Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 6 – Chương 26

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Vào giữa mùa hạ công tước tiểu thư Maria nhận được một bức thư không ngờ của công tước Andrey từ Thuỵ Sĩ gửi về, trong đó công tước cho nàng biết một tin kỳ lạ và đột ngột. Công tước Andrey cho nàng biết rằng mình đã đính hôn với cô Roxtov. Từ đầu chí cuối bức thư đều toát lên một tình yêu bồng bột, tha thiết đối với người vợ chưa cưới và một lòng hữu ái tin cậy đối với em gái.

Chàng viết rằng chưa bao giờ chàng yêu như bây giờ, rằng chỉ đến bây giờ chàng mới hiểu và biết được cuộc sống; chàng xin em gái tha thứ cho chàng khi ghé về Lưxye Gorư đã không cho nàng biết việc này, tuy có nói với cha. Sở dĩ chàng không nói với em gái là vì nếu thế thì nữ công tước Maria sẽ xin cha ưng thuận, và tất sẽ không đạt được mục đích mà lại còn làm cho cha phát bẳn lên, và sẽ phải chịu đựng tất cả gánh nặng của sự cáu bẳn đó. Vả chăng dạo ấy công việc chưa quyết định hẳn hoi như bây giờ. “Hồi ấy cha định ra cho anh thời hạn là một năm, và đến nay đã được sáu tháng, tức một nửa thời hạn đã qua, và anh vẫn giữ vững ý định hơn bao giờ hết. Giá các bác sĩ đừng giữ anh lại đây để an dưỡng, thì anh đã trở về Nga rồi, nhưng bây giờ anh phải hoãn ngày về lại ba tháng nữa. Em biết rõ anh và biết anh đối với cha như thế nào. Anh không cần điều gì ở cha hết, xưa nay anh vẫn độc lập và bao giờ anh cũng sẽ độc lập nhưng làm một việc trái với ý cha, khiến cho cha phải tức giận trong khi có lẽ cha không còn ở với chúng ta được mấy lâu nữa, thì hạnh phúc của anh sẽ sụp đổ mất một nửa. Bây giờ anh cũng viết thư cho cha về việc này và xin em chọn một lúc thuận lợi để trao thư cho cha, rồi cho anh biết thái độ của cha đối với tất cả những điều này, và báo cho anh rõ có thể hy vọng cha giảm bớt thời hạn đi ba tháng không?”

Sau khi lưỡng lự, hoài nghi và cầu nguyện rất lâu công tước tiểu thư Maria trình bức thư cho cha. Ngày hôm sau lão công tước điềm tĩnh nói với nàng.

– Con hãy viết thư bảo anh con là hãy đợi khi nào ta chết rồi hẵng hay… không lâu nữa đâu, chỉ ít nữa là thoát thôi…

Công tước tiểu thư Maria muốn nói lại một câu gì đấy, nhưng cha nàng không cho nói và mỗi lúc một to tiếng:

– Cưới vợ đi, cưới vợ đi, anh bạn ạ… Dòng dõi quý phái nhỉ? Toàn là những người thông minh cả đấy nhỉ? Giàu có lắm đấy nhỉ? Phải. Thằng Nikolenka sẽ có được một mụ dì ghẻ thật ra hồn. Mày viết thư bảo nó là thôi, mai cưới đi cũng được. Con bé ấy sẽ làm dì ghẻ thằng Nikolenka, còn tao thì tao lấy con Burienka… Ha, ha, ha, để cho nó cũng có dì ghẻ với chứ! Chỉ có một điều là trong nhà tao không cần bọn đàn bà nữa; cứ lấy vợ đi, rồi ở riêng ra. Có lẽ hay là mày cũng đi với nó nốt? – Lão công tước nói với con gái. – Thế thì gửi Chúa, chúc các người lên thiên đường bình an… lên đường bình an!…

Sau trận lôi đình này công tước không lần nào nhắc đến việc ấy nữa. Ông cố đè nén nỗi bực tức đối với cái nhược điểm của thằng con trai, nhưng nó lại càng lộ rõ ra trong cách ông đối xử với con gái. Thêm vào những đề tài chế giễu trước kia bây giờ lại có một đề tài mới – câu chuyện dì ghẻ và những cử chỉ ân cần đối với cô Burien.

– Việc gì tao lại không lấy cô ta? – Ông nói với con gái – Cô ta sẽ làm một bá tước phu nhân xuất sắc.

Và trong thời gian gần đây công tước tiểu thư Maria bắt đầu ngạc nhiên và chẳng hiểu ra làm sao nữa khi nhận thấy rằng cha quả nhiên bắt đầu ngày càng gần gũi cô thiếu nữ Pháp. Tiểu thư viết thư cho anh nói rõ cha đã tiếp bức thư của chàng như thế nào, nhưng nàng cố an ủi anh và cho chàng hy vọng rằng nàng sẽ làm cho cha thuận lòng.

Nikolenka và việc dạy dỗ nó, Andrey và tôn giáo là những niềm an ủi và vui sướng của công tước tiểu thư Maria; nhưng ngoài ra, vì mỗi người vốn đều cần có những hy vọng riêng, trong đáy sâu của tâm hồn mình, tiểu thư Maria có một ước mơ và hy vọng thầm kín vốn là mềm an ủi lớn nhất trong đời nàng. Ước mơ và hy vọng đó là do những “con người của Chúa” đem lại cho nàng. Đó là những người ngây dại và những người hành hương vẫn bí mật đến gập nàng, không cho lão công tước biết. Tiểu thư Maria càng sống, nàng càng thể nghiệm và quan sát cuộc đời thì lại càng lấy làm lạ về sự thiển cận của con người đi tìm khoái lạc và hạnh phúc trên thế gian này: họ làm lụng vất vả, họ đau khổ, họ vật lộn và làm hại lẫn nhau để đạt đến cái hạnh phúc không thể nào có được, hư ảo và xấu xa đó. “Công tước Andrey yêu vợ, vợ chết anh ấy vẫn chưa thấy đủ, anh ấy muốn gắn bó hạnh phúc của mình vào một người đàn bà khác. Cha không ưng thuận vì cha muốn Andrey tìm đám nào quý phái và giàu có hơn. Và họ đều vất vả, đau khổ, dằn vặt và làm hư hỏng lính hồn mình, linh hồn bất diệt của mình để đạt đến một lạc thú chốc lát, không những chính chúng ta biết điều đó mà thôi, Đấng Cơ đốc, con của Đức chúa trời đã xuống cõi trần để nói với chúng ta rằng cuộc sống này là một cuộc sống phù du, là một thử thách, thế mà ta cứ bám vào nó và mong tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này. Tại sao không có ai hiểu nổi điều đó? – tiểu thư Maria nghĩ – Không có ai cả, ngoài những con người của Chúa bị người ta khinh rẻ đó, những người vác bị trên vai đến với ta bằng cổng sau, sợ bị công tước trông thấy, nhưng không phải sợ bị người hành hạ mãng nhiếc mà là sợ khiến cho Người phạm tội lỗi. Rời bỏ gia đình, quê hương: từ bỏ mọi sự lo toan về lạc thú ở đời này, không bận bịu điều gì, và để rồi mình mặc chiếc áo rách tươm, mang một cái tên giả đi từ nơi này sang nơi khác, không làm hại ai và cầu nguyện cho người, cầu nguyện cả cho cả những người xua đuổi mình cũng như những người che chở mình: không có chân lý nào cao hơn chân lý này, không có cuộc sống nào cao hơn cuộc sống này nữa!”

Có một người hành hương tên là Fodoxyuska một bà già năm mươi tuổi, bé nhỏ, trầm lặng, mặt rỗ, đã ba mươi năm nay đi chân không và mang xiềng. Nữ công tước Maria đặc biệt yêu quý người này. Có một lần trong gian phòng tối mờ mờ dưới ánh sáng leo lét của mỗi một ngọn đèn thờ, khi Fodoxyuska kể lại đời mình, công tước tiểu thư bỗng có một ý nghĩ rằng chỉ một mình Fodoxyuska tìm được con đường sống đúng đắn, và ý nghĩ này đến với nàng mãnh liệt đến nỗi nàng đã quyết định chính mình cũng sẽ lang thang đi hành hương. Khi Fodoxyuska đã đi ngủ, nữ công tước Maria suy nghĩ hồi lâu về việc này, và cuối cùng quyết định rằng tuy điều đó có vẻ kỳ lạ thật, nhưng nàng cần phải đi hành hương.

Nàng chỉ thổ lộ ý định này với thầy sám hối(1) của nàng là cha Akinfi và linh mục này tán thành ý định của nàng. Lấy cớ là để làm quà cho các bà hành hương, công tước tiểu thư Maria tữ sẵn cho mình cả một bộ đồ hành hương: một chiếc áo thụng, một đôi thảo hài, một cái áo kaftan và một chiếc khăn đen. Nhiều khi, lại gần chiếc tủ bí mật đựng các thứ đó, nữ công tước tiểu thư Maria phân vân không biết đã đến lúc thực hiện ý định của nàng chưa.

Nhiều khi đang nghe những câu chuyện của các bà hành hương, nàng thấy lòng mình như bốc cháy trước những lời lẽ giản dị, đối với họ thì rất tự nhiên, nhưng đối với nàng thì bao hàm một ý nghĩ sâu sắc, đến nỗi đã mấy lần nàng đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và trốn đi. Trong trí tưởng tượng làng đã thấy mình đi với Fodoxyuska, mình mặc áo vải thô, tay câm gậy và vai mang bị bước trên con đường cát bụi, không ganh tị, không có tình yêu trần tục, không có dục vọng, viếng hết vị phúc lộc này đến vị phúc lộc khác, và cuối cùng đi đến tận nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài, chỉ có một mềm hoan lạc vĩnh viễn.

“Ta sẽ đến một nơi nào đó, sẽ cầu nguyện, rồi chưa kịp quen người mến cảnh ta sẽ lại đi nơi khác. Và ta sẽ đi cho đến khi nào chân ta khuỵu xuống, ta sẽ nằm xuống và sẽ chết ở một nơi nào đó, rồi cuối cùng ta sẽ đến cái bến vĩnh viễn, sóng yên gió lặng, nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài?”

– Nhưng sau đó, khi trông thấy cha và nhất là thằng Nikolenka bé bỏng, nàng lại mủi lòng, về phòng riêng khóc một mình và cảm thấy mình là kẻ có tội: nàng đã yêu cha và cháu nhỏ hơn cả Chúa!

Chú thích:(1) Người linh mục có trách nhiệm xưng tội.

Chọn tập
Bình luận
× sticky