Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 9 – Chương 12

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Trước khi chiến dịch mở màn. Roxtov nhận được một bức thư của cha mẹ chàng kể vắn tắt cho chàng biết Natasa ốm và nàng đã cắt đứt với công tước Andrey (theo như trong thư thì sự cắt đứt này là do Natasa khước từ vị hôn phu), và một lần nữa bảo chàng xin phép hay giải ngũ, về nhà. Nhận được thư, Nikolai cũng chẳng buồn tính chuyện xin phép hay giải ngũ mà lại viết thư cho cha mẹ nói rằng chàng rất lấy làm phiền lòng vì Natasa ốm và lấy làm tiếc về việc nàng cự tuyệt vị hôn phu, và chàng sẽ tìm hết mọi cách để làm tròn ý muốn của cha mẹ. Đối với Sonya thì chàng viết thư riêng.

“Người bạn lòng yêu dấu của anh, – Chàng viết, – Ngoài danh dự ra không có gì có thể ngăn chặn anh trở về quê. Nhưng hiện nay, trong khi chiến dịch sắp mở màn, anh sẽ tự thấy mình mất danh dự không những trước các bạn đồng ngũ, mà ngay cả trước bản thân mình, nếu anh để hạnh phúc của mình lên trên nhiệm vụ và lòng yêu nước. Nhưng đây là lần phân ly lần cuối cùng. Em hãy tin rằng ngay sau chiến tranh, nếu anh còn sống và vẫn được yêu em, anh sẽ vứt bỏ tất cả và sẽ bay về với em để vĩnh viễn xiết chặt em vào lồng ngực bốc lửa của anh”.

Quả nhiên chỉ vì chiến dịch sắp mở cho nên Roxtov không về cưới Sonya như chàng đã hứa. Mùa thu ở Otradnoye với những cuộc đi săn, mùa đông với lễ Giáng sinh và tình yêu của Sonya đã mở ra cho chàng thấy triển vọng của một cuộc sống vui thú và thanh bình của một người quý tộc hương thôn mà trước kia chàng không hề biết và bây giờ đang có sức quyến rũ chàng “Một người vợ hiền, những đứa con ngoan, một dàn chó săn đuổi thật hay, mười, mười hai con chó Borzoy dũng mãnh, công việc trong điền trang, các bạn láng giềng, chức vụ hành chính mà các đồng ban giao phó…” – Chàng nghĩ thầm.

– Nhưng bây giờ sắp mở chiến dịch, cho nên chàng phải ở lại trung đoàn. Và vì cần như vậy cho nên Nikolai Roxtov, do bản tính, thấy bằng lòng ngày cả với cuộc sống của chàng ở trung đoàn, và biết làm cho cuộc sống ấy thành dễ chịu đối với mình.

Đi nghỉ phép về, được các bạn đồng ngũ mừng rỡ tiếp đón, Nikolai lại được phái đi mua ngựa và khi ở Tiểu Nga trở về chàng đem theo nhưng con ngựa rất hay, khiến cho bản thân chàng rất hài lòng và cấp trên cũng khen ngợi. Trong khi đi vắng chàng đã được thăng lên chức đại uý và khi trung đoàn được bổ sung số để tham gia chiến sự, chàng lại được chỉ huy đại đội cũ của chàng.

Chiến dịch bắt đầu, trung đoàn được điều sang Ba Lan, lương bổng được tăng gấp đôi, những sĩ quan mới, những con ngựa mới được chuyển đến, và nhất là cái tâm trạng vui vẻ phấn chấn thường kèm theo thời kỳ đầu của một cuộc chiến tranh đang lan rộng trong quân ngũ. Roxtov đã nhận thức được địa vị có lợi cho mình trong trung đoàn và để hết tâm trí vào những hứng thú và quyền lợi của cuộc sống quân nhân, tuy chàng cũng biết rằng không chóng thì chầy chàng cũng phải rời bỏ cuộc sống đó.

Quân đội bỏ Vinlna rút lui, vì nhiều nguyên nhân quốc sự, chính trị và chiến thuật phức tạp. Một bước thoái quân đều kèm theo những hoạt động tư lợi, những âm mưu phức tạp, những vận động ngược xuôi qua lại của nhiều dục vọng trong đại bản doanh trung đoàn. Còn đối với lính phiêu kỵ của trung đoàn Pavlograd thì một cuộc rút quân vào chính giữa mùa hạ như thế này trong khi lương thực rất đầy đủ, chỉ là một việc hết sức đơn giản và vui thú. Chỉ có ở đại bản doanh người ta mới có thể chán nản, lo lắng và kèn cựa, chứ trong bộ đội chiến đấu thì người ta thậm chí cũng chẳng tự hỏi xem mình đi đâu và để làm gì nữa.

Nếu có lấy làm tiếc rằng mình phải rút lui thì cũng chỉ vì phải rời bỏ một chỗ đã quen thuộc, xa một cô pana(1) xinh xắn. Nếu ai thoáng có ý nghĩ tình hình không được tốt đẹp, thì người ấy cũng cố vui vẻ mà quên tình hình chung, để chỉ nghĩ đến công việc trước mắt của riêng mình – một quân nhân tốt thường vẫn phải làm như vậy. Lúc đầu họ vui vẻ đóng quân ở Vilna, làm quen với các trang chủ Ba Lan, chờ đợi tham dự những cuộc duyệt binh của nhà vua hay của các vị chỉ huy cao cấp khác.

Rồi có lệnh rút về Xventixan và tiêu huỷ những lương thực dự trữ không mang theo được. Sở dĩ lính phiêu kỵ nhớ rỡ Xventixan chỉ vì đó là một cái trại say – toàn quân vẫn gọi nơi đóng quân đó như vậy – và cũng chỉ vì ở Xventixan người ta đã khiếu nại nhiều về việc quân đội lạm dụng lệnh trung thu lương thực dự trữ, lấy luôn cả ngựa, xe thảm hoa của các pan(2) Ba Lan, liệt luôn các thứ đó vào loại “lương thực dự trữ”. Roxtov nhớ Xventixan là vì ngày hôm đầu tiên quân vào làng này chàng đã phải thay viên hạ sĩ quân hậu cần và không sao ngăn cản được bọn lính say khướt trong bản đội đã trộm phép chàng đi ăn cướp năm thùng rượu bia lâu năm. Từ Xventixan họ lại rút mãi cho đến Drissa rồi lại rời Drissa rút lui về đến gần biên giới Nga.

Ngày mười ba tháng bảy quân Povlograd lần đầu tiên phải dự một trận đánh quan trọng.

Đêm hôm mười hai tháng bảy, tức là một đêm trước trận đánh này, có cơn giông lớn kéo kèm theo mưa rào và mưa đá. Mùa hè nằm 1812 nói chung thường có những trận giông lớn như vậy.

Hai đại đội của trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đang đóng trại lộ thiên giữa một cánh đồng lúa mì đen bị bò ngựa dẵm be bét. Trời mưa như trút. Roxtov với viên sĩ quan trẻ tuổi tên là Ilya được chàng che chở, đang ngồi dưới một gốc cái lán dựng vội. Một viên sĩ quan của trung đoàn, có bộ ria dài vắt lên hai má, lúc bấy giờ vừa ở bộ tham mưu về mắc mưa giữa đường đành ghé lại chỗ Roxtov.

– Bá tước ạ, tôi ở bộ tham mưu về. Bá tước đã nghe nói chiến công của Raievxki chưa? – Và viên quan sĩ quan kể lại tỉ mỉ trận Xantanovka mà ông ta đã được nghe kể ở bộ tham mưu.

Roxtov, cổ rụt lại vì nước mưa cứ chảy ròng ròng sau gáy, ngồi hút thuốc lá và nghe kể một cách chẳng lấy gì làm chăm chú, chốc chốc lại đưa mắt nhìn sang Ilya, viên sĩ quan trẻ tuổi đang ngồi nép mình cạnh sát chàng. Viên sĩ quan này là một cậu thanh niên mười sáu tuổi mới vào trung đoàn được ít lâu. Bây giờ cậu ta đối với Roxtov cũng giống như Roxtov đối với Denixov bảy năm về trước. Cái gì Ilya cũng cố gắng bắt chước cho giống Roxtov; cậu ta say mê Roxtov như một cô gái.

Viên sĩ quan có bộ ria dài là Zdrinxki, đang lấy giọng hùng tráng kể chuyện rằng con đê Xaltanovka quả là ải Thermopy(3) của người Nga, rằng trên con đê này tướng quân Raievxki đã thực hiện một chiến công oanh liệt xứng đáng với các anh hùng cổ đại. Ông đã đưa hai người con trai lên đê dưới một hoả lực kinh khủng và cùng sánh vai với họ tiến lên công kích quân địch. Roxtov nghe kể và không những không nói gì để hưởng ứng niềm hân hoan của Zdrinxki, mà lại còn có vẻ lấy làm xấu hổ về những điều mà người ta thường kể cho mình nghe, tuy không muốn cãi lại. Sau trận Austerlix và chiến dịch năm 1807, kinh nghiệm bản thân đã cho Roxtov biết rằng khi thuật lại những sự kiện chiến tranh, bao giờ người ta cũng nói ngoa, mà chính chàng cũng thế, sau nữa chàng cũng có đủ lịch duyệt để hiểu rằng trong chiến tranh mọi việc đều xảy ra khác hẳn những điều mà ta có thể tưởng tượng hoặc kể lại.

Cho nên chàng bực mình vì câu chuyện của Zdrinxki kể, mà ngay bàn thân Zdrinxki cũng làm cho chàng khó chịu: với bộ ria vắt lên tận má, hắn cứ theo thói quen mỗi khi kể là cúi sát tận mặt người nghe, khiến cho chàng cảm thấy vướng víu trong chiếc lán chật chật chội. Roxtov im lặng nhìn Zdrinxki. “Trước hết, trên con đê mà họ tấn công chắc phải hỗn độn đến nỗi Raievxki có dẫn hai người con trai lên thật đi nữa, thì việc đó cũng chẳng tác động đến ai được, may ra cũng chỉ có mười người đứng sát quanh ông ta, – Roxtov nghĩ thầm – còn những người khác thì cũng chẳng trông thấy Raievxki đi trên đê với ai. Nhưng ngay cả những người có trông thấy ông ta nữa, thì cũng chẳng lấy gì làm phấn chấn cho lắm, vì họ hơi đâu mà nghĩ đến những tình cảm cha con đằm thắm của Raievxki trong khi tính mạng của bản thân họ đang treo trên sợi tóc? Sau nữa, dù có chiếm được hay không chiếm được con đê Xaltanovka thì cũng chẳng định đoạt được số phận của tổ quốc như ở Thermopyl. Thế thì việc gì phải hy sinh như vậy? Hơn nữa, tại sao lại đưa con cái mình ra trận làm gì? Giá là mình thì không những mình không đưa thằng Petya đi như thế, mà ngay cả chú Ilya này nữa, một cậu bé chẳng phải có họ hàng gì với mình nhưng rất tốt, mình cũng cố tìm cách cho chú ta đứng một chỗ an toàn” – Roxtov nghĩ tiếp trong khi nghe Zdrinxki kể. Nhưng chàng không nói những ý nghĩ của chàng ra: ngay về mặt này nữa chàng cũng đã có kinh nghiệm bản thân. Chàng biết rằng câu chuyện này góp phần nêu cao danh vọng của quân đội ta, cho nên cần phải làm ra vẻ như không hồ nghi gì về chuyện đó. Và chàng đã làm như vậy.

– Chà không chịu được nữa rồi! – Ilya nói – Cậu ta đã nhận thấy Roxtov không thích nghe câu chuyện của Zdrinxki. – Bít tất, sơ mi trong người tôi đều ướt sũng cả rồi. Tôi đi kiếm chỗ trú mưa đây. Hình như cũng đã ngớt.

Ilya bước ra ngoài, và Zdrinxki cũng lên ngựa ra về. Năm phút sau Ilya lội lõm bõm trong bùn chạy về phía lán.

– Cách đây vài trăm bước có một quán rượu, bọn ta đã có mấy người đến đấy. Ít nhất cũng hong khô áo quần một tí. Cả Maria Herikhovna cũng ở đấy.

Maria Herikhovna là vợ viên bác sĩ của trung đoàn, một thiếu phụ người Đức xinh xắn lấy ông ta từ dạo đóng quân ở Ba Lan. Hoặc vì không có phương tiện, hoặc vì không muốn xa người vợ trẻ trong thời gian mới cưới, viên bác sĩ đem Maria Herikhovna cùng đi khắp nơi với trung đoàn phiêu kỵ, và tính hay ghen của ông trở thành một tiêu đề để cho các sĩ quan phiêu kỵ đem ra đùa cợt hàng ngày.

Roxtov khoác áo mưa, quát gọi Lavrusk mang đồ đạc theo sau và cùng đi với Ilya trên đất bùn trơn như mỡ, dưới làn mưa đang ngớt dần, trong đêm tối thỉnh thoảng lại loé lên những ánh chớp xa xa. Chốc chốc hai người lại gọi nhau.

– Roxtov, anh đâu rồi?

– Đây! Chớp ghê thật!

Trước cửa ngôi quán có chiếc xe kibitka của viên bác sĩ đỗ. Trong quán đã có dăm sĩ quan đến ngồi từ lúc nãy. Maria Herikhovna, một thiếu phụ người Đức béo lẳn, tóc vàng hoe, mặc áo ngắn và đội mũ chụp ban đêm, đang ngồi bên một chiếc ghế dài rộng đặt ở phòng. Ông chồng nằm ngủ sau lưng. Roxtov và Ilya vào thì được các sĩ quan nghênh tiếp bằng những tiếng reo vui vẻ.

– Chà! Các cậu ở đây vui quá nhỉ, – Roxtov vừa cười vừa nói.

– Còn các cậu sao trông ỉu thế?

– Trông đã lịch sự chưa? Ướt như chuột lột! Đừng làm bẩn phòng khách của chúng tớ đấy.

– Đừng làm bẩn áo của Maria Herikhovna đấy nhé, – có tiếng phụ hoạ.

Roxtov và Ilya hối hả tìm một góc để thay quần áo ướt cho khỏi xúc phạm đến tính e thẹn của Maria Herikhovna. Họ toan ra sau tấm ván ngăn, nhưng trong căn buồng chật hẹp ấy có ba sĩ quan ngồi đánh bài trên một cái thùng có cắm cây nến, choán hết cả chỗ và một mực không chịu đi chỗ khác. Maria Herikhovna cho họ mượn cái váy để dùng làm màn che, và sau bức màn ấy Roxtov và Ilya, với sự giúp đỡ của Lavruska lúc bấy giờ vừa mang đồ đạc đến.

– Cởi áo quần ướt và mặc áo quân khô vào!

Herikhovna lau đôi tay đáng yêu của nàng, người thì lót một chiếc áo phiêu kỵ xuống dưới đôi chân xinh xẻo của Maria Herikhovna để cho nàng khỏi thấy ẩm chân, người thì lấy áo mưa che cửa sổ để khỏi gió lùa, người thì phe phẩy đuổi ruồi trên mặt ông chồng để cho ông ta khỏi thức dậy.

– Thôi các ông cứ để mặc nhà tôi, – Maria Herikhovna nói, miệng mỉm cười bẽn lẽn và sung sướng, – Cứ để thế nhà tôi ngủ cũng ngon lắm rồi, chả là đêm qua không có lúc nào chợp mắt.

– Không được, bà Maria Herikhovna, – Viên sĩ quan đáp, – Phải tranh thủ tình cảm của bác sĩ chứ. May ra bác sĩ có thể thương hại tôi mà nhẹ tay một chút khi nào bác sĩ cưa chân cưa tay tôi.

Cả thảy chỉ có ba cái; nước thì đục đến nỗi không sao biết được trà đậm hay nhạt. Và trong ấm lò nước chỉ đủ cho sáu cốc, nhưng như vậy lại càng thích thú khi được lần lượt nhận theo thứ tự cấp bậc cốc trà của mình trong đôi tay mũm mĩm xinh xắn, móng cắt và không được sạch lắm của Maria Herikhovna. Tất cả các sĩ quan tối hôm ấy hình như đều phải lòng Maria Herikhovna thật sự. Ngay cả đến ba viên sĩ quan đánh bài sau tấm ván ngắn chẳng bao lâu cũng ngả theo tâm trạng chung mà bỏ canh bạc cuối sang ngồi bên lò và xun xoe quanh Maria Herikhovna. Maria Herikhovna thấy đám thanh niên hào hoa phong nhã ấy xúm xít quanh mình thì mặt mày rạng rỡ lên vì vui sướng, mặc dầu bà ta cố sức dấu nỗi vui sướng ấy đi và rõ ràng là rất lo sợ không có thì giờ để cho đường tan, cho nên họ bèn quyết định là Maria Herikhovna sẽ lần lượt khuấy đường cho từng người, Roxtov lĩnh cốc trà của mình và rót rượu rhum vào, rồi yêu cầu Maria Herikhovna khuấy hộ.

– Nhưng ông không bỏ đường à? – Maria Herikhovna nói, miệng vẫn mỉm cười, tưởng chừng như tất cả những gì mà nàng nói ra hay những người khác nói ra cũng đều rất buồn cười và còn ngụ một ý khác.

– Thì tôi cần gì đường, chỉ cần tay bà khuấy cho một chút thôi.

Maria Herikhovna ưng thuận và bắt đầu tìm cái thìa lúc bấy giờ đã có ai lấy mất.

– Bà lấy ngón tay mà khuấy cũng được, bà Mana Herikhovna ạ, Roxtov nói, – Như thế uống lại càng thú vị hơn.

– Nóng quá – Mana Herikhovna nói, mặt đỏ ửng lên vì vui thích.

Ilya lấy một xô nước, nhỏ một giọt rượu rhum vào rồi đến cạnh Maria Herikhovna xin nàng lấy ngón tay nguấy hộ.

– Chén trà của tôi đây, Ilya nói. – Chỉ xin bà khuấy ngón tay vào thôi tôi sẽ uống hết.

Khi mọi người đã uống hết nước ấm trong lò, Roxtov lấy cỗ bài đề nghị chơi một ván bài “bài vua” với Maria Herikhovna. Họ bốc thăm xem ai sẽ chơi cùng phe với Mana Herikhovna. Theo đề nghị của Roxtov, họ ấn định ai được “làm vua” sẽ có quyền hôn tay Maria Herikhovna, và ai bị “làm thằng xỏ lá” sẽ phải đi đun một ấm lò nước sôi cho bác sĩ khi nào ông ta thức dậy.

– Thế nếu Maria Herikhovna được làm vua thì sao? – Ilya hỏi.

– Maria Herikhovna đã là hoàng hậu rồi còn gì! Mệnh lệnh của Maria là một đạo luật.

Ván bài vừa bắt đầu thì từ sau lưng Mana Herikhovna bỗng thấy cái đầu bờm xờm của ông bác sĩ nhổm dậy. Ông ta đã tỉnh dậy từ lâu, lắng nghe những câu nói của đám sĩ quan và hình như chẳng thấy có gì vui vẻ, buồn cười và ngộ nghĩnh trong tất cả những câu họ nói và những việc họ làm. Gương mặt ông ta có vẻ buồn phiền và chán nản, ông ta lẳng lặng gãi đầu và xin phép ra ngoài vì bây giờ họ ngồi chắn cả lối đi ông ta vừa ra ngoài thì tất cả các sĩ quan đều phá lên cười, còn Mana Herikhovna thì đỏ mặt tía tai đến chảy nước mắt ra, và như vậy các sĩ quan lại càng thấy nàng đáng yêu hơn nữa. Khi ngoài sân trở vào viên bác sĩ bảo vợ (lúc bấy giờ Maria Herikhovna không còn mỉm cười vui sướng như trước được nữa và im lặng nhìn chồng, chờ đợi một lời trách mắng) là mưa đã tạnh và phải ra xe mà ngủ, chứ không kẻ trộm sẽ lấy hết đồ đạc.

– Ồ tôi sẽ cho một người đến canh… hai người! – Roxtov nói. – Đừng làm thế bác sĩ ạ.

– Tôi xin chân thành đứng canh – Ilya nói.

– Không được, thưa các vị, các vị đã được ngủ no nê, còn tôi thì hai đêm nay, chưa hề chợp mắt – bác sĩ nói đoạn lầm lì ngồi xuống cạnh vợ chờ cho ván bài kết thúc.

Nhìn vẻ mặt lầm lì của bác sĩ đang lườm vợ, các sĩ quan lại càng vui vẻ thêm, và có mấy người không sao nhịn được, cười rộ lên rồi lại vội vã tìm những nguyên do có lý để nói chữa. Khi viên bác sĩ đã đưa vợ ra xe, các sĩ quan nằm trong quán, lấy áo khoác ướt đắp; nhưng nằm hồi lâu họ vẫn chưa ngủ, cứ chuyện trò nhắc nhở vẻ lo sợ của ông bác sĩ và vẻ vui sướng của bà bác sĩ, thỉnh thoảng lại chạy ra thềm rồi vào kể cho nhau nghe những việc đang xảy ra trong chiếc xe kibitka nhỏ. Đã mấy lần Roxtov trùm áo kín đầu thiu thiu ngủ; nhưng lại có ai hỏi một câu khiến chàng bừng tỉnh, câu chuyện lại rôm rả và tiếng cười vô cớ vui vẻ trẻ con lại vang lên.

Chú thích:(1) Phu nhân hay tiểu thư Ba Lan.

(2) Ngài, tiên sinh (tiếng Ba Lan).

(3) Eo núi hiểm trở ở Bắc Hy lạp do vua Leonidax chỉ huy đã hi sinh anh dũng trong khi ngăn cản đạo quân viễn chinh của Ba Tư năm 480 trước công nguyên.

Chọn tập
Bình luận
× sticky