóc mà lôi vào nhà tù (thật là ngu xuẩn)! Ai bắt được, lão ta ham lấy lòng quá cho nên hoá nhảm.

Vavara Ivanovna có kể lại rằng bà ta suýt bị dân chúng giết chết vì chót lỡ mồm nói tiếng Pháp…

– Thì thế đấy mà… Các bà thì cái gì cũng lấy làm điều – Piotr nói đoạn bắt đầu xếp bài.

Mặc dầu chàng xếp bài được suốt, Piotr cũng vẫn không vào quân đội mà cứ ở lại thành Moskva vắng người, tâm trạng bồn chồn, hoang mang, lo sợ và đồng thời vui mừng, chờ đợi một cái gì khủng khiếp.

Chiều hôm sau, nữ công tước lên đường, và viên tổng quản lý đến báo cho Piotr biết rằng món tiền chàng hỏi để sắm quân trang cho trung đoàn không sao kiếm được nếu không bán bớt đi cho một trang viên.

Nói chung, viên tổng quản lý cố trình bày cho Piotr thấy rằng cái trò thành lập trung đoàn ấy tất phải làm cho chàng khánh kiệt. Piotr chật vật giấu nụ cười trong khi nghe viên quản lý nói.

– Thì bán đi vậy, – chàng nói. – Biết làm thế nào, bây giờ tôi không thể từ chối được nữa rồi!

Tình hình công việc chung và nhất là tình hình kinh tế của chàng càng bi quan thì Piotr lại càng thấy dễ chịu, chàng lại thấy rõ rằng mối tai hoạ mà chàng đợi nay đang đến gần. Trong số những người quen của Piotr hầu như không còn ai ở trong thành phố nữa.

Juyly đã ra đi, công tước tiểu thư Maria cũng thế. Trong số những người quen thân chỉ còn gia đình Roxtov ở lại; nhưng Piotr không đến thăm họ.

Ngày hôm ấy để tiêu khiển. Piotr đến làng Vorontxovo xem quả khinh khí cầi lớn do Leppich làm ra để tiêu diệt quân địch, và quả cầu thí nghiệm định đem thả vào ngày mai. Quả cầu làm xong; nhưng theo như người ta nói với Piotr thì nó đã được thiết bị theo ý muốn của Hoàng đế. Hoàng đế có viết thư cho bá tước Roxtopsin về quả cầu này như sau:

“Hễ Leppich đã sẵn sàng, ông hãy tổ chức cho ông ta một nhóm người tin cẩn và thông minh để cùng đi trên quả cầu đó, và cho ngay một liên lạc viên đến báo với Kutuzov. Ta đã dặn dò Kutuzov về việc này.

Xin ông dặn dò Leppich phải chú ý thật kỹ nơi xuổng lần đầu, để khói nhầm và rơi vào tay quân địch. Ông ta cần phải phối hợp cách di chuyển của mình với cách chuyển quân của “tướng quân tổng tư lệnh”.

Trên đường từ Vorontxovo trở về nhà, khi đi ngang quảng trường Bolotnaya, Piotr trông thấy một đám đông đứng quanh pháp trường. Chàng bảo dừng lại và xuống xe. Người ta đang “bêu”(1) một anh đầu bếp người Pháp bị kết tội do thám. Cuộc hành hình vừa mới kết thúc, và người hành hình đang cởi trói cho một người to béo đang bị trói vào một cái giá. Đó là một người to béo râu quai nón màu hoe mặc áo xanh, đi tất màu lá cây đang rên rỉ thảm thiết.

Một phạm nhân khác, gầy và xanh, cũng đang đứng đấy. Cứ nhìn mặt thì có thể đoán rằng cả hai đều là người Pháp. Với một vẻ mặt sợ hãi và đau đớn giống như vẻ mặt người Pháp gầy gò kia. Piotr chen vào đám đông.

– Cái gì thế? Ai? Tội gì? – chàng hỏi. Nhưng đám đông, gồm những công chức, những tiểu thị dân, những nhà buôn, những người nông dân, những người đàn bà mặc áo choàng và áo lông, đang háo hức và mê mải nhìn chăm chú những việc đang xảy ra trên pháp trường nên chẳng ai trả lời chàng. Người to béo ngồi dậy, cau mày, nhún vai, và hắn muốn tỏ ra là mình cứng rắn, anh ta bắt đầu mặc áo ngoài, không đưa mắt nhìn xung quanh; nhưng bỗng môi anh ta run run, và anh ta khóc oà lên, tự anh ta cũng giận cho mình, như những người lớn tuổi có chứng thịnh huyết vẫn thường khóc. Trong đám đông bắt đầu có những tiếng nói to; Piotr có cảm tưởng họ nói lên như vậy là để át tình cảm thương hại trong lòng họ.

– Anh ta làm đầu bếp cho một vị công tước nào đấy.

– Me xừ ơi, chắc là nước xốt Nga đối với người Pháp hơi chua quá đấy nhỉ… ghê cả răng.

Một viên thư lại nhăn nheo đứng cạnh Piotr nói khi người Pháp cất tiếng khóc. Viên thư lại đưa mắt nhìn quanh, hẳn là đang chờ đợi người ta tán thưởng câu nói đùa của mình. Có mấy người cười ha hả, còn những người khác vẫn lộ vẻ sợ hãi nhìn người hành hình bấy giờ đang cởi áo phạm nhân thứ hai.

Piotr thở phì phì, nhăn mặt và quay phắt đi, trở về xe, mồm không ngớt lẩm bẩm cho đến khi ngồi vào xe. Dọc đường chàng giật mình mấy lần và buột mồm kêu to đến nỗi người đánh xe hỏi chàng:

– Ngài dạy sao ạ?

– Anh đánh xe đi đâu? – Piotr quát người xà ích bấy giờ đang cho xe đi về phía Lubianka.

– Ngài có dạy là đánh đến nhà quan tổng tư lệnh ạ, – người xà ích đáp.

– Đồ ngu, con bò! – Piotr quát mắng người đánh xe, một điều mà chàng rất ít khi làm. – Ta đã bảo là đánh về nhà; nhanh lên, đồ ngốc.

Rồi Piotr lẩm bẩm một mình: “Ngay hôm nay phải đi thôi”.

Khi trông thấy người Pháp bị hành hình trong đám đông đứng trong pháp trường Piotr đã nhất quyết là không thể nào ở Moskva thêm ngày nào nữa và ngày hôm nay phải vào quân đội, cho nên chàng cứ ngỡ là mình đã nói điều đó với người xà ích rồi, hay người xà ích tự mình phải biết như vậy.

Về đến nhà, Piotr dặn Yevxtaifaevich, bác xà ích của chàng, một người cái gì cũng biết, việc gì cũng làm được, khắp Moskva không ai là không biết bác ta, rằng đêm nay chàng sẽ đi Mozaisk để nhập ngũ và bảo mấy con ngựa của chàng đến đấy. Tất cả những việc ấy không thể nào làm ngay trong ngày hôm nay, cho nên theo ý bác Yevtaifaevich, Piotr phải hoãn việc lên đường đến hôm sau để có đủ thì giờ cho ngựa đến chực sẵn ở các trạm dọc đường.

Ngày 24 trời trở lại quang đãng sau những ngày mưa gió, và ăn xong bữa trưa, Piotr lên xe rời khỏi Moskva. Đến đêm, trong khi thay ngựa ở Perkhuskovo, Piotr được biết rằng tối hôm ấy vừa có một trận đánh lớn diễn ra. Họ kể lại rằng ở đây, làng Perkhuskovo đất rung lên vì tiếng súng nổ. Khi Piotr hỏi bên nào thắng thì chẳng có ai trả lời được cả. (Đó là trận ngày hai mươi bốn ở Sevardino).

Đến tảng sáng Piotr đã gần đến Mozaisk.

Bao nhiêu nhà cửa ở Mozaisk đều có quân đội đóng, và ở ngôi quán người giám mã và người xà ích của Piotr ta đón chàng, bao nhiêu phòng đều bị các sĩ quan thuê hết rồi.

Ở Mozaisk và phía sau Mozaisk đâu đâu cũng có binh lính hạ trại hoặc đi lại. Quân cô-dắc, bộ binh, kỵ binh, xe tải, xe hòm đạn, súng đại bác nhan nhản khắp nơi. Piotr chỉ nóng lòng cố sao đi thật nhanh, và chàng càng đi xa Moskva, càng chìm sâu vào cái biển quân lính này thì lòng chàng lại càng tràn ngập một cảm giác bồi hồi lo lắng và một cảm giác vui mừng mới mẻ mà chàng chưa từng cảm thấy bao giờ. Đó là một cái cảm giác giống cái cảm giác nhất thiết phải làm một việc gì và hy sinh một cái gì mới được. Bây giờ chàng có một cảm giác dễ chịu khi nhận thức rằng tất cả gì làm nên hạnh phúc của con người, cảnh sinh hoạt tiện nghi, sự giàu sang, và ngay cả cuộc sống nữa, cũng đều là những điều nhảm nhí, giá có thể vứt bỏ đi để nhận thức được, mà cũng không cố gắng nhận thức xem mình thấy vui sướng đặc biệt trong khi hy sinh tất cả như vậy là vì ai và để làm gì. Chàng không để tâm đến vấn đề mình muốn hy sinh cho ai, nhưng bản thân sự hy sinh đối với chàng cũng đã làm nảy sinh một tình cảm vui sướng mới mẻ.

Chú thích:(1) Đóng cọc tội nhân trên một cái giá xong để bêu nó trước quần chúng đứng xung quanh (Pilơri)

Chọn tập
Bình luận