Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 4 – Chương 15

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Hẹn đến mai và giữ dáng diệu chững chạc không phải là việc khó, nhưng lủi thủi trở về nhà, trông thấy mặt các em và cha mẹ, thú nhận tội lỗi, rồi xin một món tiền mà mình không có quyền đòi hỏi sau khi đã lấy danh dự ra hứa hẹn – việc đó thật là khủng khiếp.

Người nhà vẫn chưa đi ngủ. Bọn trẻ nhà Roxtov sau khi đi xem hát về và đã ăn bữa khuya, đang quây quần xung quanh chiếc dương cầm. Nikolai vừa bước vào phòng khách đã thấy mình bao phủ trong bầu không khí ái ân và thi vị bàng bạc trong nhà suốt mùa đông năm ấy. Bây giờ, sau việc cầu hôn của Dolokhov và buổi khiêu vũ của Yoghel, bầu không khí ấy tựa hồ đã tụ lại dày hơn nữa xung quanh Sonya và Natasa, như khi trời trước cơn giông. Hai cô thiếu nữ trong bộ áo màu thanh thiên mặc đi xem hát, xinh đẹp và biết mình xinh đẹp, đang sung sướng, tươi cười đứng bên dương cầm. Vera và Sinsin đang đánh cờ ở phòng khách. Lão bá tước phu nhân thì trong khi chờ đợi ông chồng và cậu con, đang chơi bói bài với một bà già quý tộc lưu trú trong nhà. Denixov ngồi trước dương cầm, hai mắt sáng quắc, tóc rối bù, một chân co ra phía sau, đang đưa mười ngón tay ngắn ngủi đập từng hợp âm, và, mắt đảo qua đảo lại cất giọng khàn khàn nhưng đúng cung bậc bài hát “Đạo cô” – bài thơ anh ta mới làm và đang tìm cách phổ nhạc.

Đạo cô ơi! Mãnh lực nào thúc đẩy

Khiến tơ đồng yên ngủ bỗng vang lên.

Nàng nhen lên trong lòng ta, rực cháy

Ngón tay ta run rẩy, chẳng sao yên?

Chàng hát với một giọng thiết tha, đôi mắt đen nhánh long lanh như mã não bắn những tia chớp về phía Natasa, khiến nàng sợ hãi nhưng sung sưởng.

– Hay quá! Tuyệt diệu! – nàng reo lên – Một khúc ca nữa đi anh! – nàng nói thêm, không để ý đến Nikolai.

“Đối với họ vẫn không có gì thay đổi”. – Nikolai nghĩ ngợi trong khi đưa mắt nhìn qua phòng khách và trông thấy Vera, lão bá tước phu nhân và cụ già.

– À, anh Nikolai đã về! – Natasa chạy ra đón chàng.

– Cha có nhà không? – chàng nói.

– Anh về làm em mừng quá! – Natasa nói, không đáp lại câu hỏi của chàng – Chúng em ở nhà vui quá anh ạ. Anh Vaxili Dimitrich ở lại thêm một ngày vì em đấy.

– Không, cha chưa về – Sonya nói.

– Kolo, con đã về đấy ư, đi vào đây con, – tiếng bá tước phu nhân nói trong phòng khách.

Nikolai đi đến chỗ mẹ ngồi, hôn tay bà, và lặng lẽ ngồi xuống cạnh bàn, đưa mắt nhìn theo bàn tay bà đang xếp đặt mấy quân bài. Từ bên phòng lớn vẫn văng vẳng lại những tiếng cười và những giọng nói vùi vẻ đang van nài Natasa.

– Thôi được rồi, được rồi – Denixov nói to – Bây giờ từ chối cũng vô ích, tiểu thư còn nợ tôi bài “đò đưa”(1), tôi van tiểu thư.

Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn cậu con trai đang ngồi im lặng.

– Con làm sao thế? – bà hỏi chàng.

– À có sao đâu ạ – chàng nói, tựa hồ câu hỏi muôn lần như một ấy đã làm cho chàng bực mình. – Cha đã sắp về chưa?

– Có lẽ sắp về đấy.

“Ở nhà chẳng có gì thay đổi. Chưa ai hay biết gì cả. Bây giờ biết rúc vào đâu?” – Nikolai tự nhủ và trở về gian phòng khách lớn có cây dương cầm.

Sonya đang ngồi trước dương cầm đánh đoạn mở đầu bài “đò đưa” mà Denixov đặc biệt ưa thích. Natasa đang chuàn bị hát.

Denixov thì đang nhìn nàng với đôi mắt hân hoan. Nikolai bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

“Tự dưng lại bảo nó hát làm gì thế? Nó thì hát được cái gì? Chả có gì là vui thú cả” – chàng nghĩ.

Sonya dạo hợp âm thứ nhất của đoạn mở đầu.

“Trời ơi, mình là một con người bỏ đi, một con người đã mất hết danh dự, chỉ còn việc cho một viên đạn vào óc, chứ hát với xướng gì nữa?” – chàng tự nhủ. – Hay là đi biệt? Nhưng đi đâu? Thôi, cứ để mặc cho họ hát!”

Nikolai vẫn tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt u uất, chốc chốc lại liếc nhìn Denixov và hai cô thiếu nữ, đồng thời lẩn tránh mắt họ.

“Nikolenka, anh làm sao thế?” Đôi mắt của Sonya như muốn hỏi. Nàng đoán ngay được rằng chàng đã gặp một chuyện chẳng lành.

Nikolai ngoảnh mặt đi, không nhìn nàng. Natasa với các trực giác nhạy bén của nàng cũng đã nhận thấy ngay tình trạng anh mình. Nàng có nhận thấy, nhưng trong giờ phút này bản thân nàng đang vui vẻ, xa cách mọi sự phiền não, mọi nỗi u buồn, mọi lời trách móc, cho nên nàng tự lừa dối mình một cách hữu ý (thanh niên thường như thế). “Bây giờ mình vui sướng quá, mình không muốn tiếp xúc với sự phiền não của người khác để làm hư hỏng mất niềm vui sướng cảu mình” – đó là chân tình của nàng, nhưng nàng lại nói với mình một cách khác – “Không đâu, chắc là mình lầm, nhất định anh ấy cũng vui sướng như mình”.

– Nào, Sonya, – nàng nói và bước ra chính giữa phòng, nơi mà nàng cho là điều kiện âm hưởng tốt hơn cả. Nàng ngẩng đầu, buông thõng hai bàn tay như một vũ nữ và bước mạnh ra chính giữa phòng, mỗi bước đi đều nhấn mạnh chân chuyển từ gót giày sang mũi giày, rồi dừng lại.

Dáng vẻ của nàng như nói với hộ nàng: “Đây tôi như thế này đáy!” để đáp lại cái niềm hân hoan của Denixov đang theo dõi nàng.

“Nó vui thích cái nỗi gì thế không biết! – Nikolai nghĩ trong khi nhìn em. – Sao nó không thấy chán, không thấy ngượng nhỉ!”

Natasa đưa lên một nốt đầu tiên, cổ nàng dãn ra, ngực nàng nâng lên, hai mắt nàng trở nên nghiêm trang. Lúc đó nàng không nghĩ đến cái gì hết, cũng không nghĩ đến ai hết, từ đôi môi tươi cười của nàng, những âm thanh tuôn ra, những âm thanh mà mỗi người đều có thể xướng lên theo những âm trình như nhau, với một nhịp diệu như nhau, những âm thanh mà một ngàn lần ta đều cảm thấy nhạt nhẽo, nhưng đến lần thứ một ngàn linh một thì phải rung động và ứa nước mắt.

Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên Natasa đã bắt đầu hát một cách nghiêm túc, đặc biệt vì có Denixov say sưa thưởng thức tiếng hát của nàng. Bây giờ nàng không hát như một đứa trẻ nữa, trong tiếng hát của nàng không còn có sự cố gắng chăm chỉ buồn cười của trẻ con như ngày trước; Nhưng nàng hát chưa giỏi, theo ý kiến của tất cả những người sành hát đã nghe giọng nàng. “Giọng tốt nhưng chưa được luyện, cần phải luyện thêm”, mọi người đều nói. Nhưng người ta nói thế thường là sau khi tiếng nàng đã im bặt từ lâu. Còn trong khi cái tiếng chưa luyện ấy đang đưa lên với những hơi thở không đúng lúc, với những chỗ chuyển giọng khó nhọc, thì chính những người sành hát cũng không nói gì, mà chỉ biết thưởng thức cái giọng chưa luyện ấy và cứ muốn nghe nó lại một lần nữa. Trong giọng hát của nàng có một cái gì trong trẻo, trinh bạch, một cái gì hồn nhiên, không tự biết giá trị của mình, một cái gì êm dịu như nhung, nhưng hãy còn mộc mạc, phối hợp khéo léo với những nhược điểm kỹ thuật đến nỗi hình như chỉ thay đổi một điểm nhỏ trong giọng hát ấy cũng đủ làm cho nó hư hỏng mất.

“Làm sao thế nhỉ? – Nikolai nghĩ thầm khi nghe giọng hát của nàng, chàng mở to mắt – Nó có cái gì thay đổi? Hôm nay nó hát hay quá!” và đột nhiên đối với chàng cả vũ trụ đều quay tụ lại trong phút đợi chờ nốt nhạc theo sau, câu hát theo sau! Và mọi sự vật trong vũ trụ đều chia làm ba phách: o miv crudele afetto “Một, hai, ba… một, hai, ba… một… O miv crudele afetto… Một, hai, ba… một. Chà, cuộc đời chúng ta thật là ngu xuẩn! – Nikolai nghĩ – Tất cả, nào là vận đen, nào là tiền bạc, nào là Dolokhov, nào là oán hờn, nào là danh dự tất cả những cái đó đều là chuyện vô nghĩa… Đây, cái này mới đáng kể này. Xem nào, Natasa! Xem nào, em gái yêu của tôi; xem nào, cô bạn thân mến! Em tôi sẽ đưa cái nốt si ấy như thế nào? Nó đã được rồi! Trời ơi!” – và chàng bất giác hát bè đệm cách nốt cao một khoảng ba, để tăng cường cho cái nốt si ấy mà cũng không biết rằng mình đang hát nữa. “Trời ơi! Hay quá! Có thật là chính ta đã hát lên không? Sung sướng làm sao! – Chàng nghĩ. Ôi cái hợp âm quang đãng ba ấy nó réo rắt làm sao, và những gì tốt đẹp nhất trong lòng Roxtov đã rung động theo nó mãnh liệt đến nhường nào! Và cái đó không dính dáng gì đến mọi sự vật ở trên đời. Kể gì thua bạc, kể gì Dolokhov, kể gì lời hứa danh dự, và quả thật… Đó toàn là những chuyện nhảm nhí! Có thể giết người, ăn trộm mà vẫn hạnh phúc.

Chú thích:

(1) Barcarolla (tiếng Ý).

Chọn tập
Bình luận