Hôm ấy là một ngày thu ấm áp, trời mưa tầm tã. Nền trời và chân trời cùng một màu nhờ nhờ như nước đục. Khi thì một làn mưa mịn hạt như sương mù buông xuống mặt đất, khi thì bỗng đổ xuống một trận mưa to, hạt nặng rơi chênh chếch.
Denixov mặc chiếc áo burka, đầu đội mũ chụp da cừu ròng ròng nước mưa, cưỡi con ngựa giống gầy gò hai sườn lép kẹp. Cũng như con ngựa đang cúi đầu, tai cụp xuống, chàng nhăn mặt dưới làn mưa chênh chếch và đăm chiêu nhìn về phía trước. Khuôn mặt gầy với bộ râu đen và rậm xén ngắn như đang có điều gì tức giận.
Bên cạnh Denixov, cũng mặc áo burka và một mũ chụp như chàng, viên đại đội trưởng cô-dắc giúp việc cho Denixov đang cưỡi một con ngựa cao lớn giống sông Đông.
Một người thứ ba là viên thủ lĩnh cô-dắc Lavaixki cũng mặc burka và đội mũ chụp, người cao lêu đêu và lép kẹp như tấm ván, mặt trắng, tóc vàng nhạt, có đôi mắt trong sáng hẹp như hai khe hở dưới đôi mi, gương mặt và tư thế cưỡi ngựa có một vẻ gì ung dung và tự mãn. Tuy không thể nói con ngựa và người cưỡi ngựa có cái gì đặc biệt, nhưng thoạt nhìn viên thủ lĩnh cô-dắc và Denixov cũng có thể thấy ngay rằng Denixov ướt át khó chịu: Denixov là con người ngồi trên mình ngựa, còn viên thủ lĩnh cô-dắc thì vẫn ung dung và thoải mái như thường, và đó không phải là một người đang cưỡi một con ngựa, mà là một khối thống nhất gồm cả người lẫn ngựa, một sinh vật khuyếch đại có sức mạnh gấp đôi.
Ở phía trước họ một quãng có một người mu-gich ướt như chuột lột đang đi bộ – đó là người dẫn đường, mình mặc áo kaftan, đầu đội mũ chụp trắng.
Ở phía sau một chút có một viên sĩ quan trẻ tuổi mặc áo khoác xanh của người Pháp, cưỡi một con ngựa nhỏ giống Kirghiz gầy gò bờm, đuôi rất rậm và dài, mồm rớm máu.
Bên cạnh viên sĩ quan có một người lính phiêu kỵ cưỡi ngựa đèo sau lưng một chú bé mặc quân phục Pháp rách rưới và đội mũ chụp xanh. Chú bé giơ hai tay đỏ ửng lên vì lạnh bám vào người lính phiêu kỵ, cựa quậy đôi chân không cho đỡ rét và ngơ ngác giương mắt nhìn quanh. Đó là chú lính đánh trống bị bắt sáng nay.
Phía sau những người lính phiêu kỵ, đi từng tốp ba bốn người trên con đường mòn hẹp va lầy lội, rồi đến những người cô-dắc, người thì mặc áo burka, người thì mặc áo ca-pốt của Pháp, người thì lấy chăn ngựa trùm lên đầu. Những con ngựa hồng, ngựa làng đều trông thành ngựa ô hết, vì lông ướt đẫm nước mưa. Bờm ngựa ướt dính bết lại làm cho cổ ngựa trông mảnh dẻ một cách kỳ lạ.
Mình ngựa bốc hơi nghi ngút. Áo quần, yên cương đều ướt sũng, trông cũng nhầy nhụa như mặt đất và lớp lá rụng phủ trên đường mòn. Mọi người đều co ro, cổ không cựa quậy, để cho chỗ nước mưa thấm vào người có thể ấm lên một chút và để cho giọt nước lạnh buốt đang chảy trên cổ, trên đầu gối và dưới yên ngựa khỏi thấm thêm vào người. Ở khoảng giữa đoàn cô-dắc kéo dài, hai chiếc xe tải, thắng mấy con ngựa của Pháp kèm thêm mấy con ngựa cô-dắc có đóng yên, gập gềnh trên những cành cây gẫy và những dễ cây bánh lăn lép bép trong các rãnh bùn.
Con ngựa của Denixov bỗng bước sang một bên để tránh một vũng bùn khiến cho đầu gối chàng thúc vào một phần thân cây.
– Ô, đồ quỷ!
Denixov tức giận quát, đoạn nghiến răng lấy roi quất hai ba lần vào mình ngựa, làm cho bùn bắn tung toé lên người chàng và lên các bạn đồng ngũ. Denixov đang bực mình: phần vì mưa, phần vì đói (từ sáng tới giờ chưa có ai ăn gì cả) và nhất là vì mãi không được tin gì của Dolokhov, và người lính phái đi bắt “lưỡi” vẫn chưa thấy về.
Khó lòng mà có được một dịp khác để tấn công một đoàn vận tải như hôm nay. Đánh một mình thì quá liều lĩnh, mà hoãn sang hôm sau thì một trong những đội du kích hạng lớn kia sẽ phỗng tay trên mất – Denixov thầm nghĩ, mắt đăm đăm nhìn về phía trước ngóng người của Dolokhov phái đến.
– Có ai đang đi ngựa lại kia kìa, – chàng nói.
Viên thủ lĩnh cô-dắc nhìn theo hướng Denixov chỉ.
Hai người, một viên sĩ quan và một người cô-dắc, nhưng không thể đoán được rằng đó chính là ngài trung tá, – viên thủ lĩnh nói, anh ta vẫn thích dùng những chữ mà người cô-dắc thường không biết.
Hai người cưỡi ngựa đi xuống dốc, khuất đi một lát rồi lại hiện ra. Người đi trước là một viên sĩ quan, đầu tóc rối bù, áo quần ướt sũng, ống quần xắn lên quá đầu gối, dùng roi thúc con ngựa đang phi nước đại một cách mệt mỏi. Phía sau là một người cô-dắc đứng thắng trên bàn đạp, con ngựa phóng nước kiệu. Viên sĩ quan là một thiếu niên trẻ măng, mặt to, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh nhanh vui vẻ, phi ngựa đến trước mặt Denixov và đưa cho chàng một chiếc phong bì ướt sũng.
– Thư của tướng quân gửi ngài, – viên sĩ quan nói. – Xin ngài thứ lỗi cho, thư không được khô ráo cho lắm.
Denixov cau mày cầm lấy phong thư và bắt đầu bóc dấu xi.
– Đấy họ cứ bảo mãi là nguy hiểm, nguy hiểm, – viên sĩ quan nói với viên thủ lĩnh cô-dắc trong khi Denixov đọc thư. – Vả chăng tôi với Kamorov (viên sĩ quan chỉ huy cô-dắc) đã chuẩn bị chu đáo. Chúng tôi mỗi người có hai khẩu súng. Thế còn đây là thế nào? – Viên sĩ quan trông thấy chú lính đánh trống của Pháp liền hỏi, – Tù binh à? Các ông đã giao chiến rồi à? Nói chuyện với nó được chứ?
“Roxtov! Petya!” – Denixov bây giờ vừa đọc lướt qua phong thư bỗng reo lên, – Chà sao cậu không xưng tên ra ngay? – và Denixov mỉm cười quay lại chìa tay ra cho viên sĩ quan.
Viên sĩ quan ấy chính là Petya Roxtov.
Suốt dọc đường Petya đã rắp tâm là sẽ không nhắc đến tình quen biết ngày trước, và cư xử với Denixov với tư cách một người lớn một sĩ quan. Nhưng Denixov vừa mỉm cười với cậu ta thì mặt Petya đã tươi rói và ửng đỏ lên vì sung sướng; cậu ta quên cả cái thái độ công vụ đã chuẩn bị sẵn và bắt đầu kể chuyện cậu vừa cười ngựa qua sát vị trí của quân Pháp ra sao, nào là cậu đã vui mừng đến nhường nào khi được giao công cán này, nào là cậu đã được tham dự trận Vyazma, nào là trong trận này có một viên phiêu kỵ đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.
– Tôi rất mừng được gặp cậu, – Denixov ngắt lời Petya và mặt chàng lại có vẻ lo lắng như cũ.
– Mikhail Feoklityts, – chàng quay lại bảo viên thủ lĩnh cô-dắc, lão người Đức lại gửi thư nữa đây này. Cậu ở trong đội của lão ta đấy. – Và Denixov kể cho viên đại uý nghe nội dung thư gởi đến. Trong thư có nhắc lại lời yêu cầu của viên tướng Đức muốn Denixov sáp nhập với quân ông ta để đánh đoàn vận tải. – Ngày mai mà không chiếm được thì lão ta phỗng tay trên mất, – chàng kết luận.
Trong khi Denixov nói chuyện với viên đại uý, Petya bối rối vì giọng nói lạnh nhạt của Denixov và đoán chừng rằng nguyên nhân của giọng nói này chính là tình trạng cái quần mình đang mặc, liền luồn tay xuống dưới lần áo khoác buông ống quần xắn móng lợn xuống cố sao cho đừng ai thấy, và cố làm cho ra dáng dấp thật hùng dũng.
– Đại nhân ra lệnh như thế nào? – cậu ta hỏi Denixov, tay đưa lên vành lưỡi trai và trở về với trò chơi sĩ quan phụ tá gặp tướng quân mà cậu đã sắp sẵn, – hay đại nhân cho tôi ở bên cạnh ngài?
– Lệnh à? – Denixov nói, vẻ trầm ngâm. – Thế cậu ở lại đây đến mai có được không?
– Ồ xin tuân lệnh… Tôi có thể ở lại bên cạnh ngài chứ hả? – Petya reo lên.
– Thế tướng quân ra lệnh cho cậu như thế nào – về ngay à? – Denixov hỏi.
Petya đỏ mặt:
– Tướng quân có ra lệnh gì đâu. Tôi ở lại được chứ ạ? – Petya giọng có ý dò hỏi.
– Thôi được, – Denixov nói. Đoạn quay về phía mấy người thuộc hạ. Chàng ra lệnh cho đội du kích đi đến nơi hẹn cạnh trạm gác kiểm lâm ở trong rừng và bảo viên sĩ quan cưỡi con ngựa Kirghiz (viên sĩ quan này làm nhiệm vụ phụ tá) đi tìm Dolokhov hỏi xem tối nay anh ta có đến hay không. Còn Denixov thì định cùng Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc ra ven rừng phía Samsevo để xem vị trí quân Pháp, nơi nào ngày mai sẽ tấn công.
– Nào, già đâu, – Chàng nói với người mu-gich dẫn đường, – Dẫn ta đến Samsevo đi.
Denixov, Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc, cùng với mấy người cô dắc và người lính phiêu kỵ chở chú lính đánh trống của Pháp sau lưng, cho ngựa đi sang bên trái, vượt qua một cái khe và tiến về phía ven rừng.