Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 – Chương 30

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Bẩy ngày đã trôi qua từ khi công tước Andrey hồi tỉnh ở trạm cứu thương của chiến trường Borodino. Suốt thời gian ấy, hầu như chẳng lúc nào chàng không mê man bất tỉnh. Theo ý kiến người bác sĩ được cử đi theo người bị thương thì với trạng thái sốt nóng và chỗ ruột bị phạm phát viêm lên như vậy, chàng sẽ không thể nào qua khỏi. Nhưng đến ngày thứ bảy chàng ăn một miếng bánh mỳ và uống một ít nước trà thấy ngon miệng, và người thầy thuốc nhận thấy trạng thái sốt nóng đã thuyên giảm. Sáng hôm sau, công tước Andrey tỉnh lại. Đêm đầu tiên sau khi ra khỏi Moskva trời khá ấm, cho nên họ để công tước Andrey nằm nghỉ đêm trong chiếc xe song mã; Nhưng đến Mytisi thì chính người bị thương đòi được khiêng vào nhà và bảo pha trà cho mình uống. Trong khi chuyển, chàng đau quá và bật ra tiếng rên và ngất đi một lần nữa. Khi họ đặt chàng lên chiếc giường xếp, chàng nằm im hồi lâu không động đậy, hai mắt nhắm nghiền. Một lát sau chàng mở mắt ra và thì thào: “Thế nào có trà chưa?” thấy chàng nhớ được những chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt như vậy, viên bác sĩ rất lấy làm lạ. Ông ta bắt mạch cho chàng và khi nhận thấy mạch đập tốt hơn trước, ông rất ngạc nhiên và phiền lòng. Phiền lòng vì kinh nghiệm đã cho ông biết chắc chắn rằng công tước Andrey không thể sống được, và nếu chàng không chết ngay thì cũng sẽ chết sau một thời gian ngắn trong những cơn đau còn ghê gớm hơn nữa mà thôi. Đi cùng xe với công tước Andrey có viên thiếu tá Timokhin mũi đỏ thuộc trung đoàn chàng, đã bắt liên lạc với chàng ở Moskva. Ông ta bị thương ở chân, cũng ở trong trận Borodino. Cùng đi với họ còn có ông thầy thuốc, người hầu phòng và công tước, người xà ích của chàng và hai người lính cần vụ.

Họ dọn trà cho công tước Andrey. Chàng uống lấy uống để, đôi mắt long lanh trong cơn sốt nhìn thẳng về phía cánh cửa trước mặt như đang cố hiểu và nhớ lại một điều gì.

– Thưa công tước đại nhân, tôi đây ạ.

– Vết thương thế nào?

– Vết thương của tôi ấy à? Cũng đỡ. Nhưng công tước thì sao ạ?

Công tước Andrey lại trầm ngâm như muốn nhớ lại điều gì.

Làm sao kiếm được quyển sách ấy nhỉ? – Chàng nói.

– Quyển gì ạ?

– Quyển Phúc âm! Tôi hiện không có.

Người thầy thuốc hứa sẽ tìm cho chàng và hỏi xem chàng thấy trong người ra sao. Công tước Andrey trả lời tất cả các câu hỏi của người thầy thuốc một cách miễn cưỡng nhưng phải chăng, rồi nói rằng cần kê thêm một cái gối dưới lưng, chứ không thì chàng thấy vướng và đau lắm. Người thầy thuốc và người hầu phòng giở chiếc áo khoắc đắp lên người chàng, và nhăn mặt vì mùi thịt rất nặng từ vết thương bốc lên, họ bắt đầu xem xét cái chỗ khủng khiếp ấy(1).

Người thầy thuốc lộ vẻ bực bội một điều gì không rõ, nắn nắn chữa chữa một lúc, đặt người bị thương nằm lại cách khác, khiến cho chàng rên lên vì đau đớn và ngất đi một lần nữa. Chàng bắt đầu nói sảng. Chàng cứ nhắc lại là phải kiếm ngay cho chàng quyển sách ấy và để nó bên cạnh chàng.

– Thì các người có mất gì đâu nào! – Chàng nói. – Tôi hiện không có quyển ấy, xin các người kiếm cho tôi, để đây cho tôi một lúc chàng nói với một giọng thảm thương.

Bác sĩ ra phòng ngoài để rửa tay.

– Chà các anh thật là vô lương tâm, thật đấy, -¨Ông ta nói với người hầu phòng bấy giờ đang dội nước cho ông rửa tay, – Tôi mới quay lưng ra một phút mà nó đã thế, đau đến thế kia mà chịu được thì lạ thật.

– Lạy chúa, chúng ta đặt như vừa rồi may ra cũng đỡ, – người hầu phòng nói.

Lần đầu tiên công tước Andrey đã hiểu mình đang ở đâu và đã gặp phải việc gì. Chàng nhớ ra rằng chàng bị thương, và cũng nhớ rằng chiếc xe đỗ lại ở Mytisi chàng đã yêu cầu họ đưa chàng vào nhà, sau khi đau quá ngất đi, chàng lại hồi tỉnh trong căn nhà gỗ khi chàng uống nước trà, và đến đây chàng ôn lại một lần nữa trong trí nhớ tất cả những gì đã xảy ra. Chàng hồi tưởng thấy lại rõ rệt hơn cả cái phút nằm trong trạm cứu thương, khi mà trước cái cảnh kẻ thù của chàng quằn quại đau đớn, những ý nghĩ mới mẻ đã đến chàng làm cho lòng chàng hạnh phúc. Và những ý nghĩ này, tuy mơ hồ mông lung, bây giờ lại tràn ngập lòng chàng. Chàng nhớ ra rằng nay chàng đã có một hạnh phúc mới, và cái hạnh phúc này có liên quan thế nào đấy với quyển Phúc âm. Chính vì thế mà chàng hỏi quyển sách này. Nhưng vì bị đặt nằm không thuận, rồi sau đó lại bị trở người lần nữa, trí óc chàng lại chìm vào cõỉ hôn mê, và khi chàng hồi tỉnh thứ ba thì quanh chàng là bóng đêm im phăng phắc.

Mọi người đều đã ngủ yên. Có tiếng dế ri rỉ lọt qua cửa phòng ngoài, ngoài phố có ai reo và hát, mấy con gián chạy sột soạt trên bàn, trên các bức tượng thánh và trên tường, một con nhặng húc đầu vào gối chàng và bay vo ve quanh cây bạch lạp đặt cạnh giường chàng cháy thành hình chiếc nấm lớn.

Tâm trí chàng đang ở một trạng thái không bình thường. Một người khoẻ mạnh thường tư duy, cảm giác và nhớ lại rất nhiều điều trong một lúc, nhưng lại có đủ sức lựa chọn lấy một loạt ý nghĩ hay hiện tượng nào và hướng sự chú ý của mình vào đấy. Dù trong phút suy nghĩ đăm chiêu nhất, người khoẻ mạnh cũng có thể dứt ra khỏi ý nghĩ của mình để chào hỏi một người mới bước vào phòng, rồi sau đó lại trở về những ý nghĩ lúc nãy. Về mặt tâm lý của công tước Andrey đang ở một trạng thái không bình thường. Tất cả những công năng tinh thần của chàng bấy giờ linh hoạt và sáng suốt hơn khi nào hết, nhưng nó hoạt động bên ngoài ý chí của chàng. Những tư tưởng và những biểu tượng hết sức khác nhau đồng thời tràn vào tâm trí chàng. Đôi khi tư duy của chàng đột nhiên bắt đầu hoạt động, và hoạt dộng với một sức mạnh, một sự minh mẫn và một chiều sâu mà trong trạng thái hoạt động như vậy, nó bỗng đứt quãng giữa chừng, nhường chỗ cho một hình ảnh khác rất bất ngờ, và không sao có thể trở lại với ý nghĩ cũ được nữa.

“Phải, ta đã thấy một hạnh phúc mới mẻ, không thể tách rời ra khỏi con người, – Chàng nghĩ trong khi nằm trong gian phòng im lặng tối mờ mờ, hai mắt trân trân mở rộng nhìn thẳng về phía trước. – Một hạnh phúc không tuỳ thuộc những sức mạnh vật chất, những ảnh hưởng ngoại lai với con người, hạnh phúc riêng của tâm hồn, hạnh phúc của tình thương! Bất cứ người nào cũng có thể hiểu được điều đó nhưng chỉ có Thượng đế mới có thể soi sáng và phán truyền điều đó được. Nhưng thượng đế phán truyền đạo luật này như thế nào? Tại sao lại là Chúa Con?… “Rồi đột nhiên dòng tư tưởng ấy lại bị cắt đứt, và công tước Andrey nghe (không biết trong tâm hồn mê hay là trong cõi thực) một tiếng nói gì thì thầm khe khẽ nhắc đi ahắc lại đều đặn: “I – pi – chi pi – chi pi – chi” rồi sau đó là ” chi – chi” rồi lại “pi – chi pi – chi” rồi lại “i – chi – chi”. Đồng thời, trong âm thanh rả rích của điệu nhạc này, công tước Andrey cảm thấy ở trên mặt mình, ngay ở chính giữa, dần dần nổi lên một toà kiến trúc kỳ lạ nhẹ nhàng như không khí, làm toàn bằng kim loại hay bằng vỏ bào. Chàng cảm thấy (tuy điều đó làm cho chàng khổ sở) rằng mình phải cố giữ thăng bằng sao cho toà kiến trúc ấy đừng đổ nhưng nó vẫn đổ sụp xuống, rồi sau đó lại từ từ dựng lên trong những âm thanh đều đều của điệu nhạc rả rích. “Nó cứ kéo dài? Cứ kéo dài mãi, càng dài càng mảnh, và vẫn cứ kéo dài” – Công tước Andrey tự nhủ. Trong khi lo lắng nghe tiếng nhạc thì thầm và cảm thấy toà kiến trúc bằng kim kia kéo dài và dâng cao lên, công tước Andrey đồng thời cũng thấy cái quầng đỏ chập chờn củangọn nến và nghe tiếng đàn gián bò sột soạt, tiếng vo ve của con nhặng chốc chốc lại húc vào đầu gối và vào mặt chàng. Và cứ mỗi lần con nhặng chạm vào mặt chàng, nó lại gây nên một cảm giác nhức buốl như khi bị bỏng; nhưng đồng thời chàng lấy làm lạ không hiểu sao khi nó húc vào toà kiến trúc đang dựng lên trên mặt chàng, nó lại gây nên một cảm giác nhức buốt như bị bỏng; nhưng đồng thời chàng lấy làm lạ không hiểu sao khi nó húc vào toà kiến trúc đang dựng lên trên mặt chàng, con nhặng lại không làm cho toà kiến trúc ấy đổ xuống. Nhưng ngoài điều đó ra, lại còn một điều nữa rất quan trọng. Đó là một cái gì trăng trắng ở cửa, đó là một pho tượng của con Sphynx(2) và nó cũng đang đè nặng trên bóng vía chàng.

“Nhưng có lẽ đây là chiếc áo sơ mi của ta để trên bàn – công tước Andrey nghĩ, – và đây là chân của ta, còn đây là khung cửa; nhưng tại sao nó lại cứ kéo dài, lan rộng ra mãi mãi và “pi – chi pi – chi i chi – chi i pi – chi – pi – chi.”.

– Thôi đủ rồi xin thôi cho, đừng thế nữa, – Công tước Andrey khó nhọc cầu xin người nào không rõ. Và đột nhiên tư duy, cảm giác lại có một sức mạnh và một sự minh mẫn lạ thường.

“Phải, tình yêu thương (chàng lại nghĩ một cách sáng suốt hoàn toàn), nhưng không phải là thứ tình thương có lý do, có nguyên nhân và có mục đích, mà là thứ tình thương ta đã cảm thấy lần đầu khi trên gường bệnh ta trông thấy kẻ thù nhưng ta vẫn thương yêu kẻ đó. Ta đã có thể được cái tình thương vốn chính là thực chất của linh hồn, thứ tình thương không cần có đối tượng. Và ngay bây giờ đây ta cũng vẫn có cái tình cảm diễm phúc đó. Thương yêu đồng loại, thương yêu kẻ thù của mình. Thương yêu tất cả – thương yêu Thượng đế trong tất cả những sự thể hiện của Người. Có thể thương yêu một người chí thân bằng tình yêu của con người, nhưng chỉ có thể thương yêu một kẻ thù bằng tình yêu của Thượng đế. Chính vì thế mà ta thấy vui sướng khi cảm thấy mình yêu thương người ấy. Người ấy nay ra sao? Có còn sống không?… Khi yêu thương bằng tình yêu của con người, có thể từ yêu thương chuyển sang thù ghét; nhưng tình yêu của Thượng đế thì không thế thay đổi được. Không có gì, dù là cái chết cũng vậy, không có gì có thể phá hoại tình yêu đó. Nó là thực chất của linh hồn Trong đời ta, ta đã thù ghét biết bao nhiêu người. Và trong tất cả mọi người, không có ai yêu thương và thù ghét cho bằng nàng”. Và với tất cả sức tưởng tưởng của mình, chàng hình dung Natasa không phải như chàng vẫn hình dung trước kia, chỉ có những nét đáng yêu làm cho chàng say sưa; nhưng lần đầu tiên chàng đã hình dung được tâm linh nàng. Và chàng đã hiểu tình cảm của nàng, những nỗi đau khổ, sự hổ thẹn, lòng hối hận của nàng. Bây giờ lần đầu tiên chàng đã hiểu được tất cả sự tàn nhẫn của chàng khi cự tuyệt nàng, chàng đã thấy rõ sự tàn nhẫn của việc đoạn tuyệt này. “Giá có thể gặp nàng một lần nữa thôi, để nhìn vào đôi mắt ấy mà nói rằng…”

Pi – chi pi – chi. i chi – chi, i pi – chi pi – chi bùm! Con nhặng vừa húc vào gối. Và sức chú ý của chàng bỗng chuyển sang một thế giới khác vừa thực vừa ảo, trong đó đang xảy ra một điều gì khác thường. Trong thế giới đó cái toà kiến trúc kia vẫn cứ từ từ dựng lên không ngừng, vẫn có cái gì kéo dài mãi, ngọn nến vẫn cháy thành một quầng đỏ, vẫn chiếc áo sơ mi Sphynx nằm ở cửa vào: nhưng ngoài tất cả các thứ đó ra có cái gì kêu đánh kẹt một tiếng, một luồng gió mát thổi vào, và một con Sphynx khác, trắng toát đứng thẳng, hiện ra trước khung cửa. Và mặt của con Sphynx ấy chính là khuôn mặt xanh nhợt và đôi mắt long lanh của Natasa, người mà chàng vừa nghĩ đến.

“Ôi cứ mê sảng liên miên như thế này thì khổ thật!” – công tước Andrey nghĩ thầm, cố xua đuổi cái khuôn mặt ấy ra khỏì tâm trí tưởng tượng. Nhưng khuôn mặt ấy cứ ở trước mặt chàng với sức mạnh của hiện thực, và nó đang nhích lại gần. Công tước Andrey muốn trở về cái thế giới tư duy thuần tuý trước dây, nhưng không được và cõi hôn mê lại lôi cuốn chàng vào lĩnh vực của nó. Tiếng nhạc rả rích kia vẫn tiếp tục thì thầm, và có một cái gì đè ép chàng, kéo dài ra, và khuôn mặt kỳ dị ấy đứng trước mặt chàng. Công tước Andrey thu hết tàn lực để tỉnh dậy; chàng khẽ cựa mình và trong tai chàng bỗng có một tiếng kêu ong ong, mắt chàng mờ tối, và như một người chìm nghỉm xuống nước, chàng ngất đi. Khi chàng bừng tỉnh, Natasa, chính Natasa bằng xương bằng thịt, người mà chàng tha thiết ước ao được yêu với tình thương mới mẻ, tình yêu của Thượng đế tình yêu thuần tuý mà chàng đã tìm thấy, chính Natasa đang quỳ trước mặt chàng. Chàng đã hiểu rằng đây chính là Natasa thật, và chàng không ngạc nhiên, mà chỉ thấy một nỗi vui mừng êm dịu. Natasa quỳ bên gường, đôi mắt sợ hãi nhìn chàng không chớp (nàng không sao cử động được). Nàng cố ghìm tiếng nấc; mặt nàng xanh xao và bất động. Chỉ có phía dưới hơi run rẩy.

Công tước Andrey thở dài nhẹ nhõm, mỉm cười và đưa tay ra cho nàng.

– Cô đấy à! – Chàng nói – Sung sướng quá?

Natasa nhanh nhẹn nhưng thận trọng nhích đến gần chàng, cầm lấy tay chàng và cúi mắt xuống hôn, môi chỉ khẽ chạm vào bàn tay.

– Anh tha thứ cho em! – Nàng nói thì thào và ngẩng dầu lên nhìn chàng. – Xin anh tha thứ cho em!

– Tôi yêu Natasa, – Công tước Andrey nói.

– Anh tha thứ…

– Tha thứ việc gì? – Công tước Andrey hỏi.

– Xin anh tha thứ tất cả… những gì em đã… làm – Natasa thì thầm, giọng đứt quãng, khẽ đến nỗi công tước chỉ vừa đủ nghe thấy, và liên tiếp hôn lên khắp bàn tay chàng, môi chỉ khẽ chạm vào da.

– Anh yêu em nhiều hơn, đằm thắm hơn trước, – Công tước Andrey nói và lấy tay nâng mặt nàng để có thể nhìn thẳng vào mắt nàng.

Đôi mắt ấy rưng rưng những giọt nước mặt vui sướng, đang rụt rè, thương xót và âu yếm nhìn chàng. Khuôn mặt gầy xanh của Natasa với đôi môi sưng húp trông chẳng đẹp chút nào, lại dễ sợ nữa. Nhưng công tước Andrey không trông thấy khuôn mặt ấy, chàng trông thấy ánh mắt sáng long lanh. Đôi mắt ấy đẹp lạ lùng. Phía sau họ có tiếng nói lao xao.

Piotr, người hầu phòng, bấy giờ đã tỉnh hẳn và đã đánh thức người thầy thuốc dậy. Timokhin, suốt đêm không chợp mắt vì đau chân, đã trông thấy từ lâu mọi việc đang xảy ra, và cố lấy chăn đắp kín tấm thân không mặc áo của mình co ro trên ghế dài.

– Cái gì thế? – Người thầy thuốc nói trong khi nhổm dậy.

– Xin tiểu thư đi ra cho.

Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa của một người đầy tớ gái được bá tước phu nhân sai đi tìm Natasa.

Như một người mắc chứng mộng du (3) bị người ta đánh thức trong khi đang ngủ say, Natasa đi ra và trở về phòng gieo mình xuống đệm rơm khóc nức nở.

Từ hôm ấy, trong suốt cuộc hành trình của gia đình Roxtov, những khi dừng lại hoặc nghỉ đêm, Natasa không lúc nào rời khỏi Bolkonxki, và người thầy thuốc phải thú nhận rằng ông không ngờ một người con gái lại có thể cương nghị và khéo léo chăm sóc người bị thương đến thế.

Tuy bá tước phu nhân rất khiếp sợ khi nghĩ rằng công tước Andrey có thể chết trên tay con gái mình (theo lời người thầy thuốc thì điều đó rất có thể xảy ra) bà vẫn không ngăn cấm Natasa được. Mặc dù sự gần gũi giữa công tước Andrey và Natasa khiến người ta nghĩ rằng nếu chàng khỏi thì những mối quan hệ trước kia giữa hai vợ chồng chưa cưới sẽ được nối lại, trong nhà vẫn không ai nói đến điều đó: cái vấn đề chưa được giải quyết, vấn đề sống hay chết, đang treo lơ lửng không những trên đầu công tước Andrey mà còn trên đầu toàn thể nước Nga nữa, bây giờ đã lấn át hết mọi ý nghĩ khác.

Chú thích:

(1) Y học thời ấy (1812) chưa biết cách ngừa và trị chứng hoại thư. Văn hào Anton Tshekhov vốn là bác sĩ. Có nói rằng ông có thể chữa được chứng hoại thư của công tước Andrey

(2) Một con vật hoang đường trong truyền thuyết Hy Lạp, tượng trưng cho sự bí ẩn, thường được hình dung như một con sư tử đầu người có cánh

(3) Người mắc bệnh đi lang thang trong khi đang ngủ.

Chọn tập
Bình luận