Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 14 – Chương 7

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Sau khi rời Moskva, Petya đã từ giã gia đình đến trung đoàn và ít lâu sau được bổ làm sĩ quan tuỳ tùng cho một viên tướng chỉ huy một chi đội lớn. Từ khi được thăng chức sĩ quan và nhất là từ khi gia nhập bộ đội chiến đấu đánh trận Vyazma, Petya luôn luôn có một tâm trạng phấn khời, sung sướng vì nghĩ rằng mình đã thành người lớn, và cậu chỉ nơm nớp lo sợ bỏ lỡ mất cơ hội nào, có thể thực hiện một hành động anh hùng thật sự. Petya rất sung sướng về những điều mà cậu được trông thấy và thể nghiệm trong quân đội, nhưng đồng thời cậu cứ luôn có cảm tưởng là nơi nào hiện không có cậu ta thì chính là nơi diễn ra những việc quan trọng nhất, anh hùng nhất. Và Petya vội vã tìm cách đến những nơi hiện không có mặt cậu ta.

Ngày hai mươi mốt tháng mười, khi viên tướng của Petya tỏ ý muốn phái người đến đội du kích của Denixov, Petya khẩn khoản xin đi một cảnh thảm thương đến nỗi viên tướng không sao từ chối được. Nhưng khi phái Petya đi, viên tướng nhớ lại hành động điên rồ của cậu ta ở trận Viazma: lần ấy đáng lẽ phải đi đến nơi được phái đến bằng con đường người ta chỉ định cho mình thì Petya lại phi ngựa lên tiền tiêu dưới hoả lực của quân Pháp và bắn hai phát súng tay ở đấy. Cho nên khi phái Petya đi, viên tướng cấm ngặt Petya không được tham gia vào bất cứ hoạt đông nào của Denixov.

Chính vì thế mà Petya đỏ mặt lúng túng khi Denixov hỏi xem cậu ta có ở lại được không. Trước khi đến ven rừng, Petya vẫn tự nhủ là phải thi hành mệnh lệnh cho thật đúng và trở về ngay. Nhưng khi trông thấy Tikhon và được biết đêm nay họ nhất định tấn công, thì với cái khả năng thay đổi ý kiến rất nhanh của tuổi trẻ, cậu ta tự nhủ rằng viên tướng của cậu ta, người mà cậu ta rất kính trọng, là một lão Đức bất tài, rằng Denixov là một trang anh hùng, viên thủ lĩnh cô dắc cũng là một trang anh hùng, cả Tikhon cũng thế, và trong giờ phút khó khăn này mà bỏ họ ra đi thì thật là xấu hổ.

Trời đất xâm xẩm tối khi Denixov cùng với Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc đến gần ngôi trạm gác rừng. Trong ánh hoàng hôn nhá nhem thấp thoáng những con ngựa đã đóng yên, những người cô-dắc, những người lính phiêu kỵ đang lấy cành cây làm lán ở khoảng đất quang và đốt lửa ở dưới khe núi, để cho quân Pháp khỏi trông thấy khói. Trong gian phòng trước cửa ngôi trạm nhỏ, một người cô-dắc ống tay xắn cao đang chặt thịt cừu. Ở nhà trong có ba viên sĩ quan trong đội du kích của Denixov đang lấy cánh cửa ghép thành bàn. Petya cởi chiếc áo ướt đem hong cho khô và lập tức bắt tay vào giúp viên sĩ quan dựng bàn ăn.

Mười phút sau, bàn đã dựng xong, mặt bàn phủ một chiếc khăn bông, Trên bàn có bày rượu vodka, rượu rum đựng trong một cái lọ, mấy khoanh bánh mì trắng và mấy súc thịt cừu rán có rắc muối.

Ngồi ăn với các sĩ quan và xé miếng thịt cừu béo thơm với mấy ngón tay nhầy nhụa những mỡ, Petya có một tâm trạng phấn khởi trẻ con, cái tâm trạng làm cho người ta thấy yêu mến mọi người, và do đó mà tin chắc rằng những người khác cũng yêu mến mình như vậy.

– Thế anh nghĩ sao hở anh Vaxili Fiodorovich, – cậu nói với Denixov, – tôi ở lại với các anh một hôm được chứ? – Và không đợi câu trả lời, cậu tự đáp cho mình nghe: – Họ sai tôi đến tìm hiểu tình hình, thì tôi tìm hiểu chứ sao… Miễn là các anh để cho tôi đến đúng vào…, chỗ nào chủ yếu nhất… Tôi không cần khen thưởng gì. Tôi chỉ muốn… – Petya nghiến răng đưa mắt nhìn quanh, lắc mái đầu đang ngẩng lên và khua tay.

– Chỗ nào chủ yếu nhất… – Denixov mỉm cười nhắc lại.

– Chỉ xin một điều là các anh cho hẳn tôi một đội để tôi chỉ huy, – Petya nói tiếp, – Thì các anh có mất gì đâu? À, anh cần dao à? – cậu ta nói với một viên sĩ quan đang loay hoay muốn cắt miếng thịt cừu. Đoạn cậu đưa dao xếp cho viên sĩ quan.

Viên sĩ quan khen con dao.

– Anh cứ lấy mà dùng. Tôi có nhiều chiếc như thế… – Petya nói với viên thủ lĩnh cô-dắc. – Tôi mua được của lão bán hàng rong ở đơn vị một chiếc ấm rất tuyệt! Đồ của lão toàn loại thượng hảo hạng cả. Mà lão ta rất thật thà. Cái ấy mới là cái chính. Thế nào tôi cũng sẽ gửi biếu ông. À hay có lẽ ông đã hết lửa(1) rồi cũng nên? Thường cũng có khi như vậy. Tôi có mang theo, đây này… – Cậu ta chỉ mấy cái túi dết, – có một trăm thỏi đá lửa. Tôi mua được rất rẻ: ông cần bao nhiêu xin cứ lấy mà dùng, lấy hết đi cũng được. – Rồi bỗng đâm hoảng, không biết mình nói như vậy có quá chăng, Petya im bặt mặt đỏ bừng.

Cậu ta bắt đầu nhớ lại xem vừa rồi mình có làm điều gì ngu xuẩn nữa không. Ôn lại những việc xảy ra trong ngày, cậu sực nhớ đến chú đánh trống người Pháp. “Chúng ta thì sung sướng thế này, nhưng nó thì sao? Họ để nó ở đâu rồi? Họ có cho nó ăn không? Họ có hành hạ nó không?” – Petya nghĩ thầm. Nhưng nhận thấy mình vừa nói nhảm về chuyện đá lửa, cậu ta đâm ra sợ sệt.

– Không biết xin có được không? – cậu ta nghĩ, – sợ họ lại bảo mình cũng là trẻ con nên mới thương thằng trẻ con ấy. Mai ta sẽ cho họ thấy ta có trẻ con hay không! Ta mà xin thì có gì xấu hổ không nhỉ? Ờ, cần nhìn các sĩ quan xem họ có ý chế giễu gì chăng.

– Gọi thằng bé bị bắt vào đây có được không ạ? Cho nó ăn dăm ba miếng… có lẽ…

– Được chứ, khổ thân thằng bé, – Denixov nói, hẳn là chàng không thấy có gì đáng hổ thẹn trong việc nhắc đến chú bé, – Cho gọi nó vào đây. Nó tên là Vincent Bos. Gọi nó vào.

– Tôi gọi cho, – Petya nói.

Gọi đi, gọi đi. Khổ thân thằng bé, – Denixov lặp lạị

Petya đang đứng ở cửa khi Denixov nói câu này. Cậu ta len qua đám sĩ quan đến sát cạnh Denixov.

– Anh cho phép tôi hôn anh một cái, anh nhé? – cậu ta nói. Ô tuyệt quá thích quá! – Và sau khi hôn Denixov cậu chạy ra ngoài.

– Bos Vincent! – Petya đứng lại ở cửa cất tiếng gọi.

– Ngài cần gọi ai ạ? – Trong bóng tối có tiếng hỏi. Petya đáp là cần gọi thằng bé người Pháp vừa bắt được hồi sáng.

– À thằng Vexenny ấy phải không ạ? – người cô-dắc nói.

Tên chú bé Vincent đã được những người cô-dắc đổi thành Venxenny, còn nông dân và binh sĩ và binh sĩ thì đổi thành Vixenya. Trong cả hai cách cải biến này ý nghĩa mùa xuân đều phù hợp với hình ảnh cậu bé măng sữa(2).

– Chú bé đang ngồi sưởi ở đống lửa đằng kia. Ê, Vixenya! Vixenya! Vixenya – Trong bóng tối có nhiều tiếng truyền đi và tiếng cười khúc khích.

– Thằng bé láu lỉnh lắm, – người lính phiêu kỵ đứng cạnh Petya nói. – Chúng tôi vừa cho nó ăn lúc nãy. Nó đòi khiếp đi được.

Trong bóng tối có tiếng những bước chân không đâm lép bép trong bùn, rồi chú lính đánh trống đến gần khung cửa.

– À anh đấy à – Petya nói. – Có muốn ăn không? Đừng sợ, chẳng ai làm gì anh đâu, – cậu ta nói thêm, rụt rè và thân ái đưa tay chạm vào chú bé. – Vào đi, vào đi.

– Cám ơn ông ạ, – chú lính đánh trống đáp, giọng non nớt run run, rồi bắt đầu quệt hai bàn chân lấm bùn vào ngưỡng cửa.

Petya muốn nói thật nhiều với chú bé, nhưng không dám. Cậu cứ đứng cạnh chú bé ở phòng ngoài, hết đứng chân này lại đổi sang chân bên kia. Rồi cậu nắm lấy tay chú bé mà xiết trong bóng tối.

– Vào đi, vào đi! – Petya chỉ nhắc lại, giọng thầm âu yếm.

“Chao, biết làm gì cho chú bé bây giờ, – Petya tự nhủ, đoạn mở cửa rồi tránh sang một bên cho nó bước vào phòng.

Khi chú lính đánh trống đã vào trong gian phòng nhỏ hẹp, Petya cố ngồi cách xa chú bé, nghĩ rằng mình mà tỏ ra chú ý đến nó thì e mất phẩm giá. Cậu chỉ nắn nắn lấy mấy đồng tiền trong túi, lòng ngần ngại không biết là đem cho chú lính đáng trống kia thì có gì xấu hổ không?

Chú thích:

(1) Vào thời kỳ (1812) ở kíp súng trường và súng tay có lắp một thỏi đá lửa mài nhọn. Khi kíp bật xuống đá lửa phát ra một tia lửa làm cháy ngòi thuốc

(2) Venxenny là tính từ phái sinh của Vexna – mùa xuân. Visenya cũng có một âm hưởng khen gợi ý Vexna.

Chọn tập
Bình luận