Người ngả nghiêng vì bị đám người xung quanh xô đẩy, Piotr nhớn nhác đưa mắt nhìn quanh.
Bá tước Piotr Kirilovich; bá tước ở đây sao? – có tiếng ai hỏi, Piotr quay lại nhìn.
Boris Drubeskoy đang lấy tay phủi đất ở đầu gối (hẳn là chàng cũng vừa quỳ trước tượng thánh) mỉm cười đến gần Piotr, Boris ăn mặc bảnh bao, có pha cái phong thái đã chiến thích hợp với lúc hành quân. Chàng mặc một cái áo đuôi én vạt dài, một chiếc roi ngựa vắt trên vai giống như Kutuzov.
Trong khi đó, Kutuzov đã đi vào làng và ngồi trong bóng râm của ngôi nhà gần nhất, trên một chiếc ghế dài và một người cô-dắc chạy vội mang đến cho ông ta, một người khác vội vàng phủ một tấm thảm lên trên. Một đoàn tuỳ tùng đông đúc và lộng lẫy bao quanh vị tổng tư lệnh.
Người ta lại rước tượng thánh đi và đám người lại theo sau. Piotr đứng cách Kutuzov ba mươi bước, nói chuyện với Boris.
Chàng nói rằng mình có ý định tham dự trận chiến đấu và muốn quan sát trận địa.
– Thế thì đây, bây giờ nên làm thế này – Boris nói: Tôi sẽ xin mời anh đi xem doanh trại. Muốn xem cho đủ thì tốt nhất phải là đứng ở chỗ nào có mặt bá tước Benrigxen. Tôi là sĩ quan phụ tá của, ngài, tôi sẽ giới thiệu anh với ngài. Còn nếu anh muốn đi một vòng quanh trận địa thì anh cứ đi với chúng tôi; bây giờ chúng tôi đang đi quan sát cánh trái đây. Rồi lúc trở về anh cho phép tôi mời anh ngủ một đêm ở chỗ tôi, và chúng ta sẽ đánh bài. Anh quen Dmitri Xergeyevich chứ? Anh ấy ở nhà này – Boris chỉ ngôi nhà thứ ba ở Gorki.
– Nhưng tôi lại muốn được xem cánh bên phải kia, nghe nói cánh ấy rất mạnh – Piotr nói – Tôi muốn được xem khắp cả trận địa từ sông Moskva trở đi.
– Được anh có thể xem sau, nhưng điểm chính là cánh bên trái…
– Phải, phải. A, anh có thể chỉ cho tôi biết trung đoàn của công tước Bolkonxki ở đâu không?
Trung đoàn của Andrey Nilolaievich ấy à? Chúng ta sẽ đi qua chỗ ấy và tôi sẽ đưa anh đến gặp ông ta.
– Thế tình hình cánh trái thế nào? – Piotr hỏi.
– Thật ra, chỗ anh với tôn tôi xin nói thực – Boris nói khe khẽ có vẻ tâm sự – Có trời biết tại sao cánh trái lại bố trí như vậy. Bá tước Benrigxen hoàn toàn không chủ trương như thế. Ông chủ trương củng cố ngọn đồi kia một cách khác hẳn, nhưng – Boris nhún vai – Điện hạ không muốn thế hay là có người xúi ông ta thì không rõ. Vì… Boris không nói hết lời vì lúc này Kaixarov, sĩ quan phụ tá của Kutuzov, đã đến gần Piotr.
– A, ông Paixi Xergeyevich – Boris mỉm cười ung dung quay về phía Kaixarov nói – Tôi đang cố gắng cắt nghĩa trận địa cho bá tước đây Kỳ diệu thật! Sao Điện hạ lại có thể đoán ra những ý đồ của quân Pháp một cách chính xác thế nhỉ!
– Ông muốn nói đến cánh trái phải không? – Kaixarov hỏi.
– Phải đấy, cánh trái của chúng ta bây giờ rất mạnh.
Mặc dầu Kutuzov đã đuổi tất cả những người thừa ra khỏi bộ tham mưu, sau tất cả những cuộc thay đổi nhân sự ấy, Boris vẫn tìm được cách xoay xở cho mình được ở lại bộ tổng tư lệnh. Boris làm sĩ quan phụ tá đều cho công tước Drubeskoy trẻ tuổi là một người chưa được đánh giá đúng mức.
Trong giới sĩ quan chỉ huy quân đội lúc bấy giờ có hai phái tách biệt nhau rất rõ rệt: phái của Kutuzov và phái của tham mưu trưởng Benrigxen. Boris theo phái thứ hai, và không ai có thể sánh kịp chàng trong cái nghệ thuật vừa tỏ ra sùng bái tôn thờ Kutuzov, lại vừa làm cho người ta cảm thấy rằng lão già kia bất tài và trong thực tế mọi việc đều do Benrigxen chỉ huy. Bây giờ đã đến giờ phút quyết định của cuộc tranh chấp. Nó sẽ hoặc tiêu diệt Kutuzov và trao quyền về Benrigxen, hoặc, nếu Kutuzov thắng trận, thì phải làm thế nào cho người ta tưởng rằng bao nhiêu công trạng đó đều do Benrigxen làm nên cả. Nhưng dù sao chăng nữa, đến ngày mai cũng sẽ ban cấp nhiều phần thưởng và sẽ đề bạt nhiều người, cho nên suốt ngày hôm ấy Boris cảm thấy phấn khởi khác thường. Sau Kaixarov có nhiều người quen khác đến gặp Piotr. Chàng không sao trả lời cho kịp những câu hỏi tíu tít về Moskva và không sao nghe hết được những câu chuyện họ kể lại. Trên gương mặt họ đều lộ rõ vẻ phấn chấn và lo âu. Nhưng Piotr thấy hình như vẻ phấn chấn trên gương mặt một số người bắt nguồn từ những vấn đề quyền lợi cá nhân nhiều hơn; và chàng không thể nào không so sánh với cái vẻ phấn chấn mà chàng đã thấy trên những gương mặt khác, trong đó không biểu hiện những vấn đề cá nhân mà lại biểu hiện những vấn đề chung, vấn đề sống và chết. Kutuzov nhận ra bóng dáng Piotr trong đám đông đứng quanh chàng.
– Bảo ông ta đến gặp tôi – Kutuzov nói. Viên sĩ quan phụ tá liền truyền đạt ý muốn của điện hạ.
Piotr đi về phía chiếc ghế dài. Nhưng chàng chưa kịp đến gần Kutuzov thì một người sĩ quan dân binh đã đến trước. Đó là Dolokhov.
– Hắn ở đây sao? – Piotr tự hỏi.
Quả là một tay gan dạ.
Dolokhov nói:
– Tôi nghĩ rằng nếu tôi trình bày với điện hạ thì cùng lắm là điện hạ đuổi tôi đi hay nói rằng điện hạ đã biết hết những điều tôi trình bày; như thế thì tôi cũng chẳng mất gì.
– Phải, phải.
– Nhưng nếu tôi nói đúng thì tôi sẽ có ích cho tổ quốc, mà tôi thì sẵn sàng hy sinh để phục vụ.
– Phải, phải.
Nếu điện hạ cần đến một người không tiếc mạng mình thì cúi xin điện hạ nhớ đến tôi… Có thể tôi sẽ có ích cho điện hạ.
– Phải, phải… – Kutuzov nhắc lại, mát giễu cợt nhìn về phía Piotr.
Trong lúc ấy, Boris, với cái khôn khéo của một kẻ triều thần, đã tiến lên đứng bên cạnh Piotr, trong tầm mắt của vị chỉ huy, và vẻ mặt hết sức tự nhiên, giọng thân mật, tựa hồ như đang tiếp tục một câu chuyện bỏ dở, chàng nói với Piotr.
– Dân quân đều mặc áo trắng sạch sẽ để chuẩn bị đón cái chết. Bá tước thấy không, thật là anh hùng?
Boris nói với Piotr điều đó dĩ nhiên là để cho điện hạ nghe.
Chàng biết Kutuzov để ý đến lời nói này, và quả nhiên Kutuzov quay về phía chàng hỏi:
– Anh bảo dân quân thế nào?
– Thưa điện hạ để chuẩn bị đương đầu với cái chết ngày mai, họ đã mặc áo trắng.
– Ô nhân dân thật kỳ diệu vô song – Kutuzov nói đoạn nhắm mắt lắc đầu – Thật là vô song! – Ông nhắc lại trong một tiếng thở dài.
– Ông muốn ngửi mùi thuốc súng phải không? – Kutuzov nói với Piotr – Phải đấy, cái mùi ấy thú vị lắm. Tôi được vinh dự làm con người hâm mộ quý phu nhân, phu nhân có mạnh khoẻ không? Doanh trại chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ông – Rồi, như ta vẫn thường thấy ở những người già, Kutuzov bắt đầu đưa mắt ngơ ngác nhìn quanh tựa hồ như đã quên hết những điều ông phải nói và phải làm.
Đột nhiên, hẳn là sực nhớ lại điêu đang muốn nói. Ông vẫy tay gọi Andrey Xergeyevich Kaixarov, em trai viên sĩ quan phụ tá của ông, lại gần.
– Này, anh có nhớ mấy câu thơ của Marin không? Mấy câu thơ ông ta viết về Gerakov: “Thà cứ làm thầy học trong trường lục quân”(1)… Anh đọc đi, đọc đi – Kutuzov nói, vẻ hiển nhiên là đang muốn có dịp cười.
Kaixarov đọc… Kutuzov mỉm cười gật đầu theo nhịp mấy câu thơ.
Khi Piotr rời Kutuzov, Dolokhov lại gần nắm lấy tay chàng.
Dolokhov cất cao giọng nói mội cách đặc biệt rắn rỏi và long trọng, và sự có mặt của những người lạ ở xung quanh hình như không làm cho chàng thấy vướng víu chút nào. – Trước cái ngày mà chỉ có Thượng đế mới biết trong chúng ta ai sẽ còn sống sót, tôi lấy làm sung sướng được dịp nói với ông rằng tôi rất ân hận về những chuyện hiểu lầm đã xảy ra giữa chúng ta và tôi rất mong muốn ông đừng để bụng giận tôi. Xin ông tha lỗi cho tôi.
Piotr nhìn Dolokhov mỉm cười không biết nên trả lời như thế nào. Dolokhov, nước mắt rưng rưng, ôm lấy Piotr và hôn chàng.
Boris nói mấy câu với chủ tướng của chàng, bá tước Benrigxen liền quay sang Piotr bàn với chàng cùng đi quan sát trận tuyến.
– Ông sẽ thấy thích thú, – Benrigxen nói.
– Vâng, rất thích thú. – Piotr đáp.
Nửa giờ sau. Kutuzov trở về Tatarinovo trong khi Benrigxen và đoàn tuỳ tùng, trong đó có Piotr, đi về phía tiền tuyến.
Chú thích:(1) S.N. Marin là một sĩ quan phụ tá của Alekxandr đệ nhất, có làm một bài thơ chế giễu G.V. Gerakov một nhà thơ tồi, đại ý nói: “Sao cứ làm thơ mãi cho độc giả chết mòn? Thà, cứ làm giáo viên trong trường lục quân”