Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 5 – Chương 1

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Sau trận cãi nhau với vợ, Piotr lên đường đi Petersburg. Ở trạm Torzok không có ngựa, hoặc giả người trạm trưởng không muốn cấp ngựa cho chàng. Chàng đành phải nán đợi. Chàng giữ nguyên quần áo, nằm dài trên chiếc đi-văng da sau chiếc bàn tròn, ghếch đôi chân to tướng đi ủng lót nỉ lên bàn và bắt đầu suy nghĩ miên man.

– Thưa ngài, có phải đem va li vào không ạ? Có cần dọn giường, pha trà không ạ? – Người hầu phòng hỏi.

Piotr không đáp, vì bây giờ chàng chẳng nghe thấy gì và chẳng trông thấy gì hết. Ở trạm trước, chàng đã bắt đầu suy nghĩ và vẫn cứ suy đi nghĩ lại về một việc gì ấy – việc ấy quan trọng đến nỗi chàng chẳng buồn đề ý đến những điều xảy ra quanh mình. Không những chàng không hề quan tâm đến vấn đề mình đến Petersburg sớm hay muộn, ở trạm này có chỗ nghỉ hay không, mà hơn nữa so với những điều đang khiến chàng bắn khoăn suy nghĩ thì có ở đây một vài giờ hay sẽ ở suốt đời cũng chẳng có gì quan trọng.

Hai vợ chồng trạm trưởng, người hầu phòng, một bà bán đồ thêu Torzok bước vào phòng để đợi chàng sai bảo. Piotr chẳng buồn nhúc nhích, cứ để nguyên cặp chân trên bàn. Chàng nhìn họ qua đôi kính trắng, không hiểu họ cần gì và tại sao tất cả những người này không cần phải giải quyết những vấn đề đang bắt chàng bận tâm suy nghĩ mà cứ sống được như thường. Chung quy cũng vẫn là những vấn đề đã luôn luôn khiến chàng suy nghĩ kể từ ngày đi đấu súng ở Sokolniki về, và qua cái đêm trằn trọc mất ngủ đầu tiên; chỉ có điều là bây giờ, trong cảnh đi đường cô độc, chàng vẫn cứ phải quay trở lại những vấn đề ấy mà chàng không tài nào giải quyết được nhưng cũng không thể thôi không không đặt ra cho mình được. Hình như cái đinh ốc chính trong đầu chàng, cái đinh ốc trước đây vẫn giữ vững tất cả cuộc sống của chàng, nay đã mòn đi. Cái đinh ốc này không vào sâu hơn nữa, nó không bật ra ngoài, mà lại cứ quay tại chỗ, không khớp vào đâu cả, quay mãi ở một nấc, mà cũng không thể nào làm cho nó ngừng quay được.

Người trạm trưởng bước vào, kính cẩn:

– Xin đại nhân nán đợi lấy hai giờ đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, rồi sau đó thế nào hắn cũng sẽ cung cấp ngựa trạm cho đại nhân.

Hẳn là hắn nói dối và chỉ tìm cách bòn thêm tiền hành khách: “Hắn làm như vậy là tốt hay xấu? – Piotr tự hỏi. – Riêng đối với ta thì tốt, nhưng đối với một hành khách khác thì xấu, còn đối với bản thân hắn thì lại là tất yếu, vì hắn không có gì ăn: hắn có bảo là một sĩ quan đã đánh hắn vì chuyện này. Mà sở dĩ viên sĩ quan kia đánh hắn là vì đang cần đi gấp. Còn ta, ta đã bắn Dolokhov bởi vì ta cảm thấy mình bị sỉ nhục. Louis XVI đã bị giết bởi vì người ta cho rằng ông ta phạm tội, rồi một năm sau, người ta lại giết kẻ đã giết ông ta, cũng lại vì một lý do đó. Cái gì là xấu? Cái gì là tốt? Nên yêu cái gì, nên ghét cái gì? Sống để làm gì, và ta là cái gì? Cuộc sống là gì? Cái chết là gì? Sức mạnh nào chi phối tất cả?” – Chàng tự hỏi. Và trong số những câu hỏi này không có lấy được một câu nào có lời giải đáp: nếu không phải là lời giải đáp sau đây, một lời giải đáp phi lý, hoàn toàn không trả lời vào câu hỏi: “Người sẽ chết và tất cả sẽ hết. Người sẽ chết và người sẽ biết tất cả hoặc người sẽ không còn phải hỏi han gì nữa”. Nhưng cái chết cũng là một điều đáng sợ. Bà bán hàng ở Torzok lanh lảnh cất tiếng chào mời, đặc biệt mời mua những đôi giày da dê. “Ta hiện có mấy trăm rúp mà ta chẳng dùng làm gì, còn cái bà mặc áo khoác lách kia thì lại đang đứng nhìn ta một cách rụt rè – Piotr suy nghĩ. – Vả chăng bà ta cần tiền đế làm gì mới được chứ? Tiền có đem lại cho bà ta thêm một mảy may hạnh phúc nào đâu, có làm cho tâm hồn bà ta yên tĩnh thêm một chút nào đâu? Ở trên thế gian này có cái gì có thể làm cho ta và bà ấy bớt lệ thuộc vào tội ác, vào cái chết hay không? Cái chết sẽ là chấm dút tất cả và nhất định sẽ đến, hôm nay hay ngày mai cũng thế thôi, bởi vì so với vĩnh viễn thì cuộc đời cũng chỉ là một khoảnh khắc”. Và chàng lại tìm cách vặn cái đinh ốc kia, cái đinh ốc đang quay tít mà chẳng khớp vào đâu cả mãi mãi vẫn cứ quay ở một nấc.

Người đày tớ đưa cho chàng một quyển tiểu thuyết băng thư của bà Xuza đã rọc một nửa. Chàng bắt đầu theo dõi trong quyển truyện những nỗi đau khổ và cuộc dấu tranh để theo đức hạnh của một cô Amélie de Mansfeld (1) nào đó. Chàng tự hỏi: “Tại sao nàng lại phải cố cưỡng lại người quyến rũ mình một khi nàng yêu người ấy? Thượng đế không thể đặt vào lòng nàng những khao khát trái với ý muốn của Người. Người vợ trước đây của ta không hề cưỡng lại dục vọng và có lẽ nó làm như thế là phải. Người ta chẳng phát hiện được gì mà cũng chẳng nghĩ thêm được điều gì cả. – Piotr nói một mình – Chúng ta chỉ biết một điều là chúng ta không biết gì hết. Đó là trình độ trí tuệ cao nhất của nhân loại”.

Chàng cảm thấy trong lòng chàng và chung quanh chàng tất cả đều hỗn loạn, vô nghĩa và đáng ghét. Nhưng ngay trong sự chán ghét đối với mọi vật chung quanh, chàng vẫn thấy có một khoái cảm riêng có sức khích động.

– Xin đại nhân làm ơn ngồi nhích tí chút để dành chỗ cho vị này – người trạm trưởng bước vào giới thiệu với chàng một người hành khách khác, cũng phải dừng lại đây vì thiếu ngựa. Người khách này là ông già người thấp, vai rộng, nước da vàng võ, mặt nhăn nheo, có đôi lông mày bạc trắng nhô ra trên đôi mắt sáng màu xám nhờ nhờ.

Piotr bỏ chân ở trên bàn xuống, đứng dậy và đến nằm trên cái giường mà người ta đã dọn cho chàng, chốc chốc lại đưa mắt liếc nhìn người mới đến. Người này, vẻ mặt cau có và mỏi mệt, mắt không nhìn chàng, đang cởi áo ngoài một cách khó nhọc với sự giúp đỡ của người đầy tớ. Khi chỉ còn cái áo tu-lúp đã cũ, bên ngoài phủ lụa Nam kinh, phủ lên cặp chân xương xẩu đi ủng da, người khách ngồi xuống đi-văng, dựa cái đầu to tướng với đôi thái dương rộng, tóc cắt ngắn, vào lưng đi-văng, và đưa mắt nhìn Bezukhov. Vẻ khắc khổ, thông minh và sâu sắc trong cái nhìn này khiến Piotr chú ý. Chàng muốn nói chuyện với người khách, và đã toan hỏi ông ta về cuộc hành trình, thì ông già đã nhắm mắt và khoanh hai bàn tay nhăn nheo lại. Piotr nhận thấy trên một ngón tay ông ta có đeo một chiếc nhẫn bằng gang to tướng khắc hình sọ Adam(2). Ông ta ngồi yên không biết là đang nghĩ ngợi hay đang trầm tư mặc tưởng về một điều gì. Người đày tớ cũng là một ông già nhỏ nhắn, mặ vàng và nhăn nheo, râu ria chẳng thấy, chắc không phải vì ông ta cạo mà vì ông ta vốn không râu. Người đày tớ già nhanh nhẹn mở cái hộp đựng đồ đi đường lấy đồ trà ra sắp lên bàn và mang lên một chiếc xamova nước xôi sùng sục. Khi mọi việc đã xong xuôi đâu vào đấy, người hành khách mở mắt, lại gần bàn rót cho mình một cốc nước trà, rót một cốc nữa cho ông già thấp bé không râu kia rồi đưa cho ông ta. Piotr bắt đầu bứt rứt, cảm thấy cần nói chuyện và thậm chí nhất định phải nói chuyện với người khách kia. Người đày tớ uống xong đem cốc đặt úp trên đĩa trà(3) với miếng đường đã gặm dở, và hỏi xem ông chủ có cần gì không.

– Không, không cần gì hết, ông đưa cho tôi quyển sách – người khách nói. – Người đày tớ đem quyển sách lại. Piotr thấy hình như đó là một quyển sách tôn giáo. Người khách bắt đầu đọc say sưa. Piotr nhìn ông ta. Đột nhiên người khách đọc sách một bên đánh dấu trang sách, nhắm mắt lại rồi lại dựa vào lưng ghế, ngồi với tư thế như lúc nãy. Piotr vẫn cứ nhìn ông ta. Chàng chưa kịp ngoảnh mặt đi thì ông gì đã lại mở mắt ra và cái nhìn cương nghị và nghiêm khắc cua ông ta đã dán chặt vào chàng.

Piotr cảm thấy khó chịu muốn tránh cái nhìn ấy, nhưng đôi mắt sáng quắc kia vẫn cứ thu hút chàng không sao cưỡng lại được.

Chú thích:

(1) Amélie de Mansfeld (1803) là tiểu thuyết của bà Cotin chứ không phải của bà Xuza – Ở đây tác giả nhớ lầm.

(2) Hình sọ người có hai cái xương chéo nhau ở dưới.

(3) Nông dân Nga thường úp chén lại để tỏ ràng mình không uống nữa. Người Nga khi uống trà thường không bỏ đường vào chén.

Chọn tập
Bình luận
× sticky