Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 2 – Chương 8

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Số bộ binh còn lại vội vã qua cầu, đến đầu cầu thì tóp lại thành hình cái phễu. Bây giờ xe cộ đều đã qua hết, tình trạng chen lấn đã giảm bớt, và tiểu đoàn cuối cùng đã bước lên cầu. Chỉ có đội quân phiêu kỵ của Denixov là ở lại bên kia. Từ ngọn đồi cao nhất ở trước mặt cầu người ta có thể thấy quân địch ở đàng xa, nhưng đứng trên cầu thì không thấy được vì ở chỗ đất trũng, mà dòng sông chảy qua, chân trời bị một quả đồi chắn ngang cách đó không đầy nửa dặm. Ở phía trước có một khoảng đất trống, trên đó lác đác có những đội tuần tiễu cô-dắc của ta đang đi động. Đột nhiên trên dốc đường đối diện thấy hiện ra những đội quan mặc áo dài màu lam và những khẩu đại bác. Đó là quân Pháp. Một đội tuần tiễu cô-dắc phóng nước kiệu rút lui xuống chân dốc. Trong kỵ đội của Denixov, các sĩ quan và binh lính tuy cố nói chuyện khác và nhìn đi nơi khác, nhưng họ chỉ nghĩ đến sự việc đang xảy ra ở bên kia, và luôn luôn đưa mắt nhìn vào những cái vệt xuất hiện ở chân trời, mà họ nhận định là quân địch.

Vào buổi quá trưa, trời càng tạnh sáng, ánh nắng rực rỡ chiếu xuống dòng sông Đonao và những ngọn núi sẫm màu ở ung quanh. Mọi vật đều im lặng. Từ quả đồi bên kia, thỉnh thoảng có tiếng kèn đồng và tiếng quát tháo của quân địch vẳng lại. Giữa kỵ đội và quân địch, chỉ còn những đội tuần tiễu nhỏ. Một khoảng trống chừng sáu trăm thước ngăn cách hai bên. Quân địch không bắn nữa, và như thế lại càng làm cho người ta cảm thấy một cách rõ rệt cái giới tuyến nghiêm ngặt, đáng sợ, không đến gần được, không nắm giữ được, chia cách hai đạo quân đối địch.

“Quá một bước sang bên kia cái giới tuyến ấy – giống cái giới tuyến giữa dương thế và âm ti thì đã sang đến một cõi mịt mùng bí ẩn, bờ cõi của đau khổ và chết chóc. Và ở đó là những gì? Ở đó có những ai? Kia kìa, ở bên kia cánh đồng ấy, ở bên kia cái cây ấy, ở bên kia cái mái nhà nắng chiều ấy? Chẳng ai biết cả, nhưng mỗi người đều muốn biết; nghĩ đến khi vượt qua cái giới tuyến ấy thì sợ, nhưng đồng thời lại giục giã muốn vượt qua; mà ai cũng biết rằng trước sau rồi cũng pflải vượt qua cái tuyến ấy và sẽ biết ở bên kia như thế nào, chẳng khác gì trước sau rồi cũng sẽ biết bên kia cái chết như thế nào. Ấy thế mà mình vẫn mạnh khoẻ, vui vẻ, xốc xáo, và xung quanh cũng toàn những người mạnh khoẻ xốc xáo, phấn khởi như vậy”. Trước mặt quân địch, mọi người đều nghĩ, hay ít ra cũng đều cảm giác như vậy, và cái cảm giác ấy làm cho mọi sự việc xảy ra lúc bấy giờ đều nổi bật lên, và các ấn tượng trở nên vui tươi và sắc nét.

Từ trên quả đồi bên phía địch, một làn khói phụt lên: kèm theo một tiếng đại bác nổ, rồi quả tạc đạn vừa rít vừa bay qua trên đầu đội phiêu kỵ. Các sĩ quan đang tụ tập đều trở về vị trí của mình. Các kỵ binh thì giục ngựa chỉnh đốn hàng ngũ. Trong kỵ đội, tất cả đều im lặng. Mọi người đều nhìn về phía trước, về phía quân địch, và nhìn vào bên chỉ huy kỵ đội, chờ mệnh lệnh. Một quả tạc đạn nữa bay qua, rồi một quả thứ ba. Rõ ràng quân địch nhằm vào đại đội phiêu kỵ, nhưng trái phá chỉ bay qua trên đấu họ với một tiếng nt đều và nhanh rồi rơi xuống một nơi nào ở phía sau. Các kỵ binh không ngoảnh lại, nhưng mỗi khi có tiếng nt của một quả tạc đạn, toàn đội với những bộ mặt khác nhau mà lại đồng nhất, đều nhớn người trên bàn đạp và nín thở trong khi quả tạc đạn bay qua, rồi lại buông người xuống yên ngựa, răm rắp như tuân theo một mệnh lệnh. Không hề quay đầu, các binh sĩ tò mò liếc mắt nhìn nhau để em bạn mình như thế nào. Trên mỗi gương mặt, từ Denixov đến người lính kèn, ở xung quanh môi và cằm đều hiện ra một nếp hằn lộ rõ tâm trạng căng thẳng, khích động và hồi hộp. Viên giám ngũ cau mày nhìn các binh sĩ, trông như đe doạ xử phạt. Viên chuẩn uý Mironov thì cúi mình xuống mỗi khi có một quả tạc đạn bay qua.

Bên sườn trái, Roxtov đang cưỡi con ngựa Gratsik đau chân nhưng hùng dũng; chàng sung sướng như một cậu học sinh đang qua một cuộc sát hạch trước mặt một công chúng đông đảo mà biết chắc rằng mình đang giải đáp xuất sắc. Chàng đưa đôi mắt trong trẻo và sáng sủa nhìn những người đứng xung quanh, tuồng như muốn cho mọi người đều chứng kiến cái thái độ bình tĩnh của mình dưới sự đe doạ của đạn đại bác. Tuy vậy, trên gương mặt chàng, nếp hằn mới lạ và nghiêm khắc kia cũng hiện ra xung quanh miệng.

– Ai đang cúi chào lom khom ở đằng kia thế hả? Chuẩn uý Mironov! Thế là không tốt, phải nhìn tôi đây này! – Denixov quát to chàng đứng không yên cứ cưỡi ngựa đi qua lại trước mặt kỵ đội.

Bộ mặt của Vaxka – Denixov với cái mũ hếch lên, với món tóc đen nhánh và cái bóng dáng rút ngắn của anh, bàn tay gân guốc với những ngón tay ngắn và lông lá đang nắm chặt chuôi thanh kiếm tuốt trần, tất cả đều giống hệt như ngày thường, nhất là về chiều, khi anh ta đã uống hết hai chai; chỉ có điều là bây giờ mặt anh ta đỏ hơn. Ngẩng cao mái đầu bù xù lên như con chim đang uống nước, đôi chân nhỏ nhắn thúc riết cựa giày vào hông con ngựa Beduyn, Denixov phi về phía sườn bên kia kỵ đội, thân hình như ngã ngửa ra đằng sau, và cất giọng khàn khàn ra lệnh cho kỵ binh phải kiểm lại súng ngắn. Chàng đến cạnh Kirxten, viên thượng uý này là chỉ huy phó của kỵ đội, anh ta cưỡi một con ngựa cái rộng lưng và đằm tính, cho nó đi bước một đến trước mặt Denixov. Với bộ ria mép dài, gương mặt anh ta vẫn nghiêm trang như mọi khi, chỉ có đôi mắt sáng hơn ngày thường.

– Thế nào? – Anh ta nói với Denixov – Chắc cũng chả đánh nhau đâu. Rồi cậu xem, quân ta sẽ rút lui thôi.

– Có quỷ biết được chúng làm gì! – Denixov càu nhàu – Này Roxtov? – Anh ta ngoảnh về phía viên chuẩn uý gọi to, khi thấy bộ mặt vui vẻ của Roxtov. Bây giờ thì cậu mãn nguyện rồi chứ!

Rồi anh ta cười ra vẻ tán đồng, rõ ràng là rất bằng lòng về viên chuẩn uý. Roxtov cảm thấy sung sướng trọn vẹn. Vừa lúc ấy viên trung đoàn trưởng xuất hiện ở chân cầu. Denixov thúc ngựa tiến đến trước mặt vị chỉ huy.

– Thưa đại nhân! Xin ngài cho phép tôi tiến công. Tôi sẽ đánh lui bọn chúng.

– Tiến công gì mà tiến công! – Viên đại tá nói, giọng bực bội, và đồng thời nhăn mặt lại như để xua đuổi một con ruồi đang quấy rầy. – Anh còn ở đây làm gì? Anh thấy đó, lính cảnh giới đang rút. Cho kỵ đội rút về thôi!

Đại đội phiêu kỵ qua cầu và ra khỏi vùng đạn lửa, không tổn thương một người nào. Một kỵ đội khác đã lên tuyến cũng theo sau, và những người cô-dắc cuối cùng rời khỏi bờ bên kia.

Cả hai đại đội của trung đoàn Pavlograd, sau khi đã qua cầu, đều rút lên đồi. Đại tá trung đoàn trưởng Karl Bogdanovich Subert đi nhập vào với kỵ đội của Denixov và cho ngựa đi bước một, cách Roxtov không xa nhưng không để ý gì đến chàng cả, mặc dầu đây là lần đầu tiên họ gặp nhau từ cuộc xung đột giữa hai người về vụ Telyanin. Bây giờ ra trận, Roxtov thấy mình ở trong tay người ấy, mà mình lại có lỗi đối với người ta, nên hai mắt cứ đăm đăm nhìn vào tấm lưng lực sĩ, cái gáy tóc vàng và cái cổ đỏ gay của viên trung đoàn trưởng. Khi thì chàng cho rằng Bogdanyts chỉ giả vờ hờ hững đối với chàng và mục đích duy nhất của lão lúc bấy giờ là thử thách lòng can đảm của viên chuẩn uý. Chàng ưỡn ngực lên và vui vẻ đưa mắt nhìn quanh; khi thì chàng cho rằng Bogdanyts cố ý đi gần mình để phô trương lòng can đảm của lão. Khi thì chàng tự nhủ rằng đối phương của mình sẽ đưa kỵ đội vào một trận tập kích liều lĩnh để trừng phạt mình, Roxtov. Hay cũng có thể sau trận tấn công, viên đại tá sẽ tiến đến trước mặt mình và sẽ đưa ra một bàn tay hào hiệp để hoà giải với mình là người lúc bấy giờ đã bị thương.

Zerkov, với cái bóng dáng có đôi vai nhô lên mà quân phiêu kỵ Pavlograd rất quen thuộc (anh ta mới rời trung đoàn chưa được bao lâu) đến gặp viên đại tá. Sau khi bị trục khỏi Đại bản doanh, Zerkov không ở lâu trong trung đoàn, anh ta tự nhủ dại gì mà đày đoạ tấm thân trong hàng ngũ trong khi ở bộ tham mưu cũng chẳng làm gì cả cũng được thăng chức rất nhanh, và anh ta đã khéo chạy vạy để được bổ nhiệm chức sĩ quan phụ tá của công tước Bagration. Giờ đây anh ta mang lại cho quan thầy cũ một mệnh lệnh của quan Tư lệnh đạo quân hậu vệ.

– Thưa đại tá – Anh ta nói với đối phương của Roxtov với bộ mặt nghiêm trang và ảm đạm mà anh ta thường có, đồng thời đưa mắt nhìn các bạn cũ – có lệnh phải dừng lại và phải châm lửa đốt cầu.

– Lệnh của ai? – Viên đại tá hỏi, giọng càu nhàu.

– Thật tôi cũng không biết đích xác là của ai, thưa đại tá – viên thiếu uý nghiêm trang đáp – nhưng công tước có dặn tôi: “Anh phải đi ngay và bảo đại tá phải lập tức cho quân phiêu kỵ quay lại châm lửa đốt cầu”.

Sau Zerkov có một viên sĩ quan tuỳ tùng cũng mang đến một mệnh lệnh như thế cho viên đại tá phiêu kỵ. Theo sau viên sĩ quan là Nexvitxki dáng người to béo, cưỡi con ngựa cô-dắc mệt lử vì phải mang chàng trên lưng mà phi.

– Kìa, đại tá, – chàng kêu lên ngay trước khi dừng ngựa – tôi đã bảo ông châm lửa vào cầu, thế mà người nào đã làm rối beng cả lên; Ở bên ấy phát điên cả rồi chắc, thật chẳng còn hiểu ra sao nữa.

Viên đại tá thong thả ra hiệu cho trung đoàn dừng lại, và nói với Nexvitxki.

– Ngài có nói với tôi về những chất liệu dẫn hoả – nhưng về chuyện châm lửa đốt cầu, thì ngài có nói gì với tôi đâu!

– Sao lại thế, ông bạn ơi, – Nexvitxki vừa nói vừa dừng lại và cất mũ lưỡi chai đưa bàn tay mập mạp lên vuốt mái tóc ướt đẫm mồ hôi – làm sao tôi lại không bảo ông châm lửa đốt cầu, khi đã nói đặt chất dẫn hoả vào đấy?

– Tôi không phải là “ông bạn thân” của ngài, thưa ngài sĩ quan tham mưu, và ngài không hề bảo tôi châm lửa đốt cầu! Tôi biết phần việc của tôi và tôi có thói quen chấp hành mệnh lệnh một cách tỉ mỉ. Ngài có nói là sẽ châm lửa, nhưng ai châm lửa, thì nào tôi có phép của đấng Thánh Linh(1) đâu mà biết?

– Thôi được, ông thì bao giờ cũng thế – Nexvitxki khoát tay nói – Cậu đến đây có việc gì? – Chàng hỏi Zerkov.

– Cũng như cậu. Nhưng cậu ướt hết rồi còn gì, để tôi vắt cho cậu.

– Thưa ngài sĩ quan tham mưu, ngài có nói… – Viên đại tá lại nói tiếp, giọng giận dỗi.

– Thưa đại tá – viên sĩ quan tuỳ tùng ngắt lời – phải làm gấp nếu không, quân địch sẽ tiến đại bác đến tầm bắn đạn ria.

Viên đại tá lặng lẽ hết nhìn viên sĩ quan tuỳ tùng lại nhìn viên sĩ quan tham mưu to béo, rồi nhìn sang Zerkov và cau mày.

– Tôi sẽ đi đốt cầu – Ông ta nói một cách long trọng, dường như để tỏ ra rằng dầu họ có quay nhiễu ông ta đến đâu, ông ta cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ.

Hai cẳng chân gân guốc thúc cựa giày vào hông con ngựa, làm như thể lỗi tại nó tất, viên đại tá tiến lên phía trước và ra lệnh cho kỵ đội thứ hai – tức là kỵ đội trong đó có Roxtov phục vụ dưới quyền Denixov – phải trở lại cầu. “Đích rồi, chính đúng như thế – Roxtov tự nhủ – lão ta muốn thử thách mình!” Lòng chàng se lại và bao nhiêu máu trong tim đều dồn lên mặt. “Rồi lão xem mình có phải là một thằng hèn không”.

Một lần nữa, cái thần sắc nghiêm trang đã từng xuất hiện trong khi tạc đạn bay qua bây giờ hiện rõ trên những gương mặt vui vẻ của binh sĩ trong kỵ đội. Hai con mắt của Roxtov không rời khỏi đối phương là viên đại tá, vì chàng muốn tìm trên mặt lão một dấu hiệu gì xác thực cho những mối nghi ngờ của chàng; nhưng viên đại tá không hề nhìn chàng một lần nào, vẻ mặt anh ta nghiêm nghị và long trọng: khi ra trận bao giờ cũng vậy. Một tiếng hô vang lên.

– Mau lên! Mau lên! – Mấy người đứng gần Roxtov quát dồn.

Với những đôi cựa giày lách cách, những thanh gươm vướng vào cương ngựa, quân phiêu kỵ hấp tấp nhảy cả xuống đất, không biết phải làm gì. Mọi người đều làm dấu chữ thập. Roxtov không nhìn viên đại tá nữa, chàng không có thì giờ. Chàng cứ bồn chồn lo sợ rằng mình sẽ tụt lại đằng sau quân phiêu ky. Tay chàng run trong khi giao ngựa cho người kỵ binh quân mã và chàng cảm thấy một luồng máu nóng đang rừng rực dồn vào tim. Denixov, người ngả ra đằng sau, cưỡi ngựa đi qua trước mặt chàng, miệng hô lớn một hiệu lệnh gì không rõ. Roxtov không thấy vì cả ngoài những người kỵ binh chạy xung quanh chàng, cựa giày vướng vào nhau, gươm kêu lách cách trong vỏ.

– Cáng đâu? – Phía sau lưng chàng có tiếng kêu.

Roxtov không tự hỏi người ta gọi mang cáng lại để làm gì, càng cắm cổ chạy, chỉ cố sao đến trước mọi người, nhưng khi đến cầu, vì không nhìn xuống chân, chàng bị lún trong lớp bùn trơn dính đã bị giẫm nát nhão ra, vấp chân ngã chồm ra phía trước, hai tay chống xuống đất.

Những người khác vượt lên.

– Cho đi hai bên, đại uý – tiếng viên đại tá nói, ông đã đến từ trước và cưỡi ngựa đứng gần cầu, bộ mặt đắc thắng và vui vẻ.

Roxtov chùi hai tay lấm bùn vào quần, ngoảnh đầu về phía đối phương, muốn tiếp tục chạy lên và tự nhủ rằng chạy càng xa chừng nào hay chừng ấy. Nhưng Bogdanyts không nhìn chàng và cũng không nhận ra chàng, mà chỉ quát bảo:

– Ai chạy giữa cầu thế kia? Đi bên phải? Chuẩn uý, lùi lại – lão quát to, bực tức, và quay về phía Denixov đang cưỡi ngựa đi trên ván cầu để khoe khoang lòng dũng cảm của mình, nói:

– Đại uý, mạo hiểm làm gì? Xuống ngựa đi bộ thôi!

– Chà, nó sẽ trúng vào ai đáng trúng! – Vaxka Denixov vừa đáp vừa trở mình trên yên ngựa.

Trong khi ấy Nexvitxki, Zerkov và viên sĩ quan tuỳ tùng đứng cạnh nhau ở ngoài tầm súng, khi thì nhìn dúm người đội mũ ca-sô vàng, khoác áo đôn-man màu lục thẫm có nẹp ngang và mặc quần màu lam, đang rộn rịp gẩn cầu, khi thì trông sang bên kia cầu, về phía những bộ quân phục màu thanh thiên và những nhóm người xen lẫn với ngựa ở tận đằng xa, đang tiến lại gần, mà người ta có thể dễ dàng nhận ra là những đơn vị pháo binh.

“Họ có kịp châm lửa vào cầu hay không? Ai sẽ đến trước? Quân ta có đến được cầu và châm lửa không hay là quân Pháp sẽ tới vừa tầm đạn ria và sẽ quét sạch hết?”. Dầu muốn hay không, ai nấy đều hồi hộp tự đặt cho mình những câu hỏi ấy, trong đám người đông đúc đứng ở phía trên đang nhìn xuống cái đầu và toán lính phiêu kỵ dưới ánh mặt trời lặn, nhìn những cái áo dài màu thanh thiên xen lẫn với những lưỡi lê và những khẩu đại bác đang tiến lại gần.

– Ồ, đội phiêu kỵ rồi sẽ ăn đạn mất – Nexvitxki nói. – Họ không còn xa tầm đạn ria bao nhiêu nữa.

– Đem nhiều người như vậy thật là thất sách – viên sĩ quan tuỳ tùng nói.

– Thật đấy – Nexvitxki nói – chỉ phái hai người là được rồi, cũng thế thôi mà.

– À, thưa Đại nhân – Zerkov nói chen vào câu chuyện, mắt không rời đội quân phiêu kỵ nhưng vẫn giữ bộ mặt ngớ ngẩn, làm cho người ta không biết được anh ta nói thật hay đùa. – À, thưa Đại nhân! Ngài dạy thế nào ạ? Chỉ phái hai người đến thì làm thế nào cho mọi người đều được huân chương Vlađimir hạng ba? Còn làm như thế này thì tuy có ăn đạn thật, nhưng có thể đề nghị cho tất cả kỵ đội được khen thưởng mà chính mình cũng được chút băng đeo ngực. Lão Bogdanyts của chúng ta thật là biết xử sự.

– Ấy đấy – viên sĩ quan tuỳ tùng nói – nó bắn đạn ria kia kìa!

Anh ta chỉ những khẩu pháo của quân Pháp vừa tháo khỏi xe và đang gấp rút tiến lên.

Về phía quân Pháp, trong những nhóm có đại bác, một làn khói bay lên, rồi một lần nữa, rồi một làn thứ ba, hầu như đồng thời với nhau và đến khi nghe tiếng nổ thứ nhất thì thấy một làn khói thứ tư.

Có hai tiếng nổ kế tiếp nhau, rồi đến tiếng nổ thứ ba.

– Ồ… ồ – Nexvitxki rên rỉ như đang đau điếng người, và nắm lấy cánh tay của viên sĩ quan tuỳ tùng – Xem kia, một người ngã, ngã rồi, ngã rồi!

– Hai người thì phải?

– Tôi mà là Sa hoàng thì không bao giờ tôi gây ra chiến tranh – Nexvitxki nói đoạn ngoảnh mặt đi.

Quân Pháp lại hối hả nạp đạn vào súng đại bác. Bộ binh mặc áo dài màu thanh thiên tiến nhanh về phía cầu. Lại như trước, nhưng cách quãng không đều, những làn khói bay lên rồi đạn ria nổ lách tách quất vào đầu. Nhưng lần này Nexvitxki không thể trông thấy những gì đang diễn ra ở đấy. Một làn khói dày đặc từ cầu bay lên.

Quân phiêu kỵ đã châm được lửa vào cầu và những tổ pháo của quân Pháp bấy giờ đang bắn vào họ, không phải là để ngăn cản họ đốt cầu nữa mà chỉ vì mấy khẩu pháo đã chót chĩa về hướng ấy rồi và đang có một cái bia để bắn.

Quân Pháp đã bắn được ba loạt đạn ria trước khi quân phiêu kỵ trở về chỗ ngựa đứng. Hai loạt trước bắn không chính xác, đạn ria chỉ bay qua đầu, nhưng loạt sau cùng thì trúng vào chính giữa một đám phiêu kỵ đánh ngã ba người.

Roxtov bấy giờ đang bận tâm về những quan hệ giữa mình và Bogdanyts, đứng lại bên cầu, không biết nên làm gì. Không ai để cho chàng chém cả (chàng vẫn hình dung chiến trận như vậy), chàng cũng không thể giúp đỡ người khác châm lửa đốt cầu, vì chàng không mang theo một mồi rơm như người khác. Chàng đang đưa mắt nhìn quanh, bỗng có cái gì kêu lách tách trên cầu, dường như có ai vãi một mớ hạt dẻ, rồi người ky binh đứng gần chàng nhất vừa rên rỉ vừa gục ngã vào lan can. Đồng thời với mọi người, Roxtov chạy đến chỗ người lính. Lại như lần trước, một người kêu lên “Cáng đây!” Bốn người túm lấy vực lên.

– Ô… ô… Cứ để mặc tôi, vì Chúa – người bị thương kêu lên nhưng họ vẫn nâng hắn lên và hắn duỗi ra.

Nikolai Roxtov ngoảnh mặt đi và, như muốn tìm kiếm cái gì, chàng thờ thẫn đưa mắt nhìn về phía xa; nhìn nước sông Đonao, nhìn vòm trời, nhìn vầng thái dương. Vòm trời hôm nay sao đẹp quá, xanh ngắt, yên lặng, sâu thẳm! Vầng thái dương đang từ từ lãn về phía chân trời sao mà rực rỡ và trang trọng quá. Xa xa, nước sông Đonao long lanh êm dịu quá! Và càng đẹp hơn nữa là những rặng núi biếc xa tít, ở bên kia sông Đonao, là tu viện là những hẻm núi huyền bí, là những cánh rừng thông chìm đến tận ngọn trong đám sương chiều… ở đó là thanh bình, là hạnh phúc. “Ta không còn muốn gì nữa, ta không còn cần gì nữa, miễn là ta còn được ở đó, – Roxtov tự nhủ chỉ riêng trong mình ta và trong vầng thái dương kia đã có biết bao nhiêu là hạnh phúc, mà ở đây thì… toàn những tiếng rên rỉ, những nỗi đau khổ, sợ hãi, hỗn độn tán loạn…

“Kìa họ lại quát tháo cái gì và lại như trước, mọi người đều chạy về phía sau, không biết đi đâu, và ta cũng sắp chạy với họ, và nó đây, cái chết đây rồi, ở trên đầu ta, ở xung quanh ta… Chỉ một lát nữa thôi, và sẽ không bao giờ ta còn thấy vầng thái dương này, mặt nước này, các hẻm núi này nữa…”

Lúc ấy mặt trời bắt đầu lấp sau những đám mây; mấy chiếc cáng khác đi qua trước mắt Roxtov. Nỗi khiếp sợ trước cái chết, trước những chiếc cáng ấy, và lòng quý chuộng vầng thái dương, quý chuộng cuộc sống, tất cả đều đúc lại thành một ấn tượng đau đớn và da diết. “Lạy Chúa? Lạy đấng thiêng liêng đang ở trên trời cao kia, xin hãy cứu con, hãy tha thứ và phù hộ cho con!” – Roxtov nhẩm một mình.

Quân phiêu kỵ đã về đến chỗ những người quản mã đứng đợi, tiếng nói của mọi người đều trở lại mạnh mẽ và bình tĩnh, mấy cái cáng đã mất hút.

“Ê chú mày, đã ngửi thấy mùi thuốc súng rồi chứ?” – Giọng nói của Denixov quát to bên tai chàng.

“Thế là mọi việc đã xong xuôi; nhưng mình là một thằng hèn, phải, mình là một thằng hèn”.

Roxtov tự nhủ; và thở dài não ruột, chàng cầm lấy cương con ngựa Gratsik mà người quản mã trao cho chàng và nhảy lên mình nó.

– Lúc nãy là cái gì thế hả? Nó bắn đạn ria à? – Chàng hỏi Denixov.

– Hạng nặng ấy chứ lại? – Denixov nói to – Bọn mình làm ăn cừ lắm! Mà công việc thì chẳng hay hớm gì! Xung kích nói sướng, cứ chặt vào đống người, nhưng đằng này thì có quỉ biết được, nó bắn mình như bắn bia.

Rồi Denixov đi sang một nhóm người đang đứng cách Roxtov không xa, trong đó có viên đại tá, Nexvitxki, Zerkov và viên sĩ quan tuỳ tùng.

“Thế nhưng hình như không có ai để ý cả”, – Roxtov tự nhủ – Mà quả đúng như vậy, không ai để ý một tí nào cả, vì mỗi người đều đã trải qua cái tâm trạng mà viên chuẩn uý còn ít kinh nghiệm đã thể nghiệm lần đầu tiên.

– Thế cũng đủ để viết báo cáo rồi – Zerkov nói – biết đâu đấy, chính tôi cũng có thể thăng chức thiếu uý.

– Ông hãy báo cáo với công tước rằng “tôi” đã đốt cầu – viên đại tá nói giọng long trọng và vui vẻ.

– Thế nếu công tước hỏi tôi về tổn thất thì sao?

– Không đáng kể, – viên đại tá nói giọng trầm – hai kỵ binh bị thương và một kỵ binh nữa chết tại chỗ – Ông ta nói thêm, vui vẻ rõ rệt và không nén được một nụ cười sung sướng trong khi nhấn mạnh hai chữ “tại chỗ”.

Chú thích:

(1) Một trong “ba ngôi” của Đức Chúa trời (Sanutus Spirilus) sách công giáo ở nước ta thường dịch là Đức chúa Thánh Thần.

Chọn tập
Bình luận
× sticky